Trận chiến Keresztes 1596 (kỳ 4): Ngày thứ hai của trận chiến. Chiến thắng của đạo Hồi
==
Những ánh nắng đầu tiên của buổi sáng hôm sau cũng đã đến. Đó là ngày Sabbath, rơi vào mùng năm của tháng Rabia ath-thani. Padishah lên ngựa ngay khi mặt trời vừa lên; trống hiệu đã được gióng lên; các đạo quân chiến thắng đã vào vị trí sẵn sàng; với niềm tin đặt vào nơi Allah, họ hùng dũng tiến lên đối mặt với những kẻ thù của đức tin. Những chiến binh ngoan đạo sớm nhận ra rằng, kẻ thù của họ đã từ bỏ phòng ngự nhà thờ – nơi mà ngày hôm qua chúng phòng thủ. Thay vào đó, một lượng lớn những kẻ vô đạo đã tập trung bên ngoài nhà thờ – cách bãi cạn cánh trái khoảng nửa giờ đi bộ – do chúng nhận thấy không có khả thi trong việc bảo vệ các bãi cạn còn lại. Quân ta như sóng triều dâng, ào ào tiến về phía trước, vượt qua con sông án ngữ giữa họ và kẻ thù, và sẵn sàng tấn công hàng phòng ngự của quân vô đạo: các janissary đã để tay sẵn lên cò súng, các khẩu pháo đã được bố trí xong xuôi, và mọi chiến binh đã sẵn sàng chờ đợi một tín hiệu đầu tiên báo hiệu cuộc chiến bắt đầu. Dù Padishah không vượt sông, nhưng Người cũng quyết định ngự tại một chiếc lều dựng ngay tại bờ sông để theo dõi trận chiến. Jaghaleh Zadeh, chỉ huy quân tiên phong, đã dàn trận đối địch chính diện với kẻ thù.
Mặc dù người Hồi giáo đã tập trung cao độ để sẵn sàng đối mặt với kẻ thủ một mất một còn nhưng kỵ lạ thay, không một kẻ thù nào xuất hiện để giao tranh với họ cho đến buổi trưa. Cả hai bên cứ án binh bất động như vậy. Đột nhiên đúng vào giữa trưa, bộ binh của kẻ thù bắt đầu di chuyển ra khỏi hàng phòng ngự, sau đó là tới lũ dragoon bọc sắt; từng đoàn quân nối tiếp nhau nâng số lượng kẻ thù lên tới 15-16,000 người, tạo lên một thách thức không thể cản nổi. Đại bác của kẻ thù được bố trí ở địa điểm thuận lợi nhất liên tục oanh tạc. Mỗi bước đi của kẻ thù, được yểm trợ bởi súng trường và đại bác, tiếp tục tiến về phía người Hồi giáo như một cơn lũ điên cuồng, điều mà Rustam Pasha khó có thể nào ngăn cản nổi. Đội hình của chúng vững chắc như những ngọn núi sắt và không thể bị phá hủy. Cánh phải quân ta đã bị đánh bật và rơi vào hỗn loạn; cánh trái quân ta – bao gồm cả các kapikulu – sau khi tiến hành một sự kháng cự mãnh liệt và oai hùng, cũng dần bị áp đảo và phải lui về phía đồng lầy. Vào thời điểm cuộc hỗn chiến diễn ra, Fatih Giray và lính Tarta đã tổ chức xung phong và tạm thời chặn lại được bước tiến của kẻ thù. Một bộ phận quân địch sau khi chọc thủng cánh phải quân ta, đã nhanh chóng tạo thành một sức ép lớn hướng tới khu lều của triều đình. Hasan Pasha và quân đội Rumelia phải cố gắng tổ chức đánh úp sau lưng kẻ thù, làm chậm bước tiến của chúng trong một thời gian ngắn trước khi bị đẩy lùi. Các sipahi, mệt mỏi cũng như tuyệt vọng sau thất bại đó, buộc lòng phải rút lui. Những binh lính còn lại, nhận thấy điều này cũng nhanh chóng vứt bỏ vũ khí trên chiến trường mà tháo chạy. Một phần của điều này bắt nguồn từ việc có tin đồn rằng Padishah đã rút khỏi chiến trường trước đó, do đó mà phần lớn quân đội đã bỏ chạy: một số về Belgrade, một số khác tới Buda, v.v. và để lại cho kẻ thù một con đường không ai phòng ngự dẫn thẳng đến chỗ hoàng thượng và triều thần.
Các toán quân chiến thắng của kẻ thù đã nhanh chóng biến thành lũ vô tổ chức và trộm cướp khi chúng bước tới doanh trại quân ta, tranh giành nhau bất kỳ thứ gì trong tầm với. Năm ngàn tên khốn kiếp lao đến như tên bắn vào thời điểm tuyệt vọng nhất của quân ta. Những người Hồi giáo và kafir, vứt súng trường sang một bên, và lao vào chém giết lẫn nhau với gươm giáo trên tay. Các vezir và triều thần vây xung quanh hoàng thượng, tạo thành một bức tường sống quyết tâm bảo vệ cho Người. Một số tên ngoại đạo cố gắng cắt đứt dây lều của thánh thượng, nhưng các agha bên trong đã lao ra chẻ xác chúng. Đó là lúc mà thời khắc phán quyết đã điểm, và chỉ một số ít người Hồi giáo – những người can trường ở lại bên Padishah, chứng tỏ được tấm lòng son sắc của mình. Vị đại giáo sĩ, Sheikh al Islam, xông xáo đi động viên các binh lính, ông nhấn mạnh: “Chiến thắng chỉ đạt được khi ta kiên nhẫn, và sau khó khăn thì sẽ đến ngọt ngào.” Ông xoa dịu sự sợ hãi của quân đội, sự lo lắng của triều thần và cả sự nhụt chí của hoàng thượng.
Những kẻ ngoại đạo đê hèn giờ đây tự cho rằng chúng đã thành công, rằng sự kháng cự của những con người ngoan đạo đã không còn nữa, và giờ đây chúng nhanh chóng lao vào các cám dỗ vật chất tầm thường. Allah toàn năng đã không cho phép chúng làm được điều đó. Người khiến cho những kẻ ngoại đạo tự tách nhau ra đi sục sạo khắp doanh trại để kiếm chiến lợi phẩm. Và vinh danh Người, Allah đã ban phước lành và sự dũng cảm cho các binh lính còn ở trong trại, những chú bé chăn lạc đà, đầu bếp, v.v. sử dụng mọi thứ mà họ có sẵn để tiêu diệt kẻ thù. Những kẻ cướp bóc vô cùng sợ hãi, và nhanh chóng tháo chạy. Tiếng kêu khóc của kẻ thù vang lên tận trời cao, thúc giục những người Hồi giáo đã rời khỏi nơi ẩn náu để quay lại phản công, và để lại rất nhiều xác quân địch trên đường truy đuổi. Theo các ghi chép xác thực nhất thì khi quân ta đảo ngược tình thế từ thất bại đến chiến thắng, chúng ta đã giết được ít nhất 100.000 tên ngoại đạo. Chiến thắng đã được quyết định ngay cả khi nỗi sợ hãi đã khiến phần lớn các tín đồ tháo chạy tứ phía. Người Hồi giáo cuối cùng đã chiến thắng trong trận Mehaj. Chính nghĩa đã chiến thắng. Danh tiếng của Hồi giáo và Nhà nước Vĩ đại được nâng cao hơn bao giờ hết. Chưa một thời điểm nào, một triều đại nào trong quá khứ có thể đạt được vinh quang như vậy.
Chiến thắng này đạt được vào ngày thứ 5 của Rabia ath-thani, năm 1005 theo lịch Hồi giáo.
Nguồn: “Tārīḫ-i Na’īmā” của Mustafa Naima (1655-1716)
———
Cre: Bài cũ của bác Tùng Anh.
———
Kỳ 1: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1236452400039394/
Kỳ 2: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1237361696615131/
Kỳ 3: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1238890569795577/