Trong quá trình đầu tư, không nhiều thì ít, chúng ta đã từng mắc phải những sai lầm dẫn đến mất tiền, nhưng quan trọng là qua những sai lầm đó mình đúc rút lại được kinh nghiệm và biết cách sửa sai. Học phí cao hay thấp phụ thuộc vào kiến thức, đẳng cấp của từng người. Trong quá trình hỗ trợ các anh chị nhà đầu tư, đặc biệt là các anh chị F0 mới tham gia thị trường năm vừa rồi, mình thấy có một vài lỗi cơ bản mà mọi người rất hay mắc phải, nên mình viết bài này, hy vọng anh chị em đọc được và rút kinh nghiệm, từ đó cải thiện tỷ suất sinh lời năm mới này nhé.
Giải ngân dàn trải danh mục lên đến 8-10 mã
Có lẽ anh chị cũng từng thấy hoặc chính mình đã từng sở hữu những danh mục lên 8-9 mã thậm chí đến hàng chục mã. Chỉ cần nghe ai đó phím mã nào tốt là lập tức mua vào, có khi còn chẳng có thời gian tìm hiểu doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực gì, kết quả kinh doanh ra sao.
Lúc cổ phiếu tăng giá thì dường như mọi chuyện vẫn ổn, tuy nhiên việc này không mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt vì phần tiền bạn dành cho mỗi loại cổ phiếu quá ít. Ngược lại khi giá giảm sẽ khó xử lý hơn rất nhiều. Nhất là những đoạn thị trường biến động mạnh như đợt vừa rồi, chúng ta rất khó để theo sát diễn biến của từng cổ phiếu và đưa ra phương án xử lý tối ưu. Thời gian cân nhắc nên hạ mã nào, bán mã nào thì cổ phiếu đã giảm thêm vài % nữa và bị trôi quá khỏi vùng stoploss, bỏ thì không nỡ mà chờ hồi còn bế tắc hơn.
Đầu tư toàn bộ vốn vào một cổ phiếu
Ngược lại với lỗi bên trên, có những người cả danh mục chỉ all in vào 1 mã duy nhất. Danh mục nhìn có vẻ gọn nhẹ, dễ xử lý nhưng lại rủi ro theo kiểu khác. Giống như việc bỏ chung tất cả trứng vào cùng một giỏ, khi trường hợp xấu xảy ra chúng ta dễ mất tất cả.
Vì vậy, đa dạng hóa danh mục đầu tư, đầu tư vào nhiều cổ phiếu khác nhau sẽ giúp chúng ta giảm được nhiều rủi ro. Chẳng may cổ phiếu này rớt giá, thì vẫn còn những cổ phiếu khác có thể tăng giá, ngành này gặp bất lợi thì còn có ngành khác hưởng lợi. Từ đó giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Vậy giải pháp để tránh cả 2 lỗi trên là gì?
Mình lấy ví dụ luôn: Với mức NAV khoảng 500 triệu chúng ta nên phân bổ cho 4 – 5 mã với tỷ trọng mỗi mã từ 20 – 25%, cho 2 – 3 nhóm ngành. Mỗi nhóm ngành mình nên chọn ra 1 mã khỏe nhất, ngành nào đang dẫn sóng thì mới cân nhắc mở rộng ra 2 mã. Vừa đa dạng hóa danh mục, hạn chế rủi ro, vừa không bị dàn trải khó theo dõi.
Bắt đầu ngay bằng những cổ phiếu giá rẻ “penny”
Tâm lý ai cũng thích mua được nhiều cổ phiếu, nên thường chọn những mã có thị giá rẻ.
Nhưng đúng bản chất, cùng 1 số vốn 1 tỷ, mua được 20k cổ phiếu giá 50k hoặc được 100k cổ phiếu giá 10k. Nghe thì có vẻ mua cổ phiếu giá 10k sẽ đc nhiều hơn đấy. Nhưng tổng giá trị là bằng nhau. Sau 1 khoảng thời gian, % tăng giá như nhau thì số tiền sinh lời mà bạn nhận đc của cả 2 là như nhau.
Hãy mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Vì đa số các cổ phiếu được bán ở mức quá rẻ đều có lý do nào đó. Hoặc là chúng từng có vấn đề trong quá khứ hoặc đang gặp rắc rối ngay trong hiện tại và không loại trừ khả năng sẽ còn giảm giá trong tương lai. Cổ phiếu cũng như mọi thứ hàng hoá khác, mặt hàng tốt nhất không bao giờ có mức giá rẻ nhất, hay nói cách nôm na là “tiền nào của ấy”. Chúng ta nên cân nhắc về khả năng sinh lời và tiềm năng phát triển của công ty trước khi đưa ra quyết định sở hữu 1 cổ phiếu dù đắt hay rẻ.
Dùng margin không đúng lúc
Margin là công cụ dễ khiến chúng ta phải đối mặt với tình trạng cháy tài khoản nếu không hiểu về nó và biết cách sử dụng hợp lý. Có rất nhiều nhà đầu tư khi mới bước vào thị trường sử dụng nó mà không tìm hiểu kỹ về lãi vay cũng như tỷ lệ ký quỹ. Cổ phiếu tăng chưa chắc danh mục đã có lãi vì tỷ suất sinh lời không lớn hơn lãi vay margin hay khi cổ phiếu giảm, bị call margin mà không biết dẫn đến tình trạng force sell (bán giải chấp).
Bài học rút ra là chúng ta cần tìm hiểu kỹ về đòn bẩy tài chính này và chỉ nên sử dụng chúng khi thị trường thuận và đang có nhiều cơ hội, hạn chế sử dụng margin trong một xu hướng giảm và đặc biệt không dùng để trung bình giá xuống nếu không muốn “cháy tài khoản”.
Bán đi những cổ phiếu tốt, giữ lại những cổ phiếu thua lỗ
Nói cách khác là làm ngược lại hoàn toàn so với điều mà chúng ta phải làm: tống khứ những cổ phiếu thua lỗ quá mức giới hạn và cho những cổ phiếu sinh lợi thêm thời gian.
Việc bán luôn khó hơn rất nhiều so với mua, đặc biệt khi cổ phiếu giảm mạnh chúng ta thường càng không dám bán ra. Hầu hết chúng ta, kể cả những người có kinh nghiệm, thường kỳ vọng một cổ phiếu xấu đang giảm giá mạnh của mình sẽ bất ngờ đảo chiều đi lên và tiếp tục chờ với hy vọng ít nhất hòa vốn. Đôi khi các cổ phiếu kém cũng phục hồi, có thể trong thời gian dài, nhưng việc giữ một cổ phiếu mà chỉ dựa vào niềm hy vọng thường dẫn đến mất mát nhiều hơn…
Có hai vấn đề với cách tiếp cận này. Thứ nhất, thường không có bằng chứng nào cho thấy cổ phiếu đó sẽ tăng trở lại. Thứ hai, khi chờ đợi cổ phiếu đó tăng trở lại, chúng ta có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khác với tỷ suất sinh lời vượt trội hơn.
Ngoài ra tâm lý sai lầm này còn khiến chúng ta điên cuồng trung bình giá xuống, tương tự như việc các con bạc thường cố gắng đặt cược những khoản tiền lớn hơn để gỡ lại những gì đã mất và kết quả là những khoản thua lỗ lớn hơn. Nguyên tắc cắt lỗ sẽ giúp chúng ta vượt qua được thời điểm khó khăn để tiếp tục đầu tư, bởi “còn tiền thì mới còn cơ hội”.
Yêu thích một cổ phiếu, đặc biệt khi lỗ càng yêu
Kể cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng thường đặc biệt yêu thích một cổ phiếu hay một công ty nào đó vì những lý do cá nhân. Lý do có thể là hâm mộ lãnh đạo công ty, yêu thích sản phẩm của công ty đó… Vấn đề là một khi dành tình yêu cho cổ phiếu nào đó, việc bán nó đi trở nên vô cùng khó khăn. Kể cả khi giá giảm, chúng ta thường cố chấp mua thêm vì nghĩ rằng nó đang “rẻ hơn”. Tuy nhiên, việc yêu thích chiếc áo của mình không đồng nghĩa cổ phiếu của công ty sản xuất chiếc áo đó là một lựa chọn đầu tư tốt.
Để tránh gặp rủi ro khi đầu tư, chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định đã đặt ra từ trước với danh mục của mình, không có ngoại lệ. Nếu một cổ phiếu giảm mạnh kể cả khi thị trường chung tốt, có thể cân nhắc thay thế nó. Nhìn chung, mọi cổ phiếu phải được đánh giá với các tiêu chí như nhau.
Đừng để sai lầm nối tiếp sai lầm, nhất là hành động giảm quá rồi thì đóng app. Đó không phải là cách hay. Vì sau mỗi nhịp giảm sẽ có những nhóm dẫn dắt mới, và trong quá trình thị trường hồi phục, không phải mã nào cũng tăng như nhau, thế nên các cổ phiếu yếu kém khuyến khích hạ bớt trong các phiên hồi phục, để cơ cấu chuyển qua các cơ hội khác tốt hơn, vì hiệu quả đầu tư chỉ có thể cải thiện nhờ những cổ phiếu tăng trưởng tốt hơn thị trường chung.
Hy vọng qua bài viết này, những ai đã từng, đang, hoặc chưa mắc phải những lỗi trên thì cũng biết để tránh được trong quá trình đầu tư thời gian tới, từ đó cải thiện tỷ suất sinh lời. Chúc anh chị 1 năm 2022 đầu tư hiệu quả! Còn những sai lầm nào mà anh chị đã khắc cốt ghi tâm, hãy cùng chia sẻ để cùng nhau tránh trong thời gian giao dịch tới nhé.
Theo: Cô Thắm Đầu Tư