TRUNG ÚY HELLMUTH VON MUCKE VÀ CUỘC PHIÊU LƯU TÌM ĐƯỜNG VỀ NHÀ CỦA 50 NGƯỜI LÍNH ĐỨC BỊ BỎ RƠI Ở CHÂU Á NĂM 1914
Trung úy Hellmuth von Mucke (1881 – 1957) là một sĩ quan trên tuần dương hạm SMS Emden của Hải quân Đế quốc Đức (Kaiserliche Marine). Trước khi Thế chiến I bùng nổ, SMS Emden trực thuộc Hải đội Tuần dương Đông Á (Ostasiengeschwader) đóng quân ở căn cứ Thanh Đảo, vùng thuộc địa của Đức trên đất Trung Quốc.
Khi Thế chiến I bùng nổ, Maximilian von Spee, người chỉ huy Ostasiengeschwader từ năm 1912 nhận thấy rằng lực lượng ít ỏi dưới quyền của ông không thể nào cầm cự trước ưu thế của hải quân các nước thù địch, nhất là Hải quân Anh nên quyết định đưa hạm đội đi vòng xuống Nam Mỹ rồi từ đó quay trở về Đức. Tuần dương hạm SMS Emden được giao nhiệm vụ tấn công quấy phá các thương thuyền của Anh, làm mồi nhử thu hút sự chú ý của hạm đội Anh ở châu Á để các tàu còn lại của Ostasiengeschwader có thể rút lui an toàn.
TRẬN CHIẾN TRÊN ĐẢO DIRECTION
Trong vòng hai tháng, SMS Emden và thuyền trưởng Karl von Müller đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đánh chìm hơn hai mươi tàu, bắn phá thành phố cảng Madras ở Ấn Độ đêm 22 tháng 9 và tấn công thành phố Penang ở Malaysia ngày 28 tháng 10, bắn chìm tuần dương hạm Zhemchug của Hải quân Nga và khu trục hạm Mousquet của Hải quân Pháp. SMS Emden sau đó rút lui bình yên vô sự. Ba mươi sáu người sống sót trong số 80 thủy thủ đoàn khu trục hạm Mousquet được giải cứu bởi SMS Emden. Hai ngày sau đó SMS Emden chặn một tàu buôn của Anh và trao các thủy thủ Pháp cho họ. Các thủy thủ này sau đó đã được đưa đến Đông Ấn Hà Lan an toàn dù có ba người đã chết vì vết thương quá nặng.
Đầu tháng 11, thuyền trưởng von Müller quyết định tấn công trạm liên lạc tại đảo Direction thuộc quần đảo Cocos (hay còn gọi là Keeling) ở phía đông Ấn Độ Dương để cản trở liên lạc của Hải quân Đồng minh và gây khó khăn cho việc truy đuổi tàu của anh ta. Đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9 tháng 11 năm 1914, Hellmuth von Mücke, trung úy trên tuần dương hạm SMS Emden dẫn nhóm thủy thủ đổ bộ lên đảo Direction để phá hủy trạm liên lạc. Tuy nhiên các nhân viên của trạm liên lạc đã phát hiện thấy các vệt khói từ tàu SMS Emden và phát tín hiệu đến hạm đội của Hải quân Úc đang ở gần đó. Tuần dương hạm HMAS Sydney được cử đến để kiểm tra và sau đó với ưu thế vượt trội về hỏa lực pháo binh đã gây thiệt hại nặng nề cho SMS Emden, buộc thuyền trưởng Karl von Müller hướng SMS Emden chạy vào rạn san hô lúc 11:15 để khỏi bị đánh chìm và cứu lấy mạng sống của thủy thủ đoàn. Trận chiến kết thúc khi người Đức giương cờ trắng đầu hàng. 133 sĩ quan và thủy thủ đã chết trên tổng số 376 người. Họ sẽ bị bắt làm tù binh, những người bị thương được chuyển đến Úc, phần còn lại đến Malta và tất cả bọn họ sẽ được trở về Đức năm 1920.
GIAN NAN HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG
Trên đảo Direction, nhóm đổ bộ của von Mücke đã quan sát trận chiến và nhận ra rằng Emden sẽ bị phá hủy. Anh ta quyết tâm không để người của mình bị giam cầm và do đó đã trưng thu một con tàu ba cột buồm bằng gỗ tên Ayesha để tìm đường trở về Tổ quốc. Chiếc tàu Ayesha này vốn là tàu chở hàng với 30 mét dài, 7,5 mét rộng nhưng thời điểm năm 1914 nó đã bị bỏ hoang trong cảng. Nhóm của trung úy Mücke lúc này có năm sĩ quan, một bác sĩ phẫu thuật và 47 hạ sĩ quan và thủy thủ. Vũ khí của họ có 29 súng trường Mauser với 60 viên đạn cho mỗi khẩu, 24 súng lục và 4 súng máy kèm theo 2.000 viên đạn.
Người dân trên đảo khuyên von Mücke không nên dùng tàu này bởi nó đã cũ, từ lâu không được bảo dưỡng và phần đáy bị mục nát. Tuy nhiên, anh vẫn quả quyết ra khơi bằng Ayesha. Cư dân trên đảo mang cho họ thêm quần áo và lương thực.
Bất chấp tình trạng tàn tạ của Ayesha, nhóm người của Trung úy von Mückes cuối cùng cũng đã tới được Padang ở Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia). Hà Lan là quốc gia trung lập trong chiến tranh nên nhóm của von Mücke buộc phải rời đi trong vòng 24 giờ. Anh quyết định thông qua lãnh sự Đức thu xếp một chuyến đi trên tàu vận tải Choising. Sau khi lên tàu Choising, họ đánh chìm tàu Ayesha.
Khi còn ở Padang, von Mücke biết được thông tin Đức đã liên minh với Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, anh quyết định trở về quê hương theo tuyến đường Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Choising vượt qua sự phong tỏa của hải quân Anh đưa nhóm người Đức tới cảng Hodeidah của Thổ Nhĩ Kỳ (nay là Al-Hudaida ở Yemen). Tuy nhiên lúc này vùng đất Yemen đang hỗn loạn vì cuộc nổi loạn của dân Ả Rập còn các quan chức người Thổ muốn nhóm lính Đức ở lại giúp họ chống người Ả Rập nên gây khó dễ cho von Mücke. Sau một thời gian trì hoãn, von Mücke mua được hai chiếc tàu buồm của người Ả Rập (dhow) để vượt Hồng Hải lên phía Bắc. Do tránh chiến hạm của kẻ thù nên họ phải men theo bờ biển và vì thế một chiếc dhow đã bị mắc vào rặng san hô và bị chìm nhưng may mắn thay, toàn bộ thủy thủ đoàn đều được cứu.
Ngày 18 tháng 3 năm 1915 nhóm người của von Mücke đã tới được Jeddah. Trong khi di chuyển trên sa mạc, họ bị hàng trăm dân du mục Bedouin tấn công. Dù đẩy lùi được kẻ thù nhưng ba người trong nhóm đã thiệt mạng. Nhóm thủy thủ SMS Emden sau đó đã lên một chiếc dhow và đi thuyền về phía bắc dọc theo bờ biển tới thị trấn Al Wajh, từ đó theo đường sắt băng qua Syria để tới Constantinople, kinh đô của Đế chế Ottoman. Tại đây nhóm được tiếp đón long trọng bởi các quan chức cấp cao của Thổ và chỉ huy Hải quân Đức ở Constantinople. Từ Constatinople nhóm thủy thủ SMS Emden trở về quê hương sau khi đã vượt qua quãng đường dài hơn 11.000 km.
CUỘC SỐNG SAU CHIẾN TRANH
Sau khi Thế chiến kết thúc, von Mücke giải ngũ và giống như nhiều sĩ quan khác, ông là thành viên của Đức Quốc xã từ rất sớm, năm 1920. Tuy nhiên đến năm 1929 ông cảm thấy bất mãn với đường lối của Adolf Hitler và các lãnh đạo Quốc xã khác nên rời khỏi Đảng Quốc xã và trở thành người theo chủ nghĩa hòa bình. Điều này khiến ông từng phải ăn cơm tù của chính quyền Đức Quốc xã trong một thời gian.
Khi Thế chiến II bắt đầu, von Mücke nộp đơn tình nguyện gia nhập Hải quân nhưng đơn của ông bị từ chối.
Sau chiến tranh, ông lên tiếng ủng hộ hòa bình và phản đối việc Tây Đức tái vũ trang. Hellmuth von Mücke qua đời vào ngày 30 tháng 7 năm 1957 ở tuổi 76 vì bệnh suy tim và được chôn cất tại nghĩa trang ở Ahrensburg.