TRẦM CẢM SAU SINH ĐÁNG SỢ THẾ NÀO?

Tôi, một người đàn ông, sau khi vợ sinh xong, tôi cũng rơi vào trạng thái trầm cảm.

Khi vợ tôi ra khỏi phòng sinh, tôi là người đầu tiên đứng chờ ở cửa, vội vã chạy đến đưa vợ vào phòng hồi sức. Sau khi thấy vợ đã ổn, tôi mới quay sang nhìn em bé bên cạnh. (Đừng mải quan tâm đến đứa bé mà quên đi người mẹ. Càng không nên hỏi ngay con trai hay con gái, hãy có tâm lý “con trai hay con gái đều như nhau”!)

Ba ngày đầu sau khi sinh, tôi sẽ là người ngồi bên cạnh em bé cả đêm để canh chừng. Sợ bé sặc sữa sẽ bị ngạt thở, thế là hầu như đêm nào tôi cũng phải thức. Vợ tôi vừa mới sinh xong cần được nghỉ ngơi đầy đủ, nên khi bé khóc vào ban đêm, tôi phải vội vàng bế ra ngoài hành lang dỗ dành, không để ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ.

Ba ngày sau khi xuất viện về nhà, tôi là người đầu tiên chạy đi làm hộ khẩu, thẻ BHYT, thẻ khám sức khỏe và thẻ tiêm chủng cho bé tại trạm y tế xã. Gia đình tôi đã thuê một bảo mẫu, tôi học bà cách thay tã, tắm rửa và massage cho con. Tôi còn những quyển sách dày cộp để học cách nuôi dạy con, tham gia các group nuôi dạy con của bạn bè.

Nhìn bé con ngủ ngoan, tôi thấy thằng bé như một thiên thần vậy. Ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ chiếu lên mặt con, đôi tay nhỏ xinh ấy khiến trái tim tôi như tan chảy, nhìn con mình, bỗng dưng nước mắt tôi trào ra, tuôn rơi lã chã. Tôi nghĩ, đây có lẽ là cảm giác hạnh phúc.

Vợ tôi nói nửa đêm mà dậy cho con bú sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, thế là tôi đã dùng máy hút sữa, hút sữa xong thì cho vào tủ lạnh, đến đêm dùng bình ủ sữa để hâm nóng rồi cho bé bú. Bảo mẫu chúng tôi thuê thực sự rất giỏi, bà ấy chăm sóc cả bé và mẹ bé rất chu đáo! Tiếc là chúng tôi không lo được tiền lương 1 tháng 1 vạn tệ (~35tr) nên đã tự mình xông pha. Ngày đầu tiên bé dậy vào lúc nửa đêm, mặc dù biết mình phải làm gì nhưng tôi vẫn loay hoay mất 2 tiếng mới xong. Làm mọi việc từ thay tã, pha sữa, cho bé bú, rồi dỗ bé ngủ. Đặc biệt là khâu “dỗ ngủ”, nhiều lần bé ngủ trên tay tôi, vừa đặt nhẹ xuống giường là tỉnh phắt dậy, thế là phải làm lại từ đầu.

Trước khi con được 1 tuổi, chỉ cần ở nhà là tôi sẽ thay tã cho con. Trước khi có con, tôi rất thích ngủ nướng, bên ngoài có sấm chớp như nào cũng “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Bây giờ mỗi khi con quấy khóc lúc nửa đêm là tôi sẽ nhảy ra khỏi giường như bị điện giật! Có hôm sau khi ru con ngủ, tôi mới sang phòng bên cạnh làm gì đó, nghe tiếng con là chạy ngay vào phòng ngủ, con cứ khóc là cơ thể như setup trạng thái phản xạ có điều kiện.

Có một thời gian, vợ tôi đọc trên mạng thấy trẻ sơ sinh cần đi ngủ sớm để cao lớn nên đã cho bé ngủ lúc 8 giờ tối, do vậy con cũng dậy sớm hơn (từ 7 giờ sáng xuống 5 giờ sáng). Thế là cứ sau 5 giờ sáng tôi lại bế con ra phòng khách chơi với mình, để vợ ngủ thêm chút nữa. Hai bố con chơi đến 8 giờ thì bố mẹ tôi dậy chăm bé, còn tôi thì đi làm với quầng thâm dưới mắt. Chỉ những ai từng trải qua mới biết được cảm giác thiếu ngủ dài ngày kể từ khi có con là như nào. Chưa kể mấy hôm con sốt với mệt còn đáng sợ hơn, dù đã uống thuốc nhưng cơn sốt vẫn không dừng, con không ngủ được nên cứ khóc suốt, đợi đến 12 giờ đêm, sau khi con ngủ say, tôi như ngã quỵ vì kiệt sức.

Về trầm cảm sau sinh, sự thật thực ra là:

Vừa mới trải qua cơn đau khi sinh con, cơ thể còn chưa hồi phục, còn yếu, người phụ nữ cần phải nghỉ ngơi đầy đủ. Vậy mà mỗi ngày còn không ngủ đủ, đau đầu chóng mặt, tâm trạng không tốt.

Phải nghiến chặt răng làm hết mọi việc.

Mới làm mẹ, chưa biết gì nên phải học từ từ.

Rồi phải so sánh đồ cho bé, so sánh chất lượng giá cả thì thử hỏi huy động bao nhiêu tế bào não cho đủ?

Nếu chồng không giúp gì, không chu đáo, nửa đêm con khóc mà cứ ngủ như heo thì phải tự mình lo.

Thuê bảo mẫu thì tốn tiền. Còn nếu được bà chăm sóc, bà theo truyền thống mê tín thì những tháng ngày ở cữ bà sẽ kiêng không cho tắm rửa với cả gội đầu.

Ai trong trường hợp như vậy cũng trầm cảm cả thôi.

Hơn một năm nay tôi không ngủ đủ giấc, ban ngày viết code, làm việc trí óc cường độ cao, về đến nhà cất cặp sách đi và chơi với con. Tắm cho con và ru con ngủ xong mới có thời gian làm thêm việc ngoài giờ, sáng hôm sau lại dậy sớm chơi với con, đến công ty làm việc với hai bầu mắt thâm đen. Bên ngoài bạn phải kiếm tiền để nuôi sống gia đình, bên trong bạn phải chăm sóc con cái và giáo dục chúng.

Ngay cả người bố như tôi, một người cường tráng, khỏe mạnh cũng bị chuyện này hành xác đến mức kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Để chống lại stress chỉ có thể luôn mồm niệm câu thần chú “nó là con mình, là con mình.”

Để vợ không bị trầm cảm sau sinh, tôi chỉ có thể tìm tòi, học hỏi và làm nhiều nhất có thể. Vợ hay kêu ca là từ lúc sinh xong không được đi đâu, thế là tôi đã book một chuyến du lịch Phuket cho gia đình 5 người chúng tôi. Vì vợ con, tôi sẽ cố gắng hết mình, dù có mệt mỏi thế nào đi chăng nữa.

Vợ à, em phải chịu đựng nỗi đau dữ dội khi sinh con, anh không thể làm gì để giúp em chia sẻ nỗi đau này. Vậy thì hãy để anh có trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái nhé!!

Việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ thật sự rất khó, điều này cần sự hợp tác của hai người. Con tôi khá ngoan, không bao giờ khóc lóc hay làm la hét mà không có lý do. Con chỉ khóc khi có nhu cầu nào đó (ví dụ: đói, phải đi ị, v.v.), sau khi nhu cầu được giải quyết thì con sẽ ngưng khóc ngay.

Có một vấn đề là con trai tôi hơi thừa cân, mỗi lần đi khám bác sĩ bảo phải giảm cân cho con, hơn 3 tháng tuổi đã nặng 8kg trong khi đứa trẻ nhà bên cạnh 18 tháng nhưng chỉ nặng 10kg. Nhà tôi ở tầng 7, không có thang máy, mỗi lần bế cháu nó xuống muốn tê liệt chân tay.

Không hiểu sao gần đây câu thần chú của bé đã trở thành “ Con yêu mẹ, mẹ yêu con”, “Không thèm chơi với bố, chỉ chơi với mẹ hoi.” Cái thằng này đúng thật là!!!

Trải nghiệm lớn lên cùng con cái thực sự là một trải nghiệm hiếm có! Vì thế những ai có con hãy trân trọng điều đó nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *