Người Azerbaijan có 2 ngày lễ độc lập. Ý nghĩa nhất là ngày ''lập quốc'' 28/5/1918, ngày mà người Azerbaijan tự hào trở thành nhà nước Hồi giáo thế tục đầu tiên trên thế giới. Thứ 2 là ngày ''khôi phục độc lập'' – 18/10/1990, tách khỏi Liên bang Xô Viết. Bên cạnh 2 ngày này, còn một ngày rất được coi trọng khác trong lịch sử độc lập của dân tộc Azerbaijan: đó là ngày ''Tử vì đạo'' – 20/1/1991, ngày mà bi kịch diễn ập xuống thủ đô Baku của nước Cộng hòa khiến hàng trăm người thiệt mang – được nói đến với tên gọi ''Tháng Giêng đen.
1/ Bối cảnh
Có 2 nguyên nhân xung đột chính dẫn đến tháng Giêng đen 1990:
Một là xung đột giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan với chính quyền trung ương Liên Xô. Số là từ rất lâu, gần 200 năm Azerbaijan nói chung và thủ đô Baku nói riêng đã là mỏ hút dầu nuôi Đế chế Nga rộng lớn. Tuy nhiên, điều này tăng đến mức cao hơn vào những năm 1980s. Khi đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định tập trung đẩy mạnh hết cỡ việc khai thác dầu mỏ xuất khẩu đề bù vào lượng dầu mà khu vực Trung Đông thiếu hụt do những biến cố (như cách mạng Hồi giáo, chiến tranh Iran-Iraq,…). Việc sản xuất dầu mạnh trong thời gian đó đem về cho Liên Xô nguồn ngoại tệ rất lớn. Nhưng cùng với đó, Cộng hòa XHCN Xô Viết Azerbaijan cảm thấy mình được đối xử không công bằng. Trong khi họ hút dầu hết mức nuôi Liên bang, đầu tư lại cho nước Cộng hòa này bị cho là không tương xứng. Mức sống của khu vực Kavkaz nói chung thua kém khá nhiều so với các vùng khác của Liên Bang Xô Viết như Nga, Ukraine, Belorussia,.. và chỉ ngang với những vùng nghèo như Trung Á hay Siberia.
Chính vì vậy, khi mà những cải cách ở Liên Xô diễn ra, năm 1990 ''Mặt trận bình dân Azerbaijan'' đã thắng cử trong cuộc bầu cử Địa phương ở nước Cộng hòa. Và một trong những mục tiêu đấu tranh của Mặt trận bình dân, là khôi phục độc lập của Azerbaijan như trước năm 1918.
Do lo ngại phong trào ly khai phát triển mạnh, tháng 1 năm 1990 quân đội Liên Xô quyết định tăng cường lực lượng quân sự đến Baku trong đó bao gồm cả những đơn vị không thuộc quân khu Kavkaz. Điều này gây căng thẳng lên cao vào tháng đó giữa người dân khu vực với các lực lượng quân sự mới chuyển đến của Liên bang Xô Viết.
Thứ 2, và là nguyên nhân chính: vấn đề người Armenia. Nếu như những chia rẽ với chính quyền trung ương chỉ là đám lửa nhỏ, thì sự kiện Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan vào ngày 9/1/1990 thực sự là đổ cả tấn dầu vào đốm lửa đó.
Vấn đề Nagorno-Karabakh là một sản phẩm của chính sách tái phân bố dân cư của Stalin những năm 1930. Đây là một khu vực có sự chung sống xen kẽ giữa người Azerbaijan và Armenia, nhưng dưới thời Stalin người Azerbaijan bị chuyển đi nhường chỗ cho người Armenia. Vậy là, hình thành một vùng nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng dân cư đại đa số là người Armenia! Về vấn đề Nagorno-Karabakh có lẽ sẽ đề cập sâu hơn trong bài khác.
Vì vây, khi vùng này bỏ phiếu gia nhập Armenia vào ngày 9/1/1990, các cuộc bạo lực sắc tộc nổ ra ngay tức khắc ở cả Armenia và Azerbaijan. Chỉ riêng tại Azerbaijan, đã có 90 người chết chỉ trong vài ngày. Tình hình này khiến quân đội Liên Xô bắt buộc phải đưa quân vào Baku ổn định tình hình, và dù họ giảm được bạo loạn, nhưng lại tăng xung đột với dân địa phương. Bắt đầu thời gian đó, nhiều nơi trên đường phố Baku, người dân đã dùng oto và đồ đạc chặn đường quân đội tiến vào.
2/ Sự kiện.
Ở Moscow, tổng bí thư Gorbachev rất bối rối về tình hình ở Kavkaz. Ông trao quyền quyết định cho bộ trưởng quốc phòng cứng rắn Dmitry Yazov, người hứa hẹn sẽ dùng quân đội dẹp tan người biểu tình Baku. Tuy nhiên, điều người ta không ngờ tới là đêm 18/1/1990, Bộ trưởng quốc phòng Yazov đã bí mật bay tới căn cứ quân đội Liên Xô ngay sát thành phố Baku.
Vào lúc 7 giờ tối ngày 19/1/1990, Đài truyền hình Baku bị các đặc vụ Liên Xô cho nổ tung. Và vì vậy, dù tình trạng khẩn cấp được ban bố trong đêm đó, người dân Baku không hề được biết cho đến khi trực thăng của quân đội rải truyền đơn thông báo vào sáng hôm sau, 20/1/1990.
Lúc này, quân đội Liên Xô đã thức suốt đêm để dỡ bỏ các chướng ngại vật trên đường phố, nhờ vậy họ đã tràn ngập Baku vào sáng hôm sau. Bất ngờ và bất bình, nhiều người dân Baku đã tấn công quân đội Xô Viết. Để dập tắt, quân đội đã nổ súng, và ở một số nơi xe tăng đã nã pháo vào xe bus chở dân thường làm nhiều người chết.
Trong suốt ngày 20/1/1990, xung đột đã diễn ra trên khắp Baku lẫn các tuyến đường dẫn vào thành phố. Như tại tuyến cao tộc Bina – Gala dẫn vào Baku, quân đội đã nổ súng vào một xe cứu thương, khiến y tá gốc Do Thái Alexander Markhevka thiệt mạng khi đang cứu những người khác. Đây được coi là một trong 5 hướng mà quân đội Liên Xô đã dùng trong cuộc đụng độ ở Baku. Hướng thứ 2 là trên đường Sumgayit, thứ 3 là đường ''Qurd qapısı'', thứ 4 là từ doanh trại Salyan, thứ 5 là từ biển Caspi.
Dịch ra vậy chứ làm gì có ai ở đây hình dung được mấy tuyến đường trên. Vậy nên hãy nhìn trên bản đồ minh họa cho dễ .
Riêng trên hướng từ biển Caspi, quân đội Liên Xô đã cử tàu chở hàng nghìn người Armenia di tản để tránh các cuộc bạo lực nhắm vào họ, và vì vậy đã giảm đáng kể thương vong trong sự kiện này. Trong quá trình diễn ra, các tàu của Azerbaijan đã chặn đường tàu Hải quân Liên Xô rời khỏi cảng, và sau đó cũng bị bắn hỏng nặng với nhiều người thương vong.
Những cuộc đụng độ diễn ra những ngày sau đó và kết thúc ngày 25/1/1990, khi hàng trăm người Azerbaijan bị quân đội Liên Xô bắt giữ và trật tự được khôi phục.
3/ Thương vong và tưởng niệm
Các báo cáo của Azerbaijan sau ngày 25/1 chỉ ra các con số:
-117 người Azerbaijan chết
-6 người Nga, 3 người Tatar và 3 người Do Thái chết.
-26 người Azerbaijan thiệt mạng ở vùng Neftchala và Lankaran, không được tính vào số người chết ở Baku.
-744 người bị thương
-400 người bị bắt
Còn về phía quân đội Liên Xô: công bố 21 binh sĩ thiệt mạng ở Baku, nhưng không nếu rõ nguyên nhân thiệt mạng, gây ra tranh cãi về khả năng ''bắn nhầm'' của quân đội.
Hầu hết những người thiệt mạng đã được tổ chức một lễ tang tập thể vào ngày 22/1/1990 tại một địa điểm mà sau này trở thành ''Hẻm Liệt sĩ'' ở Baku. Khu vực này sau đó nghiễm nhiên trở thành một nghĩa trang của thành phố, sau này các binh lính Azerbaijan chết trận trong các cuộc chiến tranh khác cũng được đưa về đây.
Các sự kiện trong tháng Giêng năm 1990 ở Baku đã có tác động mạnh trong Liên Bang Xô Viết, được coi là thể hiện rõ nhất những bế tắc không thể giải quyết bình thường của Liên bang lúc bấy giờ: chia rẽ với Trung ương, xung đột sắc tộc, kinh tế sa sút,… Nhưng đây là một trong những sự kiện đụng độ đổ máu đầu tiên diễn ra ở Liên Xô, khác với những nơi khác khi những phong trào đòi độc lập diễn ra ôn hòa hơn. Vì điều này, nhiều người Liên Xô lúc đó đã chỉ trích sự bất lực của Tổng bí thư Gorbachev và sự đàn áp quá tay của Bộ trưởng quốc phòng Yazov. Những sự kiện này đã thúc đẩy các nước Cộng hòa nhanh hơn tới ý định độc lập khỏi Liên bang, và đến năm 1991, 15 nước Cộng hòa chấp nhận tách ra, giải thể Liên bang Xô Viết.
Vào ngày 27 tháng 4 năm 1995, tại Istanbul, Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev đã nói về Tháng Giêng Đen: “Tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Baku và gửi quân đội là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời chính trị của tôi''.
Còn đối với đất nước Azerbaijan, sau khi khôi phục độc lập năm 1991, các sự kiện tháng Giêng năm 1990 trở thành một sự kiện quan trọng trong quá trình khôi phục nền độc lập của đất nước. Ngày 20 tháng 1 kể từ đó đã trở thành ngày ''Tử vì đạo'' hay ''Ngày Liệt sĩ'' của Azerbaijan, ngày toàn quốc để tang tưởng niệ những người đã ngã xuống vì nền độc lập. Và ở nơi chôn cất những người nằm xuống – ''Hẻm Liệt sĩ'' – Azerbaijan đã dựng một ''Ngon đuốc vĩnh cửu'' giống như ở Nga dành cho những Liệt sĩ trong thế chiến 2. Nên nhớ rằng ''Hẻm Liệt sĩ'' ở Baku sau này được dùng để chôn cất những binh sĩ Azerbaijan hy sinh ở cả các cuộc chiến khác. Đây cũng là nơi mà năm 2008, Tổng thống Nga Medvedev đã đến đặt vòng hoa tưởng nhớ những nạn nhân của ''bi kịch 2 dân tộc Nga và Azerbaijan''.