Tiền không mua được gì?

“Có tiền mua tiên cũng được”. Ngày nay, với tiền, bạn còn có thể mua được nhiều thứ “không tưởng” hơn tiên: một suất nhập học ở đại học hàng đầu Mỹ, bài điếu văn xúc động cho đám tang của người thân, thậm chí “bán trước” cái chết của mình để lấy tiền tiêu xài thỏa thích,…

“Có tiền mua tiên cũng được”. Ngày nay, với tiền, bạn còn có thể mua được nhiều thứ “không tưởng” hơn tiên: một suất nhập học ở đại học hàng đầu Mỹ, bài điếu văn xúc động cho đám tang của người thân, mua Friends là các hot girls trên Facebook, thậm chí “bán trước” cái chết của mình để lấy tiền tiêu xài thỏa thích,…

“Niềm lạc quan vô tận” trên được các nhà kinh tế học cổ súy bằng thuật ngữ thời thượng “thị trường thương mại tự do”, và bạn thật bảo thủ khi lo lắng về những vấn đề đạo đức phát sinh, “thị trường” sẽ tự động điều chỉnh được để làm vừa lòng tất cả.

Ở phía bên kia, Michael Sandel; chính trực và minh triết, như ông hằng thể hiện trong mọi cuốn sách của mình; bằng “Tiền không mua được gì” đã cho chúng ta một phản tư khác. Rằng “sự mù lòa của kinh tế học” đang đẩy con người đến bờ vực của sự quên lãng những giá trị đạo đức cơ bản. Những dẫn chứng, thảo luận trong cuốn sách nhắm đến những sự kiện đương đại nhức nhối nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường, và trong cơn lốc xoáy ấy, càng cần chúng ta cẩn trọng hơn với câu hỏi “Đâu là giới hạn của thị trường?”

Hãy bắt đầu với ví dụ, tiền để mua “sự chăm chỉ”:

Tại Dallas, nhà trường đã trả cho học sinh mỗi khoảng 40 nghìn đồng ($2) trên một cuốn sách chúng đọc được. Ở Chicago, học sinh lớp 9 sẽ được khoảng 1 triệu đồng cho điểm A ($50), 800 nghìn cho điểm B ($35), 500 nghìn cho điểm C ($20). Học sinh nào đứng đầu trường còn được thưởng 40 triệu ($1875) một niên khóa. Áp dụng logic tương tự nhưng dành cho giáo viên, một dự án tại thành phố Nashville, Mỹ đã trả tiền thưởng cho các giáo viên dạy toán trung học tới 335 triệu ($15,000) nếu cải thiện được điểm kiểm tra của học sinh.

Nếu đứa bạn thân của bạn sắp cưới mà bạn chưa nghĩ ra được viết lời chúc như nào, bạn có thể lên trang ThePerfectToast.com, trả lời một khảo sát ngắn về việc bạn đã quen biết cô dâu, chú rể như nào, trả 3.3 triệu đồng ($149) và bạn sẽ có một lời chúc hoàn hảo được chắp bút bởi những người viết thiệp chuyên nghiệp. Tương tự thế, năm 2001 tờ Nytimes viết về công ty chuyên viết lời xin lỗi ở Trung Quốc được soạn những cử nhân đại học được đào tạo bài bản cho nhưng ai có nhu cầu.

Nếu bạn muốn có một Profile “ngon lành” hơn thì sao? Năm 2007, một trang Web tên là FakeYourSpace.com cung cấp dịch vụ cho thuê “Friends” và “Comments” từ các Hot-girls để làm đẹp trang nhà Facebook của bạn với giá chỉ 20 nghìn (99 cent) 1 tháng. (Trang này sau đó bị đóng cửa vì lấy ảnh người mẫu trái phép.)

Nếu bạn muốn một bức tượng vàng Oscar để bày trong nhà nhưng không thể tự lực có được chúng thì sao? Năm 1990, Micheal Jackson đã trả khoảng 33 tỷ đồng ($1.54 triệu đô) cho tượng vàng Oscar dành cho hạng mục Phim hay nhất, trao cho phim Cuốn theo chiều gió. (Sau này thì ban tổ chức đã yêu cầu những người nhận giải Oscar kí thỏa thuận hứa không được bán lại chúng.)

Phòng bệnh không chỉ hơn chữa bệnh mà còn rẻ hơn rất nhiều. Vì thế, các chính phủ, các công ty, các quỹ bảo hiểm bắt đầu trả tiền cho người dân nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Cơ quan y tế quốc gia Anh cố trả những người béo phì khoảng 13.6 triệu ($612) để họ giảm và giữ không tăng cân trở lại trong 2 năm. Cũng ở Anh, một số bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Bipolar disorder) hoặc tâm thần phân liệt (Schizophrenia) được trả khoảng 500 nghìn ($22) nếu đi tiêm thuốc thần kinh hàng tháng. Năm 2009, công ty GE bắt đầu trả các nhân viên của mình 16.6 triệu ($750) để bỏ thuốc lá trong vòng ít nhất một năm. 80% công ty Mỹ hiện đang áp dụng khuyến khích tài chính cho những nhân viên chịu đi rèn luyện sức khỏe.

Trong xã hội mà mọi thứ đều có thể áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết như trên thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trước hết, chúng ta phải công nhân vai trò quan trọng của cơ chế thị trường trong việc phân bố hiệu quả hàng hóa. Từ khi Đổi Mới năm 1986, Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (Nhà nước quyết định sản xuất gì, bao nhiêu và ai sẽ tiêu thụ chúng) sang nền kinh tế thị trường (Các cá nhân trao đổi hàng hóa trên thị trường tự do). Kết quả của sự xé rào này là GDP Việt Nam đã tăng gấp 30 lần sau Đổi Mới, đời sống của người dân và đất nước được cải thiện đáng kể.

Sức mạnh thần kì của nền kinh tế thị trường là điều không cần bàn cãi, nhưng một xã hội thị trường, nơi mọi người không chỉ trao đổi các hàng hóa vật chất, như một mớ rau, một chiếc áo, một chiếc TV LCD, mà sự ham mê đọc sách, tình bạn bè, sự hối lỗi, giải thưởng, trách nhiệm sức khỏe với bản thân… cũng được đem lên mua và bán thì sao?

Nhà triết học trứ danh của đại học Harvard, Michael Sandel, tác giả của khóa học nổi tiếng và cuốn sách cùng tên, Phải trái đúng sai, đã đưa ra 2 luận điểm chính trong cuốn sách Tiền không mua được gì như sau.

Thứ nhất là sự bình đẳng. Khi mà tiền ngày càng mua được nhiều thứ, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nhân rộng. Trước đây, trong nền kinh tế thị trường, người nghèo, dù không thể sánh được với người giàu về nhà cửa, xe cộ, điện thoại, quần áo nhưng ít nhất họ vẫn đang được bình đẳng với người giàu ở một số phương diện ít ỏi, nhưng ngày nay số đó không còn nhiều.

Dù giàu hay nghèo, tất cả mọi người đều phải xếp hàng ở sân bay để đến lượt (tuy nhiên, tại một số sân bay ở Mỹ, bạn có thể trả một số tiền “cắt hàng” để được giải quyết thủ tục bay luôn mà không phải xếp hàng chờ đợi), tất cả đều phải chịu cảnh tắc đường như nhau (tuy nhiên, tại một số bang ở Mỹ, bạn đã có thể trả tiền để đi vào làn xe ưu tiên trong giờ ùn tắc), tất cả đều phải chết như nhau (Vào thời nội chiến Mỹ, những người giàu có thể thuê những người cần tiền để thực hiện nghĩa vụ quân sự thay mình. Mặc dù, hiện tại Mỹ đã theo chính sách quân sự tự nguyện, nhưng phần lớn những người nhập ngũ đó có xuất thân khó khăn).

Trước đây, người nghèo và người giàu còn có thể bắt gặp nhau vài lần trong ngày. Nhưng khi mọi thứ ngày càng thị bị thị trường hóa, lằn ranh giữa giới giàu và nghèo ngày càng hiện rõ. Đây là một bất lợi lớn cho nền dân chủ và sự ổn định của xã hội. Một nền dân chủ khỏe mạnh cần mọi người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể hiểu, thông cảm và thảo luận với nhau, chứ không phải mỗi tầng lớp sống trong một ốc đảo của riêng mình. Sandel kể hồi 12 tuổi, khi đi xem bóng chày, ghế đắt nhất chỉ có giá $3 và rẻ nhất $1.5, còn ngày nay khoảng cách đã tăng lên 6 lần đã là $72 và $11. Bạn giàu hay bạn nghèo sẽ được thể hiện rõ trên sân bóng. Trước đây, nếu trời mưa thì tất cả cùng ướt, nhưng bây giờ chỉ những người ít tiền mới phải mang ô, vì những “VIP” đã có một khu riêng, có mái che và góc nhìn đẹp nhất sân vân động.

Vấn đề thứ hai về xã hội thị trường đó là nó làm tha hoa các giá trị mà bấy lâu nay chúng ta vẫn coi trọng. Các nhà kinh tế cho rằng thị trường là trơ, nghĩa là nó không thay đổi giá trị của vật được đem trao đổi. Điều đó, đúng cho các mặt hàng bạn mua được ngoài siêu thị, nhưng nó không đúng với các mặt hàng phi vật chất.

Khi bố mẹ trao đổi với con 100 nghìn lấy một điểm 10 trong bài kiểm tra, động lực của đứa con đã bị thay thế (crowd out). Nếu trước đây, đứa trẻ có thể đi học vì lòng yêu thích kiến thức, vì sự ham mê tìm tòi thì bây giờ học chỉ để kiếm được tiền thưởng. Mục đích cao quý của việc học đã bị tha hóa.

Việc dùng kích thích tài chính để “đút lót” các công dân bảo vệ sức khỏe của mình cũng làm xói mòn một động lực tốt hơn. Sandel viết: “Sức khỏe tốt không chỉ là chuyện đạt được mức cholesterol và cân nặng hợp lí. Nó còn là về chuyên phát triển thái độ đúng đắn tới tình trạng thể chất của mình và đối xử với cơ thể một cách nâng niu, trân trọng.” Việc trả tiền cho người dân để tập thể dục không khác gì nói rằng: “Bạn không đủ quan tâm tới bản thân mình để bỏ thuốc hay giảm cân sao? Vậy hãy thực hiện nó bởi vì tôi sẽ trả bạn $750.”

Để kiểm chứng tác động tha hóa của đồng tiền trong thực tế, 2 nhà kinh tế học người Mỹ là Uri Gneezy và Aldo Rustichini có làm một cuộc thí nghiệm vào ngày Quyên góp tại Israel. Họ chia các bạn học sinh thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được giảng giải về ý nghĩa của quỹ mà các em sẽ đi xin tiền. Nhóm thứ 2 và 3 cũng được truyền đạt như thế nhưng có khác biệt là nhóm 2 sẽ được thưởng 1% dựa trên số tiền các em quyên góp được và nhóm 3 được 10%. Bạn đoán nhóm nào sẽ gây được nhiều quỹ nhất? Nhóm được thưởng nhiều nhất hay nhóm không được gì?

Kết quả là nhóm không được trả gì quyên góp được nhiều hơn 55% nhóm được trả 1% hoa hồng và hơn 9% nhóm được trả 10% hoa hồng. Lý do ở đây là gì? Động lực tài chính đã thay thế bản chất đạo đức của công việc này. Lý do của việc đi gõ cửa từng nhà xin tài trợ đã chuyển từ trách nhiệm với cộng đồng hay lòng nhân ái của bản thân sang việc kiếm tiền đơn thuần.

Một thí nghiệm nổi tiếng khác cũng về vấn đề trên được thực hiện tại một trường mần non tại Israel. Bực tức vì việc các phụ huynh đến đón con quá muộn, nhà trường đã ra chính sách phạt những cha mẹ đến trễ giờ. Kết quả là số phụ huynh đến muộn không những giảm đi mà còn tăng lên đáng kể. Không chỉ vậy, sau 12 tuần bỏ đi chính sách này, tỉ lệ đến muộn vẫn không suy giảm. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Nghĩa vụ tài chính đã thay thế nghĩa vụ đạo đức. Nếu trước đây, các ông bố, bà mẹ đến đón con muộn sẽ cảm thấy mặc cảm đạo đức vô cùng: có lỗi với con vì để nó đợi, và xấu hổ với nhà trường vì để họ phải làm ngoài giờ. Nhưng khi áp dụng chính sách phạt, thái độ của họ đã thay đổi thành: “Ok, mình có thể đến muộn 15′, nộp tiền phạt là được.” Cảm giác tội lỗi đã hoàn toàn biến mất, mà thay vào đó là cơ chế mua sự đến muộn bằng một khoản tiền như các giao dịch hàng hóa bình thường khác trên thị trường.

Qua rất nhiều ví dụ trong cuốn sách, Sandel nhắc nhở chúng ta rằng thị trường không trung lập về mặt đạo đức như một số nhà kinh tế học vẫn nói. Ngoài việc gia tăng sự bất bình đẳng, nó còn làm đánh giá sai, làm tha hóa những thứ mà hàng hóa phi vật chất mà chúng ta đem ra trao đổi. Sandel kêu gọi chúng ta phải có những cuộc tranh luận công chúng rõ ràng để định xem thị trường nên thuộc về đâu và không nên đi tới đâu. Có những thứ tiền có thể mua được, nhưng vẫn không nên mua.

Trạm đọc (Read Station)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *