-Ông ơi, bà Lan mất rồi! Ông vào mà chia buồn. Bà Thư hàng xóm ghé tận mặt ông cụ Hưng mà gào. Ông ngơ ngác hỏi lại: Hở? Cái gì?
Làm sao buồn?
– Bà Lan Chết rồi!. Bà Lan Người Yêu của ông ấy.Chết rồi! Vừa Chết 5 h chiều nay. Ông vào mà chia tay người yêu.
Bà gào thật to vào tai ông lần nữa. Vừa nói bà vừa nhấn mạnh từng câu cho ông nghe thủng. Lần này có vẻ ông đã hiểu lời bà hàng xóm nói.
Ông buông rơi cái chổi, loạng choạng ngồi phịch xuống hiên nhà. Ông lập bập hỏi lại: làm sao, làm sao chết? Qua bà ấy còn khỏe mà. Còn ra đây chơi với tôi mà!
– Vâng, chết rồi. Bị đột quỵ khi đi tắm, chiều bà đi bộ về định tắm thì ngã rồi chết trong buồng tắm rồi!
Lần này chả cần bà Thư gào thét ông nghe rõ từng câu từng lời từ cái miệng hay buôn chuyện của bà.
Cũng chính bà là người mách lẻo chuyện ông và bà Lan có tình ý với nhau cho các con ông. Chúng nháo nhào chạy về phản đối ầm ĩ. Thằng lớn ngót sáu mươi gầm lên: già còn đổ đốn. Sắp xuống lỗ rồi còn vợ con gì nữa?
Bà con gái kém anh vài tuổi cũng rít lên: thuê ô sin cho ông chứ ai đi tậu mẹ về làm ma nữa hở ông?
Hai đứa sau lắc đầu mặt nhăn nhó: bố ơi, bố lấy ai chứ lấy bà ấy về làm ma à. Hơn bẩy mươi rồi còn gì!
Ông cụ điếc cứ ngơ ngác chả nghe thấy chúng nói gì. Và rồi khi hiểu ra ý định ngăn cản của các con ông lặng lẽ thở dài quay vào giường nằm.
Ông buồn lắm, trước đây hai thân già sống dựa vào nhau, lương ông thiếu tá nghỉ hưu dư sức nuôi bà mà chẳng phiền đến đứa con nào. Đùng cái bà mất khi ông sang tuổi tám mươi.
Thời gian đầu lũ con cháu thay nhau về nấu cơm, ngủ lại vì lo cho bố. Nhưng được vài tháng chúng cũng chán chả thèm lai đáo, bỏ mặc ông trong căn nhà năm gian mái bằng lạnh lẽo.
Ông lủi thủi ra vào, lọ mọ cơm nước một mình. Các con ông bàn nhau thuê cho ông một bà hơn năm mươi, lương của ông trả bà ba triệu một tháng và cơm nước cho hai người hai triệu nữa. Thế là ổn, chả đứa nào phải lo lắng cho ông.
Nhưng thuê người cũng khó. Tìm mãi mới có một chị nhận lời đến nấu cơm quét dọn giúp ông. Được một thời gian ông ngỏ ý muốn lấy chị thì các con ông lồng lên đuổi thẳng. Thế là ông lại cô quạnh một mình.
Bà Lan vốn là người làng bên. Thời trẻ bà nổi tiếng ăn chơi vì xinh đẹp, bà có một người con trai nay đã lên ông. Bước sang tuổi bẩy hai nhưng bà vẫn còn nhuận sắc lắm, da dẻ đỏ hồng béo tốt, Cặp mông, bộ ngực còn núng nính sau mỗi bước đi. Bà nghe đồn ông đang cô đơn nên thi thoảng ghé thăm động viên ông.
Kể cũng lạ. Đang từ một cụ ông hom hem, nay ho, mai nhức đầu cụ bỗng trở nên khỏe mạnh hoạt bát lạ thường. Cái điện thoại cục gạch dành cho người già bỗng nhiên có tác dụng làm cầu nối hẹn hò giữa hai người. Cụ học nhắn tin và gửi tin nhắn cho bà.
Cụ tuy tai điếc lòi nhưng mắt sáng và đầu óc còn minh mẫn lắm.
Nhưng khi các con ông biết chuyện thì cả lũ nhao nhao phản đối vì chê bà quá già. Ông cũng buồn đành lén lút hẹn hò với bà mà không dám hứa sẽ lấy như ý định ban đầu rằng sau khi đăng ký kết hôn, nếu rủi ông mất trước thì bà hưởng tiền tuất của ông cũng đủ sống.
Nay thì bà đi rồi ông buồn quá! Chiều tối qua bà còn ghé thăm ông, nấu cho ông bữa cơm chiều rồi cùng ăn với ông bữa cơm tối. Vừa ăn bà vừa nhẹ tay gỡ xương cá cho ông, rồi chạm nhẹ bộ ngực mềm như lụa vào cánh tay khiến ông cứ cuống hết cả lên. Cơm nước xong bà còn ngồi sát bên ông, rót tách nước nụ tam thất nóng hổi cho ông uống. Bà bảo: thôi thì không có duyên chồng vợ, thì ta làm bạn tình với nhau vậy. Cứ như này cũng đủ vui rồi. Nói rồi bà vòng tay ôm ngang người ông, âu yếm ngả đầu vào vai ông đầy thương mến. Ông ghé mặt thơm nhẹ lên má bà, bàn tay người đàn ông một thời cầm súng nay đã nhăn nheo luồn vào trong áo bà nắn nhè nhẹ. Bà cười khúc khích, dí tay vào trán ông mắng yêu: già mà còn máu me lắm cơ!
Lúc về bà còn hứa chiều mai sẽ sang để nấu canh cá để ông ăn cho mát ruột. Vậy mà…
Vậy mà… cuộc sống thật vô thường biết bao!
Ông dắt xe đạp, đạp sang nhà bà. Lúc này sân nhà bà đã đông nghẹt người. Anh con trai bà nghẹn nghẹn chào ông rồi dắt tay ông vào bên giường bà.
Bà nằm đó, bình yên như đang ngủ. Da dẻ vẫn đỏ hồng,hàng mi khép hờ như đang ngủ.
Ông ngồi xuống bên bà , áp bàn tay mềm mại lạnh giá của bà lên má, lên môi mình.
Rồi ông đưa tay vuốt nhẹ mắt bà, miệng ông thì thào : bà đi nhé. Rồi tôi sẽ đến tìm bà sớm thôi!
Ông rút trong túi áo ra tờ tiền năm trăm ngàn đặt vào tay bà: bà cầm theo đi đò.
Khóe mắt bà bỗng rỉ ra hai giọt nước mắt trong veo, trên môi như nở một nụ cười mãn nguyện.
Vũ Minh Hằng