TÔI ĐÃ NGỪNG TÌM KIẾM ĐAM MÊ TRONG CÔNG VIỆC

“Nếu bạn được làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong đời”. Bạn có tin vào câu nói đó không?

Còn tôi, tôi không tin. Ít nhất trong trải nghiệm của tôi và những người mà tôi nhìn thấy, điều đó là không có thật.

Tôi đã từng rất dễ bị tác động bởi lời nói của những người có “tiếng”, nếu một ai đó nói vậy thì tôi sẽ rất ngưỡng mộ và nghĩ rằng khi mà mình được làm công việc mình đam mê thì rồi sẽ cũng được như họ, chỉ là bây giờ mình chưa tìm ra mà thôi.

Tôi cũng đã từng vì câu nói đó mà đã không ít lần băn khoăn, có phải tại vì mình thiếu đam mê nên mình mới có những lúc chán làm và không có động lực thế này không. Tôi mất niềm tin vào năng lực bản thân, tôi lựa chọn cái mình làm tốt, dễ thay vì cái mình thích; tôi lựa chọn công việc có tiền đủ sống, thỏa mãn sở thích bay nhảy thay vì chịu khó suy nghĩ, làm vì cái gọi là đam mê. Đến mức đã có lúc tôi e ngại và hơi xấu hổ một chút khi một ai đó nhận xét “Đúng là một người trẻ có đam mê và nhiệt huyết” khi họ thấy tôi rất nỗ lực và chỉnh chu trong công việc. Vì thực sự, tôi làm vì thu nhập cũng khá ổn và thỏa mãn một vài nhu cầu khác mà thôi, cũng chẳng đam mê gì cho lắm.

Rồi đến một ngày, tôi bắt đầu nghi ngờ, câu hỏi tôi đặt ra “Tôi thực sự đang làm công việc mình không thích ư? Ngẫm nghĩ bao lần, rồi cũng đến lúc tôi khẳng định được “Không phải vậy, tôi thích nó.” Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thích mọi thứ xung quanh nó (thời gian, chính sách chế độ, những công việc râu ria không tên khác….). Vậy thì làm sao mà có được cái hoàn hảo gọi là “không phải làm việc một ngày nào trong đời” cơ chứ (nếu có ngoại lệ, thì chắc chỉ có thể là bạn có quyền quyết định hoàn toàn cách vận hành công việc đó, thậm chí là có thể thích là bỏ không có bất kỳ rào cản nào).

Để nói với cái ngoài trừ đó, tôi rất ủng hộ quan điểm “Đam mê không được tìm thấy, chúng được phát triển theo thời gian” (theo nhà tâm lý học Carole Dweck, Đại học Standford). Tôi tin rằng công việc không chỉ là công việc mà còn rất nhiều thứ xoay quanh nó. Nêu đôi khi bạn chán nản mệt mỏi vì những thứ xung quanh đó là điều hết sức bình thường.

Nếu như những lúc đó xảy ra, hãy lùi lại và tự hỏi bản thân, “Thực sự tôi đang chán ghét điều gì? Nếu như không có những điều đó tôi có tiếp tục làm công việc này không?” Nếu câu trả lời là có thì hãy tiếp tục làm nó, vì đó là điều tôi, bạn hay bất kỳ ai dù có đang làm một thứ mà mình đam mê nhưng không có toàn quyền quyết định, khả năng cao, đều trải qua.

Còn nếu như điều chúng ta chán ghét chính là công việc mà mình vẫn gọi là đam mê (cái gốc cây còn sót lại khi bạn đã rũ bỏ hết hoa, lá, cành) thì tôi khuyến khích chúng mình tiếp tục đặt câu hỏi “Nếu như bây giờ không bị giới hạn bởi tất cả những thứ đang giới hạn mình, nếu tiền không phải vấn đề, nếu 100% thời gian tôi có thuộc quyền sở hữu của riêng mình, nếu tôi không có bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm gì khác trong cuộc sống này – tôi sẽ làm gì?”. Nếu câu trả lời không còn là chính công việc đó nữa thì mình nên cân nhắc một con đường khác. Công việc không phải là tất cả nhưng nó chiếm một phần không nhỏ trong cuộc đời mỗi người, thậm chí tương đương hoặc nhiều hơn thời gian ngủ, vì vậy hãy suy xét sớm nhất khi có thể.

Giờ đây tôi vẫn có những ngày chán, những ngày ước “giá như không đi làm mà vẫn có tiền nhỉ?”, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không yêu công việc của mình và tôi dám khẳng định tôi vẫn đang trên hành trình phát triển đam mê. Khi bản thân càng thành thạo và càng giỏi nó thì tôi càng có nhiều khả năng đam mê nó hơn, đó là điều tôi đang thực sự cảm nhận được.

Thế rồi, ngừng tìm kiếm đam mê, cứ để cho nó được bồi đắp và phát triển thì tôi làm gì để thúc đẩy bản thân bây giờ. Trong khi đam mê là vốn vẫn được xem là trạng thái cảm xúc, là động lực thúc đẩy con người vượt qua khó khăn thử thách trong công việc.

Tôi đi tìm và nhắc nhở bản thân về mục đích của công việc mình đang làm.

Các bạn thấy đó, cảm xúc yêu thích và chán ghét cũng lên xuống lắm, nên đam mê cũng không phải là cái gì đó mang tính chất dài hạn. Nhưng mục đích thì khác. Trong khi đam mê hướng vào bên trong thì mục đích hướng ra bên ngoài. Mục đích mà tôi muốn nói ở đây chính lý do ẩn đằng sau câu hỏi “Tại sao tôi lại lựa chọn công việc này? Nó mang lại giá trị gì cho cuộc sống này? Đó chính là cái cốt lõi để duy trì. Ví dụ, một người nhảy cả chục công ty có phải đồng nghĩa với việc họ nhảy cả chục công việc khác nhau không? Tôi đã gặp không ít người nhảy việc rất nhiều, tên công ty khác đi, tên chức danh cũng khác nhưng mục đích công việc họ hướng đến chỉ có một. Đó mới điều quan trọng, mục đích của họ không hề thay đổi.

Ví dụ cụ thể nhé, tôi lúc thì làm nghiên cứu viên, điều phối chương trình, Content creator, tư vấn viên hướng nghiệp…và giờ là chuyên viên tham vấn tâm lý và khai vấn viên. Tên gọi rất khác nhau đúng không? Nhưng cốt lõi chỉ cùng một mục đích “tôi muốn nâng đỡ đời sống tinh thần của người khác”, qua các nghiên cứu, chương trình về sức khỏe tâm thần, qua các bài viết về thấu hiểu thế giới nội tâm con người, qua những buổi tư vấn, tham vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp…. Chỉ có công cụ, môi trường, bối cảnh khác đi còn mục đích vẫn vậy! Và càng ngày việc tôi làm càng gần hơn, thể hiện rõ hơn mục đích tôi hướng đến, đam mê của tôi cũng đang lớn dần lên.

Nếu bạn đang làm một công việc mà bạn gọi được đó là công việc mà mình đam mê, điều đó thật tuyệt. Nhưng nếu bạn không có được một công việc như vậy (như tôi) thì không sao cả. Chúng mình vẫn có lý do để tiếp tục thì xin đừng vội từ bỏ vì tôi tin chúng mình vẫn đang trên hành trình phát triển đam mê!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *