Dẫn nhập: Nhà Tần (秦) là hoàng triều Trung Quốc chính thức yểu mệnh nhất, chỉ kéo dài từ 221 đến 206 TCN. Ở Trung Hoa, triều đại này nổi tiếng với ách cai trị đầy áp bức và sự kiến thiết phiên bản đầu tiên của Vạn Ly Trường Thành (ừ, có nhiều phiên bản lắm).
Nước Tần đoạt lấy bá quyền: Trong một thời gian dài, nước Tần là nước yếu nhất* của thời kỳ Chiến quốc. Để hiểu được cách mà nước chư hầu này đoạt được bá quyền, chúng ta phải ngược về tận năm 905 TCN. Vào thời gian này, nhờ vào khả năng nuôi ngựa mà một người đàn ông tên Tần Phi Tử đã đắc sủng từ đương kim Chu vương. Khi nhà Chu bành trướng như vũ bão nhờ chế độ phong kiến**, Tần Phi Tử đã được phong đất Tần, ông trở thành chư hầu đầu tiên của nước Tần (tưởng tượng mà xem, trở thành nhà lãnh đạo của một đất nước nhỏ bé nhờ tài thuần hóa ngựa). Hàng trăm năm trôi qua mà không có biến động gì đáng kể (tất nhiên, như thế là đơn giản hóa), đến khi một triết gia và chính trị gia là Thương Ưởng (商鞅), một vị quan bất mãn từ nước Vệ (Vệ quốc, 卫国) sang nước Tần. Vào thời điểm đó, Tần Hiếu công đang cầu hiền, và Thương Ưởng chính là người hiền. Sau khi suy đi tính lại, Tần công đã thấy rằng mình là một trong những nước yếu nhất của thời kỳ Chiến Quốc, sẽ không có cơ hội thắng cuộc và thống nhất Trung Quốc nếu không cải cách triệt để, do đó vào năm 356 TCN, ông đã bổ nhiệm Thương Ưởng để cải tổ nước mình.
Pháp gia là gì? Để thực sự hiểu những cuộc cải cách của Thương Ưởng (và của nhà Tần nói chung), cần phải hiểu triết lý đằng sau đó: Pháp gia (vào thời điểm đó, có thể rằng ý tưởng về một triết lý mang tên “Pháp gia” chưa tồn tại; từ này là do các sử gia đời sau đặt). Mình sẽ đi sâu vào chi tiết về Pháp gia trong một bài viết sau về giáo lý của thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, nhưng bài hôm nay thì lại chỉ tổng quan “tóm lược”, thì nôm na là thế này: Về mặt cốt lõi, Pháp gia là tín ngưỡng rằng con người có bản tính ích kỷ và thiển cận (rất chi là tích cực). Do đó, các triết gia Pháp gia tin vào việc dùng luật pháp để dẫn dắt xã hội, bằng cách áp đặt hình phạt hà khắc lên những kẻ bất tuân lề lối, cũng như khen thưởng những người tuân phục. Khác với Pháp gia, Nho gia tin vào đạo đứcthiện căn của con người. Do đó, Khổng Tử tin rằng nếu vị quốc chủ hành động với thiện tâm, người dân của họ sẽ tuân theo đường hướng và cũng sẽ trở nên đoan chính và có đạo đức. Để đạt được mục đích sử dụng luật pháp dẫn dắt xã hội, các triết gia Pháp gia tin vào việc cải cách giúp tập quyền hóa và gây dựng lòng tuân phục tuyệt đối từ dân chúng. Khi nói về các triết lýtôn giáo, một câu hỏi thường gặp là ai đã lập nên nó? Câu trả lời là chúng ta không biết. Pháp gia đã thay đổi quá xa, do rất nhiều triết gia đã thêm thắt vào đó, đến nỗi không có một câu trả lời rõ ràng về người “sáng lập”. Tuy nhiên, nhìn chung, người ta công nhận rằng hình tượng đại diện cho Pháp gia là một người tên Hàn Phi Tử (韩非子). Ông nổi tiếng về việc đóng góp to lớn cho Pháp gia, không giúp cải tổ đất nước như Thương Ưởng, nhưng bằng việc biên soạn hàng tá kinh thư về triết lý tên Pháp gia, những ý tưởng này sẽ được hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng (秦始皇), đọc và sử dụng.
Thương Ưởng cải cách: Tuy những cải cách của Thương Ưởng cho nước Tần là không nhiều, chúng vẫn có tác động mãnh liệt và lâu dài. Những lệnh cải cách này đã tước đi quyền lực của giới quý tộc và hướng nền kinh tế vào xây dựng một quốc lực quân sự hùng mạnh để đối đầu tất cả các nước thù địch. Đó là:
- Cải cách chính quyền: Thiết lập huyện chế (县制), các Tần công được trực tiếp lựa chọn người cai trị các địa phương khác nhau, điều này bãi bỏ quyền lợi cha truyền con nối của giới quý tộc. Cải tổ chế độ hộ tịch (户籍), thắt chặt kiểm soát dân số và nơi sống. Luật pháp nghiêm trị hơn, hình phạt hà khắc hơn khiến tội trạng cũng giảm thiểu đi.
- Cải cách kinh tế: Bãi bỏ tỉnh điền chế (井田制), là một chế độ mà nông nô nhận một khoảnh đất và lúa gạo trồng được trên đó, cùng một khoảnh đất trung tâm quốc hữu, một phần lúa gạo được chia cho giới quý tộc. Chế độ này không hữu hiệu, vì nếu bạn là một nông dân, bạn sẽ dồn tâm sức để chăm bón ruộng đất của mình, hơn là chỗ đất mà bạn không thể thu hoạch. Do đó, Thương Ưởng đã thay đổi nó thành chế độ mà ngày nay chúng ta thân thuộc trên hầu hết quốc gia, đó là mọi đất đai có thể được mua bán tự do, do chính quyền đánh thuế (ừ, hệ thống nông nghiệp Trung Quốc không thay đổi nhiều sau bao năm). Vài cải cách kinh tế khác có thể kể đến là khuyến khích sản xuất thóc lúa vải vóc để được miễn sưu dịch, cùng với thống nhất hệ thống đo lường (độ lượng chế, 度量衡).
- Cải cách quân sự: Nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Phần thưởng là ban tước và đất dựa trên số quân thù giết được. Điều này khiến người dân quyết chí tham chiến hơn, do vào thời đó, đây là một trong những cách duy nhất để leo lên bậc thang xã hội.
Vấn đề lớn của những sự cải cách này là đá đi bát cơm của giới quý tộc (tiếng Trung: bánh liễu quý tộc đích đản cao碰了贵族的蛋糕). Về bản chất, trong công cuộc tập quyền hóa trung ương, Thương Ưởng đã tước đi rất nhiều quyền lực từ tay quý tộc, và họ không hài lòng. Do đó, sau khi Tần Hiếu công qua đời, Thương Ưởng sẽ chịu một cái chết thảm, đó là xé xác bằng xe (xa liệt, 车裂).
Chiến thuật của nước Tần: Nhờ những sự cải cách của Thương Ưởng và nhiều triết gia Pháp gia khác, nhà Tần sẽ dần dần trở thành cường quốc thứ nhất của nhà Đông Chu. Điều này khiến sáu liệt quốc còn lại hợp tung liên hoành lại để chống trả. Vấn đề của liên minh này là tính bất đắc dĩ, một số nước lại kình địch nhau lâu dài, khiến mạng lưới liên minh trở nên rất yếu nhược, nhà Tần đã lợi dụng điều đó. Tóm lại là Tần đã liên minh với các nước đằng xa, nhờ vào họ để đánh tan các nước lân cận với Tần. Sau đó, nước Tần lật mặt với đồng minh và chiếm lĩnh toàn cõi Trung Hoa. Tuy chiến lược này đã thành công rực rỡ, nó đã khiến giới quý tộc của các chiến quốc, những người bị phản bội, trở nên ghét bỏ nước Tần. Và vì họ chưa bị diệt cỏ tận gốc nhờ chế độ nhị vương tam khác (二王三恪, hai vua ba kính cẩn), những quý tộc này sau đó sẽ gây phiền hà cho nhà Tần và khiến nó suy tàn.
Các vấn đề nội bộsự suy vong của nước Tần: Có nhiều lý do khiến nước Tần cáo chung, nhưng trong bài này, mình chỉ nói về 4 nguyên do chính. - Sưu cao thuế nặng: Từ khi nhà Tần đánh bại mọi chiến quốc khác, nó có vô vàn cấu trúc hạ tầng cần phải tu sửa. Trên hết, nhà Tần đã xây dựng các đền đài miếu mạo hùng vĩ mà dù lộng lẫy bao nhiêu thì cũng rất xa hoa. Để sung quỹ cho những dự án này, hoàng đế không chỉ khiến dân chúng phải trả hàng loạt thứ thuế phi lý, khác xa nhà Chu, mà còn cưỡng ép dân Trung phải đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh để xây dựng cơ sở hạ tầng mà không trả chút gì.
- Hình phạt và luật pháp hà khắc: Tuy tỷ suất tội phạm đi xuống vì sợ cực hình, nhiều “điều luật” đã quá khắt khe, dẫn đến khởi nghĩa Đại Trạch Hương (大泽乡) và nỗi sợ tử hình dai dẳng của người dân.
- Thiếu vắng người tài mới và bó buộc tư tưởng: Việc đốt sách chôn Nho (đốt kinh sách và chôn sống những Nho sĩ, “phần thư khanh Nho”, 焚书坑儒) là một ví dụ điển hình (không có nghĩa là tốt) về nỗ lực quy các trường phái tư tưởng khác nhau về một mối Pháp gia của nhà Tần. Điều này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm các hiền tài tân tiến, cũng như tăng số tham quan.
- Giới quý tộc bất mãn: Sau khi nhà Tần tiêu diệt các chiến quốc khác, giới quý tộc của các nước này vẫn có quyền lực đáng kể và phật ý với hoàng đế.
Những yếu tố này cùng vài nhân tố khác đã làm nhà Tần cáo chung, theo đó là Pháp gia (trên một mức độ nào đó… chuyện phức tạp lắm). Từ đó, chúng ta chứng kiến các lý tưởng Nho gia dần dần trỗi dậy dưới thời Hán.
- Trong thời Chiến quốc, có nhiều nước nhỏ hơn Tần, nhưng chúng không đủ quan trọng để được nhắc đến trong bài tổng quan này. Vào thời này, có bảy cường quốc: Tề (齐), Sở (楚), Yên (燕), Hàn (韩), Triệu (赵), Ngụy (魏) và Tần (秦).
** Chế độ phong kiến của nhà Chu có nhiều tính chất giống với “feudal system” của phương Tây, nhưng nó không đồng nhất.
*** Sự tồn tại của một chế độ phục tùng như thế vẫn đang được tranh luận, tuy có nhiều văn thư nói về cách thức tồn tại và hoạt động của chế độ đó, chúng ta vẫn chưa thể tìm ra các chứng cứ khảo cổ nào.
Đồng tình với mọi chi tiết, trừ kiến giải của bạn về sự suy vong của nhà Tần. Việc đốt sách là một sự kiện lịch sử đang bàn cãi, và có thể không thực sự quan yếu đến việc Tần vong quốc. Lời giải thích rõ ràng nhất mà tôi từng đọc đó là về bản chất, nhà Tần được lập trình để giao chiến liên miên, đến khi không còn kẻ thù nữa, nó thất bại trong việc nội trị.
Mình định nói y vậy luôn: Nhà Hán, không ngạc nhiên, đã cật lực tuyên truyền về lý do Tần vong, hầu hết lời tuyên truyền không được suy tính thấu đáo; đó là trước khi có sai sót trong dịch thuật, khiến người ta nghĩ rằng nhà Tần đã mộ quân trên một nửa các quận huyện, thay vì một số vùng đặc thù.
Điều duy nhất có thể chắc chắn tuyệt đối là nhà Tần đã không huy động nhân lực để đấu với phiến quân, gần như vì sự đấu tranh nội bộ trong quá trình kế vị.
Bạn đã đúng khi nói rằng việc đốt sách chôn Nho là không đáng kể trong sự suy vong của nhà Tần, và có lẽ đáng ra mình không nên thêm vào. Đó chỉ là một điển tích hay về cách mà Tần Thủy Hoàng hành xử trong những năm cuối đời; không quan tâm nhiều đến việc chiêu hiền đãi sĩ, chỉ chú tâm đến việc sống viên mãn và trở nên bất tử. Điều này cùng những nhân tố khác đã khiến triều đình tràn ngập những tham quan mục ruỗng (và trên hết là bất trung), mình cho rằng chúng đã phần nào dẫn đến sự cáo chung của nhà Tần (nhiều người tin rằng Tần Thủy Hoàng bị ám sát). Về lý do mà bạn đưa ra về việc nhà Tần vong quốc, bạn có thể giải nghĩa rõ hơn được không? Có những điều luật hay pháp chế tệ hại nào khác ngoài chiến tranh?
Nếu muốn viện dẫn điển tích để chỉ ra mức độ lũng đoạn, hãy lấy ví dụ về câu chuyện “gọi hươu là ngựa” (chỉ lộc vi mã, 指鹿为马). Về cơ bản, người kế vị đầu tiên của Tần Thủy Hoàng (Tần Nhị Thế) bị thách thức bởi thừa tướng từ phía sau. Một ngày, tên thừa tướng đem vào một con hươu rồi gọi đó là con ngựa. Tần Nhị Thế nói rằng hắn ta đang đùa, rồi tên thừa tướng triệu hồi tất cả quan lại và hỏi rằng chúng thấy cái gì. Một số người hùa theo và bảo đó là con ngựa. Một số không nói gì, ngầm hiểu thừa tướng đang mưu mô. Một số nói sự thật; rốt cuộc bị giết bởi thừa tướng.
Hai chữ ngựa lộc (馬鹿) dần trở thành “baka” – nghĩa là ngu ngốc trong tiếng Nhật. Chỉ những thằng ngu mới trụ lại trong Tần triều.
Ngoài ra, Tần còn giảm thiểu tầm ảnh hưởng của các vua chư hầu và quý tộc. Tần Thủy Hoàng muốn lấy bộ sậu quan lại làm cơ sở của chính quyền, nhưng 15 năm là không đủ để tuyển mộ nhóm quan lại trung thành để duy trì hoàng quyền.
Không phải tự dưng mà nhà Hán phong vương nhiều như vậy.
Nhà Tần là nước đầu tiên mà quân chủ tự xưng là hoàng đế (皇帝), tương đương với từ tiếng Anh emperor. Mình nghĩ rằng nhà Thương, Chu, Tấn hay thậm chí Sở là các đế quốc Trung Hoa cổ điển đầu tiên.
Mình thiên về việc gọi các tiền thân của nhà Tần là kingdom (vương quốc) trong tiếng Anh, do sự thay đổi về tước vị Trung Hoa, về nguyên lý trị quốc và độ bành trướng “đế quốc chủ nghĩa” của nhà Tần so với Chu. Nhà Tần cũng đã đặt những nền tảng đầu tiên về công cuộc thống nhất văn hóa của “Trung Quốc”, từ việc san định văn tự của người Trung và bành trướng uy quyền ra khu vực được dân Nam man (phần lớn là chỉ người Việt và Thái) và Đông di (có thể là về người Nam Đảo và Nhật BảnJaponic) phi Hán sinh sống, nơi trở thành Nam và Đông Trung Hoa ngày nay.
Khái niệm Trung Quốc (Hoa), quốc chủ Thiên Tử 天子 và man di xuất phát từ thời Chu. Nhiều nước chư hầu của nhà Chu ở trung nguyên không phải là người Hán. Tuy chúng ta không biết Hoa thực sự nghĩa là gì trong thời Chu, hay thậm chí nhà Chu có phải người Hoa hay không. Có lẽ yếu tố Hoa được hình thành từ thời Tần, hoặc văn hóa Sở. Chẳng hạn, gốm sứ, rồng Hoa, vv. gần với nghệ thuật nước Sở hơn đồ đồng thời Chu. Dù sao, hầu hết những gì chúng ta biết về những triều đại trước đó cũng đến từ văn phẩm thời Chiến quốc.
Có lẽ đáng chú ý là cái tên China (Trung Quốc trong tiếng Anh) có từ nguyên là qin (Tần)
Đáng tiếc là chúng ta không đủ thông tin để thực sự đưa ra kết luận này, do các lý luận chỉ quy về phát âm tương đồng. Biết đâu từ nguyên của China có thể đến từ các vương quốc khác cũng có tên gọi tương tự.
Bạn giải thích thêm về chế độ nhị vương tam khác được không?
Nó là kiểu phần thưởng để vỗ về các triều đại bị lật đổ. Nó bắt nguồn từ việc nhà Thương bị thay triều đổi đại bởi nước Chu (ừ, nhà Chu lấy quốc hiệu từ đất được phong từ trước). Nhà Chu đã dốc tiền của để phân tích xem nên trừ khử những thành viên còn lại của vương tộc Thương như thế nào. Cái giá phải trả có thể là bất ổn chính trị, do nhà Thương, những nguyên lãnh đạo, có thể vận động quần chúng để trung hưng và đánh đổ nhà Chu, khi họ vẫn đang huy động tài nguyên để vận hành nhà nước. Tuy nhiên, nhà Chu cũng nhận ra rằng nếu họ có thể dùng quân lực để đoạt lấy quyền lực thì người khác cũng có thể làm vậy, do đó theo luật nhân quả, tha cho cựu vương tộc là một điều khôn ngoan, nếu không muốn chịu hậu quả tương tự. Hơn nữa, nếu họ ban cho cựu triều một địa vị xã hội đáng kính, lòng bất mãn có thể sẽ không đủ để dấy loạn. Những kẻ hưởng ứng tiềm năng sẽ coi việc chấp nhận tước phong như một dấu hiệu hợp tác, do đó sẽ không bằng lòng khởi binh, càng giảm thiểu mối họa phiến loạn. Điều cuối là việc ban một số tước vị trong triều đình cho cựu triều sẽ giúp giám sát chúng dễ dàng hơn, cũng như làm chúng phụ thuộc hơn vào chính quyền để dễ bề sinh sống, làm giảm ý chí phản loạn.
Do đó, khi một triều đại cai trị bị tước quyền lực, đương kim quốc chủ sẽ dành cho cựu quân một tước vị cao quý và một đất phong trong chính quyền mới. Điều này giúp các cựu vương có thu nhập vừa đủ để tự nuôi sống bản thân. Do họ có tước hiệu hình thức, theo nghi thức triều đình, họ phải dành một mức độ tôn trọng đáng kể trong việc cầu phong, như thể một vị quan cấp cao trong đương kim chính quyền vậy. Điều này giúp sự thay triều đổi đại trở nên lành tính hơn. Thêm vào đó, chính sách có vẻ nhân từ này giúp phông bạt cho tân đương triều, cũng giúp họ được tôn kính hơn.