Thứ nhất, làm thuê không có gì xấu. Chỉ có những kẻ ăn không ngồi rồi hay ăn trộm, ăn cắp, lừa gạt người khác thì mới là xấu. Làm thuê thì người ta sống bằng mồ hôi, sức lao động của mình, việc đó hoàn toàn là tốt. Nhưng làm thuê thì đi kèm với cái nghèo. Điều đó thật khó bàn cãi.
Bạn không tin? Để tôi làm cho bạn xem một phép tính:
Hiện nay, bạn làm thuê và lãnh lương 20 triệu đồng một tháng. Cao không? Khá cao so với mặt bằng trung bình hiện nay đấy. Tôi cũng giả sử bạn vừa bước ra đi làm và bạn còn 30 năm nữa để làm việc. Tất cả đều khá lý tưởng.
Mỗi năm bạn lãnh lương 12 tháng, vị chi bạn còn 360 lần lãnh lương nữa. Chà, như vậy nếu mỗi ngày bạn đều lãnh lương, thì bạn lãnh chưa tròn 1 năm thì đã hết (vẫn còn thiếu 5 ngày mới tròn 1 năm)
Và tổng cộng bạn sẽ được nhận là 360 x 20 triệu = 7.2 tỷ đồng (Có thể theo thời gian thì tiền lương của bạn cũng sẽ thay đổi, nhưng trượt giá và lạm phát cũng sẽ thay đổi theo. Nên cứ tính theo mặt bằng hiện nay). Nhiều không? Ồ, nếu tự dưng bạn được nhận một số tiền như vậy ngay bây giờ, thì quả thật nó là một con số đáng mơ ước.
Nhưng đó là con số của cả cuộc đời vất vả của bạn. Và bao nhiêu thứ chi tiêu, bao nhiêu việc đang trông chờ vào số tiền đó: nhà cửa, ăn uống, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ và cả cuộc sống hưu trí khi bạn không còn đi làm nữa…
Liệu bạn làm được bao nhiêu việc với số tiền đó? Trong khi, mua một căn nhà ở Phú Mỹ Hưng đã có thể cần đến số tiền 5 hay 6 tỷ đồng. Cả cuộc đời vất vả của bạn chỉ đủ để mua một căn nhà ư?
Bạn đã nghe “siêu đám cưới” ở Việt Nam mà nghe đồn là chi phí lên đến 25 hay 26 tỷ đồng chửa? Hơn 3 kiếp của bạn đấy (Với điều kiện là có Luân hồi). Mà nhớ sống thọ thọ tý nhé! Sống để có thể làm việc đủ 30 năm thì mới kiếm được số tiền nói trên, chứ không thì 3 kiếp cũng không đủ.
Bạn cũng đã nghe nhiều người mua những chiếc xe vài triệu đô rất dễ dàng, nhưng với bạn, có thể, kiếm 1 triệu đô cần 3 kiếp đấy.
Như tôi tính ở trên, làm thuê KHÔNG THỂ làm giàu được! Và những người giàu có, không ai lại chọn làm thuê để làm giàu và không ai làm giàu nhờ làm thuê cả.
Vì sao lại vậy? Trước tiên hãy trả lời câu hỏi: “Khi bạn đi làm thuê, ai trả lương cho bạn?”
Câu trả lời thường thấy là : “Ông chủ!”.
“Bạn sai rồi đấy, sai cơ bản, sai nghiêm trọng. CHÍNH BẠN là người không chỉ là trả lương cho bạn, mà còn trả lương cho ông chủ của bạn nữa”
Bạn không tin à? Nếu bạn chỉ làm được cho công ty 5 triệu đồng/1 tháng. Có ông chủ nào trả cho bạn 10 triệu đồng/tháng không? Nếu bạn làm được cho công ty 80 triệu đồng/tháng, bạn có được lãnh lương 100 triệu đồng không?
Dĩ nhiên là KHÔNG. Nếu bạn được nhận lương 10 triệu / tháng thì có nghĩa là bạn đã làm cho công ty ít nhất 15 triệu. Muốn được nhận 100 triệu thì bạn cũng đã làm ra cho công ty ít nhất 120 triệu. Phần còn lại, không phải là để trả lương cho ông chủ của bạn sao?
Như vậy, dù là làm thuê với mức lương vài triệu đồng một tháng cho đến cả trăm triệu đồng một tháng, bạn làm thuê “bình dân” hay “cao cấp”, trên thực tế, bạn không bao giờ nhận đủ những gì bạn đã cống hiến, bạn đã làm được.
Vậy tại sao bạn không làm chủ. Để ít nhất bạn làm được 15 triệu thì nhận 15 triệu, làm 120 triệu thì nhận 120 triệu thay vì chỉ nhận 10 triệu hay 100 triệu như đã nói ở trên mà còn phải cảm ơn ông chủ bạn và cầu mong cho ông đừng đuổi việc bạn?
Khi bạn làm thuê, bạn rất khó để làm chủ cuộc sống, làm chủ thời gian và công việc của bạn. Việc của bạn là do sếp giao. Thời gian của bạn là của công ty và bạn có thể bị quản lý thời gian chặt chẽ. Và khi bạn muốn đi chơi, đi du lịch hay đơn giản là có một việc gì đó cần giải quyết thì bạn cũng cần xin phép công ty. Trong nhiều trường hợp là bạn sẽ không được phép nghỉ.
Nhiều người cảm nhận được là cuộc sống thực sự nhàm chán. Sáng dậy thì tất bật đến công ty vì sợ muộn. Đến công ty hôm không có việc cũng phải ngồi đó, khi có việc thì tối mắt tối mũi. Đến chiều lại chen lấn với dòng người về nhà. Mệt! Ngủ! Hết một ngày. Và ngày mai lại thế…
Mỗi tuần được nghỉ ngày chủ nhật, sáng thì ngủ nướng do cả tuần đã phải dậy sớm. Chiều thì giặt đồ, dọn nhà. Thế là đến thứ Hai…
Chúng ta đang sống, chứ không phải là chỉ tồn tại. Và chúng ta cần phải sống thật hạnh phúc, vui vẻ, chứ không phải là một cuộc sống đầy nhàm chán như một con gà công nghiệp vậy được.
Tại sao ta không làm chủ, ít nhất là làm chủ công việc, thời gian và cuộc sống của chính ta? Để ta có thể làm gì ta yêu thích, để có cuộc sống tự do, hạnh phúc hơn?
Rõ ràng là làm thuê có quá nhiều những nhược điểm. Nhưng làm chủ có chắc đã tốt, hạnh phúc và giàu có hơn chăng? Và làm giàu để rồi làm gì?
Tại sao phải làm chủ ?
Trước tiên, tôi xin khẳng định, làm chủ chưa chắc bạn đã có cuộc sống hạnh phúc, giàu có và nhiều tự do hơn làm thuê. Việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta làm chủ như thế nào. Vẫn có nhiều người làm chủ theo kiểu “khổ chủ” chứ không sung sướng gì.
Nhưng ít ra, khi bạn ra làm chủ, và làm chủ đúng cách, thì bạn có cơ hội để trở nên giàu có hơn, hạnh phúc hơn và tự do. Trong khi, người làm thuê, dù có làm tốt đến mức nào đi nữa, vẫn không thể đạt được điều đó.
Bạn không tin ư? Thử quan sát những người giàu có xung quanh bạn, dù là một người nông dân giàu có hay một doanh nhân thành đạt, những người giàu có nhất, có phải họ là những người làm thuê đơn thuần không?
Không! Người nông dân đó chắc chắn làm chủ ruộng vườn, đất đai của mình. Họ tự quyết định sẽ trồng gì, nuôi gì, đầu tư thế nào, thu hoạch khi nào. Họ chắc chắn không phải là người chỉ đi làm thuê cho những người khác rồi trở nên giàu có như vậy.
Một doanh nhân thành công, nếu ông ta vẫn đang làm thuê thì ông vẫn có những khoản đầu tư, những cổ phiếu, cổ tức của công ty ông hoặc những công ty khác. Nếu theo nghĩa đó thì ông vẫn đang làm chủ, là một nhà đầu tư chứ không hẳn chỉ là một người làm thuê.
Hãy tìm một danh sách những người giàu có nhất thế giới, tôi đố bạn tìm ra một ai chỉ đơn thuần làm thuê đấy. Tôi THÁCH THỨC bạn tìm ra đấy. Không có đâu! Vì bản chất của làm thuê là không thể làm giàu và thật giàu được.
Và làm chủ, người ta có cơ hội làm chủ được thời gian, công việc và cuộc sống của chính mình. Còn làm thuê thì khó mà làm được như vậy. Vì sao ư, vì bản chất của làm thuê là bạn cho người khác THUÊ một phần thời gian, sự tự do và cuộc sống của bạn để lấy tiền. Bạn đã cho người khác thuê rồi, thì người ta có quyền sử dụng, có quyền quản lý chứ. Bạn còn ý kiến ý cò gì nữa?
Như vậy, làm chủ chưa hẳn đã giàu có, hạnh phúc và tự do hơn, nhưng dù sao cũng có cơ hội để đạt được những thứ ấy. Còn làm thuê, cơ hội để đạt được những điều trên là không bao giờ. Vậy bạn lựa chọn con đường nào, tùy bạn!
Tôi thường nói về 2 chữ làm giàu hay giàu có. Một số bạn không thích điều đó. Bạn nói tình cảm, niềm tin, tình yêu thương… và những thứ tương tự mới quan trọng, chứ tiền bạc quan trọng gì?
Tôi không nghĩ vậy. Bạn so sánh tiền bạc với tình cảm cái nào quan trọng hơn thì cũng như bạn so sánh giữa chân và tay vậy. Cái nào quan trọng hơn? Nếu bạn nói tay quan trọng hơn thì bạn có dám chặt đôi chân bạn đi không? Cũng như vậy, con người ta cần cả tiền bạc lẫn tình cảm để sống và sống tốt. Và mỗi thứ đều có vai trò riêng của nó.
Tình cảm gia đình tốt đẹp khiến bạn vui vẻ, bình an và gắn bó, hạnh phúc hơn. Nhưng không có tiền làm sao bạn nuôi dưỡng con cái được tốt, bạn phụng dưỡng cha mẹ được chu đáo? Tiền bạc sẽ giúp đảm bảo cho những người bạn yêu thương có cuộc sống tốt. Điều đó có phải là xấu không?
Bạn có lòng thương người, giúp đỡ người khác. Đó thực sự là một viên ngọc trong cuộc đời. Nhưng bạn phải có tiền để giúp họ cái ăn, cái mặc, để tạo cơ hội việc làm cho họ…, chứ bạn chỉ nói, chỉ nghĩ không thôi à? Khi bạn có tiền bạn mới xây được bệnh viện, trường học, trại trẻ mồ côi, mới quyên góp giúp đỡ người khác được. Chứ chỉ có tình cảm không thôi, thì bạn làm điều đó như thế nào?
Bạn có niềm tin vào Phật, vào Chúa… Bạn cảm thấy mình bình an, nhẹ nhàng hơn khi đi lễ ở nhà thờ hay viếng chùa. Nhưng không có tiền, liệu bạn lấy gì xây chùa, dựng nhà thờ? ….
Và dĩ nhiên, bạn cũng không chỉ cần tiền bạc. Mà bạn cũng cần cả tình cảm, niềm tin, tình yêu… trong cuộc sống nữa. Giống như bạn cần cả tay và cả chân vậy. Khiếm khuyết 1 trong 2 bạn sẽ gặp vô vàn những khó khăn. Vì vậy, đừng bao giờ so sánh, công kích hay coi thường, ghét bỏ tiền bạc hay tình cảm. Chúng ta cần tất cả chúng.
Khi bạn làm giàu, thì điều đó không chỉ là cho bản thân bạn, mà còn cho gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con, cho những người bạn thương yêu bạn nhất và cho cả xã hội nữa. Cuộc sống sẽ tốt hơn lên khi điều kiện vật chất được đảm bảo.
Như vậy, nhu cầu làm giàu là chính đáng, là hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên và không có gì là xấu cả. Điều quan trọng là bạn phải cân bằng giữa tình cảm và tiền bạc. Đừng vì tiền bạc mà vi phạm đạo đức, lương tâm, pháp luật. Dùng tiền mà làm việc tốt thì đó là việc rất tốt? Còn không có tiền thì muốn làm việc tốt e rằng cũng khó.
Làm thế nào để thay đổi tư duy làm thuê ?
Trước tiên, bản thân tôi cũng thắc mắc không hiểu tại sao Việt Nam ta lại có tư tưởng bài xích và ghét người giàu. Những câu chuyện cổ tích của ta tuy mang nhiều tính giáo dục nhưng cứ hễ người giàu thì đó là kẻ xấu. Đó là phú ông, phú hộ, bá hộ, lão nhà giàu… toàn những người gian ác.
Nhưng tôi cũng ngạc nhiên là những nhân vật tốt trong truyện, cuối cùng lại “sống GIÀU CÓ và hạnh phúc bên nhau đến suốt đời”. Tôi tự mình đặt câu hỏi: “Nếu câu chuyện không kết thúc ở đó, thì những nhân vật tốt kia, giờ đã trở nên giàu có, có trở thành lão bá hộ độc ác tham lam không?”
Tôi tin là không, những nhân vật đó đều là những người rất tốt bụng, giỏi giang, chịu thương chịu khó. Làm sao họ trở nên xấu xa được. Vậy là bản thân truyện cổ tích có mâu thuẫn. Rõ ràng, không phải người giàu nào cũng xấu, vẫn có những người giàu tốt bụng, tài giỏi. Nhưng tôi, khi không còn là trẻ con nữa, mới nhận ra điều này. Vậy những đứa con Việt Nam, lớn lên từ dòng sữa cổ tích như vậy, sao lại không ghét người giàu và làm giàu cho được?
Lịch sử Việt Nam ta cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy làm chủ, làm giàu của người dân ta. Tôi cũng không dám tùy tiện kết luận nguyên nhân là tại sao, nhưng rõ ràng trong suốt một bề dày lịch sử phong kiến, nước ta ít coi trọng giao thương, buôn bán, và công nghiệp mà chỉ coi trọng khoa bảng và nông nghiệp.
Khi mà các nước xung quanh có những đoàn thuyền buôn hàng trăm chiếc đi khắp nơi trên thế giới giao thương, trao đổi hàng hóa, khi mà Nhật Bản xây dựng thương cảng Hội An ở Quảng Nam rồi sau đó người Trung Hoa sửa chửa, gầy dựng lại thật sầm uất, nhộn nhịp, thì nước ta vẫn chẳng có hải cảng nào đáng kể cho thương nhân nội địa.
Trải qua giai đoạn bao cấp, mọi thứ đều là “xin, cho, cấp, phát”, người dân ta cũng đã quen với suy nghĩ “xin việc”. Chỉ cần xin được một việc làm thì sẽ được cấp gạo ăn, cấp nhà ở, con cái được học hành, có lương hưu khi già, có cuộc sống không đến nỗi nào quá nghèo khổ.
Những tư duy đó đã lạc hậu, cũ kỹ và lỗi thời hết cả rồi.
Nhưng chúng ta vẫn nghe cha mẹ dạy con cái: “Con cố gắng học cho thật giỏi, sau này XIN được một việc làm tốt, ổn định, làm cho nó đỡ khổ.”
Thầy cô giáo phổ thông dạy học sinh rằng: “Các em chọn ngành, chọn trường nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp với mình và dễ XIN VIỆC để thi, để học.”
Giảng viên đại học thì dạy sinh viên rằng: “Trước khi các bạn ra trường, tôi sẽ hướng dẫn các em cách viết CV, cách làm hồ sơ và cách trả lời phỏng vấn khi XIN VIỆC.”
Thế đấy, đó là những con người trẻ, có sức khỏe, có khả năng học hỏi, có đam mê, có nhiệt huyết, có kiến thức, hiểu biết, là tầng lớp trí thức, là những con người ưu tú của xã hội, nhưng tư duy của họ thì chỉ gắn liền với 2 chữ LÀM THUÊ và XIN VIỆC. Cả cuộc đời đi xây dựng ước mơ cho người khác, chả trách sao Việt Nam ta mãi mãi cứ nghèo, còn những nước thuê mướn lao động của nước ta lại ngày một giàu có hơn lên?
Chúng ta cần thay đổi, cần xóa bỏ tư duy đó. Vậy thay đổi thế nào?
Trước tiên, đó phải là thái độ với việc làm giàu và làm chủ. Như đã nói ở trên, làm giàu là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Và làm chủ là một cách hiệu quả để làm giàu và làm giàu chính đáng, cũng như là cách để con người ta làm chủ cuộc sống, công việc và thời gian của chính mình, để cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp hơn.
Thứ hai, chúng ta cần loại bỏ những tư tưởng “dạy con làm thuê” mà hãy “dạy con làm chủ” hoặc “dạy con làm giàu”.
Cha mẹ dạy con cái hãy dạy rằng: “Con phải cố gắng học thật giỏi, để có thể gầy dựng được một cơ nghiệp của riêng mình, sử hữu nhiều doanh nghiệp, nhiều tài sản và trở nên giàu có”
Giáo viên phổ thông hãy dạy học sinh mình rằng: “Các em phải chọn những ngành mình yêu thích. Hãy học không những kiến thức từ nhà trường, sách vở, mà hãy học tất cả những gì em thấy có ích, em cần để thành công. Học từ nhiều môi trường khác nhau. Công việc đó, có thể sẽ gắn bó với em suốt đời, nên các em hãy chọn việc mình yêu thích. Và hãy cố gắng để làm chủ, để giàu có, thành công từ công việc em yêu thích đó.”
Giảng viên Đại học hãy dạy học sinh mình rằng: “Trước khi các em ra trường, tôi sẽ hướng dẫn các em cách viết hồ sơ và trả lời phỏng vấn khi xin việc. Đồng thời, tôi sẽ hướng dẫn các em cách làm hồ sơ xin thành lập công ty và các bước cần thiết để khởi nghiệp, để xây dựng một công ty phát triển. Bước đầu tiên khi mới ra trường, các em có thể đi làm thuê. Nhưng các em không được có suy nghĩ sẽ làm thuê suốt đời. Cuộc sống các em còn rất dài và các em cần phải làm chủ cuộc sống, thời gian và công việc của mình. Hãy không ngừng học hỏi. Hãy làm chủ và làm giàu. Hãy đóng góp cho xã hội. Hãy sống thật vui vẻ và hạnh phúc”
Mục tiêu cuối cùng trong tất cả các hành động của con người là đều nhằm đến một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và ngày càng vui vẻ, hạnh phúc hơn. Bất cứ cái gì khiến cho bạn vui vẻ, hạnh phúc hơn đều đáng để bạn làm cả. Và nếu như làm chủ cho bạn một cơ hội để làm được điều ấy, thì sao bạn không thử nhỉ? Mọi kết quả trong tương lai đều là do bạn quyết định của bạn hôm nay.
Xây dựng tư duy làm chủ như thế nào?
Đây là câu hỏi mà chính bản thân tôi cũng đang phải tìm câu trả lời. Nhưng tôi sẽ trình bày một số quan điểm theo suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân mình. Những gì tôi trình bày chưa hẳn đã chính xác, nhưng cũng mong là có thể giúp bạn tìm ra những ý tưởng cho riêng mình.
Thứ nhất, bạn phải luôn sẵn sàng để học hỏi. Tại sao làm chủ, làm giàu lại liên quan đến học hỏi? Bạn ơi, dù bạn làm bất kỳ việc gì trong cuộc sống này, bạn đều phải luôn luôn học hỏi. Thế giới luôn tồn tại những điều bạn chưa biết, và vẫn đang ngày ngày thay đổi. Do đó, bạn phải liên tục học hỏi để phát triển hơn. Vậy nếu không sẵn lòng học hỏi, thì làm sao ta có thể học được cách tư duy, suy nghĩ và hành động của người giàu và người thành công để trở nên thành công được?
Chúng ta có rất nhiều các nguồn để học hỏi: sách vở, báo chí, video. Nhưng theo tôi nơi để bạn học hỏi tốt nhất đó chính là các lớp học, các lớp chuyên đề về tư duy làm chủ, làm giàu, các lớp phát triển bản thân… Bạn sẽ được học hỏi trực tiếp từ những người giàu và người thành công.
Tại sao lại vậy? Muốn làm giàu, làm chủ bạn không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng. Những điều đó rất quan trọng nhưng không quyết định. Các bạn còn phải cần động lực, khát khao và năng lượng cũng như sự hỗ trợ của mọi người.
Trong một lớp học, mà ở đó, tất cả các thành viên trong lớp, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, làm việc gì, cũng đều có chung một ước mơ, một khao khát, một quyết tâm làm giàu, làm chủ… thì không những bạn sẽ học được kiến thức từ những người thầy, người diễn giả mà còn học từ chính những người bạn học của mình. Bạn sẽ được mọi người truyền đạt kinh nghiệm, năng lượng, động lực, đam mê, khát khao… và những người bạn mới này cũng sẵn sàng giúp đỡ bạn trên con đường tìm kiếm thành công. Điều đó không tuyệt vời hay sao?
Điều tuyệt vời của cuộc sống là chúng ta không ai có thể sống một mình. Chúng ta còn có gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng ta cần có những người bạn bè để chia sẻ, giúp đỡ ta. Ta cần có những người đồng nghiệp, cộng sự, đối tác tin cậy để thành công. Và chúng ta cũng muốn giúp đỡ thật nhiều người… thì các lớp học như trên chính là nơi tuyệt vời để bạn kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ để không những bạn thành công hơn mà còn có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Và ngoài những người bạn học tuyệt vời, bạn còn có thể học hỏi trực tiếp từ những người thầy, diễn giả, những người giàu và thành công. Bạn học được kiến thức, kinh nghiệm, cách suy nghĩ, cách hành xử và thái độ, năng lượng của họ. Được họ truyền cho đam mê, nhiệt huyết và khát khao. Điều đó sẽ giúp ích cho bạn rất rất nhiều.
Bạn có biết câu nói nào là nguy hiểm nhất trong “từ điển” của mỗi con người chúng ta không? Đó chính là câu nói: “Tôi hiểu rồi!”. Có thể bạn đã biết một cái gì đó, đã biết một phần nào đó, nhưng có chắc chắn là bạn hiểu thấu đáo, đã biết rõ toàn bộ vấn đề chưa? Khi bạn nói, bạn nghĩ “Tôi hiểu rồi!” nghĩa là bạn đã tự mình chặn mất con đường học hỏi và tiến bộ của mình.
Nếu hoàn cảnh hiện tại của bạn là chưa giàu, chưa thành công, thì cũng có nghĩa là bạn chưa biết, chưa hiểu một vấn đề nào đó. Nếu bạn hiểu biết hết thì bạn đã thành công, đã hạnh phúc rồi. Do đó, bạn không nên giữ cái suy nghĩ“Tôi hiểu rồi!” mà phải sẵn lòng học hỏi, thay đổi. Kinh nghiệm cho thấy những người luôn miệng: “Tôi hiểu rồi!” thì thường là người chẳng biết gì cả và cũng không phải là người thành công.
Những người thành công mà tôi được biết, những người tôi vẫn ngưỡng mộ, học tập, tìm hiểu, họ học từ những điều hết sức nhỏ nhặt trong cuộc sống. Họ quan niệm rằng những con người tầm thường nhất mà họ gặp hàng ngày vẫn có điều hay để họ học và họ sẵn sàng học hỏi. Còn tôi và bạn thì sao?
Sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ có cơ hội để thành công, nhưng chỉ sẵn sàng học hỏi không thôi, chưa đủ. Bạn còn phải luôn luôn sẵn sàng hành động. Sẵn sàng hành động có lẽ là điều dễ phân biệt nhất giữa người thành công và không thành công.
Khi bạn đọc bất cứ cuốn sách nào về dạy làm giàu, dạy thành công, bạn cũng sẽ gặp câu nhắn nhủ chân tình của tác giả: Tất cả những điều bạn học, bạn đọc được, nhưng nếu bạn không hành động, không trải nghiệm thì cũng sẽ trở nên vô ích mà thôi. Muốn có kết quả thì bạn phải hành động.
Sự thật là như vậy. Nếu như tư duy, tư tưởng, nhận thức, suy nghĩ đều thuộc về thế giới của ý thức thì thành công, giàu có đều thuộc thế giới vật chất. Và hành động chính là bước trung gian để chuyển từ thế giới ý thức sang thế giới vật chất. Nếu không có hành động thì tất cả những suy nghĩ, nhận thức của bạn chỉ mãi mãi là những suy nghĩ và nhận thức mà không trở thành một kết quả cụ thể nào cả. Muốn có kết quả thì bắt buộc chúng ta phải hành động.
Trong khi chúng ta hành động, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng sẽ xuất hiện. Và chúng ta sẽ từng bước, từng bước giải quyết những vấn đề đó và ngày một trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Nếu không bắt tay vào hành động, chỉ bằng suy nghĩ và tư duy, chúng ta sẽ thật khó mà nhận ra được hết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Và do đó, chúng ta cũng thật khó để phát triển bản thân mình.
Trước một ý tưởng mới, một suy nghĩ mới. Có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một là ý tưởng đó là đúng, hai là nó sai. Dù trong trường hợp nó đúng hay sai gì thì việc hành động sớm cũng mang lại nhiều lợi ích. Nếu đó là một ý tưởng đúng, việc hành động sớm sẽ sớm mang lại cho bạn kết quả tốt. Và từ đó, bạn có thể nhanh chóng phát triển tiếp và thành công. Còn nếu nó sai thì sao? Thì bạn cũng sớm nhận ra sự sai lầm của ý tưởng đó để thay đổi, cải thiện nó hoặc vứt bỏ nó đi, triển khai ý tưởng khác. Nếu chỉ suy nghĩ, lưỡng lự, chần chừ bạn chỉ bỏ qua cơ hội mà thôi.
Những người giàu và người thành công không phải là những người không suy nghĩ, tính toán trước khi hành động. Nhưng sau một thời gian cân nhắc, họ bắt tay vào hành động. Họ không chờ đến khi mình biết hết tất cả mọi thứ rồi mới hành động. Vì họ biết rằng trong hành động họ sẽ học được nhiều thứ, sẽ cải tiến dần dần, sửa chữa dần dần cho đến khi thành công. Đợi khi mọi khó khăn, mọi vướng mắc rõ ràng ra rồi mới hành động thì cơ hội cũng vụt qua mất rồi, mà cũng có thể chả bao giờ có cái thời điểm ấy.
Hãy tưởng tượng một quả tên lửa. Bộ điều khiển sẽ tính toán trước hết tất cả các điều kiện về gió, mưa, áp suất… trước khi phóng. Rồi cứ vậy là phóng đi đến đích. Hay tên lửa sẽ được phóng đi, rồi trong quá trình bay, bộ điều khiển sẽ điều chỉnh dần tên lửa tùy theo điều kiện bên ngoài để tên lửa đi đúng mục tiêu?
Người ta chọn cách thứ 2 bạn ạ. Không thể tính toán hết tất cả những gì sẽ xảy ra, những khó khăn sẽ đến. Nhưng nếu vì vậy mà không hành động thì cũng như quả tên lửa kia, sẽ không bao giờ được phóng đi. Vậy thì cứ hành động, rồi từng bước cải thiện, sửa chửa, thay đổi để đạt trúng mục tiêu.
Mình nhận thấy những người thành công có một công thức chung là họ có một độ “liều” rất cao. Họ dám làm việc mà rất nhiều những người khác e ngại hoặc lo sợ, hoặc né tránh. Họ hành động bất chấp sự sợ hãi. Họ hành động quyết tâm và quyết liệt. Họ hành động nhanh chóng và dứt khoát. Trong khi hầu hết những người còn lại thường xuyên trì hoãn, than vãn và oán trách.
Chỉ tính theo quy luật sác xuất thì những người hành động nhiều, hành động liên tục cũng sẽ có nhiều sự thành công hơn hẳn những người còn lại. Giả sử bạn chỉ có một cây tiêu, bạn phóng vào bia, liệu có bao nhiêu phần trăm là bạn phóng tiêu trúng đích. Giả sử một người khác có thật nhiều phi tiêu và anh ta liên tục phóng, phóng, phóng và phóng. Cuối cùng, có phải là dù tệ đến thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng sẽ có một vài cây tiêu trúng đích hay không?
Những người liên tục hành động giống như người ta liên tục phóng tiêu vậy. Thế nào cũng trúng bia được vài cây. Còn người năm thì bảy họa mới phóng được một cây, thì trừ khi anh là một chuyên gia thì mới phóng trúng đích được. Mà nói cho cùng, chuyên gia là gì? Chuyên gia phóng tiêu cũng là người tập phóng tiêu rất rất nhiều và trở nên chuyên nghiệp, điêu luyện. Khi đó thì họ được gọi là chuyên gia chứ gì?
Như vậy, nói cho cùng, hành động luôn luôn thắng không hành động. Và nếu bạn không dám hành động, không hành động quyết liệt và nhanh chóng, bạn thật khó thành công được.
Làm thế nào để hành động. Hãy học hỏi, tiếp xúc với những người giàu, người thành công để học hỏi họ. Hãy đọc sách, xem video, tham dự các khóa học để nạp thêm năng lượng động lực và quyết tâm. Hãy luôn giữ những suy nghĩ tích cực và giao lưu với những người tích cực, những người có cùng mục tiêu, mục đích với bạn. Bạn sẽ có động lực hơn để hành động và thành công.
Nguồn: Sưu tầm
#vinhtran
#trainghiemsong
#sapareviewtattantat
Cùng tham gia nhóm Sapa Review Tất Tần Tật để cùng đi du lịch giá rẻ nhé