Tự suy ngẫm về bản thân: Hậu quả của việc được tâng bốc là một đứa trẻ “thông minh” khi lớn lên

Gần đây tôi đã dành thời gian để tự suy ngẫm lý do tại sao tôi trở thành con người như ngày hôm nay. Tôi nhận ra mọi thứ tôi làm đều là hậu quả của việc lớn lên như một đứa trẻ “thông minh”. Ý tôi là cha mẹ và người lớn xung quanh đều bảo tôi “chà, con thật thông minh” hoặc “con thật là một đứa trẻ sáng dạ – sau này con sẽ kiếm được nhiều tiền. ”

Vài tuần trước tôi có xem series các bài giảng trên YouTube về tình trạng nghiện game của Tiến sĩ Alok Kanojia (còn được nhiều người gọi là Tiến sĩ K) và trong một phần bài giảng ông đã nhắc đến một hiện tượng thú vị. Ông nói rằng việc mọi người xung quanh luôn tâng bốc khen ngợi trẻ thông minh có tác động đến tâm lý (tôi không chắc tên nó là gì) những đứa trẻ khi chúng lớn lên. Khi trẻ được cho là thông minh, chúng sẽ hình thành tư tưởng và tự gắn mác mình là người thông minh. Kết quả là chúng có xu hướng làm những việc khiến chúng trông thông minh trong khi tránh xa những việc khiến chúng trông ngốc nghếch. Để rồi trong quá trình trưởng thành, chúng lảng tránh các thử thách vì nó có thể khiến chúng trông ngu ngốc và chỉ tập trung làm những việc khiến người khác nghĩ rằng chúng thông minh.

Khi tôi nghe bác sĩ K giải thích về điều này, tôi gần như bật khóc bởi nó gần như miêu tả cuộc đời tôi vậy. Đây là lần đầu tiên có người chỉ ra chính xác những điểm tôi nghĩ là không ổn về bản thân, nhưng tôi không tài nào có thể diễn đạt thành lời. Tôi muốn giải thích một chút về những hậu quả của hiện tượng này và cuộc sống của tôi đã bị ảnh hưởng ra sao.

Từ khi tôi còn bé, cha mẹ không ngừng khen ngợi tôi thông minh như nào và gạt bỏ những ai có suy nghĩ khác. Họ luôn tâng bốc tôi là đứa trẻ thông minh trong gia đình và hạ thấp anh trai tôi vì anh ấy ghét trường học. Họ nói rằng tôi phải học để sau này có thể kiếm được một công việc tốt. Cụm từ mà tôi được nghe nhiều nhất là “con thật thông minh”. Điều này khiến tôi rất vui, tôi cảm thấy bản thân thật quan trọng. Nhưng khi tôi lớn hơn (ở tuổi thiếu niên), tôi bắt đầu nhận ra có một khuôn mẫu nhất định trong từng hành vi của tôi. Tôi sẽ cố gắng làm những việc có thể gây ấn tượng với cha mẹ hoặc người khác, cho dù đó là giải toán “nâng cao” (thực chất chỉ là đại số, nhưng nó nghe “phức tạp”) hoặc sửa máy tính (không thực sự sửa phần cứng – chỉ là cắm những thứ vào đúng vị trí, nhưng vì mọi người không biết điều đó nên nó rất ấn tượng). Xét cho cùng, tôi là một đứa trẻ thông minh – đó là những gì họ biết về tôi.

Lên cấp ba, tôi chọn học giải tích và vật lý. Tôi đã học rất chăm chỉ vì tôi muốn làm thật tốt, nhưng giờ tôi nhận ra lý do duy nhất tôi muốn làm tốt là vì sau đấy tôi có thể nói “vâng, con đạt điểm A môn giải tích và vật lý” với cha mẹ, người thân hoặc bất cứ ai hỏi.

Vấn đề ở đây là vì từ khi còn nhỏ mọi người đã liên tục tâng bốc tôi là một đứa trẻ thông minh, nên cuối cùng tôi chỉ làm những việc khiến người khác nghĩ tôi thông minh trong khi bỏ qua những thứ có thể khiến tôi trông ngu xuẩn.

Hành vi này đã ảnh hưởng đến gần như tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của tôi.

Công việc đầu tiên của tôi khi ở tuổi thiếu niên là bán túi xách tại một cửa hàng tạp hóa và tôi luôn bị áp lực phải làm mọi thứ hoàn hảo đến tuyệt đối. Mỗi khi đi làm, tôi luôn đảm bảo đến đúng giờ, không bao giờ trễ và hoàn thành công việc của mình một cách chính xác. Tôi rất sợ mắc sai lầm. Tôi hoàn toàn không đếm xỉa vị trí thu ngân vì tôi nghĩ mình sẽ mắc nhiều sai lầm và điều đó sẽ khiến hình tượng của tôi xấu đi. Tại sao tôi lại thành ra nông nỗi này? Chính là cái tư tưởng “đứa trẻ thông minh” trong đầu tôi. Tôi né tránh những thứ khiến tôi trông như một đứa ngốc hoặc những thứ khiến tôi trông có vẻ kém cỏi.

Lên cấp ba, tôi chọn một trường gần quê để học vật lý. Vào thời điểm đó, tôi là một fan hâm mộ của The Big Bang Theory’s Sheldon Cooper. Tôi ngưỡng mộ trí thông minh của anh ấy, và anh ấy gần như là một tấm gương phản chiếu tôi – người mà tôi nghĩ muốn trở thành (trừ việc thiếu sự đồng cảm, vị tha…). Vào thời khắc quyết định này, tôi đã thuyết phục bản thân tôi thực sự muốn học vật lý, nhưng trong thâm tâm, tôi đang tự hoài nghi chính mình. Dù vậy tôi vẫn quyết định học vật lý. Vì sao ư? Bởi vì mọi người xung quanh đánh giá tôi là một người thông minh, sáng dạ, có năng khiếu và tiềm thức của tôi muốn tiếp tục nuôi dưỡng cái hình tượng “đứa trẻ thông minh” đã gắn liền với tôi suốt tuổi thơ. Điều này kéo dài suốt bốn năm. Tôi hầu như không học hành gì và để mặc cho trực giác dẫn lối. Bằng cách nào đó tôi được B+ trở lên gần như mọi học kỳ. Sau đó tôi đến trường đại học (đối với vật lý) và nó hoàn toàn nghiền nát tôi. Tôi chỉ đi vì tôi là “đứa trẻ thông minh” trong gia đình và có bằng thạc sĩ sẽ là một thành tựu lớn. Sau khoảng 2,5 tháng, tôi khổ sở vô cùng và muốn về nhà. Rồi một ngày tôi lên cơn hoảng loạn và được đưa đến bệnh viện. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất của cuộc đời tôi. Sau một vài ngày nghỉ ngơi, tôi quyết định trở về nhà và bỏ sau lưng môn vật lý. Hiện tại tôi đang học ở trường học khoa học máy tính.

Có quá nhiều lời khen ngợi – không bao giờ nghĩ bản thân đủ tốt:

Bởi vì tôi luôn được khen ngợi là thông minh từ bé, khi trưởng thành tôi đã hình thành một suy nghĩ rằng mình không bao giờ đủ giỏi – tôi dần dà trở nên vô cảm với bất kỳ hình thức khen ngợi nào dù nhỏ hay lớn. Ví dụ: nếu bố mẹ hỏi tôi đạt điểm gì trong một học kỳ và tôi trả lời tất cả đều là điểm A, họ sẽ tự hào và chúc mừng tôi. Nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy cay đắng, “có gì lớn lao đâu” hoặc “thế này đã là gì, nó dễ ợt”. Tôi không thể nào chấp nhận những lời khen ngợi. Tôi nhớ ngày tốt nghiệp đại học ngành vật lý, tôi không có bất cứ cảm xúc gì hết. Tôi đã đạt được một điều mà gia đình tôi rất ít người làm được, đây là điều mà gia đình tôi tự hào – điều mà tôi nên tự hào, nhưng tôi không cảm thấy gì cả.

Tôi chợt nảy ra một phép so sánh như này: việc nuôi dưỡng hình tượng “đứa trẻ thông minh” này giống như sử dụng caffeine. Ban đầu ta không cần quá nhiều để có được sự kích thích. Nhưng theo thời gian, càng ngày ta sẽ cần nhiều hơn để có tác dụng vì cơ thể ta đã quá quen với nó. Với tôi, việc tốt nghiệp được đại học không đủ. Tôi cần một điều gì đó lớn hơn. Tôi cần thứ gì đó ấn tượng hơn – thứ khiến tôi trở nên cực kỳ thông thái đối với người khác.

Tạm ngừng nói về chuyện trường lớp (nhưng vẫn là vấn đề không bao giờ cảm thấy đủ), bạn tôi và cố vấn của tôi đã đề xuất tôi đi tập thể dục và nó trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy cái tâm lý “đứa trẻ thông minh” (muốn gây ấn tượng với người khác) cũng ảnh hưởng đến khía cạnh này. Tôi luôn cố gắng để trở nên tốt hơn hiện tại. Khi tôi nhìn vào trong gương, tôi không bao giờ cảm thấy đủ tốt. Lúc nào tôi cũng muốn có nhiều cơ bắp hơn. Kết quả là, tôi cảm thấy tự ti về thành quả với cơ thể hiện tại, bởi trong đầu tôi nhìn thấy rõ đích đến của bản thân, nhưng tôi không bao giờ có thể tới được đó. Và tôi ghét phải thừa nhận rằng một lý do tôi tập thể dục là để gây ấn tượng với người khác với cơ thể của mình. “Chà, trông thật mạnh mẽ.” “Tay ghê đó” “Cơ bắp tuyệt đó.” Tất cả chỉ để nuôi dưỡng cái khát vọng gây ấn tượng và trông đẹp mắt trước mặt người khác.

Tâm lý “đứa trẻ thông minh” cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của tôi, đặc biệt là các mối quan hệ tình cảm. Tôi là người sống nội tâm. Tôi không giỏi giao tiếp với người khác (mặc dù tôi đang tiến bộ hơn nhiều). Nói chuyện với mọi người là một kỹ năng tôi rất kém. Vì vậy, tôi không giỏi theo đuổi các mối quan hệ tình cảm, không đủ can đảm để rủ mọi người đi chơi hoặc bắt đầu một cuộc trò chuyện. Tôi tin rằng nỗi sợ bị từ chối, nỗi sợ trông ngu ngốc khi bị một ai đó từ chối đã ngăn tôi tìm kiếm một mối quan hệ tình cảm. Tôi chưa từng hôn ai, chưa từng có bạn gái, chưa từng quan hệ tình dục. Mặc dù tôi không nghĩ rằng hình tượng “đứa trẻ thông minh” là yếu tố duy nhất góp phần vào điều này, nhưng chắc chắn nó là một trong số đó.

Lưu ý cuối cùng, tôi muốn chia sẻ điều này là vì khi nhìn vào tôi, mọi người sẽ cho rằng tôi không có vấn đề gì hết. Đối với người ngoài cuộc, tôi có một thời thơ ấu hoàn toàn bình thường và hạnh phúc. Cha mẹ tôi tốt bụng, luôn quan tâm và yêu thương tôi, tôi không bị bạo hành, không trải qua bất kỳ tổn thương nào, gia đình tôi đủ ổn định về tài chính để sống thoải mái. Nhưng trong suốt thời gian qua, một tâm lý chết chóc đang dần hình thành và cuối cùng bộc lộ hoàn toàn khi tôi trưởng thành. Tôi chỉ mừng là tôi kịp thời nhận ra được điều gì đã xảy ra với bản thân thay vì để tình trạng này kéo dài, ngay cả khi vẫn còn rất nhiều điều không ổn về bản thân mà tôi chưa thể nhận thấy.

Điều này đã tích tụ sâu trong tôi từ rất lâu rồi. Cho đến tận bây giờ, ở tuổi 24, cuối cùng tôi mới nhận ra bản thân đã trải qua những gì. Nói với con cái rằng chúng thông minh hay sáng dạ là có ý tốt, tôi hoàn toàn hiểu. Chúng ta muốn khen ngợi con mình và khiến chúng cảm thấy hài lòng về bản thân, mang lại sự tích cực cho chúng. Tuy nhiên, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu ta không cẩn thận với tần suất ta khen ngợi chúng. Luôn tâng bốc trẻ là một việc làm nguy hiểm. Chúng sẽ trở nên vô cảm trước thất bại và thử thách, điều giúp chúng trưởng thành nhất với tư cách là một con người. Cơ thể chúng có thể phát triển, nhưng tâm trí của chúng thì không.

Tôi biết ông bà trước kia rất khắt khe và luôn đòi hỏi bố mẹ, họ không thường xuyên được khen ngợi, vì vậy họ muốn chắc chắn rằng tôi được tuyên dương và đối xử với tôi khác với cách mà ông bà từng đối xử với họ. Bố mẹ tôi không hề sai.

Trẻ em cần học cách khiêm tốn. Chúng cần học cách chấp nhận những thất bại, để từ đó học được những bài học. Chúng ta sẽ không học được gì khi lúc nào cũng chiến thắng, khi luôn được coi là một thiên tài. Đó là thời điểm chúng ta ngừng tìm tòi những điều mới và mọi thứ bắt đầu đổ vỡ.

Tự nhận nhìn lại bản thân là kỹ năng quan trọng nhất mà tôi đã học được khi trưởng thành. Nếu tự nhận thức được bản thân, ta có thể chỉ ra điểm yếu hoặc khuyết điểm của mình và cải thiện bản thân. Đây không chỉ là những điểm yếu về thể chất hoặc sự thiếu sót về kỹ năng trong một hoạt động thể chất – tự nhận thức về bản thân cũng bao gồm nhận thức về tinh thần. Liệu tinh thần ta đã ổn định chưa? Ta suy nghĩ và hành động như thế nào? Lời nói của ta có giống với hành động của ta không? Đây là tất cả những điều tôi phải suy nghĩ và học hỏi mỗi ngày.

Tôi còn nhiều ví dụ về tư tưởng “đứa trẻ thông minh” trong đời sống hàng ngày của tôi, nhưng đây là những ví dụ quan trọng nhất mà tôi nhận thấy. Điều tích cực là tôi đã quyết định gặp bác sĩ trị liệu để thảo luận về những vấn đề này, đơn giản là vì nếu tôi cứ để tất cả những điều này dồn nén lại trong tâm trí thì sẽ không lành mạnh chút nào.

Nếu ai đó muốn nói về trải nghiệm của bản thân hoặc bất cứ điều gì tôi đã đề cập ở đây, cứ thoải mái nhắn trực tiếp với tôi nhé.

Cảm ơn vì đã đọc.

Edit: Dành cho những ai quan tâm, một số người đã nói rằng hiện tượng tôi đề cập trong bài được gọi là “tư duy cầu tiến” (TN: growth-mindset) và “tư duy cố định” (TN: fixed-mindset). Nhà tâm lý học người Mỹ Carol Dweck có nói về khái niệm này trong cuốn sách “Mindset” của mình. Ngoài ra, cảm ơn mọi người đã để lại những bình luận tuyệt vời này – Tôi ước là tôi có thể trả lời tất cả. Tôi không ngờ bài đăng này lại nhận được nhiều phản hồi đến vậy!

_____________________

Dịch bởi Kiều Như Nguyệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *