Tốt nghiệp hơn 20 năm, một lần nữa tham dự buổi họp mặt lớp cũ, tôi ngộ ra được 5 điều: thứ tạo nên thành công của bạn là những năng lực không có trong các bài kiểm tra trên ghế nhà trường.
Trở về quê vào dịp Tết, tôi tham dự một buổi họp lớp hơn 20 năm sau khi tốt nghiệp trung học.
Gặp lại nhau sau bao nhiêu năm, những người từng ngồi chung lớp giờ đều đã có một cuộc sống riêng.
Một giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard từng nói với sinh viên của mình rằng:
“Bạn nhất định phải đến buổi họp lớp 20 năm sau khi tốt nghiệp, bởi vì ở đó, bạn sẽ thấy được số phận của những người kiên trì với giấc mơ và của những người thả mình theo dòng đời, khác nhau ở đâu.”
Tham gia một bữa tiệc cũng là tham gia vào một quá trình thay đổi lịch sử của cuộc đời.
Buổi họp lớp ngày hôm đó khiến tôi ngộ ra được 5 “chân lý” của cuộc đời.
01
Thứ tạo nên thành công của bạn là những năng lực không có trong các bài kiểm tra trên ghế nhà trường
Ngày con đi học, mọi người hiển nhiên cho rằng điểm tốt có nghĩa là một trường đại học tốt, một công việc tốt và một cuộc sống tốt.
Nhưng sau khi biết được câu chuyện của nhiều bạn cùng lớp, tôi nhận ra rằng những người xuất phát điểm thấp cũng có thể bắt kịp với những người trong đường đua, thậm chí còn đi nhanh hơn.
Thành khi còn đi học thành tích rất bình thường, đại học theo học một trường khoa học và công nghệ cũng không có tiếng, nhưng sau khi tốt nghiệp, cậu ấy nhận được lời mời từ một công ty trò chơi nổi tiếng và trở thành một nhà thiết kế trò chơi.
Cậu ấy đã rất thích game từ khi còn nhỏ, sau khi vào đại học, cậu chìm đắm vào nghiên cứu các trò chơi trên điện thoại di động và còn tự học lập trình.
Kiên trì với ước mơ của mình đã giúp cậu ấy kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng.
Sau khi thi trượt đại học, cậu bạn Bách xách hành trang vào Nam lập nghiệp, nhờ đầu óc linh hoạt, bắt kịp xu hướng thương mại điện tử, cậu ấy đã kiếm được rất nhiều tiền.
Trong những năm tiếp theo, thất bại trong sự nghiệp tất nhiên cũng có, những sau cùng cậu ấy đều vượt qua và vững vàng trên con đường của riêng mình.
Cô bạn Linh làm công nhân tạm thời ở quê với đồng lương ít ỏi, nhưng luôn rất khát khao kiến thức.
Cứ có thời gian rảnh rỗi, cậu ấy lại đọc rất nhiều các loại sách khác nhau, đồng thời hợp tác viết bài cho các công ty truyền thông, hiện tại cậu ấy đang là một cây viết có tiếng trên mạng xã hội.
Cậu bạn Dương ngày xưa khá nghịch ngợm nhưng cũng rất nhiệt tình, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, sau này trở thành tình nguyện viên và là người sáng lập ra một vài quỹ từ thiện.
Lớp cấp 3 sỹ số 45 người, 30 người trúng tuyển đại học, nhưng những học sinh giỏi nhất lớp khi ấy, giờ đây lại không sống rực rỡ như họ tưởng tượng.
Tôi nhận ra một điều rằng kết quả học tập tất nhiên là quan trọng, và những sinh viên vào một trường đại học tốt sẽ có xác suất thành công cao hơn.
Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, bước ra xã hội, thứ tạo ra sự khác biệt là những năng lực không có trong bài kiểm tra trên ghế nhà trường.
Khi bạn nhiệt huyết tột độ với một việc gì đó, không ngừng đầu tư dành công sức cho nó, cuộc sống trước đó dù tầm thường đến đâu, sau này cũng sẽ tỏa sáng.
Và chỉ khi duy trì khả năng học hỏi suốt đời, chúng ta mới có thể tự tin để vững vàng đứng vững giữa thời đại thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
20 năm đầu đời, chúng ta đắm chìm trong điểm số, rượt đuổi nhau trên cùng một con đường, mãi về sau mới dần hiểu ra rằng, cạnh tranh của cuộc đời, vốn là đa chiều.
02
Cái gọi là hạnh phúc chẳng qua là được sống với những gì mình mong muốn
Một học giả nổi tiếng từng nói rằng một bộ phận người trong chúng ta thích theo đuổi cuộc sống “tiêu chuẩn”: bao nhiêu tuổi thì mua nhà, bao nhiêu tuổi thì mua xe và đạt được vị trí gì trước bao nhiêu tuổi.
Chúng ta dán nhãn cho thành công một cái mác nhất định mà quên rằng định nghĩa về hạnh phúc là khác nhau ở mỗi người.
Trong số những người bạn học của tôi, không có ai là những tài năng kinh doanh hàng đầu, không có ai nằm trong danh sách những người giàu có, nhưng họ chọn nghe theo sự lựa chọn bên trong mình, và mỗi người đều bước vào một vùng đất màu mỡ của cuộc sống.
Phong xếp thứ nhất đầu vào của Khoa Kiến trúc của đại học hàng đầu trong nước.
Trong quá trình học, cậu ấy luôn là một sinh viên xuất sắc cả về học tập và hoạt động chung, đồng thời còn giành được giải thưởng kiến trúc.
Khi mọi người nghĩ rằng cậu ấy sẽ trở thành một kiến trúc sư hàng đầu, thì cậu ấy lại lựa chọn rời công ty để trở thành một blogger du lịch.
Cậu ấy biết dù không công thành danh toại, nhưng cậu ấy cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc.
Cô bạn Hạnh, theo nguyện vọng của cha mẹ, được nhận vào một trường học danh tiếng và trở thành giám đốc điều hành công ty sau khi tốt nghiệp, nhưng sau này, cậu ấy từ bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ làm một giáo viên mầm non.
Cậu ấy nói, tạm biệt những mưu mô ở nơi làm việc, dành thời gian cho những đứa trẻ hồn nhiên mỗi ngày, cậu ấy cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng mỗi ngày.
Cuộc sống và lựa chọn của họ đã cho tôi một hiểu biết mới về cuộc sống:
Những người sống một cuộc sống hạnh phúc nhất không phải là những người thành công nhất, mà là những người có thể thản nhiên chấp nhận bản thân mình.
Hoa khôi trường học kết hôn với một người bình thường và sống một cuộc sống yên bình hạnh phúc, hai vợ chồng mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, cuộc sống vẫn rất trọn vẹn.
Hóa ra, ở đời không có cái tốt cái xấu, cái gọi là hạnh phúc chẳng qua là được sống với những gì mình mong muốn.
Mưu cầu vĩ đại cũng được, chấp nhận sự bình thường cũng chẳng sao, chỉ cần chúng ta được sống theo ý mình, đó là thành công lớn nhất.
03
Đường trơn tru nhất là đường xuống dốc
Nói đến đây, mọi người đều cảm thấy bất ngờ với cuộc đời của Nhung.
Sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi người thì loay hoay chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học, người lại chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thì cậu ấy lại lựa chọn kết hôn với một doanh nhân thành đạt và sinh một cậu con trai kháu khỉnh.
Trong vài năm đó, mọi người thỉnh thoảng gặp nhau, và cậu ấy là niềm ghen tị của tất cả chúng tôi.
Khi chúng tôi bị sếp la mắng, Nhung đang đi mua sắm ở trung tâm thương mại; khi chúng tôi chen chúc trên chiếc xe buýt công cộng, Nhung đang lái xe vòng quanh trên một chiếc xe hơi sang trọng.
Nhưng cuộc sống như vậy kéo dài không được bao lâu, năm 36 tuổi, cậu ấy phát hiện chồng cặp kè bên ngoài, khóc lóc đòi ly hôn.
Người chồng nói: “Không có anh thì em sống thế nào, em nên tự suy nghĩ, còn không thì đừng có quản chuyện của anh!”
Nhung, một cô bạn muốn ngoại hình có ngoại hình, muốn thành tích có thành tích, nhưng sau cùng lại trở thành một người vợ chỉ có thể chịu đựng mà không có quyền lên tiếng.
Từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp trở thành một người phụ nữ có gương mặt u buồn, không biết liêuj Nhung đã ngộ ra được ý của câu nói “đằng sau sự thoải mái, luôn có một cái giá phải trả”.
Trong những năm tháng yên ả của Nhung, một số bạn học khác đã vượt qua kỳ thi CPA và nhảy từ một công ty nhỏ lên một công ty lớn, lương của họ tăng lên gấp nhiều lần; một số ra nước ngoài học thêm và trở về nước với nguồn lực dồi dào để bắt đầu kinh doanh, và công việc kinh doanh của họ ngày càng phát đạt.
Thế mới thấy, cuộc đời tuy tàn nhẫn nhưng cũng rất công bằng.
Nhiều năm trước, Zweig, một người rất thông thạo về bản chất con người, đã nói: “Món quà mà số phận ban tặng, từ lâu đã âm thầm được định sẵn một cái giá”.
Một tòa nhà cao tầng nhanh chóng mọc lên nếu không có nền tảng vững chắc thì cũng sẽ rất nhanh chóng sụp đổ; nếu không có thực lực hỗ trợ, thì dù bạn có sở hữu bao nhiêu đi chăng nữa, cuối cùng nó cũng sẽ trở thành một ảo ảnh.
Thế giới này không bao giờ ổn định, và chỉ khi dựa vào chính mình, chúng ta mới có thể tự tin tiến về phía trước một cách chắc chắn.
04
Trong nửa sau của cuộc đời, con cái mới là quan trọng nhất
Khoảng nửa sau bữa liên hoan, Mạnh đến trong bộ dạng vội vàng.
Cậu ấy khổ sở tâm sự nói cậu con trai đang học cấp 2 dạo gần đây bỗng nhiên quậy phá đòi bỏ học.
Nửa đầu cuộc đời của Mạnh rất thuận buồm xuôi gió, đi từ nam chí bắc, làm nhiều công việc buôn bán, mới hơn 40 tuổi nhưng đã để ra được một khối tài sản đáng ngưỡng mộ.
Nhưng vì luôn bận rộn với công việc kinh doanh nên quan hệ vợ chồng không gắn bó, quan hệ với con cái cũng không tốt.
Những món nợ đầu đời sẽ phải trả bằng nỗi đau khi con đến tuổi mới lớn.
Ngày thường hai cha con căn bản không có gì để nói, hễ nói ra là sẽ cãi nhau.
Trong nửa đầu cuộc đời, chúng ta ai cũng muốn làm việc chăm chỉ để hỗ trợ tương lai của con cái, nhưng nếu bỏ qua sự dạy dỗ và bầu bạn với con, tất cả những gì chúng ta từng phấn đấu đều sẽ trở nên vô nghĩa.
Giáo dục tốt con cái là sự nghiệp lớn nhất trong cuộc đời của cha mẹ.
Quan trọng hơn việc mua nhà trong khu đô thị có trường quốc tế hay cho con đi du học là biết cách vun đắp tổ ấm nhỏ của mình.
Khi vợ chồng hòa thuận, trẻ em có thể học được lòng khoan dung giữa tình yêu thương; khi tình cảm giữa cha mẹ và con cái hòa hợp, trẻ em mới hiểu được thế nào là cảm thông và trách nhiệm.
Trong nửa sau của cuộc đời, con cái mới là quan trọng nhất.
05
Cuộc sống không phải là một cuộc chạy nước rút, đó là một cuộc chạy marathon
Khi bữa tiệc sắp kết thúc, lời chia sẻ của cậu bạn Khánh khiến tôi khá xúc động.
Cậu ấy nói rằng thời còn đi học, thân là thành phần luôn xếp thứ nhất thứ hai từ dưới lên trong lớp, thấy các bạn khác điểm cao, cậu ấy từng cảm thấy khá tự ti và mặc cảm.
Cậu ấy đã cố gắng hết sức, thậm chí còn từng có những buổi đêm không ngủ, nhưng cuối cùng vẫn trượt đại học.
Sau khi thi trượt đại học, cậu ấy từng nghĩ cuộc đời mình đã kết thúc, nhưng sau đó, dưới sự thuyết phục của bố mẹ, cậu ấy đến công trường xây dựng của người anh họ để chạy việc lặt vặt.
Trải qua hơn chục năm bôn ba, vất vả, cậu ấy đã từng bước gặt hái được thành quả.
Hiện tại, cậu ấy là chủ sở hữu của một vài công ty nội thất và xây dựng, cũng gọi là có chút tiếng tăm ở địa phương.
Khi còn trẻ, chúng ta thường sống trong lo lắng, sống trong vội vàng, luôn cố gắng đuổi kịp các bạn cùng lớp và luôn muốn đứng đầu.
Mãi sau này mới nhận ra rằng, cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua nước rút, mà là một cuộc đua marathon.
Con người sống trong thế giới luôn có nhịp điệu riêng của mình.
Con đường dẫn đến thành công có thể khác nhau ở tốc độ, nhưng không có phân cao thấp.
Miễn là không từ bỏ hành trình bước đi trên con đường ấy, cuối cùng, bạn sẽ đến nơi.
Sau bữa tiệc, một nhóm người trung tuổi vẫy tay chào tạm biệt trong cái gió lạnh.
Chia tay bao giờ cũng buồn, nhưng còn tụ tập lại được với nhau thì càng có ý nghĩa.
Ở những người đã từng đồng hành cùng ta trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi học trò, chúng ta nhìn thấy được sự thay đổi của thời gian và cũng giải mã được quy luật của sự phát triển cá nhân.
Ở cái tuổi cũng gọi là từng trải, tôi dần thấy rằng cuộc sống không phải là để ganh đua với người khác, mà là quá trình nhìn nhận và hoàn thiện bản thân.
Điều khiến mọi người cảm thấy trọn vẹn là năng lực của họ ngày càng phát triển; điều khiến mọi người cảm thấy an tâm là sự bình an và trọn vẹn sâu bên trong trái tim.
Không cần đuổi theo quá khứ, những ngày tháng sau này vẫn luôn đáng để mong chờ, mong rằng tất cả chúng ta đều sở hữu những đóa hoa nở rộ của riêng mình.