TRIỀU TIÊN CÓ THỂ ĐÁNH BẠI HÀN QUỐC (KHÔNG ĐƯỢC MỸ HỖ TRỢ) TRONG MỘT CUỘC CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI? (Part 2)

TRIỀU TIÊN CÓ THỂ ĐÁNH BẠI HÀN QUỐC (KHÔNG ĐƯỢC MỸ HỖ TRỢ) TRONG MỘT CUỘC CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI? (Part 2)

3/ Khả năng của hai bên để duy trì sản xuất vũ khí, trang bị hậu cần trong một cuộc chiến tranh quy ước dài ngày
-Cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều có nền công nghiệp quốc phòng tương đối toàn diện, đủ khả năng cung cấp hầu hết các loại vũ khí cho nhu cầu chiến tranh. Tuy nhiên kinh tế mạnh hơn, quan hệ đối ngoại rộng hơn giúp Hàn Quốc có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến hơn Triều Tiên.
– Các loại vũ khí cơ bản của Triều Tiên có thể tự sản xuất: súng Type-56 tương đương AKM, Type-88 tương đương AK-74, súng chống tăng RPG-7, súng máy RPK, RPD, DShK 1938, tên lửa chống tăng Bulsae tương đương 9k111 Fagot của Liên Xô, xe tăng Chonma Ho tương đương T-62, Pokpung Ho tương đương T-72 nhưng dùng pháo 115mm của T-62, các loại pháo 122mm, 130mm, 152mm, tàu thuyền cỡ nhỏ…
-Các loại vũ khí cơ bản của Hàn Quốc có thể tự sản xuất: súng K2, súng máy K3, K6, súng phóng lựu tự động K4, tên lửa chống tăng Hyungung tương đương Javelin của Mỹ, xe tăng K1A1, K2, xe thiết giáp K21, các loại pháo 105mm, 155mm, máy bay KAI T-50, chiến hạm lớp Sejong Đại đế, lớp Yi Sunshin, tàu hộ tống lớp Incheon, tàu ngầm U-214…
Một điều lưu ý là cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên đều phụ thuộc vào nguồn xăng dầu nhập khẩu. Triều Tiên mua từ Trung Quốc còn Hàn Quốc mua từ các nước Trung Đông.

4/ Nếu một cuộc tấn công xảy ra, Triều Tiên sẽ tận dụng ưu thế pháo binh để tấn công phủ đầu Hàn Quốc, dọn đường cho xe tăng, thiết giáp vượt qua biên giới và tiến về Seoul nhanh nhất có thể. Với hàng chục ngàn khẩu pháo, hy vọng của Triều Tiên và những người Việt Nam ủng hộ Triều Tiên là Triều Tiên sẽ biến Seoul thành bình địa và Hàn Quốc sẽ đầu hàng.

Vậy sai lầm ở đây là gì ?
– Tuy thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới 48km và hoàn toàn nằm trong tầm pháo binh của Triều Tiên nhưng Triều Tiên sẽ không thể hủy diệt được Seoul một cách nhanh chóng, dù có thể gây ra không ít thiệt hại về dân thường cho người Hàn. Lý do như sau :

1/ Triều Tiên có 14.000 khẩu pháo nhưng đa số là pháo như M-1981 122mm tầm bắn 11 km, M-1985 152 mm tầm bắn 17km, M-1975 130mm tầm bắn 27km đều không thể bắn tới Seoul. Loại pháo M-1978 Koksan 170mm tầm bắn hơn 40km đủ để tới Seoul thì số lượng rất ít, khoảng 500 khẩu, cồng kềnh và nạp đạn cực kỳ chậm, 5 phút bắn được chỉ 1-2 viên. Triều Tiên cũng có chừng 5.500 dàn pháo phóng loạt nhưng hầu hết trong đó là loại Type 63 cũ kỹ của Trung Quốc, tầm bắn vỏn vẹn 8km không đủ với tới Seoul. Loại pháo phóng loạt BM-21 Grad chiếm số lượng nhiều thứ 2 thì tầm bắn cũng chỉ 20-30km không đủ để tới Seoul, chỉ có khoảng 200 dàn pháo phóng loạt M-1991 240mm với 22 tên lửa mỗi loạt phóng là đủ để bay tới Seoul.

Như vậy giả định 500 khẩu Koksan và 200 khẩu M1991 bắn vào Seoul trong khoảng nửa giờ đồng hồ, quãng thời gian trước khi quân Hàn kịp chuyển sang phản đòn thì tổng cộng sẽ có 3.000-6.000 viên pháo Koksan và 4.400 quả tên lửa M-1991 bay tới Seoul. Con số này nghe có vẻ nhiều nhưng lại quá ít để hủy diệt một thành phố có diện tích 16.000 km2 như Seoul. Lưu ý rằng để biến một thành phố nhỏ chỉ 31km2 như Verdun ở Pháp thành bình địa năm 1916 quân Đức đã phải tốn 2 triệu quả đạn pháo bắn suốt nhiều tháng thì lượng đạn pháo của Triều Tiên để tiêu diệt một thành phố với những tòa nhà bê tông cốt thép như Seoul chỉ như muối bỏ biển. Đó là chưa kể địa hình biên giới 2 bên là đồi núi và không phải nơi nào cũng có thể triển khai pháo binh và pháo binh cũng không thể nào ở sát biên giới mà phải lùi về phía sau nên trên thực tế số lượng pháo của Triều Tiên có thể triển khai để tấn công Seoul sẽ còn giảm nhiều, có lẽ chỉ tầm 1/2 cho tới 1/3 lực lượng.

Lãnh thổ Hàn Quốc có chiều dài khoảng 500km, bề ngang tầm 200km. Như vậy nếu thuận lợi thì pháo Koksan 170mm của Triều Tiên ở biên giới có thể bao phủ khoảng 8% lãnh thổ Hàn Quốc, pháo phóng loạt M-1991 240mm tầm bắn 43km – 60 km tùy phiên bản có thể bao phủ chừng 9% – 12% lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy là chưa đủ để chế áp lực lượng Hàn, ngăn chặn không cho họ phản công.

5/ Chất lượng vũ khí và trang thiết bị
Triều Tiên có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, có quân số áp đảo, xe tăng, thiết giáp, pháo binh áp đảo tuy nhiên hầu hết đều là những thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ của hàng chục năm về trước. Binh sĩ Triều Tiên hầu hết đều không có áo giáp chống đạn, không có radio, bộ đàm liên lạc cá nhân, không có thiết bị hồng ngoại quan sát trong đêm (trừ các đội đặc nhiệm số lượng hạn chế). Trang bị cá nhân của binh lính Triều Tiên năm 2019 và ông nội của họ 60 năm trước hầu như không khác nhau nhiều. Ngược lại trang bị của quân đội Hàn Quốc năm 2019 khác xa quân đội của 60 năm trước một trời một vực.

Xe tăng : Các xe tăng tiên tiến nhất của Triều Tiên như Pokpung Ho chỉ tương đương T-72, Chonma Ho chỉ tương đương T-62 còn tuyệt đại đa số xe tăng là T-55 (1.600 xe) sử dụng pháo D-10T 100mm tốc độ đạn 890m/s chỉ có sức xuyên giáp 188mm ở cự ly 500m, 164mm ở cự ly 1.000m và vỏn vẹn 97mm ở cự ly 3.000m hoàn toàn không đủ sức xuyên thủng giáp xe tăng K1A1 hay K2 của Hàn Quốc (độ dày giáp hỗn hợp ERA và NERA ước lượng tương đương 600-700mm trở lên), ngược lại pháo 120mm trên xe tăng K2 chủ lực của Hàn do Huyndai Wia nghiên cứu và phát triển có tốc độ 1.400m/s vượt trội hoàn toàn đối thủ và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến kèm theo hệ thống nạp đạn tự động cực nhanh 10 viên/phút đủ để K2 tiêu diệt bất kỳ xe tăng Triều Tiên nào ngay phát bắn đầu tiên…
Trong trường hợp đụng độ xe tăng hiện đại nhất của Triều Tiên là Pokpung Ho thì khẩu pháo 2A20 115m của nó có sức xuyên 300-440mm cũng chưa đủ để xuyên giáp xe tăng Hàn Quốc, trừ khi bắn ngang hông hoặc sau đuôi xe mà khả năng này là không hề cao do địa hình rừng núi của vùng biên giới Hàn – Triều không dễ cho xe tăng trèo đồi núi băng rừng rậm đi vòng ra sau lưng đối thủ.

Máy bay : Các máy bay của Triều Tiên tuy nhiều nhưng số lượng nhiều nhất lại là phiên bản Trung Quốc của MiG-17, MiG-19, MiG-21 có tuổi đời già ngang ngửa với ông nội của các phi công Triều Tiên, lực lượng đáng giá nhất là 35 MiG-29A đời đầu nhưng hệ thống điện tử, hàng không cũng đã rất già cỗi nếu so với 60 F-15K, 168 F-16C/D. Không quân Triều Tiên sẽ bị bẻ gãy nhanh chóng.
(hải quân, vũ khí hạt nhân và tên lửa sẽ dành cho phần kế tiếp)

Hình 1: Xe tăng Pokpung Ho Triều Tiên
Hình 2, 3: Xe tăng K2 Hàn Quốc
Hình 4: Pháo Koksan 170mm
Hình 5: Pháo phóng loạt Type 63 MLRS tầm bắn 8km của Triều Tiên
Hình 6: Lính Triều Tiên và Hàn Quốc
Hình 7, 8: Đặc nhiệm Triều Tiên và Hàn Quốc
Hình 9, 10: Buồng lái MiG-21 và MiG-29
Hình 11: Buồng lái F-15K của Hàn Quốc
Hình 12: Địa hình rừng núi ở biên giới 2 nước





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *