Tin từ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng sau khi dùng thuốc “xách tay” từ nước ngoài về chữa giảm đau.
Bệnh nhân là bà Nguyễn T.M (sinh năm 1959, ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) vừa vào viện với lý do đau bụng và mệt.
Theo lời kể của người bệnh, bà có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông không có di chứng.
Cách ngày vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc xách tay từ Thái Lan về để giảm đau, mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần. Trước đó, bệnh nhân thấy chồng dùng thuốc này giảm đau nên đã tự uống.
Sau uống thuốc 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Người bệnh tự theo dõi ở nhà 2 ngày nhưng không đỡ, kèm theo có đại tiện phân màu đen, nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, nôn ít dịch đen, đại tiện phân đen, huyết áp 100/60mmHg.
Kết quả nội soi tiêu hóa cho thấy có loét dạ dày, loét hành tá tràng; hồng cầu trong máu giảm mạnh. Người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Người bệnh được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
Sau điều trị 2 ngày người bệnh đỡ đau bụng, không sốt, không nôn, còn đại tiện phân đen, huyết động ổn định. Sau 6 ngày điều trị, người bệnh hết đau bụng, không còn hoa mắt, chóng mặt, đại tiện phân vàng, các chỉ số xét nghiệm máu trở về bình thường.
Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ và được tư vấn chế độ sinh hoạt sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa cho biết, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là một cấp cứu nội ngoại khoa. Đây là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hoá, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu và/hoặc đi ngoài phân đen. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi, đại tiện phân đen số lượng ít nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám ngay mà theo dõi tại nhà, đến khi mệt đuội, chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng shock mất máu ảnh hưởng tới tính mạng.
“Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10-20%. Vì vậy cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Bác sĩ Cường cũng cảnh báo người dân về việc tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ dẫn đến những hệ lụy lâu dài về sức khỏe. Đặc biệt, hiện nay nhiều người bệnh tự mua thuốc sử dụng theo truyền miệng, mua thuốc theo đơn của người khác, hay tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc từ nước ngoài về sử dụng dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, còn có một số trường hợp khác là người bệnh tự ý dùng thuốc giảm đau, chống viêm kéo dài hoặc dùng ngắn ngày nhưng trong người đã có sẵn các bệnh lý dạ dày như: Viêm, loét dạ dày, hành tá tràng… dẫn đến nguy cơ xuất huyết tiêu hóa rất cao.
Nguy hiểm hơn, có những trường hợp người bệnh tự dùng các thuốc giảm đau chống viêm mạnh từ nước ngoài gửi về mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
“Nhiều loại thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này”, bác sĩ Cường cảnh báo.
Theo bác sĩ Cường, khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, tự dùng thuốc theo đơn của người khác hoặc dùng thuốc theo truyền miệng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận.
“Khi thấy có những triệu chứng bệnh, bị đau, ốm, mệt mỏi… thì nên đến bệnh viện khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bệnh để tránh tiền mất, tật mang”, bác sĩ Cường khuyến cáo.