“to-hop-la”-tuyen-sinh-nganh-y-khong-mon-hoa-cung-chang-co-mon-sinh:-lieu-co-dam-bao-chat-luong?

“Tổ hợp lạ” tuyển sinh ngành Y không môn Hóa cũng chẳng có môn Sinh: Liệu có đảm bảo chất lượng?

Tuyển sinh ngành Y khoa với tổ hợp không có môn Hóa, môn Sinh

Năm 2025, có trường đại học tại Việt Nam đã đưa ra thông báo dự kiến xét tuyển ngành Y với tổ hợp khá bất ngờ, khi không yêu cầu các môn Hóa học và Sinh học – những môn học nền tảng quan trọng đối với khối ngành khoa học sức khỏe.

Thay vì chỉ xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống như Toán – Hóa – Sinh hoặc Toán – Lý – Hóa, có trường đã đưa vào những tổ hợp “lạ”, không yêu cầu môn Hóa và Sinh học, thậm chí tuyển sinh cả khối C.

Đơn cử như Trường Đại học Hoà Bình mới đây thông báo tuyển sinh tất cả các ngành với năm tổ hợp. Đáng chú ý, ở ngành Y khoa duy nhất tổ hợp xét tuyển có môn Sinh học là B00 (Toán, Lý, Sinh). Bốn tổ hợp còn lại không có môn Sinh học, có tổ hợp chẳng có Sinh học cũng như Hóa học là C04 Văn – Toán – Địa lý, D01 Toán – Văn – tiếng Anh. Ngành Y học cổ truyền, Dược học, Điều dưỡng, nhà trường cũng tuyển sinh 5 tổ hợp như ngành Y khoa.

“Tổ hợp lạ” tuyển sinh ngành Y không môn Hóa cũng chẳng có môn Sinh: Liệu có đảm bảo chất lượng? - Ảnh 1.

Khối ngành Sức khỏe là một trong những khối ngành “hot” được nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh minh họa: HUTECH

Điều này tạo ra sự băn khoăn và lo ngại về chất lượng đào tạo ngành Y, đặc biệt khi ngành này yêu cầu kiến thức chuyên sâu và nền tảng vững chắc về các môn khoa học tự nhiên, như Hóa học và Sinh học. Hiện nay, các trường đại học lớn, như Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP.HCM… vẫn duy trì các tổ hợp truyền thống bao gồm môn Toán – Hóa – Sinh để tuyển sinh ngành Y khoa.

Chuyên gia nói gì?

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp vừa diễn ra ở Hà Nội, PGS.TS. Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết khối ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt là ngành Y, có mối liên hệ chặt chẽ với môn Hóa và Sinh, bên cạnh môn Toán.

Một giảng viên tại một trường Đại học Y Dược ở phía Nam cũng khẳng định rằng môn Hóa và Sinh là bắt buộc đối với các thí sinh theo đuổi ngành sức khỏe. Những kiến thức cơ bản về Toán và Sinh không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ các khái niệm y học cơ bản mà còn tạo ra khả năng tư duy logic, phân tích và giải quyết vấn đề, yếu tố cực kỳ quan trọng trong nghề y.

Các môn học này cung cấp nền tảng quan trọng giúp sinh viên hiểu và áp dụng các kiến thức chuyên sâu trong quá trình học tập và nghiên cứu. Việc thiếu vắng môn Hóa và Sinh trong tổ hợp tuyển sinh có thể làm giảm chất lượng đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên môn trong ngành Y.

Bác sĩ Hoàng Huy Toàn (hiện đang công tác tại Nga) nói với Dân Việt, mặc dù môn Sinh học có tầm quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho việc học ngành Y, nhưng kiến thức môn Sinh học được giảng dạy ở cấp 3 lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ chương trình đào tạo Y khoa. Chương trình học cấp 3 chỉ bao gồm các nội dung cơ bản về sinh học thực vật, sinh học động vật, di truyền học, tế bào học… Khi vào trường Y, sinh viên sẽ phải tiếp thu các kiến thức sâu rộng và chuyên sâu hơn rất nhiều, đặc biệt là về sinh lý học, hóa sinh, mô phôi….

Môn Sinh học trong trường Y thường được giảng dạy ngay từ năm thứ nhất, nhưng mục tiêu chủ yếu là làm nền tảng cho các môn học chuyên ngành như sinh lý học, hóa sinh, mô phôi, và các môn học khác. Do đó, dù có kiến thức tốt về Sinh học, sinh viên vẫn phải học lại từ đầu với khối lượng kiến thức đồ sộ và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ Toàn cũng đặt ra câu hỏi lớn cho trường đại học tư thục tuyển sinh ngành Y mà không yêu cầu môn Hóa và Sinh: “Chất lượng của các sinh viên này sẽ ra sao, điểm chuẩn ngành này thế nào, liệu có công bằng với các sinh viên theo dùng hoàn toàn tổ hợp tự nhiên để xét tuyển?”.

Bạn Hoài Phương, sinh viên ngành Y khoa, Trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương, chia sẻ, không nên thay thế bất kỳ môn học nào trong các tổ hợp truyền thống như Toán – Lý – Hóa hay Toán – Hóa – Sinh. Đây là những môn học cung cấp kiến thức căn bản, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu và ứng dụng các kiến thức chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe trong suốt quá trình học tập và công tác sau này.

Năm 2025 là năm đầu tiên khoá học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ GDĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn. Vì vậy, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết để học bậc đại học, Quy chế quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *