Tôi, đàn ông, sau khi sinh khá là trầm cảm.
Khi vợ rời phòng sinh, tôi đang đợi ở cửa xông lên đẩy vợ vào lại phòng bệnh ngay. Thu xếp cho vợ xong tôi mới qua xem bé con ở bên cạnh. (Tuyệt đối không được vội vàng quan tâm bé con mà bỏ quên người mẹ yêu quý. Cũng không được hỏi xem là con trai hay con gái, hãy có giác ngộ “con trai con gái đều như nhau”!)
Con vừa chào đời, ba ngày đầu tôi ngồi canh bé con cả đêm. Sợ bé con nôn ra sữa bị sặc nghẹt thở nên cả đêm không dám chợp mắt. Vợ vừa sinh em bé xong cần nghỉ ngơi cho thật tốt, nửa đêm bé con mà khóc tôi sẽ lật đật ôm ra ngoài hành lang dỗ để không ảnh hưởng đến vợ nghỉ ngơi.
3 ngày sau xuất viện về nhà, tôi chạy đi lo liệu nhập hộ khẩu, thẻ công dân thành phố, bảo hiểm y tế, phiếu khám sức khỏe của bệnh viện cộng đồng và phiếu tiêm chủng các thứ.
Chúng tôi thuê bảo mẫu chuyên chăm sóc khi ở cữ, tôi học cách thay tã rửa mông, cách vỗ nước tắm rửa cho bé con từ bảo mẫu. Tôi mua một cuốn sách nuôi dạy con dày cộp để học tập, đọc hết một lượt các câu trả lời nuôi dạy trẻ con ở mục bên Zhihu. Cộng thêm một số nhóm nuôi dạy con trẻ với mấy người bạn.
Ngắm nhìn bé con ngủ yên mà cảm giác không khác nào thiên sứ. Ánh nắng chiếu xuyên qua cửa sổ xuống mặt bé con, lông tơ phản xạ ánh sáng. Đôi bàn tay bàn chân nhỏ xíu ấy, đáy lòng tôi tan chảy, dâng lên từng dòng nước ấm áp. Ngắm nhìn một hồi mà bỗng rưng rưng, nước mắt chảy xuống. Tôi đoán đây là cảm giác hạnh phúc.
Vợ bảo thức đêm cho con bú ảnh hưởng đến giấc nghỉ ngơi nên dùng máy hút sữa hút sữa xong bỏ vào tủ lạnh, khuya dùng máy hâm sữa hâm rồi cho bé con uống.
Bảo mẫu chúng tôi thuê thật sự rất tuyệt, chăm cho cả mẹ và bé đều hết sảy! Tiếc rằng chúng tôi nghèo quá, 1 tháng 10000 tệ (≈35000000), không thuê nổi trong thời gian dài. Một tháng sau bảo mẫu về, tôi đích thân xuất trận. Giữa đêm hôm sau bé con tỉnh, mặc dù đã biết những chuyện cần làm nhưng luống cuống tay chân chật vật 2 tiếng mới xử lý được công việc thay tã, cho bú sữa, dỗ ngủ (trước đó bảo mẫu chỉ mất 1 tiếng). Đặc biệt là công đoạn “dỗ ngủ”, rất nhiều lần bé thiếp ngủ trên tay tôi mà mông vừa chạm xuống giường là tỉnh dậy, phải dỗ lại từ đầu. Có khi phải dỗ đi dỗ lại nhiều lần, đến mức ám ảnh tâm lý.
Cỡ chừng 1 tháng, không ngừng làm quen và cải tiến toàn bộ quá trình, cũng dần quen tay quen chân. Bé con vừa khóc thì tôi sẽ ôm bé đến chỗ vợ để vợ vỗ về còn tôi ra tủ lạnh lấy sữa hâm nóng, trong lúc hâm chuyển sang thay tã cho bé, thay xong thì vừa khớp sữa nóng, cho bé bú sữa. Bé con bú xong ngủ thiếp đi, cả quá trình khoảng 40 phút. (Bé ngày một lớn thì thay bằng núm vú giả lớn, cả quá trình chỉ mất 20 phút. Giờ 1 tuổi rưỡi, bắt đầu ngủ trọn giấc).
Trước khi bé con 1 tuổi, chỉ cần tôi ở nhà thì sẽ lãnh toàn bộ phần thay tã. Cọ rửa bình sữa cũng là tôi thầu trọn gói. Giữa đêm tỉnh dậy đút sữa cũng là tôi bao từ A-Z, có khi một lần, có khi hai lần thậm chí ba lần. Dỗ ngủ trước khi đi ngủ buổi tối, tôi nhận đa số. Tắm táp rửa mông thì một người không giữ được, cần cả tôi và vợ.
