Từ năng lượng đến xe hơi: Cách mà Tesla sẽ thay đổi thế giới

Từ năng lượng đến xe hơi: Cách mà Tesla sẽ thay đổi thế giới

Tác giả: Tim Urban
Ngày đăng – 02 tháng 06 năm 2015
Đây là Phần 2 của loạt bài gồm bốn phần về các công ty của Elon Musk.
Có nhiều kiểu bài đăng khác nhau trên Wait But Why. Một loại trong số đó là kiểu “hãy cùng nhau đào sâu đến tận cùng gốc rễ của chủ đề này để từ giờ chúng ta có thể hiểu được nó một cách cặn kẽ”. Chủ đề lý tưởng cho loại bài đăng kiểu này là những thứ thực sự quan trọng với cuộc sống của chúng ta và ta có xu hướng bắt gặp chúng ở khắp mọi nơi, nhưng đồng thời nó cũng cực kỳ phức tạp và khó hiểu, thường gây tranh cãi với những thông tin khác nhau đến từ những nguồn khác nhau, và cuối cùng khiến rất nhiều người cảm thấy như họ không hoàn toàn hiểu nhiều như họ “nên hiểu được”.
Tôi tiếp cận các nội dung kiểu như thế bằng cách bắt đầu với những thông tin bề mặt của chủ đề và tự hỏi đâu là cái mình chưa hiểu hết – tức là tìm những ‘điểm mờ về kiến thức’ trong các câu chuyện tôi nghe hoặc trong bài báo tôi đọc – đó là những thứ sẽ khiến tâm trí tôi lóe lên cảm giác kết hợp giữa “ọe lại một thuật ngữ khó hiểu khác nữa, thôi thôi thôi thôi” và “mí anh chị người lớn lại nói mấy thứ người lớn rồi mà tớ mới bảy tuổi nên tớ chả hiểu mô tê gì”. Sau đó, tôi sẽ tìm đọc để làm sáng tỏ những điểm còn mù mờ đó – nhưng thường thì sau khi đã nhìn xuyên qua được những điểm mờ xám xịt trên bề mặt này rồi, tôi lại thấy có nhiều điểm mờ khác bên dưới. Thế là sau đó, tôi nghiên cứu tiếp các điểm mờ mới, và một lần nữa, phát hiện ra thêm nhiều điểm mờ hơn nữa ở rất nhiều lớp sâu bên dưới. Máu cầu toàn của tôi bắt đầu bốc và thành thử tôi cứ tiếp tục đi sâu xuống cái hang thỏ cho đến khi chạm đáy thì thôi.
Ví dụ, tôi đã tương đối hiểu về các diễn biến xung quanh Iraq, tuy thế vẫn có rất nhiều điểm mờ – vì vậy khi viết một bài về chủ đề này, cuộc phiêu lưu theo các điểm mờ vào hang thỏ đã dẫn tôi trở lại với Nhà tiên tri Muhammad hồi tít tận năm 570 CN. Và đó chính là cái đáy hang. Tôi đào theo một lối khác của câu chuyện và nó dẫn tôi đến với thời điểm cuối Thế chiến I. Một lối khác nữa lại đưa tôi đến với sự thành lập của ISIS.
Chạm được tới đáy của chủ đề là một cảm giác vô cùng tuyệt vời và nó khiến tôi nhận ra những điều mà mấy anh chị người lớn kia đang nói hóa ra cũng chẳng phức tạp hay khó hiểu đến thế. Và khi tôi bắt gặp chủ đề đó một lần nữa, tôi lại thấy nó vui, vì giờ tôi đã hiểu và tôi có thể gật gù đăm chiêu rồi nặn ra mấy câu kiểu, “Đúng thật, lãi suất chính là vấn đề” như người lớn.
Tôi có nghe được cách ví von thế này: kiến thức [về một chủ đề nào đó] giống như một cái cây. Việc chưa hiểu về chúng một cách tường tận, nếu kiến thức trong đầu bạn chưa đầy đủ, thì cũng giống như một cái cây không có thân cây – và không có thân cây thì khi bạn tìm hiểu thêm một cái gì đó mới về chủ đề, tức là có thêm nhánh cây mới hoặc lá cây mới, thì chúng chẳng có gì để vin vào. Vì vậy chúng rơi rụng dần. Bằng cách xóa hết các điểm mờ để tìm xuống tận đáy, tôi đã tạo nên một thân cây trong đầu, và từ đó về sau, tất cả thông tin mới có thể được treo lại. Điều này giúp cho chủ đề đó trở nên thú vị hơn và việc tìm hiểu kiến thức cũng hiệu quả hơn cả triệu triệu lần. Và tôi đã nhận ra một điều, những chủ đề mà tôi luôn đinh ninh trong đầu là “nhàm chán” hóa ra cũng chỉ vì chúng nằm khuất sau những điểm mờ kiến thức – chẳng khác gì việc nhảy vào giữa chừng một show truyền hình hay tuyệt cú và luôn xem tập 17, mọi việc sẽ thật nhàm chán làm sao vì bạn chả biết gì về câu chuyện và quá trình hình thành của các nhân vật – tức là chưa có cái thân cây.
Vì vậy, lúc bắt đầu viết về chủ đề mà tôi tạm dán nhãn trong đầu là “bài về Tesla”, tôi đã biết đây sẽ là một trong những bài viết kiểu đó. Để hiểu được vì sao và tại sao Tesla lại quan trọng, bạn phải hiểu được hai câu chuyện về xe hơi và về năng lượng – hai lĩnh vực mà bằng cách nào đó đồng thời khiến tôi vừa bối rối vừa phát ốm lên được. Cho tới trước bài viết này, chỉ cần nghe ai đó nói về “biến đổi khí hậu”, hay “khủng hoảng năng lượng”, hay “khí thải xe hơi” thôi cũng đã khiến cho tôi cảm thấy khó chịu rồi – quá nhiều tính chính trị, quá nhiều những gã khó chịu, quá nhiều thông tin sai lệch từ tất cả các bên. Và thành thật thì tôi chả quan tâm lắm đến thực trạng cũng như đến việc liệu có tồn tại một giải pháp khả thi cho tất cả những thứ này không. Thế nên, tôi đã làm những gì mà tôi làm khi con rùa của tôi ị bậy lúc tôi đi vắng khiến tôi phải dành mấy tiếng đồng hồ len lỏi và lần dò ‘bom mìn’ ở từng ngóc ngách một và, bằng một cách nào đó, cả trên những bức tường: Tôi xắn tay áo lên, hít một hơi thật sâu, tự nhủ thầm, “Đàn ông lên, Tim,” và bắt đầu cào tay xuống từng lớp thúi. Nếu tôi phải sống trong một thế giới xung quanh toàn người tranh cãi liên tục về năng lượng, dầu, khí nhà kính và các chiến dịch thao túng hành vi đám đông, tôi cá là cái thân cây này sẽ có ích lắm đấy.
Sau nhiều tuần đọc, đặt câu hỏi và viết, tôi cuối cùng cũng ngoi lên khỏi được mặt nước cống toàn kít rùa và thành quả là một thứ mà không biết nên gọi là bài blog dài hay cuốn sách ngắn. Để giữ được tính thống nhất của mạch nội dung, tôi không chia nó thành nhiều bài khác nhau mà giữ nguyên tất cả thành một. Bạn sẽ cần đầu tư chút thời gian cho cái này, nhưng tôi tin nó sẽ giúp bạn tạo dựng lên một thân cây kiến thức chắc chắn hơn so với những gì bạn đang biết về chủ đề này. Và hóa ra, chúng ta có thể đang trải qua một khoảnh khắc lịch sử rất tuyệt vời, liên quan đến chủ đề này, mà chẳng hay biết.
Hai điều tôi muốn disclaim trước khi chúng ta bắt đầu:
1) Đây là một vấn đề bị chính trị hóa rất cao, nhưng bài đăng này không nhắm đến mục đích chính trị. Tôi không phải là chính trị gia vì chính trị Mỹ là cái nhọt mông phiền phức không gì sánh bằng. Tôi nghĩ cả hai bên đều có điểm tốt, và cũng đều có một đống những gã đần suốt ngày gáy ngu. Vì vậy, cũng giống như tất cả các bài viết khác, tôi tiếp cận bài viết này với một cái nhìn lý trí và từ những gì tôi cho là có ý nghĩa.
2) Spoiler: Đây là một bài pro-Tesla. Điều này có vẻ đáng ngờ vì A) Elon Musk đã nhờ tôi viết về chủ này và B) tôi vừa mới viết một bài ca ngợi anh ấy là con người đỉnh nhất thế giới. Nhưng hai điều mà các bạn cần biết:
– Đầu tiên, tôi không nhận được sự ủy thác của Musk và tôi nhận được 0 đô la cho việc này. Musk có đề nghị tôi viết về vấn đề này vì tôi nghĩ rằng anh ấy nghĩ rằng mọi người vẫn đang thiếu một thân cây tròn vẹn trong đầu về nó – nhưng anh ấy chưa từng đề nghị tôi nói tốt về Tesla, xe điện hay bất cứ điều gì tương tự.
– Thứ hai, kim chỉ nam của blog Wait But Why là sự chính trực. Không có nó, WBW sẽ mất khả năng tạo ảnh hưởng. Và sự chính trực luôn luôn được ưu tiên hàng đầu, dù phải đối mặt với khả năng rằng Musk sẽ ghét tôi đi nữa, nếu đó là điều cần thiết. Nếu tôi không nghĩ rằng chủ đề này sẽ giúp tạo ra một bài viết tuyệt vời cho WBW, thì tôi đã không theo đuổi nó. Tôi ủng hộ Tesla trong bài viết bởi vì đó là cảm giác của tôi sau khi đã dành cả tấn thời gian và công sức để học hỏi và suy ngẫm – bao gồm nhiều phản biện đối với Tesla và tất cả các tài liệu liên quan mà tôi có thể tìm thấy.
Ok, không để mọi người phải chờ đợi nữa, ta cùng bơi xuống nào.
[Đọc tiếp tại https://qr.ae/pNyssA]
________________
Đây có lẽ là một trong những bài dài nhất mà mình đã và sẽ từng dịch. Và cũng là một trong những bài thú vị nhất.
Việc dịch bài này đem đến cảm giác “the work is the reward” mà lần cuối mình cảm nhận được là hồi ôn thi đại học, mà thực ra mình bỏ hết các môn khác chỉ duy nhất ôn Văn. Cảm giác không thể chờ đến ngày mai mỗi lúc nằm đợi giấc ngủ, và hôm sau luôn dậy trước giờ chuông báo thức. Đương nhiên là mệt và nản, nhưng vui.
Một bài thực sự rất rất rất dài viết về một chủ đề mà mình vốn cho là chán ngắt, nhưng Tim Urban với giọng văn duyên dáng cùng khả năng kể chuyện điêu luyện khiến “rất rất rất dài” trôi qua nhẹ nhàng như một sáng Chủ Nhật nằm võng đọc sách trên ban công sau nhà với chút nắng chỉ vừa chơi vơi.
“Jun từ lửa rất khó khai thác, nhưng nếu truyền chúng vào nước, chúng sẽ khiến các phân tử nước trở nên hoảng loạn và điên cuồng di chuyển cho đến khi những phân tử đó trở nên hoàn toàn mất trí và bắt đầu bay lên khỏi bề mặt,…”
“Ngoài ra, trong khí thải còn có carbon dioxide (CO2) vừa được tạo ra trong vụ nổ, cho phép carbon con-tin bị nhốt giữ trong xăng có thể vui vẻ trở lại bầu khí quyển Trái Đất sau 300 triệu năm buồn tẻ đến cùng cực dưới lòng đất.”
“Chúng ta đã quen với thế giới chúng ta đang sống, bất kể thế giới đó như thế nào, nhưng nếu bạn xem lại lịch sử và lùi một bước lớn để có cái nhìn tổng quan, một số điều đột nhiên thật vô nghĩa.”
Hi vọng các bạn khi đọc bài này sẽ thấy thích như lúc mình dịch nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *