(Truyện ngắn của Trịnh Tuyên)
Trời đã sang thu. Từng làn gió heo may thì thào, run rẩy trong đám lá khô vừa rụng. Năm nào đến kỳ trời trở tiết như thế này, ông Quân vẫn ghi nhớ là sắp đến ngày giỗ lão Tụy chồng bà Nhạn. Năm nay, sau cái “sự cố tai tiếng” ấy, không biết bà Nhạn có còn dám sang nhà mời mình không đây? Ông Quân đang phân vân thì bà Nhạn đã đứng trước sân nhà rồi. Bà nhíu cái lưng còng xuống thật thấp rồi mới nghễnh cổ, vênh khuôn mặt có nước da trắng như miếng đậu hũ lên, đưa hai con mắt còn đen nhấp nháy như cục than đá Quảng Ninh nhìn ông Quân, miệng thì thầm: – Mai là ngày giỗ lão Tụy nhà tôi, mời ông sang nhà uống chén rượu nhạt nhé! Bà Nhạn năm nay tuổi chừng ngoài sáu chục, bạn với ông Quân từ thuở còn thò lò mũi xanh. Mới bữa nào còn là hai đứa trẻ ranh, chớp mắt một cái, đã già khú khế ra rồi. Đời người ngắn ngủi thật! Dặn ông Quân xong, tay bà vẫn cầm cái gậy tre, gật gù cái lưng như chú đà điểu đi về nhà. Tuy lưng còng như miếng vỏ dừa già vừa mới bóc, nhưng được cặp đùi to, chắc, bà bước đi vẫn còn vững lắm. Ông Quân nhìn theo cho đến khi bà đi khuất khỏi ngõ dài vắng vẻ. Cặp mắt nâu thẫm dạn dày chinh chiến của ông, lắng sâu, đầy vẻ trắc ẩn.
Khác với bà Nhạn, ông Quân bước đi còn thẳng thớm, thân người to cao, vầng trán ngang bướng, vẻ bất chấp của người cựu chiến binh thời đánh Mỹ. Tuổi tác hai người chênh nhau chả mấy nhưng ông Quân còn nhanh nhẹn, lần nào đi sinh hoạt Hội người cao tuổi trong thôn, ông cũng cũng đọc thơ, mà toàn thơ nói về Trường Sơn. Thời chiến tranh, ông Quân tòng quân khi bà Nhạn còn đang là thiếu nữ. Ông ở lì Trường Sơn suốt mười mấy năm trời. Nghe nói ông làm thơ ký riêng cho ông Tư lệnh trưởng gì đó, cấp bậc cao lắm. Ông về hưu, hàm thiếu tá. Vợ ông bị bạo bệnh, qua đời đã lâu. Bà bị bệnh trĩ ngoại nặng. Hết đánh nhau lại quay về hầu vợ. Bị bệnh ấy, người đàn bà ngại “quan hệ”. Mười mấy năm xa vợ, đến lúc được gần nhau, lại “kiêng khem”. Ấy mà gia đình vẫn yên ấm. Ông thấm cái tình chung thủy của vợ, một tay hầu hạ cha mẹ chồng trong những tháng ngày ông đi chiến đấu xa biền biệt. Trong sâu thẳm tâm hồn ông, ông không muốn để vợ phải tủi thân. Hai đứa con, một trai, một gái, gái lớn theo chồng, trai cưới vợ, chúng đi làm ăn tận Bình Phước, sinh cơ lập nghiệp rồi ở luôn trong ấy. Bốn gian nhà ngói rộng thênh, còn trơ trọi mỗi mình ông.
– Vâng! Bà cứ về đi, tôi nhớ rồi mà! Mai thì rượu nhạt hay cay, thể nào tôi cũng sang, thắp cho ông ấy thẻ nhang rồi thì uống rượu với bà. Ông Quân nói rất nhẹ. Trong âm điệu giọng nói, không biết có gửi gắm chi không, chỉ thấy bà Nhạn mắt chớp chớp vẻ cảm động lắm. Mấy chục năm làm hàng xóm láng giềng, không nói ra, ai ăn ở thế nào mà bà chẳng biết. Ông ấy tốt lắm. Mấy đận ốm thập tử nhất sinh, không có ông ấy cho vay tiền mua thuốc rồi còn chăm nom, chắc bà đã về với tổ tiên từ lâu rồi. Bao nhiêu năm nay, ông và bà Nhạn vẫn coi nhau như bạn bè thuở thiếu thời. Đôi khi quên cả tuổi tác. Thôi thì về già, hưởng cái tình của bạn già, chẳng nghĩ chi chuyện chăn gối nhưng có được người bên cạnh mình, lúc đầu hôm sớm mai, cũng là cái phúc. Ấy vậy mà vừa rồi, trong làng có đứa độc mồm độc miệng tung tin là đã nhìn thấy bà và ông Quân “quan hệ với nhau”. Ở nông thôn, nói ” quan hệ”, ý ngầm, nghĩa là đã ăn nằm, đã làm “cái chuyện ấy”! Trời ạ! Già khú đế mà còn quan hệ trai gái, còn hủ hóa, nghe mà ngượng với con cháu. Hôm họp chi hội người cao tuổi, Lão Tèo chi hội trưởng đã bóng gió xa xôi, là nên sống mẫu mực cho con cháu chúng nó noi theo. Làng đang phấn đấu xây dựng thành làng văn hóa cấp tỉnh. Nói cái ý đó, rõ ràng là hắn ám chỉ vào bà với ông Quân chứ còn vào ai nữa? Bà tức lắm nhưng chả làm gì được.
Bà thầm trách, thiên hạ rõ lắm kẻ rỗi mồm mà vô tâm, người ta còn cả đôi, con cháu đề huề hạnh phúc, còn cố tình dòm dỏ, gắp lửa bỏ bàn tay người gặp cảnh ngộ cô đơn như ông Quân với bà.
Lần này sang mời, nhưng bà cũng không tin là ông Quân dám sang nhà. Làng người ta đang đồn ầm cả lên. Mà ông ấy là đảng viên. Mà là đảng viên thì phải trong sạch, kể cả trong sinh hoạt đời thường và đời sống tình dục. Hôm bà Nhạn sang nhà ông bà Liên Hoa, thấy hai người nhìn cái lưng còng của bà cười tủm. Bà biết thừa ra là họ đang cười cái gì rồi! Bà tức lắm, nhưng không nói được câu nào. Nói, lại hóa ra, “lạy ông tôi ở bụi này” à? Bà lúc cúc ra về, cái lưng hôm ấy vốn đã còng như lại còng thêm.
Con chó mực đang nằm ngoài hiên vẫy đuôi, sủa nhắng nhít rồi xoắn xuýt chạy ra ngõ. Bà Nhạn đã mừng thầm trong bụng. Như thế là ông ấy đã sang. Phải thế chứ! Cái tình thủy chung, người như ông ấy đâu có dễ gì thay đổi. Bà thấy trong nhà như ấm lên. Bà bước đi thẳng lưng hơn mọi ngày. Hôm nay có món thịt gà mái già thái phay nộm với hoa chuối ngự, rắc lá chanh, tiêu ớt. Hàm răng ông ấy còn chắc lắm. Thịt gà phải già, phải dai thì ông ấy mới thích. Ông Quân thong thả từ ngoài ngõ bước vào, một tay cầm chai rượu nút lá chuối, một tay cầm mấy thẻ hương. Ông trịnh trọng đặt lên bàn thờ ông Tụy, tay thắp hương, miệng thì thầm khấn khứa. Bà Nhạn cố lắng tai nhưng không nghe thấy gì, chỉ thấy tiếng xuýt xoa như gió thoảng. Ừ! Thì ông ấy khấn làm sao cũng được. Ông Tụy, chồng bà, mất cũng đã mấy chục năm rồi còn gì? Ông ấy vẫn tôn trọng bạn cũ, xử sự với bà giữ ý “con thầy, vợ bạn” chứ chưa “quá đà” bao giờ. Xúc động, bà Nhạn lại rơm rớm nước mắt.
Trên bàn thờ, hương đã sắp tàn. Những đốm lửa ở đầu thẻ hương nhấp nháy, tàn lụi đến tận chân nhang. Như thế là người quá cố được mời đã mãn tiệc. Mãn tiệc thì phải đi thôi, chẳng cứ người chết hay người sống. Bà Nhạn mang tất cả đồ vàng mã ra ngõ “hóa”. Chu tất mọi bề cho người quá cố, bà mới tất tả vào nhà. Hôm nay trông bà như trẻ ra, hai má như hồng lên, mắt ánh lên những tia sáng vui vẻ. Bà bước lại bàn thờ, hai tay bưng mâm cỗ đặt xuống mấy tấm phản có từ thời bà mới về nhà chồng. Bà sắp cái bát đôi đũa ra trước mặt ông Quân, tự tay rót rượu.
Chẳng tỏ ra khách sao chút nào, ông Quân nâng chén rượu gần môi bà Nhạn: – Bà nhấp môi với tôi một tí đi! Ai lại uống rượu một mình?
Bà Nhạn nhấp một tí rượu cho mềm môi , miệng thì thào, đôi mắt như sáng lên:
– Ai bảo ông uống rượu một mình? Không thấy tôi đang ngồi cạnh ông đấy thôi!
Câu nói của bà tình tứ và có duyên quá! Ông Quân phấn khích tợp luôn hai chén. Rượu vào, cả hai người như thấy mình trở lại thời trẻ con. Ông Quân mắt mơ màng, các nếp nhăn dãn ra, nét mặt thư thới. Ông bảo: – Bà có nhớ cái lần tôi đánh đáo với hai thằng ở làng bên, chúng lớn hơn tôi nhưng bị thua, xúm vào vật ngửa tôi ra để đòi lại tiền, bà liền móc túi áo lấy ra mấy đồng xu của bà ném vào mặt chúng nó để giải cứu cho tôi không? Bà còn chửi chúng nó là đồ hèn, đã lớn hơn người ta lại còn hai đánh một.
Trời ơi! cái chuyện cỏn con ấy mà ông ấy còn nhớ! Con người sống biết trước biết sau, không quên chuyện cũ, thật là nặng tình vẹn nghĩa. Nếu không có chiến tranh, biết đâu bà và ông ấy đã thành vợ thành chồng? Lão Tụy chồng bà ngày ấy văn hóa chưa hết lớp hai nên không phải nhập ngũ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Thực ra thì lúc đó bà yêu anh chàng Quân đẹp trai học cấp ba chứ yêu gì gã Tụy lùn mà văn hóa cũng lùn! Nhưng rồi, người ta, ai cũng có duyên số cả. Bà về làm dâu nhà Tụy, có ngờ đâu anh chồng bị bệnh lãnh tinh. Không con, chán đời, mấy năm sau, Tụy đi công nhân khai thác mỏ ở mãi tận Quảng Ninh, bị sập lò, chết. Năm ấy bà mới hai sáu, hai bảy. Cả làng cả xã, trai tráng ra trận, gái trinh hơ hớ còn ế, chứ ai thèm đụng đến gái góa lỡ thì như bà? Bà bình thản cắm con sào tuổi thanh xuân bên bến thời gian mà ở vậy nuôi dưỡng bố mẹ chồng. Rồi bố mẹ chồng lần lượt qua đời, bà vẫn ở vậy cho đến bây giờ.
Nghe ông Quân hỏi vậy, bà thừa nhớ ra, nhưng bà lại nói ngược. Đàn bà mà! Khi đã phải lòng nhau thì nói yêu là ghét, nói quên là nhớ… Bà nói như hờn dỗi:
– Chuyện từ thời trẻ trâu, tôi làm sao mà nhớ được?
Nhấp có tí rượu mà bà Nhạn đã thấy mặt nóng bừng bừng. Hai mắt lơ mơ, bà hồi tưởng lại những chuyện đã xa lắc xa lơ. Ngày ấy, ở bến sông quê có cây sung to lắm, thân mốc meo như da kỳ đà. Một cành cây mọc xiên ngang vươn ra mặt nước như cánh tay cần cẩu. Đám trẻ trâu cả trai cả gái, người trần như nhộng, bắt chước vận động viên bơi lội, thi nhau đứng trên cành cây nhảy xuống nước. Không biết sao, bà bơi chưa thạo mà cũng dám theo lũ trẻ nhảy ào xuống. Bà thấy người cứ chìm dần, chìm dần. Ngay lúc ấy bà lại thấy mình được đội bổng lên khỏi mặt nước. Người cứu sống bà, chính là ông Quân bây giờ, thằng bé cởi truồng khỏe và bơi thạo nhất lũ trẻ trong làng.
– Ông có nhớ lần tôi nhảy từ trên cành cây sung xuống sông bị đuối nước, ông đã lặn xuống đội bổng tôi lên không?
Ông Quân mặt đỏ đến mang tai, có lẽ nhớ lại thời hai đứa còn để truồng.
– Có chứ! Tôi nhớ lúc đó, người Nhạn đã phổng phao và trắng lắm. Bà Nhạn đấm vào lưng ông Quân:
– Này nhá! Ông đừng có mà ăn nói ỡm ờ nhá! Ông bảo trắng là trắng cái gì?
Hai người khằng khặc cười, họ hiểu nhau qua câu nói đầy ý vị.
Câu chuyện đang vui, bỗng nhiên ông Quân thấy bà Nhạn nhăn mặt. Bà đang vặn vẹo cái lưng còng. Ông Quân tạm dừng câu chuyện.
– Nhạn làm sao thế? Lưng đau à?
Bà Nhạn gật đầu. Bà vén áo, giơ cái sống lưng đầy đặn như con gái nhưng bị còng, ở đoạn giữa, có một đốt sống trồi lên bằng quả cau non.
– Ông có biết vì sao tội bị tật này không? Lần chơi trò ” rồng rắn lên mây” ngoài sân đình làng, ông xô vào rồi thúc cái đầu gối vào lưng tôi. Thời trẻ không việc gì, vậy mà về già, tự nhiên nó trồi ra thế đấy. Ông Quân nét mặt dịu lại, mặt đang đỏ bổng tái đi. Trời ơi! Thảo nào lưng bà ấy cứ mỗi ngày lại còng thêm. Chuyện từ thời trẻ con mà ông vẫn thấy như mình có lỗi. Lòng xa xót, ông sắng xổ: – Bà để tôi bóp cho một lúc. Nhà có cao xoa không? Bà Nhạn giữ ý. – Thôi, ông cứ mặc tôi. Ông bóp, nhỡ ai vào trông thấy, sao tiện?
– Bà cứ để tôi nắn cho! Có ai vào mà sợ trông thấy? Ngày ở Trường Sơn, có mấy thằng bạn cũng bị trật khớp sống lưng như thế này, chỉ có lá rừng giã ra, vừa xoa vừa nắn, thế mà khỏi đấy. Nói rồi ông không để cho bà Nhạn đứng lên, ông nhích lại gần, bảo bà nằm sấp xuống. Ông vừa xoa, vừa dùng mu bàn tay ấn từ trên xuống dưới rồi ngược lại. Bà Nhạn thấy dễ chịu, các đốt xương sống như giãn ra, hai mắt lim dim…
– Chào ông bà! Gớm, ông Quân trở thành thầy lang từ bao giờ thế?
Thật là khách không mời! Lại vác mặt vào không đúng lúc. Bà Nhạn vội ngồi dậy, không giấu nổi sự lúng túng. Thì ra lão Thu Bí thư chi bộ nghe mấy bà ngồi lê đôi mách, nói rằng ông Quân vào nhà bà Nhạn đã mấy tiếng rồi mà chưa thấy ra. Không biết họ đang họp tổ họp nhóm chi ấy…
Vừa tò mò, vừa ác ý, lão xộc vào thẳng nhà. Con chó mực được bữa ăn ngon, nằm trên đống lá khô, chúi đầu ngủ ngoài gốc chuối, không kịp báo động…
Trưa hôm sau, lão Tèo, chi hội trưởng thân chinh đến tận nhà bà Nhạn, sau đó lão lại vào nhà ông Quân, bảo đúng bảy giờ sáng ngày mai, mời ông bà có mặt tại nhà văn hóa thôn để họp Hội người cao tuổi thôn. Sao hôm nay người ta lại đến tận nhà mời mình nhỉ? Mọi khi chỉ thông báo trên loa. Nhất định là có vấn đề! Chắc chắn họ tổ chức kiểm điểm chuyện lão Thu bí thư chi bộ bắt gặp mình đang đấm lưng cho bà Nhạn đây. Chắc hắn chỉ thị cho Hội người cao tuổi làm việc này, vì ông đã làm đơn xin nghỉ sinh hoạt đảng từ lâu rồi chứ không thì chi bộ sẽ trực tiếp kiểm điểm ông. Thằng đểu! Hắn làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trong làng, dọc bờ bãi ngô, có bao nhiêu mụ gái góa, kể cả có chồng nhưng chồng đi làm ăn xa, có mụ nào thoát khỏi tay hắn đâu? Thế mà hắn vẫn chưa thỏa mãn, còn xỏ xiên người khác.
Đúng như ông Quân dự đoán, cuộc họp diễn ra dưới sự chủ tọa của lão Tèo chi hội trưởng. Sau khi điểm hoạt động của chi hội, những khó khăn, thuận lợi, những mặt tích cực và hạn chế, lão Tèo thẳng thừng nêu ra hiện tượng quan hệ nam nữ không lành mạnh giữa ông Quân và bà Nhạn. Rằng giữa ban ngày ban mặt mà nữ nằm, nam ngồi, lại còn cởi áo đấm bóp, masa cho nhau. Lão Tèo nói đến đâu, các cụ ông cụ bà cười khằng khặc đến đó. Có bà không kìm giữ được còn cười rú lên. Ông Tèo phải dừng lại nhắc nhở mấy lần mới lấy lại trật tự. Đợi cho mấy người có ý kiến, người chê, người thông cảm, người không nói toạc ra là làm như thế là thế nọ thế kia… Ông Quân mới đứng dậy phát biểu. Ông đằng hắng lấy giọng, mặt tỉnh bơ như:
– Thưa các ông các bà hội viên trong Chi hội! Từ nãy đến giờ, tôi thật sự khó chịu, bởi lẽ, các ông các bà đã làm sai tôn chỉ, mục đích chi Hội, xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác. Ừ thì chúng ta đã là người cao tuổi đấy. Nhưng không phải cứ là người cao tuổi thì các ông các bà không được quan hệ bầu bạn với nhau. Tôi nghe ý kiến phát biểu thì thấy hình như các ông bà rất tự hào rằng mình là người cao tuổi. Theo tôi thì, chúng ta không có gì phải tự hào vì mình là người cao tuổi, vì ai mà chẳng đến lúc trở thành người cao tuổi, mà chúng ta tự hào dù đã là người cao tuổi, vẫn đóng góp sức mình vào công cuộc đổi mới ở nông thôn, tâm hồn và sức khỏe vẫn thanh xuân. Ừ thì tôi đến đấm bóp cho bà Nhạn đấy! Các ông bà tra cứu luật hôn nhân và gia đình xem tôi vi phạm điều nào? Chỉ “người nào đã có vợ hoặc có chồng nhưng chung sống với nhau như vợ chồng” thì mới bị xử lý theo pháp luật. Đằng này, bà Nhạn, ông ấy “quy tiên” đã mấy chục năm nay, còn bà nhà tôi cũng thế, chẳng lẽ hai cái thân già không được phép gần gũi chia sẻ giúp đỡ nhau khi trái gió trở giời sao? Ban nãy, thấy ông Tèo bảo tôi đấm bóp cho bà Nhạn, các ông, các bà cười có vẻ thích thú lắm! Các ông các bà có biết như vậy là cười vào nỗi đau của người khác không? Là tàn ác không? Đôi khi sự vô cảm của các ông bà đã giết chết lòng tự trọng của một con người. Bà Nhạn bỏ cơm từ chiều hôm qua đấy!
Ông Quân nói hay lắm! Ông còn dẫn giải nhiều vị dụ cụ thể rất sinh động, minh chứng cho việc tuổi già không nên rơi vào tình cảnh cô đơn, tổn thọ lắm. Trước đây, do lễ giáo phong kiến, người ta không vượt qua được định kiển hủ lậu của xã hội, dẫn đến nhiều cặp ông bà lẻ bóng không dám đến với nhau, ân hận cho đến khi qua đời, không nhắm mắt được. Bây giờ đất nước đã hội nhập vào thế giới văn minh, mọi cái phải khác! Quyền tự do cá nhân của con người phải được tôn trọng. Quyền tự do cá nhân hay nhân quyền thì cũng thế!
Hội nghị không ngờ ông Quân bấy lâu lầm lì, vậy mà lúc mở miệng lại thông tuệ thuyết lý như một triết gia. Mọi người quay lại trò chuyện vui vẻ, người ta nhắc lại mối tình của rất nhiều ông bà xưa cùng cảnh ngộ. Giá như ở các nước phương Tây, họ đến chung sống với nhau thì sung sướng hạnh phúc biết mấy?
Bà Nhạn không đi họp. Người ta đoán là bà xấu hổ. Tuổi cao mà còn bị chỉ trích là thế nọ thế kia, chạm đến phẩm giá, khéo bà không chịu nổi, lăn đùng ra mà giẫy đành đạch chưa biết chừng!
Ông Quân nhìn thẳng vào mặt lão Tèo chi hội trưởng và lão Lanh chi hội phó, thấy hai lão lì cái bản mặt lại, ngoảnh mặt đi nơi khác. Từ nay thì hết dòm dòm ngó nhé!…
Họp xong, ông Quân không về nhà mà đến ngay nhà bà Nhạn ý là để báo tin vui. Hôm nay thì mình thắng thế rồi! Nhưng quái lạ, bà ấy đi đâu mà sân nhà vắng tanh vắng ngắt. Có một sự linh cảm nào đó, ông Quân sục ngay bào gian buồng. Trên chiếc giường cũ kỹ từ thời xưa, tấm màn buông xõa một cách khả nghi. Ông tốc màn, bà Nhạn nằm nghiêng, bất động. Ông Quân sờ vào, toàn thân lạnh ngắt. Vốn kinh nghiệm đời lính, ông áp sát vào ngực bà, thấy tim vẫn đập nhưng nhịp rất yếu. Hoảng hốt ông la to cho cả làng nghe. Đa số các ông bà vừa tan cuộc họp chạy vào. Người xoa dầu, người đấm bóp, nhưng người bà vẫn lạnh ngắt. Phải đưa bà đi viện! Ông Quân gọi tắc xi rồi cùng đi với bà Nhạn trước bao nhiêu cắp mắt dòm ngó của người trong làng. Mặc kệ! Ông không đi với bà lúc này thì còn ai vào đây nữa chứ? Bà ấy đang cần ông…
Hơn tuần sau thì bà Nhạn xuất viện. Chẳng có bệnh tật chi cả, thấy mình chẳng làm gì nên tội mà thiên hạ cứ xỉa vào, nói những lời cay độc, nhất là từ hôm vào nhà ông bà Liên Hoa, nhìn ánh mắt và cái kiểu cười, bà biết, họ đang mỉa mai bà là già cốc đế, lưng còng như con tôm mà còn khát tình, còn đĩ thỏa! Không chịu nổi áp lực của dư luận, bà đã liều uống mấy chục viên thuốc ngủ…
Gần một tuần trên viện, ông Quân túc trực bên bà. Bà đã khỏe hẳn, da dẻ trông trắng và mềm mại hơn trước. Mới biết, tinh thần con người đóng vai trò quan trọng đến mức nào! Mãi 5 giờ chiều, hai người mới từ bệnh viện về đến nhà. Ngay trên giường bệnh, bà đã nghe ông quân kể lại nội dung cuộc họp, bà vui lắm, vững tin lắm. Ừ, nhà có người đàn ông, đố đứa nào dám bắt nặt. Bà thấy như mình trẻ lại, cái sống lưng đỡ còng hơn. Bà bảo ông Quân, thôi thì đằng nào ông về nhà cũng phải thổi cơm, chi bằng ông ở đây cùng ăn với tôi cho vui. Nói rồi bà lại cúi gập cái sống lưng, gật gù như con lạc đà, tất tả xuống gian bếp, sửa soạn, không cần biết ông Quân có đồng ý ở lại hay không. Bà thấy trong lòng hoàn toàn yên tĩnh và mãn nguyện. Bao nhiêu năm sống đợn độc, đêm xuống, cái lá mít rơi ngoài vườn cũng làm bà giật mình đánh thót. Hôm nay, nghe ông ấy nói như thế, có khác gì chuyện đã “ra công khai”? Giờ thì sợ quái đứa nào nhòm dỏ. Nhà có đàn ông , có rắc thính, cũng chẳng có đứa nào đến mà ức hiếp. Thời ông Tụy chồng bà còn sống, biết là ông ấy ở tận Quảng Ninh, cũng chẳng có đứa nào đến nhà bà mà gạ gẫm, ho he.
Ăn cơm xong, thì trời đã tối mịt. Ngoài ngõ vắng tanh. Trong nhà chỉ có hai người ngồi bên nhau. Con chó mực nằm ngoài hiên ghếch mõm nhìn vào trong nhà. Nó vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì trong nhà có thêm một người khách lâu nay nó vẫn cảm mến. Ngoài cầu ao, tiếng côn trùng rên rỉ một bản nhạc buồn não nuột như đồng cảm với kiếp người cô đơn. Vẻ ân cần, ông Quân lại hỏi bà Nhạn cái chỗ tật ở đốt sống lưng, mấy hôm nay ông nắn có đỡ đau không? Rất tự nhiên, bà lại vén lưng áo lên cho ông Quân xem. Bà bảo: – Đỡ đau nhiều lắm. Đúng là tay lính cựu Trường Sơn có khác!
– Đỡ đau thì nằm sấp xuống, tôi nắn tiếp cho. Bà Nhạn kéo hết áo lên đến vai, nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh ông Quân. Lưng bà cong thế thôi chứ da thịt vẫn đầy đặn và trắng bóc. Bà thấy bầu không khí ấm áp bao trùm căn nhà trống, chông chênh của bà bấy lâu nay.
Bỗng nhiên trời đổ mưa, nước rào rào trút xuống. Trời đã chuyển sang thu, mưa chỉ sầm sập thế thôi, chứ chả mấy khi kéo dài. Trời hết nắng nóng, còn đâu hơi nước mà mưa cho nhiều. Biết ngay mà! Mưa tạnh từ lâu rồi mà ông Quân vẫn kiên trì nắn bóp. Hai bàn tay ông xoa dầu đều lên tấm lưng của bà Nhạn, dùng ngón tay cái ấn nhè nhẹ rồi mạnh dần. Ngón tay ông lần từng đốt xương sống bà Nhạn, từ cái đốt sống cổ cho đến cái xương cụt. Thân hình bà Nhạn cứ mềm dần, mềm dần… Bà Nhạn cứ nằm yên như con mèo già ngoan ngoãn, lòng chỉ mong ông Quân cứ sống bên cạnh bà để bà được ông chăm sóc mãi như thế này. Tại sao trên đời lại có người tốt với bà như thế? Ông ấy chẳng đòi hỏi gì. Đã mười mấy năm nay rồi, người đâu mà lập trường rắn như sắt thép? Bà thấy trong lòng dâng lên một tình cảm rất lạ. Trong người bà có một cái gì đó đang dần dần dâng cao. Bà muốn dâng hiến cho ông Quân một lần! Một lần thôi, để trả cái nghĩa nặng tình sâu mà lâu nay, bà cứ đeo đẳng mãi. Là đàn bà, dù trẻ hay già, trả nợ tình cho người mình mang ơn, chỉ có cách ấy thôi… Không cần giữ gìn, bà đột nhiên chuyển thế nằm. Với một động tác dứt khoát, hai tay bà vòng vào cổ ông Quân vít xuống.
Ông Quân không bất ngờ. Cuộc đời, cái gì đến phải đến. Ông cũng đã kìm lòng mình mấy chục năm nay. Ngày xưa, thực lòng ông cũng đã yêu thầm cô Nhạn có nước da trăng như trứng gà bóc vỏ. Bây giờ già rồi mà da bà cũng vẫn trắng như vậy, có điều không được mịn màng như thời con gái. Năm ấy, ông lên đường nhập ngũ rồi vào thẳng chiến trường, chưa kịp ngỏ lời thì người ta đã sang sông. Bây giờ, trời vẫn ban cho ông cái cơ thể ấy nhưng lại mang dáng cong như vầng trăng khuyết. Ông Quân thực sự cảm động. Sự dâng hiến của người con gái ngày xưa, tuy là muộn màng nhưng chứa chan hạnh phúc. Ừ thì bà ấy yếu đuối, đụng đến là tủi thân. Vừa rồi, nếu ông không phát hiện kịp, đưa đi viện, thì bây giờ không biết sự tình sẽ như thế nào. Thôi, mọi sự nhiêu khê giờ đã kết thúc, có ông bên cạnh, chắc bà ấy khỏe và trẻ ra cho mà coi. Bao nhiêu năm đi chiến đấu xa nhà, hạnh phúc đến với ông ngắn ngủi quá! Giờ ông thấy cuộc đời vẫn đang ở phía trước. Ông thấy mình có trách nhiệm làm vệ sỹ người bạn gái ông yêu từ thuở thiếu thời suốt quảng đời còn lại.
Hai người cứ hì hục hì hục. Con chó Mực thấy tình hình như có gì không ổn, nó hoảng sợ sủa lên gâu gâu. Bà Nhạn chỉ muốn đạp cho nó một cái vì sủa không đúng lúc, nhưng chân bà ngắn quá mà phía dưới lại bị ông Quân đè chặt. Có một cái gì đó như dòng nước mát trong cơ thể bà bị tích tụ lâu nay được thoát ra rất mạnh. Xương sống bà giãn ra. Người bà mềm đi và cảm giác ướt át như thời thiếu nữ. Ông Quân thở mạnh, anh lính Trường Sơn mạnh mẽ khi xưa đang cố gắng đến tận cùng cố đạt được mục đích trong cuộc chiến muộn mằn. Bà Nhạn cố rướn người lên để hỗ trợ thì bổng nghe đánh “khực” một cái. Đau! Bà Nhạn rên lên khe khẽ, bà cảm thấy như sống lưng mình bị gẫy làm đôi, ép sát vào mặt phản gỗ. Bà nhắm mắt, cảm giác vừa thỏa mãn vừa mệt lừ. Cơn buồn ngủ tự nhiên kéo đến. Bà cứ nằm nguyên vị trí như thế cho đỡ đau rồi chìm vào giấc ngủ say sưa…
Bà mơ thấy mình thời thiếu nữ. Ông Quân mặc bộ đồ lính chiến, đứng đợi bà ở bến sông, nơi cây sung ngày xưa có một cành xiên ra mặt nước. Dòng sông tuổi thơ của bà sóng vẫn gợn lăn tăn, lóng lánh nước chảy. Bà chạy nhào ra thì ông Quân đã lên chiếc đò đợi sẵn từ bao giờ. Con đò trườn đi rất nhanh, gió thổi mạnh, sóng vỗ vào mạn oàm oạp. Thế là lỡ chuyến đò với ông ấy rồi! Bà thổn thức trong lòng rồi bừng tỉnh. Nhớ lại chuyện đầu tối, bà sờ soạng sang bên, thấy trống không. Ông Quân đã về từ lúc nào. Sao ông ấy về sớm thế! Trời vẫn còn tối. Già rồi, nhỡ sương gió? Cứ nằm nghỉ ở đây đến tận sáng, sợ gì ai? Phải sang nhà ông ấy xem sao? Nhưng bà lại nghĩ, chẳng việc gì đâu! Ông ấy vốn lính cựu Trường Sơn, thời chiến tranh, mười mấy năm trời lăn lộn, nắng mưa bom đạn là thế mà chẳng thể làm gì, chứ tí sương tí gió thì đáng kể vào đâu. Bà thấy trong lòng dâng lên một chút tự hào. Bà bước ra sân, ý định xuống gian bếp bắt con gà mái tơ nấu cho ông ấy nồi cháo. Bà thấy lạ, sao mình lại đi thẳng như người bình thường thế này? Bà đưa tay về phía sau, sờ vào cái đốt sống mọi khi vẫn trồi ra, thấy đã tụt vào đúng vị trí của nó, sống lưng bà thẳng ra như chưa hề bị tật. Bà nhìn ra phía trước, trang trại chăn nuôi của lão Hoan đèn điện sáng trưng. Phía Đông cũng thế. Đúng là xây dựng nông thôn mới có khác! Người ta kiến thiết đã lâu rồi mà mãi nay bà mới nhận ra. Ừ! Thì mọi hôm, lưng còng, có muốn ngẩng mặt lên cũng khó, làm sao nhìn thấy được cảnh đổi mới của quê hương? Phía chân trời, một vầng trăng khuyết treo lơ lửng. “Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết”… Bà nhẩm lời một bài hát mà bà yêu thích từ khi trẻ, lòng bâng khuâng, chân nhẹ bước, cảm giác như thời thanh nữ. Vầng trăng trên cao đỏng đảnh nhìn theo bà như muốn nói: ” Trăng có bao giờ khuyết! Trăng tròn hay khuyết chỉ là do vị trí và góc nhìn của con người trên mặt đất mà thôi “!…
![](https://trainghiemsongbucket.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2022/01/28210814/trang_vang_cay.jpeg)