Bài viết nói về việc giới chính trị gia cũng vận hành dị thường như thị trường chứng khoán.
Việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống một cách bất ngờ chắc chắn sẽ dẫn đến một làn sóng ồ ạt các bài luận cố gắng giải thích tại sao chuyện khó tin này có thể xảy ra. Michael Lewis, một phóng viên thời sự đời sống Hoa Kỳ với sở trường có mặt đúng nơi đúng lúc, có thể đã chiến thắng cuộc đua mà chẳng cần cố gắng.
Vài tuần trước chiến thắng của Trump, Lewis đã hoàn thành cuốn sách mới nhất của mình, “The Undoing Project” (tạm dịch: Kế hoạch lật lại), bày tỏ sự kính trọng chân thành của ông đến hai nhà tâm lý học người Israel là Danny Kahneman và Amos Tversky. Bằng cách dẫn chứng các lỗi sai mang tính hệ thống trong cách con người suy nghĩ và đưa ra quyết định, hai nhà tâm lý học này đã lật đổ các mô hình kinh tế cho rằng con người hành xử lý trí.
Được đề cập tới trên báo in và trong các cuộc hội thoại, Danny và Amos đều được xây dựng theo hình mẫu tương tự như nhiều anh hùng trước đó của Lewis. Như Billy Beane, gã giám đốc điều hành cuồng tín số liệu trong cuốn “Moneyball” của Lewis, hoặc những nhà đầu tư phản biện đã dự đoán sự sụp đổ của bất động sản Hoa Kỳ trong “The Big Short,” những kẻ xuất chúng mang trong mình phong cách đặc thù khi coi thường những thứ cổ hủ và sự khôn ngoan thông thường để thành công và làm hài lòng độc giả.
Nhưng sự tính toán thời gian trong công trình mới của Lewis – để dùng một trong các từ ngữ yêu thích nhất của ông – rất kỳ quặc. Công trình tưởng nhớ hai trong những người chỉ lỗi vĩ đại nhất thời nay của Lewis chễm chệ trên giá sách chỉ chưa đầy một tháng sau khi người Mỹ làm điều mà theo ông là một trong các sai lầm lớn trong lịch sử của họ: bầu cho Trump.
Kết quả lại là một thứ khác với cái kết hạnh phúc thông thường của Lewis. Ở Trump, Lewis nhìn thấy một nhà đối thoại chính trị thành công trong việc tận dụng các điểm yếu của con người mà Danny và Amos đã chỉ ra. Con đường lên nắm quyền của ông ta, trong trường hợp này, đã đánh dấu chiến thắng của sự phi lý ở chính trường Hoa Kỳ.
“Bằng mọi cách, Trump đang khai thác điểm yếu trong bộ óc con người,” Lewis nói trong bữa trưa tại César, tiệm ăn ở nơi ông coi là quê hương, Berkeley, California. “Có cảm giác như chúng ta đang ở trong một thế giới mà với tôi, một số phần có ý nghĩa của việc đi bầu cử nằm ngoài các lập luận khoa học hay thực tế. Chúng đối lập với với tất cả các khả năng thần kinh mà dẫn đến sự tiến hóa của con người.
Các anh hùng của Lewis đã thu hút các học giả trong các lĩnh vực từ kinh tế đến y dược với những nghiên cứu cho thấy rằng thật khó để mọi người có thể nghĩ một cách thông suốt. Trong thời kỳ năng nổ những năm 1970 và 80, Danny và Amos đã hé lộ những chiêu trò của não bộ khi ai đó đang cố gắng đẩy nhanh quá trình hấp thụ thông tin và chứng minh rằng khả năng nhận thức rủi ro có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động cảm xúc của thành công và thất bại bằng những phép toán chính xác.
Các tác động rất lớn với những người chơi cổ phiếu. Họ có nhiều thứ để lo lắng hơn là các con số trong những bản kê khai của công ty hoặc tâm lý đám đông. Bộ não của họ có các thành kiến mà có thể ảnh hưởng đến giao dịch. Ví dụ, nó khiến cho các nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm hơn để tránh các tổn thất hơn là được lãi.
Về phần mình, Lewis nhìn hiệu ứng Trump như một cơn dư chấn không mong muốn của các sai lầm tài chính trong cuối thập niên này.
Sự sụp đổ của thị trường thế chấp Hoa Kỳ và gói cứu trợ của các ngân hàng sau đó đã khiến người Mỹ với góc nhìn chính trị đa dạng cảm thấy hệ thống này đã bị thao túng, ông nói. Bây giờ, Lewis tin rằng, kinh tế nực cười đang lùi bước cho chính trị nực cười.
“Tôi nghĩ đây như là dư âm của đợt khủng hoảng tài chính năm 2008”, ông cho biết,”Thị trường của chính trị gia đã làm điều ngớ ngẩn y hệt như thị trường chứng khoán. Không có đợt khủng hoảng tài chính, Trump sẽ không làm tổng thống. Có các điều kiện cần thiết khác nữa, nhưng nó chắc chắn là một điều kiện cần.
Dựa vào lịch sử bầu cử, Lewis trở thành một nhà phê bình tổng thống đắc cử một cách tự nhiên. Lewis nói đùa, ngoài việc có hai vợ cũ, ông và Trump có rất ít điểm chung. Lewis nổi lên với cuốn Liar’s Poker, kể về khủng hoảng thừa của các nước tư bản những năm 1980. Đây là cuốn hồi ký khi ông còn là một nhân viên trẻ tiếp thị trái phiếu tại ngân hàng đầu tư Salomon Brothers. Trong khi đó, Trump là một tấm gương người trẻ mẫu mực của thời đại – một nhà phát triển bất động sản, chủ sở hữu sòng bạc và cũng là người đặt tên mình lên một cuốn sách ví von các thương vụ của bản thân như nghệ thuật.
Hiện tại, khi đã 56 tuổi và những nếp nhăn trên trán minh chứng cho dấu hiệu tuổi tác, Lewis không còn mấy ấn tượng nữa [Về Trump và những điều về Trump đã đề cập ở trên]. Ông nghi ngờ, có lẽ nếu đặt Trump vào phố Wall, ông ta có thể làm ăn tốt ở Salomon vào những năm 1980. Ngay cả trong những ngày đầu cơ, Lewis nói, thương nhân Salomon cần cho thấy họ đã có khả năng định lượng nếu muốn liều vốn của công ty. Ngược lại, Trump tin tưởng vào bản năng của mình và yêu cầu người khác làm tương tự. Lewis cho biết lập luận này có thể đã khiến những bộ óc của Salomon không thể tin nổi.
“Người ta có thể nghĩ Trump ngu ngốc; họ có thể cho rằng ‘Chúa ơi, hắn ta đã có thể thổi tung chúng ta’. Đây không chỉ là sự đầu cơ thuần túy. Những người đang làm việc kinh doanh bất động sản phải có năng lực đầy đủ để làm việc này và giải thích tại sao họ có lợi thế đó. Nó không thể chỉ là: ‘Tôi biết’ được. Đó không phải là một luận điểm.” Trump đã thành công trong năm nay ở một môi trường xã hội có ít sự thảo luận một cách cẩn trọng. Nó là điều kiện để ông có thể tận dụng dễ dàng những điểm mềm trí tuệ [quan điểm của Danny và Amos như đã nói ở trên] – Bầu cử chính trị Hoa Kỳ trong kỷ nguyên truyền thông xã hội, các tin tức truyền hình cáp 24/7 và những sự phân tán tư tưởng đi kèm với nó.
Hai nhà tâm lý học được biết đến với công trình nghiên cứu dựa trên “cảm tính”, các phím tắt thần kinh cho phép con người ta truyền tải tất cả thông tin theo cách của mình và cũng có thể khiến ta mắc các sai lầm. Chúng tương đương về mặt nhận thức với các ảo tưởng thị giác – những chiêu trò tạo ra bởi não bộ chứ không phải bởi mắt.
Một trường hợp điển hình mà các nhà tâm lý học gọi là “mỏ neo”. Những người được đưa ra 5 giây để đoán phép tính 8x7x6x5x4x3x2x1 sẽ đưa ra các con số cao hơn những người được hỏi nhân 1x2x3x4x5x6x7x8 trong cùng một khoảng thời gian. Các con số to đầu tiên làm lệch lạc suy nghĩ của họ. Kết quả tương tự cũng thu được nếu các đối tượng được hỏi liệu Mahatma Gandhi nhiều hơn 114 tuổi khi qua đời hay 35 tuổi. Những người ở nhóm đầu tiên sẽ đưa ra số tuổi của Gandhi cao hơn nhóm thứ hai.
Lewis ví von Trump như một chỉ huy chiến hạm đã thả các mỏ neo. Ví dụ, sau cuộc bầu cử, Trump đã khẳng định đối thủ của mình, bà Hillary Clinton không những đã nhận được phiếu bất hợp pháp, mà còn nhận được “hàng triệu” số phiếu như thế. Ông không đưa ra bằng chứng, nhưng ông đã sử dụng con số lớn. Nhồi tất cả những con số không đó vào đầu của người dân sẽ có lợi cho Trump sau này, Lewis nói, theo cách một luật sư tìm kiếm các thiệt hại rất lớn trong một vụ kiện có thể mong đợi khoản trả công hậu hĩnh hơn một bên đương sự tiếp cận cẩn thận hơn ngay từ đầu. “Trump neo tất cả mọi thứ trong con số điên rồ. Ông ta sẽ luôn luôn nói con số điên rồ vì cuộc thương lượng xảy ra xung quanh những con số điên.”
Hình ảnh hung tợn thường thấy của Trump đã tận dụng được trải nghiệm “có sẵn”. Mọi người đưa ra các quyết định dựa trên các ký ức của họ. Nhưng những thông tin sống động hơn – ví dụ như tên của một người nổi tiếng sẽ dễ nhớ hơn tên người bình thường, từ đó cho tạo sức nặng hơn trong việc ra quyết định. Khi Trump nói về hành động tử hình khủng khiếp của ISIS hoặc các vụ giết người được thực hiện bởi những người nhập cư không có giấy tờ, ông đang cung cấp với các cử tri những thông tin đáng nhớ hơn là các sự thật và con số khô khan.
“Một câu chuyện sống động về việc một người nhập cư bất hợp pháp đã làm gì đó được sẽ có hiệu quả nhiều hơn so với các thống kê về những người nhập cư bất hợp pháp và tội phạm”, Lewis nói. “Mọi người không muốn câu trả lời đúng. Họ muốn một câu chuyện. Họ không nghĩ bằng các thuật ngữ thống kê.” Lewis cho rằng Trump cũng đã được hưởng lợi từ xu hướng suy nghĩ rập khuôn của con người khi đánh giá một người theo hình mẫu trong tâm trí – thứ được gọi là cảm nhận “hình mẫu.” Phán đoán trực giác như vậy có thể hiểu được. Trong cuốn sách của mình, Tư duy nhanh, chậm, Danny Kahneman lưu ý rằng người ta đúng khi cho rằng một vận động viên rất cao và gầy có nhiều khả năng chơi bóng rổ hơn bóng bầu dục Mỹ.
Dẫu vậy, Lewis khẳng định, hình dáng bề ngoài đã đóng một vai trò không may cho thất bại của Clinton. Lewis thậm chí đã tạo một thử nghiệm để chứng minh quan điểm của mình. “Đây chỉ là một chủ đề của cuộc bầu cử, nhưng nếu bạn đặt Trump vào vẻ bề ngoài của Clinton và ngược lại, các quan điểm của Trump sẽ không thể nào chiến thắng”, Lewis nói. “Mọi người nghĩ rằng vẻ ngoài một tổng thống về cơ bản là một người đàn ông cao lớn, thường là một người da trắng; đó là một loại bản năng – điều này thậm chí không phải là phân biệt giới tính – nó chỉ là cách mà bộ óc hoạt động.”
Với tất cả sự tôn trọng xứng đáng đối với cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao [Clinton], Lewis tiếp tục nói rằng Clinton đã có “vẻ bề ngoài không tốt cho tranh cử tổng thống. Nó sẽ có ích nếu bà cao hơn 6 inch và là đàn ông. Nếu thỏa mãn hai điều kiện đó, bà có lẽ đã phù hợp với việc tranh cử.”
Sau thất bại của Clinton, Lewis nói rằng những người ủng hộ bà cũng đã cư xử theo các cách mà phản ánh những sai sót trong lý trí con người [Theo Danny và Amos]. Trong cơn sốc, những người ủng hộ Clinton ban đầu đã phản ứng bằng cách ước rằng họ có thể “lật lại” kết quả, ám ảnh về việc kết quả phải chăng đã khác nếu như giám đốc FBI James Comey đã không tiết lộ bằng chứng mới trong cuộc điều tra của FBI vào các email của Clinton. Khi thời gian trôi qua, chính những người đó bắt đầu thay đổi câu chuyện của mình, nêu quan điểm rằng chiến thắng của Trump là không thể tránh khỏi. Lewis cho biết nghiên cứu cho thấy kiểu chắc chắn này sẽ chỉ tăng thêm.
“Càng ngày, bạn sẽ càng ngồi ăn với những người thấy trước được điều này [chiến thắng của Trump],” ông nói, “Điều này chỉ là vớ vẩn. Sự thật thì thế giới này là một nơi khó đoán định hơn bất cứ những gì chúng ta muốn thừa nhận, và mọi thứ đều có thể diễn ra. Trump không được định đoạt để giành chiến thắng.”
Theo cách nào đó, sở thích của Lewis với những điều bất ngờ dễ hiểu bởi những điều thú vị thường xảy ra với ông. Ông nói rằng ông đã biết về Danny và Amos qua một đánh giá của Moneyball hỏi rằng tại sao ông không đề cập đến công trình của hai người Israel này. Một người bạn tâm lý học ở Berkeley – Dacher Keltner, người mà được nhắc tới trong sách mới của ông – sau đó nói rằng Danny Kahneman sống gần đó và giới thiệu cho Lewis.
Lewis nói, ban đầu ông chần chừ trong việc viết về Danny và Amos. Một trong những điều ông lo lắng rằng mình có thể không hiểu những người quá thông minh. “Sẽ chẳng khó khăn gì khi bạn là một sinh viên hạng B và viết về sinh viên hạng C,” ông nói, “nhưng sẽ rất khó nếu bạn viết về sinh viên hạng A”. Lewis thừa nhận rằng ông đã viết về sinh viên hạng A trong các cuốn sách về tài chính của mình, nhưng ông lại cảm thấy Phố Wall là “môi trường của các sinh viên hạng C”. Lần này thì khác.
Trở ngại khác nữa chính là “câu hỏi của người Do Thái”. Danny, bây giờ 82 tuổi, dành cả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai để trốn khỏi Đức Quốc xã cùng gia đình tại Pháp trước khi đến Israel, nơi ông đã phát minh các bài kiểm tra tính cách được sử dụng bởi quân đội quốc gia. Amos, người đã qua đời vào năm 1996 ở tuổi 59, là một người gốc Israel được biết đến với sự dũng cảm của mình trong các cuộc chiến tranh năm 1956, 1967 và 1973. Lewis nói, cả hai đều là một phần của một thế hệ người Israel với mối quan tâm đến mức “ám ảnh” với tâm lý học. Điều này được thúc đẩy bởi những đau thương về mặt tinh thần của thảm sát Holocaust, Lewis phát biểu dưới tư cách một gentile (người không có gốc Do Thái) từ New Orleans, phân vân không biết mình có phù hợp để nói về chủ đề đó hay không.
“Đó là một cuốn sách rất Do Thái – được viết bởi một goy (người không phải gốc Do Thái nhưng tên Do Thái],” ông nói.
(1389 lượt)
Thứ thu hút Lewis là mối quan hệ trí tuệ mãnh liệt giữa Danny và Amos. Danny bị ám ảnh bởi sự tự ti nhưng ông đã cải thiện điều đó cùng với Amos. Amos phê phán rất khắt khe trong hầu hết các tình huống, nhưng lại thoải mái với Danny. Cả hai người bù trừ cho nhau. Họ như một cặp tình nhân cao bồi trong bộ phim Brokeback Mountain năm 2005 của Ang Lee, Lewis nói – điểm khác biệt là thay vì khám phá cơ thể nhau, Danny và Amos đã khám phá các tư tưởng của nhau (Lewis tưởng tượng Danny là nhân vật do Sacha Baron Cohen thủ vai và Amos là Michael Fassbender hoặc Christian Bale).
Lewis nói, điều chưa được giải quyết trong các cuộc nói chuyện giữa Danny và Amos là liệu có nhiều cách nào để chống lại thành kiến con người. Ông nói Amos có lẽ đã đưa ra câu trả lời chính xác nhất khi Hãng bay Delta nhờ ông tìm ra cách để ngăn chặn các sai lầm của phi công vào cuối những năm 1980. Amos gợi ý, việc cho phép toàn bộ các thành viên khác có tiếng nói nhiều hơn có thể giúp sửa lỗi cho các phi công – điểm mấu chốt ở đây là không một ai rất giỏi trong việc tự tìm các lỗi của mình.
“Chúng ta đều cần các biên tập viên”, Lewis nói. “Chúng ta có thể sử dụng người bạn đời – mặc dù đôi khi rất đau đớn”.
Một trong những lý do mà Lewis thấy Trump đáng lo ngại là ông ta thể hiện sự chống lại những chỉ trích. “Ông ấy có vẻ nghĩ sự bốc đồng của mình là tài tình, ngay cả khi chúng là lừa đảo, ngu si hay ngu ngốc. Ông tự nói với mình rằng: ‘Tôi đã thắng, tôi thành công’”, Lewis nói. “Ông ấy thực sự sai lầm như một công dân Mỹ ngu dốt nhất.”
Nói theo cách khác, Trump là một trong số chúng ta. Và đó là vấn đề.
“Chúng ta bẩm sinh đã nghĩ theo lối mòn”, Lewis nói.”Khi bạn đang đấu tranh với sự phân biệt chủng tộc hoặc hay bất kỳ thể loại rập khuôn nào, bạn đang ở trong trận chiến với cách trí óc vận hành. Theo cách kỳ dị, bạn đang ở trong thế giới nơi mà chúng ta đang cố gắng chôn vùi sự bốc đồng. Thật khó để vứt bỏ nó nó. Đây là cách mọi người tư duy.”
Trạm Đọc
Theo Financial Times