Đau đáu với phát triển du lịch cộng đồng
Là một trong những người tiên phong khởi tạo các hoạt động du lịch sinh thái bền vững và có trách nhiệm tại các làng quê ở Nam Định, chị Bùi Thị Nhàn – Giám đốc điều hành Ecohost Hải Hậu và Công ty Tonkin Legends đã hỗ trợ tái cấu trúc nhà truyền thống của từng vùng nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn được bản sắc văn hóa địa phương.
Việc này đã giúp tạo thêm việc làm cho người dân, quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo, hỗ trợ người dân cải thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó giúp khơi thông đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông sản nhằm mang đến lợi nhuận cao cho những địa phương đó.
Ngoài ra, chị cũng là người hỗ trợ, động viên bà con Làng rối nước cổ Hồng Quang tạo thành điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách trong tour “Cung đường di sản thành Nam” và tạo được điểm đến thu hút được nhiều du khách trong nước và người ngoài.
Nằm cách Hà Nội chỉ 2 tiếng rưỡi di chuyển, homestay Ecohost Hải Hậu, ở Thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu Nam Định là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng được nhiều du khách nước ngoài quan tâm, được bài trí theo đúng văn hoá của đồng bằng Bắc bộ, trải nghiệm nếp sống của người xưa.
Đây là là mô hình du lịch cộng đồng chất lượng cao với đầy đủ buồng, phòng, bar, bếp như một resort được thực hiện theo tiêu chuẩn du lịch bền vững của Asia và tổ chức du lịch bền vững Thụy Sĩ. Theo đó, du khách không sử dụng chai nước nhựa, không sử dụng những đồ dùng một lần trong nhà vệ sinh. Khuyến khích khách tự mang các đồ dùng cá nhân để giảm thiểu rác thải ra môi trường. Sử dụng một số phương thức tái chế những rác thải cơ sở tại quầy bar, các vỏ cam, vỏ quýt, vỏ hoa quả sử dụng để lên men trở thành nước rửa bát. Phân hủy các loại rác thải được xác định là hữu cơ. Với loại rác thải vô cơ thì sử dụng men vi sinh để chuyển thành nước phân bón cho cây.
Thế nhưng ít ai biết rằng, chủ của cơ sở lưu trú này đã trải qua những ngày tháng “giông bão” như thế nào trong 4 năm vật lộn cùng Covid và khó khăn về kinh tế để duy trì được như ngày hôm nay.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Bùi Thị Nhàn cho biết: “Đầu năm 2018, tôi tham gia chương trình du lịch Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm 6 nước thuộc vùng sông Mê Kông và đạt giải nhì ý tưởng sáng tạo tiểu vùng sông Mê Kông.
Ban đầu khi tham gia, tôi nghĩ mình đi để học hỏi, chứ không nghĩ mình giành được giải. Thế nhưng khi ý tưởng của mình được gọi tên, tôi khá bất ngờ và vui. Dù chỉ mới là ý tưởng nhưng ngay sau khi đạt giải nhiều người ngỏ ý mua lại ý tưởng, thậm chí hỏi mua với giá khá cao nhưng tôi đã từ chối và về Việt Nam, tôi bắt tay xây dựng mô hình đúng với ý tưởng đó.
Năm 2019, Ecohost đi vào hoạt động, tuy nhiên ngay lập tức gặp dịch Covid -19 nên có những thời điểm phải đóng cửa. Những lúc không thực hiện giãn cách, chúng tôi vẫn túc tắc đón khách, nhưng để duy trì thì cũng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, có những thời điểm tài chính không dư dả, tôi đã phải tính toán việc nào làm trước, việc nào tạm gác lại, làm sau.
Dù khó khăn trong việc duy trì tài chính như thế, nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ, bởi tôi bắt đầu với Ecohost từ hai bàn tay trắng, đã nhiều đêm mất ngủ và tâm huyết với nó, tôi nghĩ mình không thể dễ dàng bỏ cuộc. Năm 2022 tỉnh Nam Định cũng đã đánh giá cơ sở lưu trú này đạt tiêu chuẩn 4 sao, tiếp đến là được truyền thông, từ đấy Ecohost được biết đến nhiều hơn, các địa phương ở các tỉnh cũng về tham quan, học hỏi và số lượng du khách nước ngoài cũng biết và đến trải nghiệm tăng lên.
Năm 2023, tôi nâng cấp và đã được chấm là tiêu chuẩn 5 sao. Tháng 11/2023 vừa rồi, Ecohost đã trở thành cao điểm, khách nước ngoài đặt kín các phòng”.
Chị Bùi Thị Nhàn cho biết thêm: “Những sản phẩm chúng tôi xây dựng cũng rất đặc biệt, không chỉ là trải nghiệm nghỉ dưỡng như nhiều khách Việt đang đi. Chúng tôi đưa ra xu hướng mới, tức là khách châu Âu đến Việt Nam không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng mà họ đi du lịch Việt Nam là để tìm hiểu về văn hóa, đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt mỗi gia đình có một câu chuyện riêng của gia đình đó. Điều đặc biệt này được chúng tôi chủ định bắt đầu từ cái tên Ecohost. Host có nghĩa là gia đình, Eco là đến với câu chuyện riêng của từng nhà.
Nhiều du khách nước ngoài sau khi trải nghiệm ở Việt Nam đã viết feedback rằng, khi đến Hải Hậu, lưu trú tại Ecohost, trải nghiệm câu chuyện riêng của từng gia đình, họ cảm thấy rất thú vị. Thậm chí có nhiều khách sau một ngày trải nghiệm các tour ở Hải Hậu, khi về ăn tối tại Ecohost họ rút điện thoại và chấm 5 sao ngay lập tức. Tôi nghĩ đó là những thành quả mà chúng tôi đã cố gắng nỗ lực trong nhiều ngày tháng. Đến nay Ecohost đã đi vào hoạt động ổn định, và cơ bản chúng tôi đang trong quá trình đóng gói tròn trịa mô hình này và sẽ đi theo hướng nhân bản, tìm những cơ sở, có gu, có tiêu chí, đạt tiêu chuẩn bền vững. Chúng tôi sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển”.
Đam mê và tận tâm với nghề
Hỏi chị gặp nhiều khó khăn, thách thức như vậy có khi nào chị muốn bỏ nghề làm du lịch? Chị cười cho hay: “Có những lúc cũng mệt mỏi và cảm thấy không thể theo được nghề, tôi đã buông xuôi và thử tìm những công việc mới, không liên quan tới du lịch để làm. Tuy nhiên được một thời gian tôi cảm thấy buồn chán nên tôi lại quay về làm du lịch.
Thực ra được làm việc mình yêu thích vẫn thích hơn. Tôi làm du lịch vì đam mê, nếu để nói làm vì kiếm tiền thì làm công việc khác sẽ không bị vất vả như thế này”.
Nhớ lại giai đoạn mới sinh con lại trùng vào với thời điểm Covid, chị Nhàn rơm rớm nước mắt khi kể lại mình đã vượt qua vất vả như thế nào. Chị bảo, sáng dậy sớm đi đón khách, tối về mới có thời gian cho con bú, sáng sớm hôm sau lại tất tả dậy sớm đi đón khách, ngày nào cũng như ngày nào, lặp lại quy trình như vậy.
“Thời điểm đó, con tôi không hiểu sao lại cứ thích chơi đêm, vì vậy mà cứ 12h đêm là tỉnh giấc chơi, quấy khóc. 3 năm liên tục như vậy tôi không có một giấc ngủ ngon. Mà tôi cứ mất ngủ là bị ốm.
Có những đợt thứ bảy, chủ nhật tôi liên tục vắng nhà, năm 2018-2019 cứ hai tuần tôi tổ chức một lần những đoàn farmtrip, sau đấy là nhận booking các đoàn khách rất nhiều, nhưng vì Covid mà dừng. Giờ khi hễ nhắc đến thời kỳ vất vả, cực nhọc đó là tôi lại chảy nước mắt”, chị Nhàn xúc động nói.
Là người đam mê, tận tâm với nghề, chị luôn mong muốn xây dựng được mô hình xanh, du lịch bền vững, muốn nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó chị cũng muốn triển khai ra mắt trải nghiệm nghề thủ công, ở đó có bện chổi rơm, đan lát rổ rá…
“Tôi muốn được gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa, sinh hoạt của người nông dân Việt Nam thời xưa. Nếu không làm, các cụ ông, cụ bà người nắm giữ những nét văn hóa không còn thì sẽ không ai truyền lại cho thế hệ con, cháu và rồi sẽ mất đi nét văn hóa đó”, chị Nhàn cho hay.