Bác sĩ Đỗ Thùy Dung (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thời gian qua, bệnh viện khám cho không ít trẻ chậm nói, nói ngọng, không rõ nghĩa, gia đình tưởng con bị tự kỷ.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sĩ lại tìm ra được nguyên nhân rất đơn giản nhưng lại là lỗi mà nhiều gia đình mắc phải khi nuôi dạy trẻ.
Bệnh nhi là bé trai 4 tuổi được gia đình đưa đến khám vì chậm nói. Bé là con đầu, sinh non ở tuần 36, cân nặng 2,6 kg. Hiện bé sống cùng bố mẹ và ông bà, nhưng phần lớn thời gian ở với ông bà do bố mẹ bận rộn công việc.
Gia đình thừa nhận bé tiếp xúc với tivi và điện thoại từ rất sớm, thường xuyên được cho xem các thiết bị này khi ăn, chơi hoặc quấy khóc.
Nhiều trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ vì tiếp xúc với thiết bị điện tử từ sớm, thiếu sự tương tác với cha mẹ. Ảnh minh họa AI
Khi được 15 tháng tuổi, bé biết đi nhưng chưa nói được từ nào. Hai tuổi, bé chỉ nói được vài từ đơn, không ghép được từ, vốn từ hạn chế và thường im lặng trong thời gian dài.
Đến khi 4 tuổi, bé vẫn nói không rõ nghĩa, thường xuyên sót âm, khó hiểu. Dù bé có thể tương tác với gia đình, chơi đồ chơi, giao tiếp cơ bản như vẫy tay, gật đầu và biết thể hiện cảm xúc khi không được đáp ứng nhu cầu nhưng gia đình vẫn lo lắng vì bé chậm ngôn ngữ hơn so với bạn cùng tuổi.
Vì vậy, gia đình quyết định đưa bé đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: Bé bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và cần theo dõi thêm để phân biệt với các tình trạng như rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Hiện bé đang được trị liệu ngôn ngữ và can thiệp tâm lý, kết hợp hướng dẫn gia đình chăm sóc và quản lý hành vi của bé.
Theo TS, bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường do: Bất thường giải phẫu, tổn thương thần kinh; Rối loạn phổ tự kỷ, thiếu tương tác gia đình; Lạm dụng thiết bị điện tử (trên 2 giờ/ngày ở trẻ 1–3 tuổi).
Đáng nói, ngày càng nhiều trẻ chậm nói do gia đình để trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại quá sớm và thiếu sự trò chuyện, tương tác với gia đình.
Khi trẻ chậm nói, gia đình lại cho rằng đó là việc “bình thường, lớn lên sẽ nói sõi” nên không đưa trẻ đi khám, can thiệp từ sớm. Hậu quả là hơn 60% trẻ chậm ngôn ngữ không theo kịp bạn cùng lứa.
Điều này dẫn đến trẻ bị khó khăn học tập (đọc, viết, toán cao gấp 4-6 lần); Tự ti, cô lập xã hội, hạn chế kỹ năng giao tiếp; Ảnh hưởng kéo dài đến tuổi trưởng thành.
“Can thiệp trước 3 tuổi giúp trẻ cải thiện 25% khả năng học tập, giảm chi phí và tăng cơ hội hòa nhập”, TS Tùng nhấn mạnh.
Để trẻ không bị rơi vào tình trạng chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, TS Tùng cho biết, gia đình cần hạn chế thời gian trẻ dùng thiết bị điện tử; Tăng tương tác trực tiếp, dạy trẻ qua trò chơi, đọc sách; Đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
“Tất cả trẻ em bị nghi ngờ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chương trình can thiệp sớm tại địa phương để đánh giá chính thức.
Liệu pháp ngôn ngữ có hiệu quả đối với các rối loạn ngôn ngữ biểu đạt. Đối với trẻ em đang được điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ, liệu pháp do cha mẹ thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ lâm sàng có hiệu quả…”, TS Tùng nhấn mạnh.