[TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM]Ở Việt Nam, nếu nói đến các bậc tiên tri thì trước hế…

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

[TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM]
Ở Việt Nam, nếu nói đến các bậc tiên tri thì trước hết phải kể hết đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những câu chuyện về tài tiên tri của Trạng Trình chủ yếu còn lại dưới hình thức các giai thoại.
Với bối cảnh xã hội hỗn loạn thời Lê-Trịnh-Nguyễn-Mạc, thì việc đánh giá những lời tư vấn (cứ cho là có thật) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cần phải nhìn dưới góc độ tầm nhìn về chính trị, quân sự, thì hợp lý hơn rất nhiều nếu cứ quan niệm rằng đó là “tiên tri”.
Thực tế, chắc chắn rằng nếu không phải là Nguyễn Bỉnh Khiêm mà thậm chí bất cứ một ai có đủ đầy kiến thức về chính trị, quân sự và đặc biệt là thông thạo Kinh Dịch, hẳn nhiên người ta đều sẽ đưa ra những lời tư vấn như vậy. Vừa sâu sắc thể hiện sự giỏi giang mưu lược, vừa nửa vời thể hiện sự tinh tế tính đến đường lùi cho bản thân mình trong bối cảnh hỗn loạn.
Với chúa Nguyễn: “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”.
Khuyên Nguyễn Hoàng lùi xa Thăng Long, lấy dãy Hoành Sơn mà dựng nghiệp trong bối cảnh Lê-Trịnh đang còn phải đương đầu với nhà Mạc, hẳn nhiên đó là góc nhìn khoa học và rất hợp lý. Vừa đánh đúng tâm lý Trịnh muốn mượn tay Mạc diệt Nguyễn, vừa biết chắc chắn ít nhất trong thời gian đầu, Trịnh không thể phóng tay thoải mái diệt trừ phản loạn.
Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, Nguyễn Kim nương náu ở trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hóa. Trong việc mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim thu nạp một kiện tướng thảo dã anh hùng ở tỉnh Thanh Hóa là Trịnh Kiểm.
Năm 1540, Nguyễn Kim tiến đánh Nghệ An. Hai năm sau, quân Lê Trang Tông tiến ra Thanh Hóa, rồi năm sau nữa (1543), Nguyễn Kim nắm hẳn được Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Năm 1545 Nguyễn Kim ngộ độc mất. Binh quyền về tay Trịnh Kiểm.
Bấy giờ, Việt Nam chia hai: Từ Sơn Nam đổ ra thuộc ảnh hưởng nhà Mạc, gọi là Bắc triều; từ Thanh Hóa trở vào là khu vực nhà Lê hay Nam triều.
Trịnh Kiểm thay Nguyễn Kim, giúp nhà Lê trung hưng, nắm trọn quyền bính trong tay. Vì tính đa nghi, Trịnh Kiểm đã giết em vợ là Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng là em Nguyễn Uông, con Nguyễn Kim, sợ bị hại, sai người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ chỉ đàn kiến ở hòn non bộ, mỉm cười nói:
“Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”
Nghĩa là hoành sơn một dãy, có thể dung thân.
Theo lời, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ Thuận Hóa phía nam dãy Hoành Sơn. Quả nhiên mỗi ngày một thịnh, để rồi mở mang ra cơ nghiệp nhà Nguyễn, truyền nối lâu dài.
Với chúa Trịnh: “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong”.
Khuyên Chúa Trịnh đừng vội diệt nhà Lê, vì nhận thấy trong thiên hạ hướng về nhà Lê vẫn còn nhiều. Diệt Lê, ắt sẽ có cớ đẩy chân lý chính nghĩa về cho hàng loạt đối thủ tiềm năng, như Nguyễn, Mạc, và vô số các lực lượng khác. Vậy nên về bản chất, lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nhà Trịnh rằng “thờ Phật để ăn oản”, nó cũng tương tự như Tuân Úc khuyên Tào Tháo rằng cố mà giữ hoàng đế đặng còn lệnh chư hầu là thế.
Về sau con cháu chúa Trịnh nhiều lần muốn soán ngôi vua Lê, nhưng cụ đều khuyên can khéo: “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong”. Tuy nhà Lê suy nhược, nhà Trịnh tóm thâu mọi quyền hành nhưng không có Lê, Trịnh không đứng vững được. Quả nhiên, đời vua Chiêu Thống ngai vàng Lê mạt thì dòng họ Trịnh cũng chẳng còn ngôi chúa nữa.
Với nhà Mạc: “Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế”
Khuyên nhà Mạc về Cao Bằng mà lánh nạn, bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm biết chắc chắn rằng một khi nhà Mạc dạt về Cao Bằng, hẳn nhiên đế chế phong kiến Trung Hoa thời điểm đó hẳn sẽ thích thú vì có một lực lượng chính trị đối lập với lực lượng chính thống ở nước Nam hiện tại lại về áp sát ở lưng mình, tạo ra một vùng đệm an toàn cho Trung Hoa ở phía Nam. Trên thực tế khi về Cao Bằng, nhà Mạc chắc chắn phải thần phục Trung Hoa nếu còn muốn chiến đấu với Lê-Trịnh. Và một khi đã dựa được một chân vào nhà người láng giềng khổng lồ, thì việc Trịnh muốn diệt Mạc hẳn nhiên sẽ rất nhiều khó khăn.
Đó là lý do tại sao sau khi kéo nhau lên Cao Bằng, nhà Mạc đã kéo thêm được mấy chục năm nữa.
(Tham khảo nguồn: Giai thoại và sấm ký Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tác giả: Phạm Đan Quế. Nxb: Văn nghệ, 2002).
____
Tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trung thần của nhà Mạc, lại sẵn sàng nửa kín nửa hở những tầm nhìn của mình cho bất cứ một thế lực chính trị nào đến cầu cạnh như vậy, bày cho Nguyễn, bày cho Trịnh, rồi bày cho Mạc, nhưng lại bày rất nửa chừng và không hề rõ ràng?!
Một lời tư vấn vu vơ của ông đã tạo ra Đàng Trong Đàng Ngoài binh đao khói lửa, kéo dài cuộc chiến Trịnh – Mạc, và tạo ra một cơ chế chính trị kiểu Cung Vua, Phủ Chúa độc đáo vào loại bậc nhất trong lịch sử cai trị.
Sự hỗn loạn đó, thậm chí còn tác động đến cả 3 nước Đông Dương, chứ không chỉ mỗi con dân Đại Việt.
Ông này cũng là một nhân vật thú vị đặc biệt, bởi lẽ người ta đã lợi dụng và lạm dụng ông quá nhiều, thậm chí đến đầu thế kỷ XX, khi muốn thuyết phục Bảo Đại buông bỏ quyền lực, người ta đã “bơm” vào tai Bảo Đại một lúc đến mấy lời “sấm” Trạng Trình.
Hồi ký Phạm Khắc Hòe, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Bảo Đại nói rằng, trong những thời khắc do dự cuối cùng, thì câu nói “Đụn Sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” đã xuất hiện, đẩy Bảo Đại vào thế nghi hoặc vốn đã rất mê tín, đã chính thức đánh gục vị vua cuối cùng của triều đại quân chủ phong kiến ở Việt Nam, dù rằng trước khi chính thức thoái vị, ông này tủm tỉm mà rằng, chả phải Trạng Trình cũng đã từng tuyên bố “vạn đại dung thân” cho chính Nhà Nguyễn của Vĩnh Thụy đó sao?!
Liên quan đến chuyện này, người ta vẫn hay tán rằng trong một cuộc nói chuyện với Phan Bội Châu (cũng là một nhân tài kiệt xuất xứ Nghệ), cụ Phan khi được hỏi về khái niệm “sinh thánh” ở trên, đã không ngần ngại mà rằng, mình không có được cái phúc đó, mà hoàn toàn có thể là Nguyễn Ái Quốc, tức Bác Hồ.
Nói thú vị Nguyễn Bỉnh Khiêm là vậy, người tài thời loạn, gần ai quá cũng chết, xa ai quá cũng khó sống. Trạng Trình không thể từ chối Nguyễn, không thể từ chối Trịnh, và càng không thể quay lưng với Mạc, nhưng không từ chối không có nghĩa là được gật đầu lệ thuộc, và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải chọn một lối vu vơ như vậy, đủ để cho người ta hàm ơn, đủ để cho bản thân mình không thể hiện rõ là phụ thuộc vào một phe cánh nào cụ thể.
Trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường hợp mà tất cả các lực lượng chính trị trong thời hỗn loạn đều rơi vào trạng thái vừa muốn cúi đầu mang ơn, vừa muốn băm vằm cho hả giận, đặc biệt là dòng dõi thế lực họ Trịnh. Khốn nạn vì Nguyễn cũng do Trạng Trình, dai dẳng vì Mạc cũng do Trạng Trình, và bỏ lỡ cơ hội nhất thống thiên hạ qua kế hoạch lật đổ nhà Lê, cũng do Trạng Trình.
Nhưng ăn lộc qua được mấy trăm năm, cũng do Trạng Trình. Ơn không kể hết, thù oán cũng chất đầy là vì thế.
Và đến tận bây giờ, nguồn gốc quyển “sấm” ở đâu ra? Ai tìm ra và tìm ra từ bao giờ?… nấm mộ chính xác của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở đâu, vẫn là một câu hỏi có lẽ vĩnh viễn sẽ không có lời giải đáp.
Vậy nên, đó là những tính toán của một người làm chính trị xuất sắc, biết thời thế, biết chiến lược lâu dài, chứ hoàn toàn không hề có bóng dáng của khái niệm “tiên tri”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *