Tiếp tục phần 02 bài Review “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”.

Chuyên mục: Review tếu táo các tác phẩm kinh điển Việt Nam.

Review tác phẩm: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”

Phần 02 – Lê Chiêu Thống và tiệm cháo lòng gia truyền hoàng tộc.

(Lưu ý: Tất cả nội dung dưới đây là ý kiến chủ quan cá nhân của tác giả, với những kiến thức và hiểu biết có phần hạn chế. Phần review dưới đây cũng có rất nhiều nội dung được phóng tác. Nếu có gì quá đà hoặc sai sót, xin bạn đọc lượng thứ).

Từ xưa khi Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa, qua mười năm vất vả bôn ba, đã dành được độc lập cho dân tộc, tự do cho đất nước. Họ Lê thịnh trị được trăm năm, sau vì cái loạn của nhà Mạc mà để cho chúa Trịnh lấn quyền cả.

Và cho dễ hình dung về tình hình của vua Lê khi có kèm thêm chúa Trịnh, qua đó hiểu được hoàn cảnh của Chiêu Thống, chúng ta hãy cứ tưởng tượng như thế này cho nó dân dã. Rằng nhà Lê vốn là nhà có nghề bán cháo lòng gia truyền có tiếng tại phố Đại Việt. Ban đầu cả khu phố đấy do bọn người Tàu lũng đoạn, chỉ chuyên bán mỗi phở “hành” không người lái. Nhân dân trong phố ngày nào cũng phải ăn phở “hành” nhạt nhẽo đến phát khổ phát sở, không ngừng kêu la. Ông Lê Lợi thấy dân chúng lầm than quá, mới quyết định mở quán bán cháo lòng ở góc đường Lam Sơn. Quán ban đầu thưa thớt, nhưng vì cháo ngon nên dần phát triển. Qua mấy năm sau, thấy quán có đông người ăn, những dòng họ giàu có trong khu phố mới cùng nhau gom góp và đưa tiền cho nhà Lê để xây hẳn nhà hàng bán cháo cho hoành tráng. Và thế là nhà hàng Bắc Hà được khai trương với vị trí trung tâm và mặt tiền thoáng rộng, khiến cho việc buôn bán trở nên cực kỳ phát đạt. Bọn Tàu với mấy gánh phở “hành” sau đó phải cuốn sạch gói khỏi khu phố Việt. Kiếm được mối lợi nhiều, nhà Lê liền chia cho những kẻ đóng góp mỗi người một chút.

Việc kinh doanh hơn trăm năm đầu rất thuận lợi khiến tiếng lành đồn xa, nhân dân nô nức tới đó ăn uống. Thế nhưng năm tháng trôi qua, những người biết kinh doanh trong dòng họ Lê ít dần đi, mà món cháo lòng cũng không còn được dân chúng ưa chuộng nữa. Nên là cái cửa hàng ngay mặt đường kia lại đâm ra ế khách. Và tuy cháo ế, nhưng cửa hàng lại ở vị trí đẹp, thế nên các dòng họ vốn có công góp sức xây nhà hàng mới thi nhau bâu lại. Bọn họ kẻ thì ghé đít nhờ chỗ vỉa hè bán xôi xéo, người xin ngồi ở đoạn bậu cửa làm bánh cuốn. Có kẻ to gan càn rỡ như Trần Cảo, còn vác hẳn nồi nước dùng vào trong nhà đun để bán bún riêu. Thấy sắp mất không cả quán, vua Lê đành nhờ một gã đô con to khỏe là Mạc Đăng Dung vào giúp đỡ. Chẳng ngờ Mạc Đăng Dung sau khi đuổi hết bọn buôn thúng bán mẹt đi, lại chiếm luôn cả quán, rồi chuyển hẳn qua bán bánh đậu xanh. Và mặc dù bánh đậu xanh cũng chẳng mấy ai mua, nhưng vì người họ Mạc thích, nên họ cứ bán thôi.

Vua Lê thấy Đăng Dung không nể nang ai thì ức lắm, mới kiếm kẻ khác để nhờ cậy. Ban đầu là Nguyễn Kim, sau Kim mất thì con rể của Kim là Trịnh Kiểm thay thế. Kiểm hô hào được anh em trong dòng họ, con cháu ra giúp vua Lê, đuổi bọn nhà Mạc ra một góc quán, gọi là khu Cao Bằng. Sau đó họ Trịnh chính thức phụ giúp nhà Lê buôn bán. Vua Lê hí hửng tưởng họ thực bụng muốn bán cháo lòng với mình. Ai ngờ nhà Trịnh lại thích ăn phở bò, thế là họ chuyển luôn sang bán phở bò. Vua Lê thì họ vẫn tôn trọng, cho riêng một góc nhỏ để bán cháo. Thế nhưng cháo loãng và nhạt, sao bằng được món phở thơm ngon. Trải qua một thời gian, nhà Lê cũng chẳng bán nổi gì, dựa cả vào chúa Trịnh.

Và tới đây thì vào giai đoạn của “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Trong giai đoạn này, chủ cửa hàng là Trịnh Sâm không chú tâm tới hàng phở nữa mà hay kéo vợ là Đặng Thị Huệ đi chơi bời bay lắc, dẫn đến việc Sâm sức khỏe yếu dần và mất sớm. Con trai lớn của Sâm tên là Tông vốn hay a dua đua xe cùng chúng bạn nên Sâm không thích, mới cho con thứ là Cán thừa kế quán phở, mà thực ra vốn là quán cháo lòng. Hỗ trợ Cán bán phở có tay đầu bếp lành nghề Quận Huy. Thế nhưng khi Sâm mất rồi, Tông lại muốn giành lấy quán, nên hô hào, kích động bọn người làm gây ra nạn kiêu binh, bắt Quận Huy và Cán giết cả. Sau bọn người làm lại càng được thể, ngay cả Tông cũng không làm gì nổi. Thế rồi dân tình trong phố lại nô nức kéo vào quán, đánh tiếng là muốn bảo vệ sự nghiệp bán cháo lòng của nhà Lê, nhưng thực ra toàn dựng thúng, dựng mẹt bán xôi với bàn chè.

Nhà Lê bấy giờ có Lê Chiêu Thống được thừa hưởng tay nghề nấu cháo. Thống vốn thân cô, thế cô, nhưng sớm mang mộng trở thành “shark” trong giới ẩm thực. Nên Thống chạy đi dựa hết người này, lại tới nhờ người khác, hòng kiếm cách phục hồi lại sự nghiệp bán cháo huy hoàng của dòng họ Lê. Cuối cùng, Thống kiếm được Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là tay phụ bếp cho Quận Huy khi xưa. Chỉnh đã có sẵn nghề bếp núc, nên cháo hay phở đều nấu được cả. Chỉnh lại không chỉ biết nấu nướng, mà nghề kinh doanh cũng rất thạo. Thế là sau khi Chỉnh vào, bọn bán đồ linh tinh trong quán đều phải thôi. Tuy nhiên Chỉnh lại chẳng thích cháo lòng heo, cũng không khoái món phở bò, món sở trường của Chỉnh lại là gà rán cơ. Thế là cả cái quán to đùng chuyển sang bán gà rán. Chiêu Thống tuy tức tối nhưng không làm gì được.

Rồi Chỉnh bán gà rán mà không đi đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nên đội trưởng đội quản lý thị trường, captain Tây Sơn: Nguyễn Huệ mới sai người nhà là Vũ Văn Nhậm tới bắt Chỉnh để trị tội. Chỉnh toi rồi, Nhậm lại vào quán ngang nhiêng kinh doanh nem chua rán. Vua Lê Chiêu Thống thấy quán của tổ tiên mà bị bọn chúng kinh doanh buôn bán đủ thứ lung tung thì rất ức. Ức quá nên vua mới nghe mấy lời tấu xằng của bọn Ngô Thì Chí, sang khu chợ Tàu gần đó mua của tên lái thương Tôn Sĩ Nghị mấy chục tấn lòng thối, đem về xào lại cho thơm rồi bỏ vào cháo bán với giá rẻ để kiếm lời. Nghị thấy có mối hàng ngon thì vội vã vào xin tay chủ chợ Càn Long cho thêm mấy gã cửu vạn khuân hàng đi ngay. Khi tới nhà hàng Bắc Hà, Nghị được đích thân Chiêu Thống mời vào nhà ăn uống phè phỡn. Đúng lúc cả lũ no say, thì đội trưởng đội quản lý thị trường, captain Việt Nam Quang Trung Nguyễn Huệ đem cả team ập tới. Nghị hoảng hốt tháo chạy vứt hết lại hàng. Thống cũng nhanh chân chạy theo. Duy chỉ có Sầm Nghi Đống là tay chỉ huy cửu vạn đi cùng vấp chân vào bậu cửa ngã nên bị bắt rồi giải về đồn Đống Đa. Nhà hàng Bắc Hà từ đó do Quang Trung tiếp quản, còn “thiếu gia” một thời Lê Chiêu Thống phải lưu lạc sang khu chợ Tàu không dám trở về.

Qua câu chuyện bốc phét kể trên, ta cũng có thể thấy được Lê Chiêu Thống vốn có chí làm chuyện lớn, chỉ có điều tài năng không đủ, lại thêm thời buổi nhân dân đều chán ghét món cháo lòng, nên dù xoay xỏa kiểu gì cũng không xong. Nhưng cái sai lớn nhất của Thống, là nghe lời tâu xằng của Ngô Thì Chí, cho sứ sang Tàu cầu viện binh của nhà Thanh, cuối cùng mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”, muôn đời không gột hết được. Mà Thống sai mười thì Chí cũng phải sai tới tám, chín. Cái nạn ngoại xâm giày xéo nước ta, chẳng phải chính thời trước của đức Thái Tổ nhà Lê đã rõ lắm sao. Mà Chí là người viết sử, lại không biết lấy chuyện xưa làm gương, xúi chủ làm bậy để tới nỗi tiếng xấu lưu truyền hậu thế. Cũng may mà chính Chí là tác giả chính biên của cuốn “Hoàng Lê…” này, vì thế đời sau chúng ta mới có được nguồn sử liệu và một kiệt tác văn học kinh điển vô cùng quý giá. Có lẽ do thế mà tên tuổi Chí trong sử sách thường được tôn trọng. Nhưng công ra công mà tội ra tội, ý tưởng sang cầu quân Thanh, Chí vẫn là kẻ đưa ra đầu tiên. Và điều cuối cùng tôi muốn nói về Chiêu Thống, là vị vua này không thức thời bằng Trình Bồng. Bồng họ hàng Trịnh Sâm, vốn trước đây cũng định ra tranh làm chủ cửa hàng Bắc Hà, khôi phục lại cái ngai chúa Trịnh. Nhưng mấy lần khởi sự mà không thành, Bồng biết không nên cơm cháo gì, liền nghỉ nghề bán phở, chuyên tâm xuất gia làm sư. Tuy cuộc đời sau đó của Bồng coi như bỏ hết, nhưng đỡ được cái tiếng xấu dẫn đường cho giặc.

Còn về captain Tây Sơn, ngài xuất hiện không nhiều trong tác phẩm. Nhưng mỗi lần xuất hiện ngài đều để lại ấn tượng khó phai. Ngài thoắt ẩn, thoắt hiện, thoắt đến, thoắt đi. Đến như những tay chọc trời khuấy nước như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm mà ngài chỉ cần khẽ nhấc tay là đã xử lý xong. Những việc đó nhẹ nhàng tới nỗi tác giả trong truyện phải mượn lời người cung nữ mà than rằng “ Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn…”. Rồi khi quân Thanh kéo đại quân sang nước ta, captain Tây Sơn cũng chỉ một trận là quét sạch. Anh hùng như thế, không thành idol mới là lạ.

Tới đây đã khá dài, đêm thì đã khuya, nên tôi xin dừng bút để đi ngủ. Bài review cho tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” cũng coi như kết thúc. Nếu có hơi cụt hứng, mong bạn đọc thông cảm, vì vợ tôi đang cầm roi mây đứng sẵn chỗ đầu giường rồi.

Chân thành cảm ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *