Là thành viên trẻ nhất trong nhóm tại nơi làm việc, Scarlett Sun được giao nhiệm vụ biểu diễn điệu nhảy K-pop cùng hai nữ nhân viên trẻ khác trong bữa tiệc cuối năm của công ty họ trước Tết Nguyên đán 2023.
Được biết đến với cái tên “nianhui” ở Trung Quốc, bữa tiệc cuối năm là một sự kiện quan trọng trong lịch “làm việc” của các công ty Trung Quốc. Chúng thường diễn ra dưới hình thức tiệc tối, thậm chí các công ty lớn còn thuê cả sân khấu và địa điểm biểu diễn.
Trung Quốc: “Cơn bão” tiệc cuối năm đổ bộ
Giống như các sự kiện xây dựng tác phong làm việc nhóm trong văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc, các bữa tiệc cuối năm nhằm tạo ra sự thân thiết giữa các đồng nghiệp. Nhưng không ít lao động Trung Quốc cho biết họ không thích, vì sự căng thẳng mà chúng gây ra. Theo báo cáo cuối năm 2023 của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Trung Quốc Lagou, 54% trong số 793 người được phỏng vấn bày tỏ sự miễn cưỡng tham gia các bữa tiệc của công ty, trong khi số còn lại mong chờ những sự kiện như vậy.
Lý do chính dẫn đến sự miễn cưỡng là ác cảm với việc giao tiếp xã hội, trong khi khoảng 1/3 số người được phỏng vấn đổ lỗi cho “áp lực” tham gia biểu diễn văn nghệ.
Mặc dù Scarlett Sun không muốn tham gia buổi khiêu vũ nhưng người sếp trực tiếp cho biết cô không có lựa chọn nào khác. Theo đó, mỗi bộ phận trong công ty nằm ở Thượng Hải này đang cạnh tranh để giành giải thưởng tiền mặt.
Sun cho biết: “Tôi được biết là chúng tôi không chỉ nhảy nhót cho vui, mà còn phải phấn đấu đề giành “vinh quang” về cho đơn vị. Sếp còn bắt chúng tôi tập dượt trong thời gian rảnh”.
Khi Trung Quốc bước vào mùa tiệc cuối năm của công ty năm nay, nhiều lao động tại Trung Quốc có trải nghiệm tương tự đang dành nhiều lời khen ngợi cho “Johnny Keep Walking!”, một bộ phim hài mới ra rạp. Nhiều người nói rằng bộ phim đã đã nắm bắt được văn hóa riêng tại nơi làm việc của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến các bữa tiệc cuối năm. Bộ phim, tên tiếng Trung có nghĩa là “Bữa tiệc cuối năm không bao giờ dừng lại”, đã leo lên dẫn đầu phòng vé Trung Quốc vào cuối tuần qua, thu về 642 triệu nhân dân tệ (89 USD) triệu). Bộ phim đã thống trị các cuộc thảo luận trên mạng xã hội kể từ khi phát hành, với xếp hạng 8,2/10 trên trang web đánh giá Douban.
Trong phim, nhân vật chính Johnny, do nam diễn viên kiêm đạo diễn xuất sắc Đổng Thành Bằng thủ vai, đối mặt với tác phong và văn hoá làm việc tại văn phòng khi anh được thăng chức từ làm việc nhà máy ở nông thôn lên công việc nhân sự tại trụ sở công ty trong thành phố.
Đoạn clip Johnny vạch trần những vấn đề của công ty anh trong bữa tiệc cuối năm đã được chia sẻ rộng rãi. “Mọi người đều có thể tìm thấy chính mình trong phim. Tôi là một phụ nữ trẻ không thể tham gia tiệc cuối năm vì phải tăng ca”, một bình luận trên Douban viết.
Khung cảnh đỉnh cao được lấy cảm hứng từ một sự việc có thật vào năm 2019 khi một số nhân viên của gã khổng lồ giáo dục tư nhân New Oriental Education “chế nhạo” văn hóa quản lý công ty và nơi làm việc trong một bài hát tại bữa tiệc thường niên của họ, bài hát này nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội.
Cư dân mạng bày tỏ sự thích thú với ca từ gay gắt của bài hát, chẳng hạn như “Những người chăm chỉ, chúng ta đạt được gì nếu những người dựng PowerPoint là những người thành công?”
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của các bữa tiệc cuối năm của công ty. Theo Su Yong, giáo sư tại Trường Quản lý thuộc Đại học Fudan, truyền thống này được các doanh nghiệp nước ngoài du nhập vào Trung Quốc, họ sử dụng nó để cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên và quản lý.
Những người khác cho rằng truyền thống này có thể bắt nguồn từ “Weiya”, lễ hội truyền thống của Trung Quốc được tổ chức vào ngày 16/12 âm lịch, khi mọi người đốt tiền và hương cho Tudigong, hay thần đất.
Truyền thống này dần dần phát triển thành dịp để các chủ doanh nghiệp bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân viên của mình và cầu mong làm ăn phát đạt hơn trong năm mới.
Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong thời kỳ cải cách và mở cửa, bữa tiệc cuối năm đã trở thành thông lệ của các công ty để ăn mừng thành công, nâng cao tinh thần nhân viên và nâng cao hình ảnh của họ trước đối tác. Những bữa tiệc này ngày càng trở nên xa hoa, các công ty lớn thường mời những người nổi tiếng biểu diễn hoặc thậm chí sắp xếp các kỳ nghỉ ở nước ngoài cho nhân viên.
Ngoài biểu diễn, các công ty Trung Quốc còn tận dụng các bữa tiệc cuối năm để trao giải thưởng và tổ chức rút thăm may mắn. Gần đây, các tiết mục biểu diễn nhảy, thường được lấy từ mạng xã hội – đang ngày càng trở nên phổ biến, Liu Rui, một chuyên gia nhân sự đến từ thành phố Quảng Châu phía nam, cho biết.
Liu nói với Sixth Tone: “Việc đưa một số bài hát thời thượng hoặc những phân đoạn hài hước vào bữa tiệc thường niên để làm sôi động sự kiện là điều dễ hiểu, nhưng chắc chắn đó không phải là cách duy nhất hoặc tốt nhất”.
Liu cho biết thêm, việc nhân viên có tận hưởng bữa tiệc cuối năm hay không phụ thuộc vào cách ban lãnh đạo đối xử với họ trong thời gian còn lại của năm.
Ví dụ, Chen Dianhai, đến từ thành phố phía nam Thâm Quyến, thích các bữa tiệc cuối năm của công ty cô vì sếp không bắt buộc Chen phải tham gia.
Chàng trai 23 tuổi, người có tiết mục nhảy tập thể tại bữa tiệc năm nay cùng với 5 đồng nghiệp vào cuối tháng 1, cũng muốn giành được một số giải thưởng, bao gồm tiền mặt và bữa ăn miễn phí.
Wang Jia, trưởng nhóm tại chi nhánh Thượng Hải của một công ty công nghệ sinh học, tin rằng những bữa tiệc cuối năm tập trung vào việc giải trí thay vì cạnh tranh hoặc thực hiện những tiết mục đòi hỏi khắt khe sẽ tốt hơn cho tinh thần.
Cô nói: “Nếu chúng ta đặt ra những mục tiêu đơn giản hơn và tập trung vào việc tận hưởng niềm vui mà không có bất kỳ động cơ nào khác thì trải nghiệm sẽ tốt hơn cho mọi người”.