Trưởng thành thực sự là khi biết buông bỏ

Tác phẩm điêu khắc “David” của Michelangelo từng gây chấn động cả châu Âu.

Có người hỏi ông, “David” đã được tạo ra như thế nào?

Michelangelo đáp: “Chỉ cần bỏ đi những phần không thuộc về nó là được”.

Loại bỏ tất thảy những râu ria dư thừa mới có thể phác thảo được vẻ đẹp tột cùng của sự giản đơn.

Cuộc sống cũng tựa như tác phẩm điêu khắc vậy, chỉ khi học được cách buông bỏ những thứ không cần thiết, ta mới có thể gặp được một bản thân tốt đẹp hơn.

Bạn muốn càng nhiều, thì phiền não cũng càng nhiều.

Trước đây tôi từng coi phim ngắn “I NEED”. Mở đầu bộ phim, cô gái nọ chỉ muốn kiếm thứ gì đó ăn cho no bụng. Nhưng ăn uống no nê rồi, cô lại muốn có một chiếc giường êm ái và ấm áp. Nằm trên chiếc giường thoải mái, cô lại muốn có một căn nhà cho riêng mình. Có nhà rồi, cô lại muốn có xe hơi, có nội thất, có những thứ đồ trang trí đẹp mắt…

Sau khi nhu cầu vật chất đã được thoả mãn, cô lại muốn được đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần. Cô muốn có bạn trai, muốn có một tình yêu nồng cháy, muốn có một tình bạn dài lâu bền chặt…

Càng ngày càng muốn có nhiều thứ, đến cuối cùng, cô lạc lối trong quá trình theo đuổi ham muốn của chính mình. Nhưng nhìn lại lúc đầu, thật ra cô chỉ muốn có một miếng ăn no bụng.

Trong Kinh tế học có một thuật ngữ là “Hiệu ứng chốt hãm ngược” (Ratchet Effect): thói quen tiêu xài thoải mái của người dân một khi đã hình thành thì không thể đảo ngược lại. Từ thanh đạm lên xa hoa thì dễ, chứ từ xa hoa về lại đạm bạc thì rất khó.

Trên thực tế, ước muốn của con người cũng vậy, một khi cánh cửa dục vọng được mở ra, nó sẽ tiếp tục mở rộng, không có hồi kết.

Liễu Tông Nguyên từng viết “Phụ Bản Truyện”, kể rằng, Phụ Bản là loại côn trùng nhỏ, giỏi mang vác đồ đạc. Khi đang bò, gặp thứ gì hay ho, chúng đều nhặt lấy rồi đem chất lên lưng. Dần dà, lượng đồ trên lưng càng lúc càng nhiều, càng lúc càng nặng. Nhưng chúng thà bị vắt kiệt sức chứ chẳng chịu bỏ bớt đồ xuống.

Rất nhiều người cảm thấy không vui vẻ, kỳ thực cũng như Phụ Bản, không ngừng gia tăng trọng lượng những thứ đang vác trên lưng mà quên mất rằng, những thứ mình có thể mang theo thực ra là có hạn.

Chúng ta cả đời tự chất thêm lên mình rất nhiều thứ, làm không biết bao nhiêu là “phép cộng”, nhưng “thêm thắt” càng nhiều thì gánh nặng càng lớn, cứ vậy khiến bản thân rối bời mệt mỏi.

Nhà văn người Nga, Krylov từng nói: “Kẻ tham lam thứ gì cũng muốn có nhưng kết cuộc thì vẫn trắng tay.”

Nếu thứ gì bạn cũng muốn có, vậy thì cuối cùng, thứ gì bạn cũng chẳng có được. Chỉ khi cố gắng kiểm soát ham muốn của bản thân, làm “phép trừ” loại bỏ đi những thứ không cần thiết, cuộc sống của bạn mới không bị trói buộc bởi những ham muốn vật chất.

Những người thật sự lợi hại đều biết làm “phép trừ” với cuộc sống của họ.

Quy tắc 3-7 giải thích rằng: 70% chức năng của điện thoại cao cấp là vô dụng; trong một căn nhà lớn, 70% không gian là để trống; 70% vật dụng trong nhà sẽ không được sử dụng lại lần nữa…

Trong cuộc sống, 70% đồ đạc quanh ta đều không mấy quan trọng, trong khi những thứ thực sự hữu dụng thường chỉ chiếm số ít.

Một năm nọ, Apple cho ra mắt máy nghe nhạc iPod màn hình rộng, vừa tung ra thị trường đã được công chúng yêu thích. Nhưng sau đó, Jobs cho rằng nó quá cồng kềnh và muốn làm màn hình nhỏ hơn.

Các thành viên trong nhóm liền phản đối: “Anh không thể làm cái màn hình nhỏ đi được, trong iPod có nhiều bài hát như vậy, không phải ta cần nhìn vào màn hình rồi mới chọn một bài ra để nghe sao?”

Jobs cho biết: “Vì những bài hát này đã được tải xuống từ máy tính của anh, anh đã sàng lọc rồi thì không cần phải chọn lại thêm lần nữa.”

Chiếc iPod gọt đi màn hình sau này trở thành iPod Shuffle phổ biến toàn thế giới. Sau khi ra mắt, nó chiếm tới 74% thị trường máy nghe nhạc lúc bấy giờ.

Ngoài công việc, cuộc sống của Jobs cũng vô cùng giản dị.

Đồ đạc trong nhà ông cực kỳ đơn giản, trong phòng chẳng có gì ngoài chiếc đèn bàn, một cái ghế và một chiếc giường.

Cách ăn mặc của ông cũng vậy. Theo thống kê, từ năm 1998 đến 2010, ông đều mặc chiếc áo phông đen đơn giản và quần jean xanh tại mọi hội nghị của Apple.

Ông theo đuổi lối sống tối giản suốt cả đời: Less is more, ít tức nhiều.

Jobs từng nói: “Đơn giản khó hơn phức tạp. Bạn phải làm việc thật chăm chỉ để biến ý tưởng của mình trở nên rõ ràng và đơn giản”.

Đúng vậy, cuộc sống này có quá nhiều cám dỗ, thay vì lãng phí thời gian cho việc chọn lựa, tốt hơn hết, ta nên dành sức lực và sự tập trung cho một việc thôi.

Chỉ khi giảm bớt những ham muốn vật chất không cần thiết, loại bỏ những thứ vô dụng chiếm đến 70% của cuộc sống, chúng ta mới có thể khiến 30% còn lại phát huy được tác dụng một cách triệt để.

Nội tâm càng phong phú, cuộc sống càng giản đơn.

Thoreau từng nói: “Sự giàu có của một người tỷ lệ thuận với số lượng những thứ mà anh ta có thể từ bỏ”.

Nhân tố để đo lường sự hạnh phúc của một người không phải là người đó có được bao nhiêu, mà là người đó đã dám từ bỏ bao nhiêu.

Nhà văn Ryan Nicodemus ở tuổi hai mươi đã gia nhập một công ty lớn, 5 năm sau, anh được thăng đến chức Giám đốc điều hành, quản lý hàng trăm nhân viên. Với thu nhập cao, anh ta bắt đầu tiêu xài hoang phí, tậu xe mới, sắm sửa đồ đạc cho gia đình, chi tiêu cho đủ thứ đồ hàng hiệu xa xỉ đắt đỏ…

Nhưng, có càng nhiều thứ, cuộc sống của Ryan lại càng trống rỗng. Anh dần đánh mất phương hướng cuộc đời, sau đó, thậm chí bắt đầu sử dụng rượu để giải toả nỗi buồn, và phải dựa vào thuốc an thần để có thể tồn tại.

Sau khi Joshua, một người bạn biết được hoàn cảnh của anh, đã đưa ra lời khuyên: Cậu nên sắp xếp lại cuộc sống, loại bỏ tất cả những thứ vô bổ khỏi cuộc đời mình.

Với sự giúp đỡ của Joshua, Ryan đã dành 9 giờ đồng hồ để đóng gói toàn bộ đồ đạc trong nhà vào những chiếc thùng rồi dán nhãn lên. Trong vòng 21 ngày tiếp theo, dựa theo nhãn dán, mỗi ngày anh chỉ lấy ra những thứ cần thiết từ chiếc thùng tương ứng. Kết quả là 3 tuần sau, Ryan phát hiện 80% đồ đạc của mình vẫn nằm trong thùng, căn bản chưa hề động đến. Vì vậy, anh quyết định vứt bỏ hết những thứ này.

Sau khi thanh lý những món đồ không dùng đến, nhìn đồ đạc đơn giản còn lại trong phòng, Ryan chợt thở phào nhẹ nhõm, không còn cảm giác chán nản như trước nữa.

Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Đời người chỉ vì ham muốn mà cạn kiệt, như trâu như ngựa, nghe tiếng đời mà trói buộc. Chỉ khi nghĩ thông suốt rồi, bản thân mới có thể vô dục vô ưu”.

Trưởng thành là để bản thân có được năng lực thực hiện những “phép cộng”, nhưng sự trưởng thành thực thụ chỉ bắt đầu khi bạn học được cách làm “phép trừ”.

Chỉ khi bắt đầu đơn giản hóa cuộc sống, trút bỏ những gánh nặng bên trong, bạn mới có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *