TUỔI 20 – NỖI SỢ CỦA BẠN LÀ GÌ?

Hôm nay, chúng mình hãy nói về những nỗi sợ hãi, cách chúng bào mòn lý trí và kéo ta xuống vũng lầy. Làm thế nào để thoát khỏi những nỗi sợ là một câu hỏi khó, mà chỉ có chính bản thân mỗi người mới có câu trả lời.

NHỮNG NỖI SỢ LUÔN THƯỜNG TRỰC

Từ hồi bé mẹ đã hay bảo, mình suy nghĩ nhiều quá, toàn những thứ vẩn vơ, đâu đâu. Mình hay để ý đến lời nói của người khác. Nếu đó là lời khen thì mình sẽ vui lắm. Còn ngược lại, mình sẽ thẫn thờ, suy nghĩ mãi về điều họ nói. Rồi buồn, rồi thất vọng, và ti tỉ những điều tiêu cực khác sẽ ập đến.

Trông mình có ổn không? Mình làm như vậy đã tốt chưa? Liệu họ có hài lòng với mình không nhỉ? Mình tự vấn bản thân và ánh mắt mình luôn dán lên gương mặt người khác. Mình tìm kiếm sự thay đổi trên biểu cảm của họ, chỉ cần có một chút xíu khác lạ, mình sẽ căng thẳng, nơm nớp lo sợ. Mình sợ bị phán xét, sợ mình làm không tốt, sợ ảnh hưởng đến người khác.

Nỗi sợ này lớn dần và sản sinh ra những nỗi sợ khác. Ngày bé, nỗi sợ của chúng mình chỉ là những nỗi sợ cỏn con. Khi lớn lên, nỗi sợ đó có thể mất đi, hoặc biến tướng thành những nỗi ám ảnh.

Hồi cấp 3, trong một lần đứng dậy đọc bài đọc môn tiếng Anh, mình bị vấp và trở nên ngắc ngứ. Mình vẫn nhớ rõ những ánh mắt đổ dồn về phía mình, gương mặt mình nóng bừng và đầu óc thì trống rỗng. Sẽ chẳng ai nhớ đến những sai sót bé tẹo của người khác. Chỉ có mình tua đi tua lại cảnh tượng ấy, để rồi nhấn chìm bản thân trong sự xấu hổ và tự trách.

Mình bước vào cánh cửa đại học với nỗi sợ vẫn luôn hiện hữu. Bạn bè mới, môi trường mới, đầy rẫy những điều lạ lẫm, cũng vô vàn áp lực đang chờ đợi. Khi ở một nơi có quá nhiều người nổi bật, bạn lại rất đỗi bình thường, sự tự ti và áp lực phải trở nên hoàn hảo sẽ đổ ập tới. Theo hướng tích cực, bạn sẽ tốt lên. Hoặc không, bạn sẽ chật vật vô cùng, rồi hoảng loạn bỏ chạy.

Mình học hành chẳng đâu vào đâu, khả năng viết cũng chỉ tàm tạm. Có lẽ việc mà một người không-đủ-giỏi thường làm là so sánh bản thân với người khác.

Sự tự ti khiến mình cảm thấy bản thân không-đủ-giỏi, không-đủ-tốt và chỉ muốn giấu nhẹm mọi khiếm khuyết của bản thân. Mình bắt đầu trở nên sợ đám đông. Ngồi trong phòng học có mấy chục sinh viên khiến mình bồn chồn, đứng ngồi không yên. Cơ thể mình nhấp nhổm và đôi chân luôn trong trạng thái sẵn sàng đứng phắt dậy.

Đứng dậy phát biểu ý kiến, trả lời câu hỏi là việc vô cùng khó khăn với mình. Sự dò xét và đánh giá từ các ánh nhìn làm mình khiếp đảm. Bụng dưới mình co thắt, gương mặt nóng bừng, da đầu tê rần và thanh âm thì tắc nghẽn nơi cuống họng. Bật ra khỏi miệng chỉ có những từ ngữ lộn xộn, chúng khiến mình trở nên ngớ ngẩn trước mặt mọi người.

Nỗi ám ảnh dần được hình thành, nó ăn mòn tâm trí và khiến mình sợ hãi cùng cực. Căn bệnh tâm lý đầu tiên đã tìm đến mình – ám ảnh sợ xã hội. Mình hay bỏ tiết giữa chừng, bỏ chạy khỏi buổi tọa đàm của khoa. Việc đến trường trở nên thật đáng sợ. Mình thường xuyên nghỉ học, vì chỉ khi ở một mình, mình mới có cảm giác an toàn.

THAY VÌ TÌM CÁCH ĐỐI DIỆN VỚI NỖI SỢ, MÌNH ĐÃ BỎ CHẠY

Đầu năm 2020, mình quyết định bảo lưu việc học ở trường. Lựa chọn này là cách mình chạy trốn. Mình vẫn thường bảo rằng vì không thích ngành đang học nên mình nghỉ, nhưng đó chỉ là một phần lý do.

Mình không có đủ can đảm để đối diện với những rào cản tâm lý. Mình hoảng loạn tháo chạy như một binh lính buông bỏ mọi thứ, đầu hàng một cách nhu nhược và đớn hèn.

Lúc đó mình không hiểu được rằng, bỏ chạy không phải cách giải quyết vấn đề.

Mình cũng từ bỏ viết lách – thứ từng là niềm hạnh phúc, là ước mơ thôi thúc mình tiến về phía trước. Trong đầu mình luôn mặc định bản thân kém cỏi, mình sẽ không được công nhận. Xung quanh mình có biết bao người viết hay, mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa cồn cát mênh mông. Dù mình tồn tại cũng không được nhìn thấy, biến mất cũng chẳng ai để tâm.

Sau khi vứt bỏ mọi thứ phía sau, mình quyết định kiếm một công việc. Mình bắt đầu hành trình mới với con người cũ. Nên là, mình vẫn tự ti, nhút nhát, sống trong lo sợ. Mình tưởng bản thân đã thoát ra khỏi vực sâu, nhưng hoá ra mình lại rơi xuống một vách đá khác.

Ngay trong những buổi đầu đi làm mình đã nghĩ, việc này không phù hợp với mình, nó quá khó, mình không thể làm được. Mình tìm đủ mọi lý do để chùn bước, và rồi mình từ bỏ ngay cả khi chưa bắt đầu.

Những cuộc tháo chạy vẫn diễn ra tuần tự. Tìm việc, bỏ giữa chừng, dằn vặt bản thân. Suy sụp tinh thần là điều không thể tránh khỏi, mình gần như đã bị nuốt chửng bởi trầm cảm. Những cuộc tấn công về mặt tinh thần khiến mình gục ngã và thoi thóp. Đó là hậu quả mà những cuộc tháo chạy để lại cho mình.

MÌNH ĐÃ BỎ LỠ NHỮNG GÌ?

Nỗi sợ càng nhiều thì những điều bị bỏ lỡ càng lớn.

Nghỉ học năm 19 tuổi, mình không được trải nghiệm trọn vẹn quãng thời gian sinh viên, cũng vứt bỏ cơ hội trở thành một cử nhân chuyên ngành Văn Học. Mình không được thu nạp những kiến thức quý báu, bỏ lỡ cơ hội mở rộng các mối quan hệ. Nên khi bước chân vào xã hội, mình bỡ ngỡ, hoang mang, liên tục va vấp.

Mình biến bản thân thành một người yếu đuối, không có trí tiến thủ, ngại va chạm và chỉ dám ở trong vùng an toàn. Những cơ hội, công việc nằm trong tầm tay cũng bị mình gạt bỏ không thương tiếc.

Những ước mơ cũng bị dập tắt. Như căn phòng bị mất điện vào buổi đêm, một cách đột ngột và hoang mang. Mình dò dẫm, mất phương hướng. Không còn ánh sáng của ước mơ chỉ lối, mình không biết phải làm gì và bước tiếp như nào. Nên mình cứ loay hoay mãi một chỗ, cùng với sự tuyệt vọng và sợ hãi.

Mình đã có thể làm được nhiều điều hơn, có được nhiều thứ hơn. Như là một công việc tốt, những trải nghiệm thú vị, hay như là, sống một cách nhiệt huyết và không ngừng tiến tới những điều tốt đẹp.

LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG NỖI SỢ?

Hôm trước có một em gái nhắn tin cho mình qua page. Em nói về việc em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những lời đàm tiếu xung quanh. Em cũng là một người hướng nội và đang chán chường với mọi thứ. Em xin mình lời khuyên và cách để vượt qua những điều tồi tệ.

Phải mất một lúc mình mới trả lời được em. Thực ra chính mình cũng không rõ lắm, vì mình vẫn đang đi tìm kiếm câu trả lời. Sẽ thật sáo rỗng khi nói những lời cổ vũ rằng hãy tự tin lên, đừng bận tâm đến cái nhìn của người khác.

Nói miệng thì dễ, ai cũng nói được. Nhưng có vượt qua được hay không thì phải dựa vào cách nghĩ của mỗi người. Chúng mình nhìn nhận vấn đề như thế nào thì sẽ đưa ra các lựa chọn, quyết định tương ứng.

Mỗi người phải tự đi tìm cho mình câu trả lời, một biện pháp để khắc phục những nỗi sợ, chướng ngại tâm lý. Mình thì, mình vẫn còn để tâm đến lời bình phẩm, cái nhìn đánh giá của người khác. Nhưng mức độ của nó đã được giảm bớt xuống.

Như là, mình không còn buồn khi bị bảo rằng mình không có lựa chọn nào khác, vì mình chỉ có bằng cấp ba. Hay mình đã có thể tự tin mặc chiếc áo hai dây xinh xinh, xỏ chiếc váy yêu thích mà không còn bận tâm nhiều đến những nốt viêm nang lông xấu xí trên cánh tay và chân nữa.

Thực ra, lời nói của người khác chẳng quan trọng đến thế. Nếu cứ để ý đến lời bàn tán, cố gắng thay đổi để “chiều” theo suy nghĩ của họ thì nhọc lòng lắm. Họ sẽ chẳng nhớ những gì đã nói với mình, dù là khen hay chê.

Họ chỉ thốt ra một nhận xét vào thời điểm đó, và rồi quên bẫng. Chúng mình có thể tiếp thu những lời họ nói, nếu nó có ích. Còn không, hãy vứt bỏ ra phía sau.

Mình thường hay phóng đại những khiếm khuyết của bản thân. Mỗi lần đi chơi, mình vẫn hay hỏi bạn những vết sần sùi trên tay mình có xấu lắm không? Lúc nào bạn cũng bảo, “nhìn không rõ lắm đâu, thật đấy”, nhưng mình vẫn bận lòng mãi. Hay khi bạn nói về những thứ khiến bạn tự ti về bản thân, mình cũng không thấy những điểm đó quá tệ như bạn than thở.

Bạn nghĩ bạn không đủ tốt, bạn kém cỏi, nhưng thật ra bạn đâu tệ đến thế. Ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm, chỉ là khi chúng mình quá chăm chú vào khuyết điểm, thì những ưu điểm vốn có sẽ bị lu mờ và quên lãng.

Nỗi sợ thực chất chỉ là một sự lựa chọn. Mình sợ mình không đủ giỏi, không được công nhận, mình có thể lựa chọn từ bỏ hoặc cố gắng để hoàn thiện những thiếu sót. Miễn là khi đưa ra lựa chọn thì phải chịu trách nghiệm với nó.

Thời điểm quyết định nghỉ việc, mình sợ nhiều thứ. Hay lúc bắt tay vào việc xây dựng blog, mình cũng lo lắng bao điều. Mình sợ mình hối hận, sợ thất bại.

Nếu mình từ bỏ con đường này, mình sẽ quay về với cuộc sống cũ và chấp nhận những gì mình chán ghét. Nhưng mình không muốn vậy, nên dù sợ, mình vẫn muốn thay đổi, vẫn muốn thử thách bản thân.

Ngày trước, mình không đối diện với những nỗi sợ mà chỉ tìm cách chạy trốn. Mình nhận ra rằng, nếu cứ lảng tránh mãi thì mình sẽ rất đau đớn. Lúc ấy mình gần như đã kiệt quệ lắm rồi, mình phải tự cứu lấy mình thôi, bằng cách thấu hiểu những nỗi sợ của bản thân.

Bây giờ mình vẫn sợ hãi đủ điều, chẳng có nỗi sợ nào là biến mất cả. Mình chỉ đơn giản là học cách sống chung với nó, xoa dịu nó và tự cổ vũ chính mình.

Mình đang khá lên, từng ngày, dù chỉ là chút ít một thôi. Khi chúng mình nhìn nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn, những nỗi sợ sẽ không còn quá nặng nề nữa. Mình tin là thế.

Nỗi sợ của bạn là gì? Nó có ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Và bạn đã sẵn sàng để vỗ về chúng chưa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *