Đây là số liệu được lấy ra từ cuốn sách rất nổi tiếng: РОССИЯ И СССР В ВОЙНАХ XX ВЕКА (Nga và Liên Xô trong các cuộc chiến thế kỷ 20) – được coi là tài liệu đầu tiên công bố thương vong trong các cuộc chiến của Nga/Liên Xô mà tính toán dựa trên những số liệu trong kho lưu trữ – thay vì dựa trên những ước đoán cảm tính như trước đó. Tác giả của cuốn sách là Giáo sư, Đại tá quân đội Nga Grigory Fedotovich Krivosheev. Đọc hết 300 trang của cuốn sách (dù đã được dịch sang tiếng Anh đi nữa) thì cũng là quá sức. Nhưng may mắn là đã có vài người tốt bụng đã ngồi lọc ra tất cả những bảng số liệu ghi lại những thương vong này, nên chúng ta có những số liệu tóm tắt sau đây:
-Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905): 52.500 người chết, 564.500 người bị thương.
-Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918): 2.254.369 người chết, 5148180 bị thương
-Nội chiến Nga (1918-1922): 980.741 người chết, 6.791.783 bị thương.
-Cuộc chiến chống phong trào du kích dân tộc Basmachi ở Trung Á (1922-1939): 626 người chết, 867 bị thương.
-Xung đột quân sự Xô-Trung (1929): 281 người chết, 729 người bị thương.
-Hỗ trợ nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939): 189 người chết, không rõ bị thương.
-Hỗ trợ nội chiến Trung Quốc (1923-1941): 227 người chết, không rõ bị thương.
-Trận Hồ Khasal với Nhật Bản (1938): 960 người chết, 3.279 người bị thương.
-Trận Khalkhin Gol với Nhật Bản (1939): 9.703 người chết, 15.952 bị thương.
-Trận chiến Tây Ukraine và Tây Belarus (chiếm từ Ba Lan năm 1939): 1.475 người chết, 2.383 người bị thương.
-Chiến tranh Liên Xô – Phần Lan (1939-1940): 126.875 người chết, 264.908 bị thương.
-Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945): 8.668.400 người chết [1], 22.326.905 bị thương [2].
-Cung cấp hỗ trợ quân sự và quân sự-kỹ thuật cho các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông, tham gia các sự kiện ở Cuba, Hungary và Tiệp Khắc, trong quá trình bảo vệ biên giới nhà nước của Liên Xô và trong quá trình đưa quân vào Afghanistan (1946 -1989): 17.453 người chết, 471.406 bị thương.
-Tham gia vào các hoạt động “chekist quân sự” [3] (1920-1939, 1940-1956), cũng như trong các cuộc xung đột sắc tộc và khu vực trên lãnh thổ của Liên Xô cũ (1988-2000): 18.869 người chết, 78.288 bị thương.
Tổng cộng thế kỷ 20: 12.132.668 người chết, 35.669.180 bị thương.
[1] Chỉ tính số binh sĩ Liên Xô trong biên chế hy sinh. Số lính động viên hy sinh ước đoán khoảng nửa triệu người.
[2] Chỉ tính theo số liệu quân y viện. Số người bị thương trên thực tế lớn hơn nhiều.
[3] ”Chekist quân sự” là thuật ngữ chỉ các hành động của quân đội Liên Xô (bao gồm cả “Khủng bố Đỏ” được hợp pháp hóa) để trấn áp các nhóm vũ trang dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt ở khu vực Tây Ukraine.
Nhận xét thêm: chính tác giả cuốn sách thừa nhận những con số trên vẫn chưa phải tất cả những gì chúng ta muốn có. Có những nhà nghiên cứu ở Nga chỉ trích số liệu của Giáo sư Krivosheev, đa phần họ cho rằng Krivosheev đã hạ thấp con số thương vong trong Thế chiến 2 do không chú ý đến con số binh sĩ Liên Xô hy sinh trong trại tù binh và ở hậu phương.
Và với những ai biết về cuộc chiến ở Tân Cương, Trung Quốc những năm 1930-1949 sẽ thấy rằng thương vong của Liên Xô trong cuộc chiến không được đề cập trong cuốn sách này. Đó cũng là thiếu sót.
Ảnh: sơ đồ ghi lại những nơi chôn cất liệt sĩ Liên Xô ở Trung Quốc trong giai đoạn 1932-1941 được ghi chép phục vụ việc tìm kiếm sau này. Ảnh lấy ra từ sách của Grigory Krivosheev.
