TỰ TRẢI NGHIỆM ĐỂ TỰ NHẬN BIẾT

Chân hạnh phúc là hệ quả của thái độ đúng và tâm vững chãi. Khi được nghe người ta nói về an nhiên quá nhiều, thì lứa trẻ đang trong giai đoạn trải nghiệm rất dễ dính mắc vào ngôn từ, dễ cố làm sao cho được an nhiên nhưng hóa ra lại trở nên sáo rỗng và rời xa việc quán xét chính mình. Làm sao tâm con người có thể vững chãi nếu họ chưa từng trải qua thử thách và đau khổ và học bài học từ thử thách và đau khổ ấy? 

Những người tỉnh thức nói về tỉnh thức nhận ra rằng để có hệ quả đó thì họ đã phải trải qua rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Cái an nhiên của họ có thể giống trẻ thơ, nhưng là an nhiên của một người đã có nhận thức trưởng thành. Còn nhận thức trẻ thơ đơn thuần là tờ giấy trắng. Thế nên, mỗi người cần tự nhận ra mình đang ở trong giai đoạn nào của tiến trình tiến hóa, để không bám chấp vào lời nói của bất cứ ai. Bởi khi ta bám chấp vào lời dạy của một người, thì ta dễ sống một cách rập khuôn và mâu thuẫn. 

Một người bạn thuộc thế hệ đầu 9x chia sẻ với tôi rằng những nhân vật mà chị theo dõi thường chia sẻ về đời sống tỉnh thức, họ nói rằng kiếm tiền nhiều là tham lam, và phải biết thế nào là đủ để không rơi vào đau khổ. Chị hỏi tại sao họ chỉ nói về an nhiên, về thiền, về chánh niệm, nhưng lại không chia sẻ về kiếm tiền trong chánh niệm. Bởi những người như chị chỉ mới sống 1/3 cuộc đời, vẫn còn những khát khao tham vọng của tuổi trẻ. Đôi khi nhớ lại lời dạy của họ, chị bỗng trở nên mâu thuẫn, bởi phần nào đó bên trong chị vẫn muốn kiếm tiền nhiều hơn, vẫn muốn dư giả hơn, nếu cứ như bây giờ thì rõ ràng là bản thân sẽ ù lỳ và động lực giảm đáng kể. 

Tôi trả lời rằng, trước tiên, những nhân vật mà chị theo dõi thông thường đã ở một giai đoạn cao hơn chị trong tiến trình tiến hóa. Họ đã đi ra khỏi những âu lo về mặt tiền bạc, để tiến sâu hơn về phía linh hồn. Nhưng khi ở tuổi của chị, họ chắc chắn vẫn đang “tranh đấu”, vẫn hì hục làm việc ngày đêm, và thậm chí, lúc ấy, họ có thể còn chưa đào sâu về tinh thần. Điều thứ hai, tiền chỉ đơn giản là hệ quả của quá trình làm việc. Thay vì nói kiếm tiền nhiều thì ta nên nói nỗ lực làm việc thật chăm chỉ. Bởi khi ta nỗ lực làm việc chăm chỉ, tiền sẽ sinh ra từ nỗ lực ấy. Làm việc chăm chỉ thì không thể gọi là tham lam theo nghĩa tiêu cực. Chỉ có làm việc chăm chỉ và quan sát rõ quá trình ấy, ta mới thực sự trưởng thành và khôn ngoan hơn trên hành trình tiến hóa tinh thần. 

Không ai có thể gặt hái bài học quý giá nếu cứ ù lì và chây lười. Không ai có thể biết đủ là gì nếu chưa từng có cái gì. Không ai hiểu thật sự buông bỏ là gì nếu chưa từng có cái gì đó mà họ xem là vô cùng quý giá. 

Việc theo dõi những nhân vật có nhận thức tâm linh cao lẽ ra là điều đáng quý nhưng cũng khiến bạn dễ dàng mắc kẹt, tức dễ sống theo thông điệp mà họ chỉ dẫn một cách rập khuôn nhưng không lắng nghe tiếng gọi bên trong mình. Tiếng gọi bên trong vô cùng quan trọng, vì tiếng gọi đó mới khiến ta hành động và bước lên thêm một bậc trong tiến trình phát triển nhận thức. Chẳng hạn, nếu ai đó dạy ta rằng ta phải biết đủ, mà tiếng gọi bên trong ta đang muốn làm điều gì đó thật lớn lao. Lúc này, nếu ta bám chấp vào lời dạy đó, ta dễ dàng bỏ qua tiếng gọi, và đơn thuần sống như cũ chứ không chịu nỗ lực hay cố gắng thêm. Ta cũng đang bỏ qua cơ hội thử thách bản thân mình và sẽ chẳng biết giới hạn của mình đến đâu.

Tiếng gọi là sự thôi thúc từ bên trong, nếu ta không lắng nghe và nhận thức nó, mà cứ bám chấp vào lời dạy, thì ta dễ sống sáo rỗng và mâu thuẫn. Chính tiếng gọi bên trong ấy dẫn ta đến trải nghiệm, và ẩn nấp trong trải nghiệm cá nhân ấy, ta mới có thể tự mình đúc rút bài học như thế nào là đủ. Như vậy, biết đủ là một thông điệp, nhưng phải thông qua việc lắng nghe tiếng gọi nội tại và làm việc với tiếng gọi ấy, hệ quả biết đủ mới xuất hiện. 

Hôm trước, khi tôi ngồi ăn trưa cùng một người chị, chị kể có người em họ đi du học bên Âu châu trở về và thổ lộ rằng rất ghen tỵ với cuộc sống của chị. Cậu ta được cha mẹ để lại gia sản hàng triệu USD, cùng tập đoàn lớn gầy dựng bấy lâu nay, nên không còn lý tưởng nào để cố gắng, không có động lực mạnh mẽ để tiến lên. Đó cũng là một biểu hiện của chưa biết thế nào là đủ. Người ngoài nghe thoáng qua sẽ dễ đánh giả rằng cậu ta có phúc mà không biết hưởng, hoặc thấy vô lý về việc tại sao có gia tài hàng triệu đô mà chưa biết đủ. Nhưng khi sống trong sự thừa mứa vật chất, linh hồn con người cũng không thể miễn nhiễm khỏi trạng thái trống rỗng và vô nghĩa. Vật chất không thể làm đầy đời sống tinh thần một cách bền vững. Vẫn có những tâm hồn cô đơn và khô héo trong những dinh thự xa hoa. Trong khi đó, có biết bao tâm hồn trọn đầy trong những khu nhà ổ chuột. Tất cả nằm ở thái độ đúng về đủ. Nhưng cũng chỉ bằng trải nghiệm và vấp váp, người ta mới thấu đáo bài học về đủ, chứ không phải qua lý thuyết của bất cứ ai, kể cả lời dạy của bậc chân sư. 

Nếu phải nói về một trong những thứ mà ta không bao giờ thấy đủ, thì đó là việc học hỏi. Về tiền bạc, tôi có thể thấy như vậy đã tạm ổn, nhưng về học hỏi và làm việc thì chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình đã đủ. Bởi cuộc đời quá rộng lớn, và mình thì quá nhỏ bé, mỗi buổi sáng thức dậy đều thấy có nhiều điều mới mẻ, và thế, mình không ngừng học. Nhưng trong việc thấy học chưa bao giờ là đủ đó, thì bản thân cũng biết như thế nào là đủ trong việc học mỗi ngày. Tức rằng, mình lĩnh hội kiên nhẫn và từ từ, hôm nay học đến đó đủ rồi, vì để thấm nhuần bài học thì bắt buộc phải đi cùng trải nghiệm. Để thấm nhuần bài học sâu sắc thì mình phải đi từ tốn chứ không thể ôm đồm một cách tham lam. Giống như ăn uống thì phải từ tốn, biết đủ thì hãy dừng, để việc tiêu hóa diễn ra tốt đẹp. 

Qua thời gian, cùng trải nghiệm, con người ta mới có thể định nghĩa chữ đủ thật sâu sắc cho mình. Người chị 9x trên từ thành phố trở về quê lập nghiệp bằng việc tạo ra những thực phẩm sạch đến nay cũng đã gần 2 năm, đó đã là một điều tốt đẹp. Ở tuổi trẻ, không phải ai được học hành đầy đủ cũng dễ dàng bỏ phố về quê thui thủi làm việc một mình, một nơi không có điều kiện giao du với những người đồng tư tưởng và nhận thức cao. Thật vậy, phần lớn những người về quê cùng đợt với chị đều sớm chán nản và trở lại thành phố vì ở đô thị lớn, người ta mới thấy sức sống tuổi trẻ và động lực làm việc. Còn chị, thi thoảng, lại bay vào thành phố nhằm cân bằng năng lượng rồi trở lại quê. Chị có ý định sẽ làm lớn hơn cho thương hiệu của mình, tôi góp ý rằng chị nên lắng nghe tiếng gọi bên trong ấy, vì chỉ có lựa chọn lắng nghe theo tiếng gọi bên trong, thì dần dần mình mới gần với bên trong mình hơn. Dẫu tiếng gọi ấy có xuất phát từ một cái tâm tham lam, thì mình cũng phải lắng nghe, miễn là sự tham lam ấy chẳng làm hại ai mà đơn thuần là khát khao của tuổi trẻ. Và bằng sự quan sát nhận biết, mình sẽ thực hiện ước mơ ấy và học được rất rất nhiều từ việc hiện thực hóa nó. 

Chúng ta có thể học nhiều điều từ lời dạy của các chân nhân thế hệ trước nhưng cũng không được quên rằng ta đang sống trong xã hội đương đại này, một xã hội đã có nhiều sự thay đổi so với xã hội mà các chân nhân sinh sống. Hòa nhập vào thời cuộc, thay vì tách rời thời cuộc, sẽ giúp những người chọn sống đời gặt hái nhiều bài học thực tế, mà một trong số đó là bài học đối diện-can đảm, thay vì lảng tránh-sợ hãi. Một trong những điều mà chúng ta cần đối diện trước tiên là các cảm xúc và suy nghĩ bên trong mình. Bạn đã bao giờ ghi chép hành trình cảm xúc cá nhân từ sáng đến trước khi đi ngủ vào buổi tối? Bạn nhận thấy chúng thay đổi chóng mặt ra sao? Bạn có sợ hãi khi đối diện với chúng hay không? Vô số sự biến đổi tâm trạng và suy nghĩ trong ngày sẽ khiến con người phải nhận ra rằng tâm linh trước hết là sống thật và đối diện với sự thật ấy; là can đảm “mặt đối mặt” với tất cả tham sân si hỷ nộ ái ố của mình thay vì cố cho an nhiên trong khi phớt lờ dòng sông nội tại. Cùng với những trải nghiệm bên ngoài, cùng trải nghiệm việc quan sát những thay đổi bên trong, sẽ khiến ta tự đúc rút bản chất của tâm, đi đến làm chủ nó,  thay vì bám chấp vào một lý thuyết nào. 

Nguồn: Trang Ps

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *