Thứ ba, ngày 22/04/2025 14:00 GMT+7
Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 22/04/2025 14:00 GMT+7
Về định hướng, lực lượng cán bộ, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn ở cấp tỉnh có thể được cử để giữ các chức vụ lãnh đạo tương đương hoặc cử đi tăng lường làm lãnh đạo xã.
Chính quyền địa phương 2 cấp: Lãnh đạo ban chuyên môn cấp tỉnh có thể được tăng cường làm lãnh đạo xã
Đây là một trong số rất nhiều nội dung đáng chú ý tại Công văn số 03 được bà Phạm Thị Thanh Trà – Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ký hồi giữa tháng qua.
Theo đó, công văn cũng định hướng phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đầu tiên ban chỉ đạo cấp quốc gia định hướng sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp tỉnh:
Đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý: Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh sau sắp xếp thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đối với cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập.

Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện bố trí theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với trường hợp đang giữ chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, căn cứ điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp.
Đặc biệt, công văn số 03 nhấn mạnh: “Đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy”.
Quy định sắp xếp đội ngũ cấp phó khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
Công văn cũng quy định: Đối với trường hợp đang giữ chức danh cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu đơn vị sau sắp xếp hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương ở ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp có thể cao hơn (do sắp xếp, sáp nhập – PV) quy định nhưng sẽ được tinh giản để giảm dần theo lộ trình bảo đảm thực hiện quy định của Chính phủ.
Đối với công chức, viên chức, người lao động hợp đồng theo quy định
Trước mắt giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, người lao động hợp đồng hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã. Sau đó, thực hiện tỉnh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.
Tất cả công chức, viên chức sẽ được trả lương dựa trên vị trí việc làm. Đồng thời sẽ được bảo lưu chế độ tiền lương 6 tháng. Ngoài ra, công chức, viên chức làm ở vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo còn được giữ nguyên chế độ hoặc đặc thù.