TRẬN TOURS — TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH CHO TƯƠNG LAI CỦA CHÂU ÂU

TRẬN TOURS — TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH CHO TƯƠNG LAI CỦA CHÂU ÂU

Thế giới tiền Trung Cổ được xây dựng trên đống tàn tích của những trận đánh quyết định. Các quốc gia mới thành lập dựa trên sự hợp nhất các bộ tộc tan tác sau chiến tranh, trên công cuộc mở rộng đường biên giới bằng cách chinh phục kẻ thù, và ngăn chặn các cuộc xâm lược. Nhưng rất ít trong số đó để lại ảnh hưởng lâu dài qua nhiều thế hệ.
Rất ít trong số các cuộc xung đột quân sự đó có thể thay đổi lịch sử thế giới và quyết định tương lai của chúng ta. Và một trong các trận đánh thay đổi bộ mặt thế giới chính là Trận Tours — diễn ra vào năm 732 Công Nguyên giữa lực lượng người Frank Cơ Đốc giáo với quân xâm lược người Hồi của Vương triều Caliph Umayyad.
Cuộc xung đột khốc liệt và mang tính hủy diệt này đã định hình tương lai của Châu Âu, vang vọng xuyên thời gian, đồng thời là một canh bạc lớn, lật đổ mọi nghi ngờ lúc bấy giờ. Nhưng nó vẫn là một trong những trận đánh lớn nhất trong quá khứ của Châu Âu và hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về ngày định mệnh đó vào năm 732.
🅷OÀN CẢNH XẢY RA TRẬN TOURS
Vào khoảng đầu thế kỷ 8 Công Nguyên, vào năm 700, Vương triều Caliph Umayyad của người Hồi phát triển nhanh chóng và lan ra khắp thế giới. Đó là vương triều thứ 2 trong 4 vương triều nổi lên sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad và là một trong những đế chế rộng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Sau khi chinh phục lãnh thổ Bắc Phi, họ coi lục địa Châu Âu là con mồi tiếp theo. Từ bờ biển Bắc Phi, trong tầm mắt họ là một con đường rộng mở thênh thang mang tên Eo biển Gibraltar, và từ đây họ băng qua eo biển tiến vào Bán đảo Iberia, mở rộng lãnh thổ trong lục địa.
Vào lúc này, Bán đảo Iberia nằm dưới quyền kiểm soát của Vương quốc Visigoth, dưới sự cai trị của Vua Roderic. Tuy nhiên, người Umayyad vẫn vượt qua eo biển vào năm 711, dưới sự lãnh đạo của một người là Tariq ibn Ziyad, và sớm chạm trán với quân đội Visigoth trong Trận Guadalete cùng năm ở phía Nam Iberia.
Cùng năm với cuộc xâm lược của Vương triều Umayyad, Vua Roderic đang ở phía Bắc, nỗ lực chống lại cuộc nổi loạn của người Basque. Các sự kiện không may liên tiếp xảy ra đặt ông vào tình thế rối ren, nên ông phải bắt buộc hành quân dọc về phía Nam, để đối phó với kẻ thù lớn hơn nhiều. Cuối cùng, người Visigoth bị đánh bại trước vó ngựa của kỵ binh Hồi giáo.
Trong trận đánh, Vua Roderic và hầu hết các quý tộc tham chiến đều thiệt mạng, tạo điều kiện cho Vương triều Umayyad từng bước chinh phục Bán đảo Iberia, trong khoảng thời gian 7 năm tiếp theo. Và khi khu vực Iberia thuộc về họ, người Frank xứ Gaul là bước tiếp theo.
Thứ ngăn cách duy nhất giữa lực lượng Umayyad với con mồi của họ — Vương quốc của người Frank — là Dãy Pyrenees. Tuy đây là một dãy núi hùng vĩ, một rào ngăn cách của tự nhiên, nhưng không phải là không thể vượt qua. Người Umayyad tiếp tục hành quân băng qua dãy núi và xâm nhập vào phía Nam xứ Gaul. Năm 720, họ chinh phục tỉnh phía Nam là Septimania.
Năm tiếp theo, họ tập trung vào vây hãm thành thị lớn ở phía Tây, Toulouse. Cuộc bao vây được chấm dứt bởi Công tước người Frank là Odo — người đã đẩy lùi lực lượng Umayyad ra ngoại vi thành Toulouse và đánh bại họ. Tuy nhiên, phần lớn đội quân Umayyad vẫn tiếp tục băng qua Dãy Pyrenees và xâm nhập vào các tỉnh phía Nam xứ Gaul.
Công Quốc Aquitaine nằm ở phía Nam và phải đối mặt với gánh nặng của cuộc xâm lược này. Các thành thị lớn của Công Quốc, Bordeaux và Toulouse bị tàn phá và sớm thôi những kẻ xâm lược sẽ tới được Công Quốc Burgundy ở phía Bắc.
Nhưng phải tới năm 732 Công Nguyên thì Vương triều Caliph Umayyad mới tích lũy được quân lực đầy đủ để tiếp tục công cuộc chinh phạt này. Người đứng đầu lực lượng khi đó là Abdul Rahman al Ghafiqi, Toàn Quyền Iberia của Vương quốc Hồi giáo. Ông dẫn dắt quân đội băng qua Dãy Pyrenees một lần nữa và tổ chức cướp phá các vùng đất và thành thị nào gặp trên đường.
Lực lượng Umayyad rất ham muốn phồn vinh, nên hoạt động chính trong cuộc chinh phạt này của họ là cướp phá. Sau khi vét sạch Bordeaux một lần nữa, lực lượng Umayyad lại đối mặt với Công tước Odo. Odo thống lãnh quân đội trong nỗ lực ngăn chặn những kẻ xâm lược giống như ông đã làm trước đây.
Nhưng lần này, ông bị đè bẹp bởi quân số và sự tinh nhuệ của đối phương. Nhận ra được sự chênh lệch tình thế cộng thêm các vùng lãnh thổ thuộc Công Quốc Aquitaine tràn ngập người Hồi, Odo rút lui lên phía Bắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người cai trị lúc đó của Vương quốc người Frank là Charles Martel.
Trước khi người Hồi xâm lược, Odo và Charles là kẻ thù với nhau. Charles có ý định mở rộng lãnh thổ lên Công Quốc Aquitaine và Odo luôn coi người Frank là những kẻ xâm lược. Nhưng với mối đe dọa còn lớn hơn này, Odo không còn cách nào khác là phải tìm kiếm sự giúp đỡ của người Frank. Charles Martel đồng ý liên minh với Odo, nhưng với điều kiện là Odo phải đồng ý thần phục người Frank. Odo đồng ý.
🅼ANG BÚA VÀO CUỘC CHIẾN
Charles Martel là một nhà cai trị dày dạn kinh nghiệm và là một chiến binh cứng rắn trên chiến trường. Quân đội của ông đều là những chiến binh từng trải qua các trận đánh dọc theo biên giới phía Đông của Vương quốc, chiến đấu với các bộ tộc láng giềng.
Charles cũng hiểu được tầm quan trọng của tình thế nên bắt đầu cho trưng thu thuế khắp miền Bắc. Và ông cũng tỏ ra sự khôn ngoan của một chỉ huy quân sự khi cẩn thận nghiên cứu ý định của kẻ thù.
Trong khi đó, lực lượng Umayyad di chuyển chậm chạp dọc theo lãnh thổ của người Frank, tàn phá vùng nông thôn và tích lũy một số lượng lớn đồ cướp bóc. Sự tập trung chiến lợi phẩm chiến tranh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tác chiến trong tương lai của họ. Họ phải dành thời gian của họ vì phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ để có nguồn cung lương thực.
Nhưng đích đến của họ lại quá rõ ràng đối với Charles Martel. Đó là thành Tours giàu có — nổi bật và phồn vinh, với nhiều tu viện có tầm quan trọng lớn. Vì thế, Charles cho lực lượng người Frank đóng quân trực tiếp trên tuyến đường hành quân của lực lượng Umayyad. Vị trí nằm giữa khoảng cách từ thành Tours với ngôi làng bị tàn phá Poitiers về phía Nam.
Người Frank đóng quân gần chỗ hợp lưu của 2 con sông là Clain và Vienne, trên một ngọn đồi nhô cao và rậm rạp. Charles Martel đã cố tình chọn vị trí đó một cách khôn ngoan. Điều tiên quyết là ông rất rõ việc bị vượt trội về quân số.
Vì thế ông chọn vị trí ẩn nấp trong khu rừng để dời đội quân nhằm che dấu quân số thực sự với hy vọng không để lộ điểm yếu của mình. Thứ 2, ông chọn một vị trí mà lực lượng Umayyad bắt buộc phải tham chiến nếu muốn vượt qua sông để tiếp tục hành trình, chính là phía sau của lực lượng người Frank. Thứ 3, khu rừng sẽ bảo vệ đội quân của ông — chủ yếu là tuyến 2 — khỏi gánh nặng tấn công tổng lực của kỵ binh và bằng cách nào đó bảo vệ 2 cánh khỏi tấn công chọc sườn.
Khi lực lượng Umayyad giáp mặt với đội quân Cơ Đốc giáo thống nhất, chỉ huy của họ là Abdul Rahman al Ghafiqi — cũng là một chỉ huy dày dạn kinh nghiệm — biết được là Charles Martel đã chiếm lợi thế khi thấy đối thủ chọn vị trí đẹp. Ngay cả khi đó, al Ghafiqi vẫn tự tin vào sức mạnh đội quân của mình và bắt đầu dàn quân ra chiến trường.
Một điều mà ông cần phải chú ý là sự khác biệt giữa hai đội quân — lực lượng Umayyad chủ yếu dựa vào kỵ binh, còn người Frank hầu hết là bộ binh. Nhưng ông đã không tính tới một số điều kiện. Kỵ binh Hồi giáo đa số đều được vũ trang tối thiểu — họ thích tô điểm bằng các loại giáp nhẹ “chain mail” và không chú trọng vào các loại giáp khác. Họ cưỡi các loại ngựa Ả Rập bất kham, rất khó để thuần phục, không thực sự phù hợp cho kỵ sĩ. Nhiều sử gia cho rằng kỵ binh Hồi giáo phần lớn được trang bị giáo, dễ dàng bị gãy sau đợt va chạm đầu.
Bên kia chiến tuyến, bộ binh người Frank được trang bị kỹ lưỡng hơn. Hầu hết họ đều là cựu binh từng trải qua nhiều trận chiến, chỉ có một số ít tân binh được bố trí ở tuyến 2. Họ được trang bị giáp tận răng và vũ khí đầy đủ. Họ dàn quân chật cứng cả hàng và sẵn sàng cho đợt va chạm với kỵ binh người Hồi.
Nhưng trận đánh chưa chánh thức diễn ra ngay. Cả hai phe đều thử sức nhau với các cuộc giao tranh nhỏ lẻ diễn ra trong vòng 7 ngày. Trên thực tế, đây là do al Ghafiqi cố tình trì hoãn, đợi toàn bộ quân đội của mình tập hợp đầy đủ. Cuối cùng, với việc người Umayyad lo sợ mùa đông đang đến gần, họ quyết định tấn công tổng lực vào ngày thứ bảy — ngày 10 tháng 10 năm 732 Công Nguyên.
🅽GỌN SÓNG UMAYYAD TAN VỠ KHI ĐẬP VÀO TẢNG ĐÁ FRANK
Chỉ huy lực lượng Umayyad, al Ghafiqi, phụ thuộc hoàn toàn vào đội kỵ binh thiện chiến của mình, mặc dù ông không tìm hiểu kỹ về đối thủ. Ông điều từng đợt sóng kỵ binh xông vào trong nỗ lực phá vỡ hàng ngũ của người Frank nhưng không thực sự hiệu quả. Những chiến binh người Frank, vai kề vai, kiên cường chống trả từng đợt va chạm của kỵ binh Hồi giáo.
Sự kết hợp giữa độ cao của ngọn đồi, trang bị vũ khí và giáp tốt cộng với việc được cây cối bao bọc đã giúp cho người Frank có thể giữ vững đội hình — khi mà bộ binh thường phải làm mồi cho kỵ binh trong chiến tranh Trung Cổ. Ngay cả khi một vài vị trí trong đội hình chùn bước và bị phá vỡ bởi kỵ binh, các chiến binh cũng nhanh chóng phản ứng bằng cách lấp vào khoảng trống.
Trận chiến vẫn tiếp tục diễn ra theo cách đó, vì vậy nên Công tước Odo bắt đầu đề ra một nhiệm vụ quan trọng nơi hai bên sườn. Ông tập hợp một đội kỵ binh và mở rộng ra hai bên với mục tiêu là trại người Hồi ở phía xa. Đó là nơi lực lượng Umayyad cất giữ của cải cướp bóc được.
Odo đã gây ra một tổn thất lớn ở đây, lấy lại các món đồ quý giá bị cướp, giải phóng khoảng 200 tù binh người Frank và thu hút sự chú ý của đối phương. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo còn hơn cả những gì ông mong đợi. Khi nhận ra doanh trại và của cải cướp được đang bị tấn công, nhiều đơn vị Umayyad từ chiến trường trung tâm đã điên cuồng quay lại hòng cứu lấy chiến lợi phẩm.
Đây là một tình huống mà al Ghafiqi chưa bao giờ tính tới. Nỗ lực tập hợp lại đội hình của ông gặp thất bại và Charles Martel đã tận dụng cơ hội này. Khi lực lượng Umayyad rời bỏ hàng ngũ để quay về trại bảo vệ chiến lợi phẩm, Charles ra lệnh cho đội hình hai bên trái, phải cùng trung tâm đồng thời xông ra truy đuổi và bao vây đối thủ. Những chiến binh người Hồi bị bao vây chịu đựng thương vong lớn.
Bản thân vị chỉ huy al Ghafiqi cũng ngã xuống trên chiến trường trong nỗ lực tái lập đội hình. Trong khi đó, Công tước Odo vòng lên phía Bắc lần nữa và cắt đường rút lui của lực lượng Umayyad, gây ra một tổn thất nghiêm trọng. Kết quả là lực lượng Umayyad hoàn toàn tan tác. Giờ đây, Charles Martel trông đợi vào ngày tiếp theo của trận đánh nên ông giữ vị trí, chăm sóc người bị thương và tái lập đội hình. Nhưng ngày đó không bao giờ tới. Lực lượng Umayyad lúc này đã chịu tổn thất lớn với cái chết của vị chỉ huy cũng như không có người lãnh đạo đủ tài giỏi. Họ không thể tổ chức một cuộc phản công nào khác. Charles Martel lo sợ một cuộc phục kích nên chưa vội ra lệnh xuống đồi. Ông lập một đội do thám đi thăm dò doanh trại của người Hồi nhưng tất cả đều sạch không. Người Hồi tranh thủ lúc trời tối, đã gom hết của cải còn lại và rời đi, họ đã quay trở về Bán đảo Iberia.
Charles Martel đã dành được một chiến thắng oanh liệt và vẻ vang, củng cố danh tiếng của ông là một nhà lãnh đạo cao quý và có năng lực. Ông được ca tụng trên khắp Châu Âu như là vị cứu tinh của các Kito hữu và là “Cái búa đập tan những người Hồi giáo”. Vì vậy nên ông có biệt danh là Charles the Hammer. Sau đó, ông mở rộng quyền cai trị lên Công Quốc Aquitaine và cô lập thành công những kẻ xâm lược đến khu vực phía Nam vùng Septimania, nơi người Hồi ở lại đó trong 27 năm nữa và hoàn toàn không thể đột phá. Sự giàu có, ảnh hưởng, quyền lực và tài năng của Charles đã dẫn đến sự xuất hiện của Vương triều Carolingian, vương triều này sẽ trỗi dậy và tồn tại trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
🆃HAY ĐỔI TƯƠNG LAI CỦA THẾ GIỚI
Châu Âu của những năm đầu thế kỷ 8 rất cần một chỉ huy có năng lực và mạnh mẽ để ngăn chặn bước chân của những kẻ xâm lược Hồi giáo của Vương triều Umayyad. Và vị chỉ huy đó là Charles Martel. Ông đứng lên và sử dụng chiến thuật siêu việt, sự khôn khéo và danh tiếng để dành được chiến thắng trong một trận chiến quyết định. Giống như một ngọn hải đăng luôn bùng cháy trong cơn bão, các chiến binh người Frank của ông đã bất chấp tất cả để chiến đấu với kẻ thù. Và chính trận chiến này đã thay đổi tiến trình lịch sử Châu Âu, và cùng với đó là lịch sử Thế Giới.



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *