tre-nghien-game:-noi-so-bi-“kich-hoat”-trong-mua-he-cua-cha-me

Trẻ nghiện game: Nỗi sợ bị “kích hoạt” trong mùa hè của cha mẹ

Con kiệt sức, suy sụp vì nghiện game

Hè năm ngoái, Trung Nghĩa (12 tuổi, ở Hà Nội) đã có dấu hiệu nghiện game khi ngày lên mạng 10-15 tiếng.

Chị Hà – mẹ Nghĩa cho biết, vợ chồng chị đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nên cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Thấy con không đi ra ngoài tụ tập, dễ sa đà vào các thói quen xấu, hơn nữa, việc đi lại trên đường cũng không an toàn nên anh chị rất yên tâm.

Trẻ nghiện game: Nỗi sợ bị

Mùa hè, trẻ em rảnh rối, ít sự quản lý dễ dẫn đến nghiện game. Ảnh minh họa mayoclinichealthsystem

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng nghỉ hè, chị bắt đầu lo lắng khi con ở lì trong phòng, gọi ra ngoài ăn cũng không ra, lúc chị vào kiểm tra thấy con vui đầu vào máy tính, la hét, chửi thề với bạn chơi online. Có lúc nửa đêm, vào kiểm tra con cũng thấy con chơi game, lúc bố mẹ vào quát mắng thì còn còn mắng lại. Nghiện game khiến cậu bé khỏe mạnh trở nên gầy yếu, mắt lờ đờ mệt mỏi. 

Vào tháng 6/2019 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận nghiện game online là một rối loạn tâm thần và đưa nó vào ICD-11 (Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và Các vấn đề Sức khỏe liên quan) như một vấn đề cần theo dõi.

Theo báo cáo của WHO hiện nay trên thế giới tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi 10-15 nghiện game online chiếm 10-15% trong số 70-80% trẻ em thích được chơi game mỗi ngày.

“Tôi không thể thu máy tính vì con còn mấy khóa học online. Cũng không thể cắt Internet vì buổi tối hai vợ chồng còn phải làm việc. Nhưng càng ngày thấy con càng nghiện game, nói nhẹ, nói nặng không được, tôi đành thu máy, thu điện thoại, đăng ký cho con đi học bơi, học võ. Nhưng chỉ được vài bữa, tôi phát hiện con tôi nói dối đi học bơi để chơi game. 

Hai vợ chồng tôi đành cắt cử nhau đưa đón con đi học thêm. Cũng may, năm học mới đến, con ở trường nên dần dần cũng tạm cai game. 

Nhưng giờ mùa hè, tôi lại lo quá. Cháu đã 13 tuổi càng khó bảo, khó kiểm soát, cũng không thể nhốt con trong nhà hoặc cách ly con với thế giới ngoái kia được. Hai vợ chồng cũng không thể theo con 24/24h, tôi rất đang nơm nớp sợ hãi con nghiện game trở lại”, chị Hà tâm sự.

Con nghiện game là nỗi sợ hãi của nhiều bậc cha mẹ khi vào hè. Cha mẹ bận rộn, con rảnh rỗi, ít kiểm soát, không có trò tiêu khiển nên cách “vui nhất” vẫn là lên mạng, chơi game, tham gia mạng xã hội…

Lúc đầu, cha mẹ yên tâm khi thấy “con ngoan”, “con không chơi bời, quậy phá” nhưng đến khi con vùi vào máy tính, không thể nhắc đầu lên khỏi các trò chơi, lúc này kéo ra rất khó khăn.

Trẻ nghiện game: Nỗi sợ bị

Điều đáng lo ngại là việc nghiện game sẽ biến đổi nhân cách của trẻ. Ảnh minh họa reddit

Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ông từng tư vấn, điều trị cho 1 ca nghiện game nặng đến mức rối loạn tâm thần. Bệnh nhân mới 16 tuổi nhưng sau một thời gian nghiện game, cứ đi học về là ngồi vào máy tính chơi game, đến mức quên ăn quên ngủ, cơ thể suy kiệt đến mức không đi lại được, tinh thần cũng đỡ đẫn, có các dấu hiệu trầm cảm nặng. 

“Tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ.

Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), Châu Đại Dương (3,0%) và Châu Âu (2,7%).

Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%)”

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7)

Hay 1 sinh viên năm thứ 2 của Đại học Bách Khoa cũng suy kiệt vì nghiện game. Cậu ta không chịu ăn uống, cơ thể suy kiệt nhưng gia đình không thể kéo cậu ta khỏi màn hình. Cuối cùng gia đình phải bắt trói cậu ta lại để cưỡng chế đưa đến bệnh viện.

Suy nghĩ và hành vi xa lạ với thế giới hiện thực vì nghiện game

Theo bác sĩ Cương, điều đáng lo ngại là việc nghiện game sẽ biến đổi nhân cách của trẻ. Những đứa trẻ chơi game vì giải trí nhưng sau khi sa đà vào game sẽ chỉ sống với thế giới trong game, không nghe, không nhìn, không cảm nhận gì trong thế giới hiện thực. 

Trẻ mê game đánh nhau cũng dễ trở nên bạo lực, hay cáu giận, thích làm “người hùng”, giải quyết xung đột bằng nắm đấm, thậm chí là vũ khí như… game. 

“Nghiện game sẽ làm thay đổi lối sống của người nghiện, rối loạn nề nếp sinh hoạt, ăn uống thất thường, ngủ ít, ít giao tiếp, suy nghĩ, tình cảm đều chìm đắm trong thế giới ảo. Lâu dần cơ thể sẽ bị suy nhược hoặc biến đổi nhận cách như có các hành vi bất thường, hay cáu giận, hung hãn. Người nghiện game sẽ lờ đờ, uể oải vì nề nếp sinh hoạt thất thường, ngủ không đủ giấc, không giao lưu, kết bạn… chỉ sống trong thế giới game”. 

Theo bác sĩ Cương, việc nghiện game không chỉ ảnh hưởng đến thế chất và tinh thần của giới trẻ mà nguy hiểm hơn là những suy nghĩ và hành vi xa lạ với thế giới hiện thực.

“Việc đối mặt với việc giết chóc, máu me trong game, một số người nghiện game trở nên vô cảm, mất dần nhân tính. Đã không ít con nghiện game sát hại người khác không chớp mắt vì cho rằng giống như thế giới ảo giết người không bị pháp luật trừng trị thậm chỉ ảo tưởng người chết có thể sống lại như trong game. Điều này thực sự đáng sợ”, bác sĩ Cương chia sẻ.

Trẻ nghiện game: Nỗi sợ bị

Không ít thanh thiếu niên có các biểu hiện tâm thần bất ổn sau 1 thời gian dài nghiện game. Ảnh minh họa newscientist

Cũng đã tư vấn và điều trị cho nhiều thanh thiếu niên nghiện game, bác sĩ Nguyễn Thành Long, phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không ít thanh thiếu niên có các biểu hiện tâm thần bất ổn sau 1 thời gian dài nghiện game.

Theo bác sĩ Long, hành vi nghiện game thường bắt đầu từ khi trẻ vị thành niên và ngày càng tăng nặng hơn nếu như không có sự kiểm soát và can thiệp của người lớn, trong đó, trẻ em trai, nhiều hơn trẻ em gái. Lý do là trẻ em nam có tính cách ương ngạch, thích khám phá, thích cảm giác mạnh hơn nên dễ sa đà vào các game bạo lực và dẫn đến nghiện game. 

Khi nghiện game, sau một thời gian ăn ngủ thất thường, trẻ có thể mắc nhiều các rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, xa lánh xã hội, bỏ bê chuyện học hành, công việc…  

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Nghiên cứu đã cho thấy, nghiện game, nghiện Internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu thoả mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. 

Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này. Đây chính là cảm xúc mà giới trẻ thường gặp phải và game hay Internet là “công cụ” chạy trốn hiệu quả nhất. Đó là lý do khiến nhiều trẻ em bị nghiện game. 

Ngoài ra, sử dụng Internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện”. 

Nghiện game làm sa sút trí tuệ

“Xưa nay, sa sút trí tuệ được xem là bệnh của người già (trên 65 tuổi) nhưng ngày nay, nhiều người độ trung niên (40-50 tuổi), thậm chí người trẻ đã bị sa sút trí tuệ. Nguyên nhân là do lối sống hiện đại lười vận động, lười tư duy, giảm giao tiếp, sa đà vào mạng xã hội, nghiện game… nên bộ óc không được “kích hoạt” nhiều, dẫn đến thoái trào… “

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu – Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam

(Còn nữa) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *