Thứ bảy, ngày 31/05/2025 12:22 GMT+7
Thùy Anh Thứ bảy, ngày 31/05/2025 12:22 GMT+7
Miễn kỷ luật với cán bộ công chức trong một số trường hợp; tiền lương chuyên gia cao cấp cao bằng lương bộ trưởng; bỏ thu phí công đoàn với người lao động tại đơn vị sự nghiệp… là những chính sách mới nhất kể từ 1/6 tới.
Lương chuyên gia cao cấp bằng tiền lương bộ trưởng
Nghị định số 92/2025 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp, áp dụng cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở trung ương, có hiệu lực từ 15/6.
Chuyên gia cao cấp là các cán bộ, công chức, viên chức hoặc người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành đều có các chuyên gia cao cấp.

Chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số lương 10,0 được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng với mức lương (lương cơ bản) tương ứng với 23,4 triệu đồng/tháng.
Với chuyên gia cao cấp là cán bộ công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở xuống hoặc không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 1, hệ số lương 8,80 của bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Trợ lý các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0-1,25 thì được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 2, hệ số lương 9,40 của bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Thứ trưởng.
Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,30 trở lên được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 3, hệ số lương 10,0 của bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng.
Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng hiện nay, theo công thức tính lương thì chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ có mức lương tương ứng là 10,0 X 2,34 triệu đồng=23,4 triệu đồng/tháng.
Cán bộ, công chức được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp nào?
Nghị định số 93/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực 15/6.
Tại Điều 1 Nghị định 93 đã bổ sung quy định hình thức kỷ luật bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong các trường hợp: Giữ lại vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của đối tượng vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của đối tượng vi phạm khi xử lý vi phạm hành chính; lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, không đúng hành vi vi phạm hành chính, không đúng đối tượng vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không đúng thẩm quyền, thủ tục và không đúng đối tượng.
Nghị định 93 bổ sung quy định về các trường hợp được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Các trường hợp được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ lỗi của đối tượng vi phạm hành chính; Người ban hành quyết định trong xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra, phát hiện có sai sót và đã thực hiện khắc phục sai sót theo quy định mà chưa gây ra hậu quả.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Hơn 2,6 triệu người được dừng thu công đoàn phí
Từ 1/6 dừng thu công đoàn phí với người lao động làm trong các đơn vị sự nghiệp hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng 100% lương ngân sách. Đồng thời, thực hiện sắp xếp lại công đoàn cơ sở.

Từ 1/6 dừng thu công đoàn phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp hưởng lương 100% ngân sách Nhà nước. Ảnh: N.H
Cụ thể, việc dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn với đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương ngân sách nhà nước, lực lượng vũ trang không thuộc đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết 60 của Ban chấp hành Trung ương đảng yêu cầu dừng hoạt động với công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm thu công đoàn phí với một số nhóm.
Hiện nay có khoảng 2,6 triệu đoàn viên công đoàn cả nước không phải đóng phí từ đầu tháng 6. Tổng số tiền công đoàn phí và kinh phí công đoàn của nhóm dừng đóng khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng công đoàn trong các đơn vị doanh nghiệp vẫn được duy trì, hoạt động thu phí công đoàn.