Mỗi lần sang Đức, tôi đều ở lại một khách sạn đơn giản sạch sẽ, bên cạnh quầy tiếp tân ở đại sảnh luôn có kê một chiếc bàn nhỏ, trên bàn luôn có sẵn nước chanh và những chiếc ly dùng một lần, cung cấp cho khách hàng sử dụng miễn phí. Buổi sáng còn có cà phê, sữa nóng và những chiếc bánh sừng bò vừa mới ra lò cho khách hàng dậy muộn, không kịp ăn buffet mà phải vội vội vàng vàng đi ngay.
Những đồ cung cấp miễn phí này đều xung đột trực tiếp đến lợi ích của nhà ăn khách sạn. Nói cách khác, một khi khách hàng đã uống nước chanh, cà phê miễn phí rồi, thì tất nhiên sẽ ít mua hoặc không mua đồ uống của quán cà phê được mở ở đại sảnh nữa, và khi đã ăn bánh mỳ được cung cấp miễn phí rồi thì có thể sẽ không chọn dịch vụ dùng bữa ăn sáng nữa.
Có một lần tôi trò chuyện với anh giám đốc ở quầy lễ tân, tôi đưa ra thắc mắc, muốn biết tư duy trong kinh doanh của họ là gì. Anh cười nói với tôi rằng, khi anh còn học quản lý khách sạn ở Anh, có một buổi thầy giáo đã mời Tổng giám đốc của khách sạn The Ritz-Carlton Hotel đến giảng bài. Vị tổng giám đốc này đã chia sẻ với mọi người rằng:
“Nếu các vị đi vào một khách sạn chất lượng, mọi yêu cầu được đưa ra đều sẽ được đáp ứng. Còn nếu các vị đi vào một khách sạn chất lượng hơn nữa, thậm chí các vị không cần phải đưa ra yêu cầu nào. Bởi vì, khôn khéo thật sự trong việc kinh doanh khách sạn không phải là lợi nhuận, mà là độ trung thành của khách hàng. Kinh doanh, nhìn vào thì như dựa vào sự khôn khéo, thực ra, cảnh giới cao nhất của khôn khéo chính là vị tha, tức là “vì người khác”.
Sau này, mỗi lần tôi đến ở khách sạn này, đều cảm thấy trải nghiệm ở đó rất tốt. Trong cuộc sống, những ví dụ cụ thể về những trường hợp tạ chịu thiệt một chút nhưng lại gặt hái được tiếng thơm lâu dài thật không kể xiết, đương nhiên, trái lại thì cũng nhiều.
Khi còn trẻ, chúng ta muốn kết thân với một người, thì có thể là vì hai bên cần đến năng lực của nhau, có thể là vì sự hợp tác đó mang đến lợi ích cho cả hai bên. Nhưng thuận theo năm tháng trôi đi, đến một lúc nào đó bạn sẽ chợt nhận ra rằng điều có thể khiến bạn yên tâm qua lại với một người không phải là năng lực hay sự thông minh của người đó, mà là nhân phẩm của anh ta.
Có thể người đó rất thật thà, có thể là người đó rất chính nghĩa, có thể là người đó rất thiện lương, cũng có thể chỉ là người đó rất kiên trì với lời hứa của bạn. Những cảm giác tin tưởng chỉ có thể nói ra chứ không viết ra được này, kỳ thực đều không phải là thông minh khôn khéo, mà là tấm lòng chân thành vị tha.
Nói về anh giám đốc của quầy khách sạn đó. Hôm ấy, sau khi nói xong về thứ triết học của khách sạn The Ritz-Carlton, anh mỉm cười nói với tôi rằng:
“Chúng tôi trước nay chưa từng vì chuyện cung cấp miễn phí cà phê bánh mỳ mà khiến cho nhà hàng của khách sạn phải chịu tổn thất lớn, mà trái lại hầu như tất cả khách hàng dễ dàng bỏ qua cho những chỗ thiếu sót của chúng tôi. Họ đều tin tưởng rằng những thiếu sót đó không phải là vì chúng tôi hờ hững không để tâm. Cậu nói thử xem, còn gì có thể khiến chúng tôi thở phào nhẹ nhõm hơn đây?”.
Cho nên,
Bạn càng thích so đo tính toán với người khác, người khác càng sẽ dùng kính lúp để nhìn nhận bạn.
Bạn càng chân thành với người khác, người khác càng đối với bạn bằng tấm lòng bao dung.
Làm người không nguyện ý chịu thiệt, phàm là việc gì cũng đều muốn chiếm lợi riêng, lâu dần tuy được chút lợi ích nhỏ nhoi nhưng lại mất đi lòng người.
Làm người chịu chút thiệt thòi, mọi việc để cho người khác được lợi một chút, lâu dần sẽ có được lòng tin của tất cả mọi người.
Người chân thành vị tha không những có được nhiều bạn bè, mà tình cảm còn gắn bó dài lâu.
Người thông minh thật sự không phải là thèm muốn chút lợi ích nhỏ nhoi trước mắt, mà là vun vén niềm tin của mọi người đối với mình.
Cảnh giới cao nhất của thông minh ấy là tâm lòng vị tha, chân thành.