uy-vien-thuong-truc-uy-ban-van-hoa,-giao-duc-quoc-hoi:-“xui-giuc-nguoi-khac-tu-tu-la-phi-nhan-tinh”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội: “Xúi giục người khác tự tử là phi nhân tính”

Xuất hiện những nhóm xúi giục người khác tự tử có thể gây ra những hệ lụy rất lớn

Liên quan đến những hội nhóm xúi giục, khuyến khích người khác tự tử trên mạng xã hội, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, việc xuất hiện những nhóm này là một vấn đề nghiêm trọng và có thể gây ra những hệ lụy rất lớn cho những người bị ảnh hưởng, nhất là trẻ em. 

“Việc kích thích, khuyến khích hoặc thúc đẩy người khác tự tử không chỉ là phi nhân tính mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực và nguy hiểm cho tâm lý và sức khỏe tinh thần của nhiều người”, ông Sơn cho hay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội:

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo ông Sơn, hệ luỵ của việc xuất hiện những nhóm xúi giục tự tử có thể bao gồm: thứ nhất là ảnh hưởng đến tình mạng, theo đó, những người yếu đuối về tinh thần và có ý định tự tử có thể bị lung lạc, dẫn đến dễ thực hiện hành động tự tử. 

Thứ hai là tăng ý định tự tử. Những người có ý định tự tử trước đây có thể trở thành củng cố ý định của mình khi thấy những nhóm xúi giục tự tử. Sự khuyến khích và lặp đi, lặp lại từ những thông tin này có thể làm tăng nguy cơ tự tử. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội:

Thông tin đăng tải trên nhóm “Hội những người muốn tự tử” trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Thứ ba là lây nhiễm tâm lý. Những nhóm xúi giục tự tử có thể lan truyền những ý tưởng tự tử và tác động xấu đến những người xung quanh, đặc biệt là những người có tâm lý yếu. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những hành động tự tử trong cộng đồng. 

“Để đối phó với vấn đề này, theo tôi, cơ quan quản lý có thể thực hiện 4 biện pháp. Đầu tiên là kiểm duyệt và xóa bỏ nội dung. Các cơ quan quản lý cần làm việc với các nền tảng truyền thông xã hội và các trang web để kiểm soát nội dung mà họ chia sẻ và xóa bỏ những bài viết, nhóm và trang web liên quan đến xúi giục tự tử”, ông Sơn đưa ra.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội:

Phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường nhằm chia sẻ với học sinh, giải toả khó khăn về đời sống, tinh thần khi các em ở lứa tuổi mới lớn. Ảnh: Gia Khiêm

Thứ 2, là nâng cao nhận thức của cộng đồng. Công chúng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của những nhóm xúi giục tự tử. Thông qua việc cung cấp thông tin và tạo ra các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, cơ quan quản lý giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này và cách phòng chống.  

Thứ ba là cung cấp hỗ trợ tâm lý cho những người có nguy cơ tự tử là một biện pháp quan trọng. Các tổ chức tâm lý ở xã hội, cộng đồng, trong nhà trường cần đẩy mạnh và quảng bá một cách rộng rãi để mọi người có thể tìm đến khi cần. 

“Cuối cùng là hợp tác với các bên liên quan khác như gia đình, nhà trường, đoàn thanh niên,… để giám sát và xử lý các nhóm xúi giục tự tử cũng như tổ chức các sinh hoạt gắn kết các thành viên, tránh xa tác hại tiêu cực của thế giới ảo, có thể tăng cường hiệu quả của việc ngăn chặn và đối phó với vấn đề này”, ông Sơn nói thêm.

Xúi giục, giúp người khác tự sát có thể bị phạt tới 7 năm tù

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã chia sẻ những vấn đề pháp lý.

Cụ thể, theo luật sư Cường, trong cuộc sống thì không phải lúc nào người ta cũng hài lòng về thực tại, cảm xúc, trạng thái của tâm lý của con người cũng có thể luôn thay đổi do tác động của ngoại cảnh. Bởi vậy nhu cầu giao tiếp, mong muốn được những người xung quanh cảm thông, tha thứ, chia sẻ của con người trong cuộc sống, trong đời sống xã hội là nhu cầu thường trực. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội:

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, hành vi xúi giục, giúp người khác tự sát có thể bị phạt tới 7 năm tù. Ảnh: NVCC

“Khi một người gặp chuyện buồn, lo âu, bế tắc thì rất cần có sự cảm thông, chia sẻ, động viên của người khác, đặc biệt là những người bị áp lực bởi cuộc sống hoặc trẻ em ở độ tuổi phát triển, thay đổi về tâm sinh lý (rất dễ bị cảm xúc chi phối, dễ bị kích động, bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài) thì nhu cầu được chia sẻ, cảm thông sẽ thường xuyên hơn. Khi đó nếu những người xung quanh, những người mà họ tiếp xúc không chia sẻ, giúp đỡ, động viên, hướng đến những điều tích cực mà lại ‘đổ dầu vào lửa’, kích động xúi giục tự sát thì đó là hành vi hết sức nguy hiểm”, luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, với môi trường mạng internet thì khả năng kết nối theo cấp số nhân. Người tham gia mạng internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội thì rất dễ dàng có thể tìm kiếm một người chia sẻ, một hội nhóm cùng sở thích, cùng tâm trạng. 

Tuy nhiên, nếu những người đang ở tâm trạng không tốt, có những suy nghĩ tiêu cực mà lại tham gia vào các hội nhóm toàn những người suy nghĩ tiêu cực, bế tắc, không chia sẻ động viên nhau mà lại về hùa, xúi giục nhau suy nghĩ và thực hiện các hành vi tiêu cực trong đó có tự tử hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cướp tài sản, trộm cắp, giết người thì đó là các hội nhóm nguy hiểm, có thể thúc đẩy nhiều người lâm vào tình thế nguy hiểm về cơ thể và nguy hiểm về pháp lý.

“Trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những hội nhóm tiêu cực như: Hội nhóm những người thích tự tử, Hội nhóm những người vỡ nợ thích làm liều… Nhiều người tham gia các hội nhóm này đã bị tiêm nhiễm những suy nghĩ tiêu cực, quan điểm lối sống thiếu lành mạnh gây ra những cảm xúc tiêu cực và dẫn đến những hành động dại dột vi phạm pháp luật hoặc xâm hại đến thân thể bản thân”, luật sư Cường nhấn mạnh. 

Theo đó, các hoạt động của tổ chức cá nhân trên không gian mạng phải tuân thủ các quy định của pháp luật cả luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Việc thành lập các hội nhóm, tham gia các hoạt động trên mạng xã hội phải tuân thủ Luật an ninh mạng. 

“Hành vi đưa những thông tin trái phép nên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet là vi phạm luật an ninh mạng, vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8 và Điều 18 của luật an ninh mạng, Điều này cấm các hành vi như hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 

Bởi vậy, người thực hiện hành vi xúi giục người khác tự sát hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là những hành vi bị cấm. Hành vi bị cấm mà thực hiện trên không gian mạng thì tính chất nguy hiểm càng cao, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên hành vi sử dụng mạng internet để phạm tội nhiều trường hợp được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Xúi giục người khác tự sát hoặc giúp đỡ người khác tự sát là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này thúc đẩy người khác thực hiện hành vi tự tử. Đặc biệt là hành vi xúi giục trẻ em tự sát là hành vi nguy hiểm nên người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường phân tích.

Cũng theo luật sư, người thực hiện hành vi xúi giục, giúp đỡ người khác tự sát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 bộ luật hình sự với hình phạt có thể tới 7 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 131. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ; Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ. Thứ 2, phạm tội làm 2 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

“Trong xã hội không ít những người gặp bế tắc, bị yếu tố bệnh lý tác động hoặc do yếu tố tâm lý lứa tuổi mà đã có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí dẫn đến việc tự sát. Đây là chuyện rất đáng buồn và đáng lo ngại ở độ tuổi thanh thiếu niên. Những hành động như vậy là dại dột, thiếu suy nghĩ, tự hủy hoại bản thân và tương lai của mình, gây đau thương cho gia đình và lo lắng cho cộng đồng xã hội. 

Bởi vậy, trách nhiệm của những người tỉnh táo, của những người lớn là cần phải phát hiện kịp thời, động viên, giúp đỡ những người đó để họ vượt qua trạng thái cảm xúc, tâm lý, diễn biến cảm xúc không tốt. Nhưng nếu không may gặp phải những người lại có suy nghĩ và hành động tiêu cực, có lời lẽ hoặc hành vi xúi giục kích động những người đó tự tử thì hậu quả sẽ là nghiêm trọng”, luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, để giảm thiểu những vụ việc tự tử thì không những giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các bạn trẻ mà còn phải loại bỏ các nguyên nhân điều kiện để thúc đẩy các bạn trẻ thực hiện hành vi tự tử, trong đó có kiểm soát các thông tin, hoạt động trên mạng internet. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hội nhóm có những thông tin hành động tiêu cực, xem xét xử lý những người quản lý điều hành những hội nhóm này khi để những thông tin trái phép được đăng tải. Ngoài ra cũng cần xem xét trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong việc để tràn lan những thông tin trái phép trên mạng xã hội đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *