Thứ hai, ngày 21/04/2025 08:26 GMT+7
Từ người hướng nội, nữ sinh năm 3 “lột xác” ấn tượng với ứng dụng “kết nối người có thực phẩm với người cần”
Tào Nga Thứ hai, ngày 21/04/2025 08:26 GMT+7
Từ nông dân, tiểu thương, chợ đầu mối đến siêu thị, doanh nghiệp CSR và cả cá nhân có thực phẩm dư thừa sẽ được kết nối với người cần mua, ứng dụng của nhóm Nguyễn Thương Huyền đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo.
Giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp với ứng dụng kết nối thực phẩm
Trong chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB – Innovation Ignition 2025” tổ chức mới đây, cô nữ sinh năm 3 ngành Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ Nguyễn Thương Huyền, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đại diện nhóm tự tin thuyết trình và xuất sắc vượt qua 9 đội thi khác giành giải Nhất với dự án Foodlink.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thương Huyền cho biết: “Chúng em rất bất ngờ và biết ơn. Em chỉ mong có thể đạt giải Ba để dự án có cơ hội được triển khai thực tế. Các dự án của đội bạn đều rất xuất sắc và có chiều sâu. Khi nghe dự án được xướng tên, chúng em đã xúc động đến mức gần như không tin nổi điều đó là thật.
Em tin rằng, dự án được lựa chọn không chỉ vì mô hình kinh doanh mà còn bởi giá trị xã hội mà nó theo đuổi và phù hợp hơn trong một bối cảnh cụ thể”.

Foodlink là một nền tảng công nghệ kết nối người có thực phẩm với người đang cần, với sứ mệnh hướng tới một xã hội không còn lãng phí thực phẩm. Thay vì tập cần trung vào việc lưu trữ hay vận chuyển, ứng dụng này đóng vai trò như một cầu nối trung lập, vận hành theo mô hình “chợ phiên số hóa” – nơi giá trị thực phẩm được trao đổi công khai, minh bạch và công bằng.
Ưu điểm của ứng dụng này đó là đấu giá minh bạch (Thay cho giá cố định, thực phẩm sẽ được đưa lên sàn đấu giá để người mua và người bán cùng định giá theo cung – cầu thực tế); Gian hàng xanh (Không gian số để các nhà cung cấp uy tín tạo thương hiệu, minh bạch thông tin và lan tỏa giá trị bền vững đến cộng đồng) và Citizen Score (Hệ thống điểm uy tín cộng đồng ghi nhận hành vi tốt – giúp gia tăng niềm tin, gắn kết các thành viên và thúc đẩy trách nhiệm xã hội.

Theo Thương Huyền, những nhận xét của ban giám khảo đến từ các công ty, tập đoàn lớn luôn là những thông tin cô trân trọng. Đặc biệt là câu nói “Hãy luôn nhớ rằng con đường mà các em chọn là một lĩnh vực quan trọng. Thành công phải đi cùng đạo đức vì đạo đức là nền tảng của tất cả mọi thứ”, với Thương Huyền, câu nói ấy như kim chỉ nam nhắc nhở rằng khởi nghiệp không chỉ là để thắng mà là để bền. Trong lĩnh vực thực phẩm – nếu thiếu sự tử tế và minh bạch thì dù thành công cũng chỉ là nhất thời.
Sau khi giành giải Nhất, nhóm của Thương Huyền sẽ tập trung hoàn thiện phiên bản thử nghiệm với đủ chức năng để kiểm chứng tính khả thi. Sau đó, nhóm sẽ mở rộng kết nối với nhiều nhóm nhà cung cấp hơn – từ nông dân, tiểu thương, chợ đầu mối đến siêu thị, doanh nghiệp CSR và cả cá nhân có thực phẩm dư thừa. Song song đó, nhóm sẽ tìm kiếm đồng đội, hỗ trợ kỹ thuật và kêu gọi nguồn vốn đầu tư đầu tiên để tiến hành triển khai thử nghiệm tại một quận nội thành Hà Nội – làm nền móng vững chắc trước khi mở rộng quy mô trong tương lai.
Từ người “hướng nội” đến quán quân cuộc thi khởi nghiệp
Mặc dù thể hiện tự tin, chuyên nghiệp khi thuyết trình dự án trước ban giám khảo nhưng ít ai biết rằng, trước đó, Thương Huyền là một người khá hướng nội.
“Em từng bỏ lỡ cơ hội dự thi năm đầu tiên và đã chờ suốt 2 năm để đủ dũng khí quay lại với cuộc thi năm nay. Trước vòng chung kết, em có một kỷ niệm đáng nhớ là đội bóng của lớp em được vào đá chung kết hội thao của trường. Trong khoảnh khắc đá penalty, em phân vân giữa nhiều lời góp ý khác nhau và khiến chúng em dừng chân tại giải Nhì – cho đến khi người bạn thân động viên: “Cậu chỉ cần sút bóng theo cách khiến cậu thoải mái nhất”. Lời động viên ấy theo em lên cả sân khấu.
Em không cố gắng trở nên mạnh mẽ, em chỉ chọn được là chính mình. Và chính niềm tin tuyệt đối vào dự án đã giúp em đứng vững, thuyết trình với tất cả sự chân thành và bình tĩnh nhất”, Thương Huyền chia sẻ.

Hiện tại, Thương Huyền đang theo học ngành Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ – một ngành giao thoa giữa tư duy kinh doanh và năng lực công nghệ. Với cô, đây là một ngành học không dễ nhưng lại vô cùng thú vị với những ai yêu thích tư duy hệ thống, đổi mới và sáng tạo.
“Trong tương lai, em mong muốn tiếp tục phát triển những sản phẩm công nghệ mang hơi thở xã hội để giải quyết các vấn đề thực tế, tạo ra những tác động tích cực và bền vững.
Em không kỳ vọng thay đổi thế giới nhưng em tin rằng nếu từng bước nhỏ đều có ý nghĩa thì cuối cùng cũng có thể tạo nên một hành trình lớn. Foodlink là điểm khởi đầu, nhưng em mong đó sẽ không phải là điểm kết thúc”, Thương Huyền cho hay.
PGS.TS. Hoàng Đình Phi, hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay: “Khởi nghiệp không chỉ là một hoạt động ngoại khóa mà là một phương pháp giáo dục trọng tâm của trường. Tại đây, chúng tôi đào tạo sinh viên và học viên phải giỏi cả “học” và “hành”. Chính vì vậy, dự án của các em là cầu nối giữa tri thức và thị trường, giữa sinh viên và doanh nghiệp, giữa khát vọng cá nhân và cống hiến cho cộng đồng”.
10 ý tưởng đột phá tranh tài tại chung kết Khởi nghiệp sáng tạo HSB – Innovation Ignition 2025:
– Nhóm FoodLink – ứng dụng kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ với người tiêu dùng ngành thực phẩm
– Nhóm UTU – “Unlock Tomorrow’s University” là nền tảng trực tuyến hiện đại hỗ trợ học tập cho học sinh THPT, phân tích thông tin tuyển sinh các trường đại học
– Nhóm Snaap – nền tảng cho thuê quần áo đa năng từ bình dân đến cao cấp
– Nhóm HunchWings – phát triển liệu pháp kết hợp tâm lý học và giáo dục bằng nghệ thuật dành cho trẻ có hội chứng đặc biệt
– Nhóm HealthMate – xây dựng ứng dụng cho thuê hộ lý, điều dưỡng 24/7
– Nhóm E-Market – phần mềm giải pháp quản lý chợ thông minh
– Nhóm GuideMate – Gậy chỉ đường thông minh hỗ trợ người khiếm thị
– Nhóm Pulse X – giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu hóa UGC (User – Generated Content)
– Nhóm Hamingo – nền tảng ví điện tử thanh toán NFC siêu tốc
– Nhóm Drisa – ứng dụng đặt tài xế lái hộ