Tổng kết sơ lược về 3500 năm lịch sử Trung Quốc

Mình đã cố rút gọn rồi… Nhưng đây vẫn là một bài viết rất dài đối với Reddit, hì. Sau đây là bài tường thuật khá dài nhưng cực kỳ giản lược về 3500 năm lịch sử Trung Quốc.
Thời thượng cổ: Đã có các nền văn hóa thuộc Thời đại Đồ đá Mới rải rác khắp Trung Hoa ngày nay (chẳng hạn như văn hóa Long Sơn) – chúng có thể không thuộc về cùng sắc tộc.
Từ 1900 – 1500 TCN, đã có một nền văn hóa Thời đại Đồ đồng Sớm, tên là Nhị Lý Đầu. Một số người cho rằng đây là nơi định đô của nhà Hạ trong truyền thuyết. Có một nền văn hóa đồ đồng khác (1700 TCN) [ND: Tam Tinh Đôi] ở ven Tứ Xuyên.

  • Nhìn chung, Thời đại Đồ đồng của Trung Hoa đã khởi nguyên tử khoảng 4000 năm về trước.
    [Khi các vương quốc còn non trẻ]
    NHÀ THƯƠNG [1600 – 1045 TCN]:
  • Chữ Hán hiện đại xuất thân từ Giáp cốt và thuật bói toán (hỏa bốc).
  • Tiền nhân đã tạo nên rất nhiều đồ tạo tác bằng đồng thú vị. Vị vương cuối cùng và vương hậu của ông [ND: Trụ Vương và Đát Kỷ] được biết đến bởi lối sống “Tửu trì Nhục lâm” (Suối rượu – Rừng thịt) hoang phí vô độ. Triều đại này bị lật đổ và thay thế bởi:
    NHÀ CHU (SƠ KỲ, 1045 – 771 TCN):
    Đây là một liên minh các vương quốc nhỏ, mang tính phân quyền nhưng có phân chia tước vị, với nhà Chu ở thượng tầng, theo sau là các nước chư hầu (có quan hệ huyết thống với nhau).
  • Nhà Thương là một vương quốc nhỏ, tọa lạc ở lưu vực Hoàng Hà, nhưng chư hầu nhà Chu đã bành trướng xa khỏi Hoàng Hà. Các nước chư hầu này thuộc về cùng nhóm sắc tộc hay ngôn ngữ, đã trải rộng khắp Trung nguyên, bán đảo Sơn Đông, khu vực Bắc Kinh ngày nay, vv.. Có nghĩa là thời bấy giờ, họ vốn đã chiếm cứ địa giới chính của Bắc Trung Hoa.
  • Vương triều này có một tôn ti trật tự nghiêm ngặt (phong kiến) và nhiều nghi lễ phức tạp, sau được Khổng Tử tán dương. Văn hóa của nó mang tính phụ quyền và chế độ phụ hệ (cha truyền con nối) được coi là quan trọng. Đây là nguyên do tại sao người Trung thích có con trai hơn.
    XUÂN THU THỜI ĐẠI [771 – 476 TCN]:
    Chế độ “chung sống hài hòa” của nhà Chu sụp đổ, các vương quốc phên giậu bắt đầu tranh giành quyền lực.
  • Khổng Tử sinh vào thời kỳ này và ông rất nhung nhớ thời kỳ hoàng kim của nhà Chu. Thời ấy, người ta sử dụng thẻ tre để viết, và Khổng Tử đã biên chép rất nhiều cuộn tre. Một trong những cuốn sách lịch sử của ông là “Kinh Xuân Thu” – đó là nguồn gốc đặt tên thời đại.
  • Khổng Tử cũng lưu lạc khắp các vương quốc nhỏ từ Đông chí Tây trên khắp Bắc Trung Hoa. Tuy nhiên, thời bấy giờ, lý tưởng của ông (“nhân trị bằng đức độ và lễ giáo”) không được xiển dương.
  • Bách gia chư tử [ND: Trăm trường phái tư tưởng] đã đua nhau phát triển, nhờ các vua và quý tộc đã đãi ngộ các triết gia và học giả để đổi lấy tư tưởng. Đây là thời kỳ hoàng kim của triết lý Trung Quốc.
    CHIẾN QUỐC THỜI ĐẠI [475 – 221 TCN]:
    Các nước nhỏ rốt cuộc tụ họp thành 7 vương quốc. Theo sau là những cuộc chiến tranh liên miên. Hai triết gia Mạnh Tử và Trang Tử hoạt động vào thời kỳ này.
    [Đế quốc nhất thống đầu tiên]
    NHÀ TẦN [221 – 210 TCN]:
    Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên, đã thống nhất Trung Hoa. Ông thường được miêu tả là một bạo quân hãi hùng. Ông đã cho xây:
  • Vạn Lý Trường Thành – Huy động vô vàn nhân công cưỡng ép.
  • Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng Đội quân đất nung – Tục truyền rằng ông ta bị ám ảnh bởi việc trở nên bất tử (ảnh hưởng bởi Đạo giáo) và đã uống thủy ngân vì tin vào dược dụng của nó. Lăng mộ của ông ngập tràn thủy ngân.
    Gián đoạn:
  • Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ – nước Sở, một vương quốc phía Nam, bại trận.
  • Nước Sở bị coi là ngoại lai và nóng ẩm – đầy bộ lạc sắc tộc, những loài động thực vật ngoại lai – những bài thơ của nước này còn lưu lại trong tuyển tập Sở Từ.
    NHÀ HÁN [202 TCN – 220 CN]:
    Đế quốc nhất thống trường thọ đầu tiên ở Trung Quốc. Người Hán được đặt tên theo thời đại này. Quốc gia hưng thịnh, văn hóa phồn vinh. Đây cũng là triều đại đầu tiên đã xiển dương Nho giáo thành hệ tư tưởng quốc gia chính thống.
  • Hán Võ Đế đã thân chinh nhiều cuộc chinh phạt, bành trướng rộng khắp cương vực của đế quốc Trung Hoa. Ông là người đầu tiên đã chinh phạt lãnh thổ Nam Trung Hoa, trước đó có các bộ lạc khác nhau cư trú là chủ yếu.
  • Chẳng hạn, người Thái ngày nay khởi nguồn từ những sắc tộc thiểu số từng sinh sống ở phía Nam Trung Hoa vào thời bấy giờ. (xem Ngữ hệ Tai-Kadai)
  • Các tỉnh phía Nam Trung Hoa vẫn có ngôn ngữ nói khác nhau (chẳng hạn như tiếng Quảng Đông) được ảnh hưởng bởi các ngôn ngữ bản xứ của các sắc tộc phi Hán. Ngoài ra, vẫn có nhiều sắc tộc khác nhau ở các vùng miền núi của Nam Trung Hoa (ví dụ: H’Mông).
  • Đây cũng là thời mà Con đường Tơ lụa ra đời.
    **Jesus giáng sinh vào thời kỳ này.
    [Tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan]
    THỜI ĐẠI TAM QUỐC [220-280 CN]
    Vào thời Hán mạt, một cuộc phiến loạn nông dân, dẫn đầu bởi một nhóm cuồng Đạo giáo, đã lan khắp đế quốc. Nhà Hán suy vong, bắt đầu thời kỳ tam quốc.
    Đây trở thành một trong những thời kỳ biến động nhất của lịch sử Trung Quốc, nhờ công của tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa vào thế kỷ XIV. Bất kỳ người Trung, người Hàn hay người Nhật nào cũng biết những nhân vật nền tảng của trường thiên tiểu thuyết này.
    Lời nói đầu nổi tiếng của tiểu thuyết này là “Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”
  • Trận Xích Bích là trận chiến nổi tiếng nhất.
    NHÀ TẤN VÀ NGŨ HỒ THẬP LỤC QUỐC [280 – 439 CN]
    Nhà Tấn đã thống nhất Trung Hoa… Nhưng chẳng mấy chốc, các tộc man di phi Hán đã xâm lược Bắc Trung Hoa và lập ra mười sáu vương quốc. Nhà Tấn bị đẩy về phía Nam và tiếp tục hùng cứ tại đây.
    Đạo Phật được truyền bá đến Trung Quốc qua Con đường Tơ lụa trong thời kỳ này. Đôn Hoàng là một điểm đến du lịch nổi tiếng.
    NAM BẮC TRIỀU [420 – 589 CN]
    Đạo Phật lan rộng hơn cả.
    NHÀ TÙY [581 – 618 CN]
    Một đế quốc nhất thống yểu mệnh khác. Nhưng họ nổi tiếng vì xây dựng Đại Vận Hà, nối Hoàng Hà với Trường Giang. Đây là kênh đào dài nhất trên thế giới.
    NHÀ ĐƯỜNG [618 – 907 CN]
    Tục truyền rằng Đường là sự hòa huyết giữa người Hán với các nhóm du mục phương Bắc. Đây là đế quốc phồn vinh thịnh vượng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Giáo hội Hồi giáo và Nestorius an cư ở kinh đô Trường An (ngày nay nó vẫn có một lượng dân cư Hồi giáo có truyền thống lâu đời)
    Nhiều nữ nhân có vóc người đầy đặn, tham gia vào các môn thể thao và cưỡi ngựa – họ sống tự do hơn. Phật giáo và Đạo giáo thịnh vượng. Tam Thái (Ba sắc độ), một kiểu tượng cầu kỳ, trở nên nổi tiếng. Các thương nhân nhà Đường đã giao dịch xa xứ qua Con đường Tơ lụa.
    Thơ Đường định nghĩa nên hồn thơ Trung Hoa – tiên phong bởi các thi gia như Lý Bạch và Đỗ Phủ.
    Văn hóa Đại Đường cũng ảnh hưởng tuyệt đại đến văn hóa Đông Á xung quanh – đáng chú ý là Hàn và Nhật. Qua cái nôi Đại Đường, hai nước này đã du nhập “Hán tự, Phật giáo và pháp điển (phong cách Trung Hoa)”. Thời ấy, Nhật Bản có một vương quốc cổ xưa non trẻ, vào thời đại Bình An [ND: Heian] đã kiến thiết kinh đô mới theo khuôn mẫu Trường An. Tân La đã thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng cách liên quân với Đại Đường.
    Thú vị là:
    Nhà Đường cũng có nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Võ Tắc Thiên nguyên là phi tần của một hoàng đế [ND: Đường Thái Tông], nhưng rồi tranh quyền đoạt vị, cai trị trên thực quyền, rồi dần dà lập nên triều đại của riêng mình và đăng quang hoàng đế. Bà đã sát hại con mình trong quá trình này. Quả là một danh nhân trên nhiều phương diện. Trên thực tế, triều đại của bà lại được ngợi ca là cường thịnh và có hiệu quả.
    Nhà Đường bị làm suy yếu bởi phiến loạn An Lộc Sơn chí tử: Hắn ta là một viên tướng, và thú vị thay, sử liệu gợi lên giả thuyết rằng hắn là một người da trắng (người Sogdia, là một tộc người Iran). Có một bức họa đã miêu tả hắn với đôi mắt xanh dương.
    NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC [907-979 CN]
    Sau khi nhà Đường suy vong, đã có nhiều vương quốc được lập nên bởi cả người Hán lẫn man di.
    [Cán cân nghiêng ngả giữa các triều đại người Hán với man di]
    NHÀ TỐNG [960-1279 CN]:
    Có lẽ là đế quốc người Hán đầu tiên có một nhãn quan dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt đối đầu với ảnh hưởng ngoại lai. Lý học, một trường phái Nho giáo nâng cao, chính thống hơn đã phát sinh. Thật không may, tục bó chân cũng lan truyền trong thời kỳ này.
    Liêm khiết được coi là một đức hạnh, nhiều quý tộc mặc đồ trắng hoặc những y phục bớt cầu kỳ hơn.
    Chế độ khoa cử, từng phát tích vào thời nhà Tùy, nay được kiến lập.
    Rút kinh nghiệm từ loạn An Lộc Sơn, các võ tướng và tầng lớp võ biền bị khinh thị và hạn chế – học giới được ngợi ca.
    Sau đó:
    Nhà Kim phát tích: Người Nữ Chân, một sắc tộc Tungus từ vùng viễn đông Siberia (Mãn Châu), đã xâm lược Bắc Trung Hoa và chiếm cứ lãnh thổ (họ là tổ tiên của người Mãn Châu, nói sau). Nhạc Phi là một anh hùng người Hán nổi tiếng đã chiến đấu với nhà Kim Nữ Chân.
    Nhà Tống, suy yếu bởi các chính sách trọng văn khinh võ, đã bị đẩy lùi về lãnh thổ Nam Trung Hoa. Nơi đây hãy còn bị bao phủ bởi rừng nhiệt đới, nhưng trong thời gian này, nhiều nông dân người Hán đã Nam tiến và phát triển Nam Trung Hoa thành một mạng lưới ruộng lúa. Đất đai thì giàu nước và rất màu mỡ. Sau đó, dần dà, Nam Trung Hoa bắt đầu trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc. Nhiều sắc tộc thiểu số sau này sẽ Nam tiến hơn nữa, nhiều nhóm còn đi vào Đông Nam Á.
    NHÀ NGUYÊN [1271-1368 CN]:
    Quân Mông Cổ ập đến. Mông Cổ đã tàn phá nhà Kim ở phía Bắc, nhưng lại tương đối lành tính với Nam Tống (hoặc họ học cách để đối đầu với người Hán).
    Người Mông Cổ từng có một đế quốc rộng khắp, mạng lưới giao dịch thật sự trải dài…
    Họ đã kì thị dân Hán và tuyển mộ dân ngoại tộc vào các chức vị cao.
    Những triều đại này đều được gọi là Triều đại Chinh phục của Trung Quốc. Có lẽ mình thiên vị nhà Nguyên nhất.
    NHÀ MINH [1366 – 1644 CN]:
    Sau đó, cán cân lại chao đảo một lần nữa, một đế quốc người Hán đã tái chiếm Trung Hoa. Hồng Vũ đế [ND: Minh Thái Tổ], một nông dân xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở trung phần Trung Quốc, đã lãnh đạo một đội quân và trục xuất đám Mông Cổ, đồng thời khai nguyên triều đại mới (chiếu theo Thiên mệnh).
    Vào thời Minh, văn hóa dân gian của dân tộc Hán đã phát tích và tồn tại cho đến ngày nay. Tam Quốc Diễn Nghĩa và những áng văn khác, chẳng hạn như Tây Du Ký, được viết lên vào thời kỳ này. Đạo Cơ Đốc du nhập.
    Các nhà truyền giáo đạo Cơ Đốc và thương nhân châu Âu bắt đầu du hành đến Trung Hoa. Người Bồ Đào Nha có một thương cảng ở Moluccas và Ma Cao, giao dịch gia vị. Kim loại bạc bắt đầu tuồn vào Trung Hoa.
    Trịnh Hòa, một hoạn quan, đã chỉ huy một hạm đội và thám hiểm Ấn Độ và Đông Phi, nhưng những cuộc viễn chinh như thế sớm bị cấm đoán. Đại Minh bế quan tỏa quốc.
    Cương vực nhà Minh bị bó buộc vào lãnh thổ của người Hán.
    ​NHÀ THANH [1636 – 1912 CN]:
    Sau đó, cán cân lại nghiêng ngả, các quân đoàn Mãn Châu (gốc là người Nữ Chân) bắt đầu chinh phạt Trung Hoa.
    Nhà Thanh là một triều đại thú vị – hoàng gia gốc Mãn Châu đã sử dụng văn tự của mình làm ngôn ngữ triều đình. Hoàng tộc được gọi là Ái Tân Giác La.
    Nhà Thanh có một cương vực rộng khắp, chủ yếu từ thể chế triều cống với năm sắc tộc – Mãn Châu, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng và Hồi. Điều này sau sẽ phát triển thành chính sách mang tên Ngũ tộc cộng hòa vào thế kỷ XX. Đây đang là một chủ đề rất mang tính chính trị. Hoàng đế Khang Hi thường xuyên được ca ngợi nhờ thuật cai trị có hiệu quả.
    Hoàng tộc Mãn Châu đã phấn đấu giữ gìn căn tính văn hóa của chính mình. Họ có một hành cung mùa hạ ở Mãn Châu, các hoàng đế thường xuyên thân hành đến các thành phố người Mãn Châu như Thẩm Dương để nghỉ dưỡng và săn bắn.
    Nhà Thanh tham gia (khá nhiều) cuộc giao dịch quốc tế, kim loại bạc tuồn vào nền kinh tế. Vào hai thế kỷ XVII ~ XVIII, Trung Hoa là quốc gia giàu có nhất triển thế giới. Nhà Thanh có một chính sách di cư năng động, khuyến khích các nông dân (chủ yếu là người Hán) di cư đến những vùng đất hoang vu. Trong thời Thanh, dân số đã tăng gấp ba lần.
    Nhà Thanh suy vong:
    Khủng hoảng và Chiến tranh Nha phiến. [ở đây tác giả dẫn link về chủ đề này]. Nếu nhìn vào đồ thị trong bài viết wiki, bạn sẽ nhận ra rằng Công ty Đông Ấn của người Anh về thực tiễn là những bá chủ thuốc phiện. Trung Hoa đã để thua Chiến tranh Nha phiến với người Anh, đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Đông Á.
    Sau khi chứng kiến Trung Hoa thua trận với người phương Tây, những nhà cải cách Nhật Bản đã thành công đảo chính và khai mở các viện Tây học trên diện rộng.
    Thái Bình thiên quốc, môt cuộc nổi dậy nông dân lớn mạnh đã làm suy kiệt Nam Trung Hoa, dẫn đầu bởi một nhóm cuồng tín bản địa chịu ảnh hưởng của đạo Cơ Đốc.
    Sự cai trị của Từ Hy Thái hậu: Bà ta đã nắm quyền lực sau Chiến tranh Nha phiến chí tử, nhưng là một kẻ thủ cựu, bà thất bại trong việc hiện đại hóa Trung Quốc như Nhật Bản.
    Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, một cuộc nổi dậy bài ngoại, bài thực dân và bài Cơ Đốc giáo một lần nữa rúng động Trung Hoa, được chỉ huy bởi một hội kín.
    Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã làm Thanh triều cáo chung, cùng với đó là 2200 năm đế quyền ở Trung Quốc.
    [Lịch sử cận đại]
    Hồi kết của câu chuyện là…
    Cuộc xâm lược của Nhật Bản vào những năm 1930. Thảm sát Nam Kinh.
    Nội chiến Trung Quốc: diễn ra giữa Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng (những năm 1920-1940).
    Vạn lý trường chinh.
    Một liên minh ngắn hạn giữa Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng, đối đầu với Nhật Bản từ 1941.
    Khúc khải hoàn của Cộng sản Đảng vào năm 1949
    Sáp nhập Tây Tạng vào năm 1951.
    Đại nhảy vọt (1958-1962) – một thất bại kinh tế thảm hại nhất.
    Nạn đói lớn ở Trung Quốc (1959-1961) – khoảng 30-50 triệu người đã mất. Nhiều báo cáo về nạn ăn thịt người. Trên thực tế, những nạn đói lớn và nạn ăn thịt người đã từng được biên chép thường xuyên trong lịch sử Trung Hoa – mình đã nhiều lần bắt gặp cụm từ “và họ ăn thịt lẫn nhau (tương thực, 相食)” trong sử ký Trung Hoa xưa.
    Cách mạng văn hóa (1966-1976) – một thời kỳ tàn phá khác của dân tộc và văn hóa Trung Hoa.

Sau những mớ bòng bong này, cải tổ kinh tế (khai mở nền kinh tế) khởi đầu vào những năm 80 như chúng ta đã biết.

Hy vọng sẽ có người thấy hứng thú!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *