TRƯỚC KHI CẬU GIỞ QUYỂN SÁCH KẾ TIẾP RA, THÌ ĐỌC THỬ CÁI NÀY ĐI.
Tác giả: Karan
____
Cậu đã bao giờ làm được nước ép chanh, chỉ bằng việc nhìn quả chanh không🍋?
Không, chắc chắn là không rồi!
Vậy điều gì khiến cậu nghĩ chỉ mỗi đọc sách sẽ giúp cậu giải quyết được vấn đề của mình?
Không hề đâu.
Mình đã đọc sách cả một thời gian dài và đến tận giờ đây, mình còn chẳng thể nhớ nổi quá 5 % những gì đã đọc. Cảm tưởng như thể đám sách đó chỉ tổ phí tiền và phí thời gian thôi. Mình chẳng đi được tới đâu cả! Vẫn là Karan của những năm trước đây. Trừ một vài thuật ngữ thông dụng, mình chả nhớ được thứ gì có giá trị. Như kiểu mình đang cố làm nước ép chanh bằng việc nhìn vào quả chanh thôi ấy.
Ừ thì, tua nhanh đến ngày hôm nay, mình đã có thể giữ lấy phần lớn những gì mình đọc. Trước khi cậu bắt đầu quyển sách mới, mình muốn cậu thực hiện bốn bước quy trình đơn giản này. Đây là thứ đã giúp mình ghi nhớ được hầu hết những gì đã đọc.
Quan trọng là: Sách đòi hỏi tiêu tốn thời gian và tiền bạc, vậy nên hoặc là đọc chúng đúng cách, còn không thì đừng cố làm gì. Và ý mình, “sách” ở đây là phi tiểu thuyết (sách kinh tế/chiến lược/self-help/các kiểu ấy).
TRƯỚC KHI ĐỌC, CẬU SẼ CẦN
- Một cây bút chì/bút mực ✏️
- Một tờ giấy nháp🗒
- Một tài khoản ở Evernote (Không bắt buộc nhưng mình cực lực đề cử)
I. Hãy đọc ít hơn, bằng cách chia sách ra làm nhiều phần bằng nhau.
Tùy vào cỡ chữ và cỡ sách, mình thường đọc từ 20 đến 40 trang mỗi ngày thôi. Ví dụ, khi đọc Từ Không Đến Một (Zero To One) mình đọc 30 trang mỗi ngày trong khi chỉ đọc 20 trang đối với Nghệ Thuật Quyến Rũ (The Art Of Seduction.)
Tại sao? Bởi vì
- Não bộ của cậu có khi còn chẳng xử lý nổi 100 trang sách một lúc chứ đừng nói chi lưu trữ chúng.
- Cậu sẽ phải để ý tới những điều quan trọng khác trong cuộc sống. Chỉ đọc sách không phải là sự bảo chứng cho thành công. Cậu sẽ cần phải lên kế hoạch cho mục tiêu của mình, lập những chiến lực, thi hành chúng và gặt hái thành quả!
- Điều quan trọng nhất, cậu sẽ luôn có thể tận hưởng việc đọc sách của mình!
Mình không đề cử lắm việc chia sách theo chương hay chủ đề có sẵn, đôi khi chương này có thể sẽ dài hơn hoặc ngắn hơn chương khác thì sao.
II. Đánh dấu lại, ghi chú sau.
Nếu trong lúc đọc, cậu lướt qua đôi chỗ có giá trị xứng đáng để ghi chú lại, thì cứ ghi lại số trang, số đoạn và số câu vào giấy.
Sau khi đọc xong, tờ giấy của cậu sẽ trông như thế này.
Giờ cậu chẳng cần phải ghi chú lại phần đó ngay sau khi đọc xong nữa, cậu có thể làm việc đó bất kỳ lúc nào mình muốn. Chỉ cần một mảnh giấy là đủ để cậu nắm bắt những ý quan trọng rồi, và nhớ lưu chúng dưới dạng ghi chú mới trong Evernote. Mình đề cao Evernote hơn bởi giao diện rất đẹp và khả năng tiếp cận cao trên cả Macbook và iPhone.
Trước khi bắt đầu buổi đọc sách kế tiếp, nhớ đừng quên xem lại ghi chú của ngày hôm qua. Chỉ hai phút duyệt bài lại cũng đủ để cậu xây dựng mối liên kết ấy thêm lần nữa và giữ nguyên mọi giá trị!
III. Tổng kết lại
Sau khi đọc xong quyển sách, cậu hẳn đã ghi chú lại mọi thứ quan trọng, giờ đây những gì cậu cần làm là,
- Làm một tờ ghi chú mới.
- Sao chép và dán (hoặc ghi nếu cậu viết tay) mọi dòng ghi chú cũ vào tờ giấy mới.
- Xem qua và tổng kết lại chúng. Loại bỏ những thứ cậu cho rằng vô giá trị. Hãy cố cắt gọn câu chữ nhưng đừng lượt bỏ thông điệp quan trọng.
- Nêu bật phần quan trọng nhất bằng highlight. Chính là tổng kết của tổng kết ấy.
Đây là cách để cậu highlight cho đúng này,
Để xây dựng một thương hiệu lớn, thì chiêu thị (publicity) quan trọng hơn tiếp thị (marketing). Chiêu thị thông qua các cuộc họp báo, những bài báo, phỏng vấn truyền hình, bài tạp chí, vân vân. Phương Tiện Truyền Thông Tin Tức muốn bàn luận về Cái gì Mới, Cái gì Hot, Cái gì Đầu tiên, chứ không phải là Cái gì Tốt hơn. Tất cả những công ty vĩ đại nhất đều được tạo nên nhờ trang giấy của nhật báo The Wall Street Journal, Business Week, Forbes, Fortune, vân vân và đều nhờ Chiêu thị chứ không phải là Quảng cáo (Advertising). Chiêu thị là thứ thai nghén ra thương hiệu.
Sẽ thành thế này👇,
Chiêu thị thông qua các cuộc họp báo, bài báo, phỏng vấn truyền hình, tạp chí, vân vân chính là thứ thai nghén ra thương hiệu.
Cách này sẽ giúp cậu có được một bản tóm lược mà cậu có thể đọc lại bất kỳ lúc nào. Hơn hết là, phần được highlight sẽ giúp cậu tóm gọn bản tóm lược đó hơn nữa.
Quan trọng là: Đừng bao giờ cắt gọn hết ý nghĩa quyển sách. Cậu không thể tổng kết một quyển sách 300 trang xuống còn 2 phút đọc được, bản tóm lược tổng kết đó của cậu chẳng mấy giá trị đâu. Phần của mình thường tốn tầm 10 đến 15 phút đọc trong khi những đoạn được highlight thường chỉ tốn tầm 2 phút thôi. Ngắn quá thì vô dụng rồi.
IV. Xem qua và đọc lại.
Bước cuối cùng rồi này. Tần suất “xem lại bài cũ” như thế nào là tùy ở cậu.
Mình thường xem lại phần được highlight của mấy tờ tổng kết cũ một lần mỗi ngày vào những khi rảnh, và xem toàn bộ bản tổng kết một lần mỗi tháng.
Lần nào cũng thú vị.
Thế thôi!
Đây là tất cả những gì mình muốn cậu biết trước khi lật trang sách mới. Mình muốn cậu rút ra nhiều nhất những giá trị từ sách của cậu, lưu trữ những gì quan trọng nhất và hơn hết là, tận hưởng mọi thứ từng chút một ♥️.
Kết lại:
- Chia sách ra nhiều phần bằng nhau. Đọc một ít mỗi ngày.
- Đánh dấu trước, ghi chú sau.
- Tổng kết.
- Xem đi xem lại.
________________
Xem qua các bài dịch khác của mình tại đây.
Chia sẻ bài dịch này.