Tại Trung Quốc, những năm gần đây chứng kiến sự bùng nổ của trào lưu tiêu dùng “sạch” – nơi người tiêu dùng ngày càng chuộng các sản phẩm được dán nhãn “không phụ gia,” “zero đường,” hoặc “không chất béo.” Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đã tận dụng xu hướng này để tiếp thị sản phẩm bằng những tuyên bố không rõ ràng, thậm chí có phần gây hiểu nhầm. Trước thực trạng đó, Ủy ban Y tế Quốc gia và Cơ quan Quản lý Giám sát Thị trường Trung Quốc đã chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn mới nhằm siết chặt quản lý về ghi nhãn thực phẩm.
Theo quy định vừa được công bố, tất cả các sản phẩm thực phẩm nếu ghi thành phần cụ thể trên bao bì, chẳng hạn như “bánh trung thu tổ yến,” thì phải nêu rõ tỷ lệ hoặc khối lượng tổ yến thực tế trong sản phẩm. Việc sử dụng cụm từ “zero phụ gia” hoặc các tuyên bố tương tự như “không đường,” “không chất béo,” “không calo” chỉ được phép khi có căn cứ rõ ràng về hàm lượng thành phần trong sản phẩm, thay vì chỉ dựa trên quy trình sản xuất hay chiêu trò quảng bá.
Chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm sử dụng những cụm từ gây hiểu nhầm như “không phụ gia” nếu không chứng minh được tính xác thực. IG.
Động thái này xuất phát từ thực tiễn cho thấy nhiều sản phẩm mang nhãn “không phụ gia” nhưng vẫn chứa các thành phần không có lợi cho sức khỏe. Một chuyên gia từ Trung tâm Đánh giá Rủi ro An toàn Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc khẳng định, các cụm từ như “không thêm đường” không đồng nghĩa với “không có đường,” bởi chúng vẫn có thể chứa hàm lượng đường tự nhiên cao. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dù không sử dụng phụ gia nhân tạo nhưng vẫn chứa đường hóa học hoặc chất thay thế gây tranh cãi về tính an toàn.
Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Trung Quốc từng thực hiện một khảo sát vào năm 2020 cho thấy hơn 70% người tiêu dùng cố gắng tránh các loại thực phẩm có phụ gia, trong khi hơn 80% lựa chọn những sản phẩm dán nhãn “zero phụ gia” vì tin rằng chúng tốt cho sức khỏe hơn. Sự tin tưởng này đã khiến thị trường “zero” phát triển chóng mặt, từ sữa, đồ uống, đến nước chấm và bánh kẹo.
Theo dữ liệu của công ty phân tích thị trường Foodtalks, chỉ riêng trong mảng gia vị, số lượng sản phẩm mang nhãn “zero phụ gia” đã tăng từ hơn 300 sản phẩm trong quý II năm 2022 lên tới hơn 800 vào cuối năm 2024 – tức gần gấp ba chỉ sau hai năm. Trên các nền tảng thương mại điện tử và video ngắn, bảy trong số mười loại bánh mì bán chạy nhất đều quảng cáo là “không chất béo chuyển hóa,” mỗi loại bán được hơn một triệu đơn vị.
Quy định mới định hướng lại ngành hàng thực phẩm sạch
Quy định mới sẽ có hiệu lực sau thời gian chuyển tiếp hai năm. Sau thời điểm này, bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào vi phạm quy định có thể đối mặt với các hình thức xử phạt nghiêm khắc, từ phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, đến án phạt hình sự trong những trường hợp nghiêm trọng. Mức độ trừng phạt này cho thấy quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và khôi phục niềm tin người tiêu dùng vào ngành thực phẩm.
Các chuyên gia cho rằng quy định mới sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc. Chuyên gia phân tích ngành thực phẩm Zhu Danpeng nhận định quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn cung cấp định hướng rõ ràng cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, từ đó thúc đẩy đổi mới sản phẩm một cách minh bạch và bền vững hơn.
Tuy vậy, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi về cách xử lý các sản phẩm hiện hành. Trên mạng xã hội Weibo, hơn 28 triệu lượt theo dõi đã được ghi nhận đối với các chủ đề liên quan đến quy định mới. Nhiều người hoan nghênh động thái siết chặt quảng cáo sai lệch, nhưng cũng kêu gọi nhà chức trách đưa ra hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp điều chỉnh nhãn mác sản phẩm đang lưu hành.
Thực tế cho thấy sự thiếu minh bạch trong ghi nhãn đã gây ra nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, truyền thông Trung Quốc đưa tin trong số 13 loại nước tương ghi nhãn “zero phụ gia” thì có tới 12 sản phẩm phát hiện chứa hàm lượng cadmium – một kim loại nặng độc hại. Một trong số đó, sản phẩm “Qianhe 0,” từng vướng tranh cãi gay gắt khi người tiêu dùng phát hiện chữ “0” trong tên thương hiệu là một phần trong nhãn hiệu đăng ký, không phải là tuyên bố về thành phần.
Doanh nghiệp sau đó phải lên tiếng giải thích rằng sản phẩm của họ thuộc dòng “không phụ gia,” và khẳng định không sử dụng thêm bất kỳ chất phụ gia nào ngoài nguyên liệu cơ bản. Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn đạt yêu cầu kiểm định, song vụ việc đã dấy lên làn sóng tranh luận về ranh giới giữa quảng bá thương hiệu và lừa dối người tiêu dùng.