Ngày trước lúc chưa có con tôi ngủ như heo, ngoài trời sét đánh cũng không nghe thấy. Giờ nửa đêm chỉ cần bé con cất tiếng khóc tôi sẽ lập tức bật dậy như bị điện giật! Ngẫm lại thật thần kỳ! Đôi khi dỗ bé con ngủ xong tôi sang phòng sát bên tăng ca, chỉ cần nghe thấy một tiếng “gió thổ cỏ lay” tí thôi sẽ chạy ngay sang phòng ngủ, trên cơ bản là nằm trong tình trạng phản xạ có điều kện với tiếng khóc của bé con.
Có một quãng thời gian vợ nói đọc trên mạng là trẻ con phải ngủ sớm mới cao nên dời thời gian ngủ từ 10 giờ lên 8 giờ, bé con cũng dời thời gian tỉnh từ hơn 7 giờ sáng thành hơn 5 giờ sáng. Vậy là mỗi ngày hơn 5 giờ sáng bé con vừa khóc là tôi bật dậy ôm bé con vào phòng khách chơi với con, để vợ có thể ngủ thêm một lúc. Chơi đến 8 giờ cha mẹ dậy nhận bé, tôi vác quầng mắt thâm đen đi làm. Từ lúc bé con chào đời đến nay cả một thời gian dài ngủ không đủ giấc, cảm giác này chỉ ai trải qua rồi mới hiểu.
Đặc biệt là có một lần bé con bị sốt, khó chịu. Dù đã uống thuốc nhưng không thể hạ sốt ngay. Không ngủ mà khóc suốt. 12 giờ đêm tôi bế con xoay vòng vòng trong phòng khách đến tận khi con ngủ thiếp đi, tôi cũng thiếu điều nằm ngủ luôn dưới sàn.
(…)
Về chuyện trầm cảm sau khi sinh, thật ra chân tướng là:
– Vừa trải qua cơn đau sinh nở, cơ thể vẫn chưa bình phục, còn suy yếu, lúc này đặc biệt cần được nghỉ ngơi thật khỏe.
– Nhưng mỗi ngày đều không thể ngủ, không thể nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, tâm trạng cũng không tốt.
– Cắn răng kiên trì, gì cũng muốn chính tay làm, bản thân bận tâm lo lắng nên sức cùng lực kiệt.
– Mẹ “newbie”, còn chưa biết gì, phải học tập mọi thứ từ từ.
– Nội việc chọn mua các món đồ cho bé, so đo tính toán giá cả các thứ thôi đã muốn chết bao nhiêu tế bào não rồi.
– Nếu người chồng không biết phụ giúp, không biết thông cảm, nửa đêm con tỉnh mà anh ta ngủ như heo thì người vợ phải tự đi lo.
– Nếu gặp phải người mẹ chồng chỉ biết gây trở ngại, không cho thuê bảo mẫu sợ tốn tiền, nói mình có thể chăm cháu. Kết quả nghe theo đủ loại mê tín phong kiến, trong thời gian ở cữ không được tắm rửa gội đầu gì đó.
Thôi thôi, đổi thành ai thì cũng sẽ trầm cảm cả thôi!
(…)
Bắt đầu từ lúc vợ mang thai, cánh anh em đàn ông ta đây chỉ có hai con đường ở trước mặt.
1. Làm ông lớn phất tay, mặc kệ mọi chuyện của bé con, đẩy hết cho vợ gánh. Dẫn đến cơ thể vợ bình phục chậm, thậm chí lưu lại mầm bệnh trị cả đời không hết. Tâm trạng vợ không tốt, quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng không vui vẻ. Vợ đơn độc chiến đấu anh dũng, đơn độc nuôi con lớn. Anh bạn nghĩ sau này con cái sẽ thân thiết với anh bạn? Đến khi anh bạn ngồi nghĩ lại có thấy thẹn lòng không?
2. Bỏ tiền bỏ sức, dốc toàn lực chăm sóc cho vợ, chăm sóc cho con. Vợ nghỉ ngơi tốt, cơ thể bình phục nhanh, tâm trạng cũng vui. Vợ khỏe, sữa nhiều, bé con cũng béo trắng khỏe mạnh. Tình cảm vợ chồng đầm ấm, gia đình chung sống hòa thuận. Một sự thuận lợi, muôn sự hanh thông, gia đình và mọi thứ đều hưng thịnh!
Về sau con lớn còn có thể tự hào kể lại chuyện lý thú hồi nhỏ chăm sóc nó, ý nghĩa biết bao.
Hỡi những người cha dấu yêu, tuyệt đối đừng vì nhỏ mà đánh mất lớn, tầm nhìn hạn hẹp! Làm người, phải làm sao để “không thẹn với lương tâm!”.