truoc-khi-mat,-nguoi-chong-len-ke-hoach-de-vo-con-do-tui

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi

Anh Ngọc Mạnh là chồng chị Tô Quỳnh Dung (ở thành phố Thanh Hóa) qua đời khi con còn nhỏ dại, vợ và mẹ già đau xót, chơi vơi. Ngày 20/10 năm đó, người vợ nhận được lẵng hoa do người bạn thân của chồng mang tới với lời nhắn “Quà của ba Mạnh gửi tặng”.

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi- Ảnh 1.

Lúc đó, chị Dung mới biết, trước lúc ra đi mãi mãi, anh Mạnh nhờ bạn mang hoa tới nhà tặng cho mẹ, vợ và con gái vào các dịp đặc biệt để mọi người bớt đi phần nào nỗi trống trải, mất mát. Sự thật về những việc làm của chồng để chuẩn bị cho cái chết của mình khiến người phụ nữ 33 tuổi bất ngờ đến bật khóc.

“Chồng không còn nữa, nhưng tình yêu của anh vẫn ở lại. Tôi tin rằng anh ấy vẫn luôn dõi theo cuộc sống của hai mẹ con tôi. Chúng tôi sống vui, hạnh phúc cũng là cách giúp người đã khuất an lòng”, chị Dung chiêm nghiệm.

Bên nhau từ thuở hàn vi, chia ly lúc gia đình viên mãn

Nhớ lại ngày đầu mới quen nhau vào năm 2014 do một người chị đứng ra làm cầu nối, tình yêu của anh Mạnh, chị Dung đến rất giản đơn. Sau một năm tìm hiểu, tới tháng 12/2014, anh chị về chung một nhà.

Thời gian đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế chưa có vì mức lương hợp đồng thấp, nhiều lần chị Dung còn tủi thân vì nhận thấy tính chồng khá khô khan, thường xuyên quên các ngày kỷ niệm, những dịp đặc biệt.

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi- Ảnh 2.

Có những thời điểm đôi vợ chồng lâm vào bế tắc. May mắn, thay vì im lặng càng khiến rạn nứt mỗi ngày một lớn, anh chị đã chọn cách ngồi lại nói chuyện với nhau tìm hướng giải quyết.

Bản thân anh Mạnh chân thành thừa nhận với vợ việc không để tâm, thực hiện những cử chỉ, hành động lãng mạn nên có thể khiến bạn đời tủi thân. Anh xác định mình là trụ cột, cần gồng gánh gia đình nên không nề hà bất cứ việc gì, miễn sao cuộc sống vợ con bớt vất vả.

Năm 2016, khi em bé đầu lòng chào đời, kinh tế gia đình anh chị chật vật hơn. Thấy nguồn thu nhập bấp bênh, anh Mạnh quyết định thôi việc, tự tìm kiếm cơ hội mới.

Để kiếm tiền nuôi gia đình, anh làm đủ lĩnh vực, từ mảng bảo vệ thực vật tới làm sale (người bán hàng) ô tô. Không lâu sau, chị Dung cũng theo chồng bứt ra ngoài làm ăn. Chị làm việc tại một trung tâm tiếng Anh, từ vị trí nhân viên, dần phấn đấu tới vai trò quản lý.

Cũng từ đó, áp lực kinh tế giảm dần. Sau 4 năm gắn bó, đôi vợ chồng trẻ từ chỗ phải ở thuê trong một căn phòng trọ nhỏ đã tậu được đất, xây được nhà riêng và mua ô tô.

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi- Ảnh 3.

“Dù anh ấy không lãng mạn nhưng có tinh thần trách nhiệm rất lớn với gia đình. Anh sống lành mạnh, không hút thuốc, chỉ uống rượu bia khi phải đi tiếp khách. Nếu về muộn, anh luôn gọi điện báo trước”, chị Dung nói.

Tưởng rằng cuộc sống gia đình nhỏ sẽ mãi gắn kết như vậy, nhưng bất ngờ một bước ngoặt xảy ra sau chuyến du lịch cuối cùng vào tháng 7/2020.

“Sau một chuyến nghỉ dưỡng ở Nghi Sơn cùng gia đình trở về, anh Mạnh bị đau lưng dữ dội. Ban đầu chồng tôi chỉ nghĩ đau cơ do chơi thể thao. Đi thăm khám, bác sĩ nghi anh bị sỏi thận và cho uống thuốc nhưng cơn đau không thuyên giảm. Sau đó, anh được chẩn đoán bị ung thư phổi đã di căn sang xương, ở giai đoạn cuối. Biến cố ập đến rất nhanh”, người vợ gạt nước mắt kể lại.

Lên kế hoạch nâng đỡ vợ con trước lúc qua đời

Từng hỗ trợ người chị ruột bị K vú phải xạ trị và vượt qua bạo bệnh, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, anh Mạnh vẫn rất lạc quan.

Tháng 8/2020, hai vợ chồng thăm khám tại bệnh viện K Tân Triều ở Hà Nội và được các bác sĩ thông báo “phải xác định trước tinh thần vì tiên lượng xấu”, cặp đôi mới hiểu thời gian dành cho nhau không còn nhiều.

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi- Ảnh 4.

Sau khoảng 3 tháng điều trị, anh Mạnh trở lại với công việc như trước. Anh cũng sinh hoạt, vui vẻ như bình thường. Bản thân chị Dung thì nhận thấy tính cách chồng thay đổi rất nhiều.

Lúc này, kiếm tiền không phải là mục tiêu hàng đầu. Anh dành nhiều thời gian cho gia đình, thường xuyên mua quà cho vợ không vì bất cứ dịp nào. Họ động viên nhau nhiều hơn, nói chuyện nhiều về những dự định tương lai.

Biết mình không còn sống được bao lâu, anh Mạnh dặn vợ đừng “ở giá” mà mạnh dạn đi tìm hạnh phúc mới, chọn một người khác làm chỗ dựa. Anh mãn nguyện vì ít nhiều đã kịp gây dựng, lo đủ đầy cho gia đình, vợ con có nhà, xe và sổ tiết kiệm. Anh chỉ mong vợ gặp may mắn hơn trong cuộc sống sau này.

Nhưng điều khiến anh băn khoăn nhất là mẹ già còn đó trong khi chỉ có mình là chỗ dựa. Để chồng an lòng, chị Dung trích một khoản làm sổ tiết kiệm biếu mẹ chồng, góp thêm phần nhỏ phụng dưỡng bà lúc tuổi già.

Tháng 5/2021, anh Mạnh ra đi mãi mãi. Vài tháng sau, chị Dung mới biết chuyện chồng nhờ bạn mua hoa mang tới nhà tặng vợ con vào những dịp quan trọng. Tuy nhiên, anh cũng dặn thêm bạn, tùy tình hình để quyết định thời điểm tặng hoa, gửi quà tiếp vì nếu sau này vợ có hạnh phúc riêng thì tránh làm chị phải phiền lòng.

“Dịp 20/10 năm 2020, anh ấy đặt phòng ở khách sạn hạng sang để tặng vợ điện thoại đắt tiền. Cũng ngày này một năm sau, tôi vẫn được nhận hoa của chồng dù đã âm dương cách biệt. Đó là 2 lần cảm xúc nhất bởi tôi biết rằng tình cảm anh dành cho vợ còn rất nhiều”, chị bộc bạch.

Trước khi mất, người chồng lên kế hoạch để vợ con đỡ tủi- Ảnh 5.

3 năm trôi qua, chị Dung dặn bạn của chồng không cần gửi hoa cho mình nữa. Thay vào đó, chị tự mua nhiều hoa tươi cắm trên bàn thờ chồng, trang trí nhà cửa để anh biết rằng cuộc sống của gia đình vẫn ổn thỏa.

“Hiện mẹ chồng vẫn sống cùng mẹ con tôi. Trước khi mất, anh tâm sự với mẹ hãy ở lại cho tới khi Dung sẵn sàng một cuộc sống mới. Nếu Dung có tình yêu mới, mẹ hãy gả vợ con đi. Về phần mình, tôi vẫn sống rất hạnh phúc vì biết rằng có như vậy anh mới yên lòng”, người phụ nữ 33 tuổi tâm sự.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *