Thứ tư, ngày 21/05/2025 15:56 GMT+7
Thu hút loạt trường đại học về đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng để tạo đột phá
Khương Lực Thứ tư, ngày 21/05/2025 15:56 GMT+7
Với kỳ vọng xây dựng Bắc Ninh trở thành một trong các trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu và phát triển hàng đầu của cả nước, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch hai khu đô thị đại học rộng 700ha, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng và một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Trong hai ngày 19 và 21/5, ông Vương Quốc Tuấn – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có 4 buổi làm việc, trao đổi với lãnh đạo 4 trường Đại học lớn: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường về triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở các trường Đại học này tại Bắc Ninh.
Thu hút trường Đại học vào Bắc Ninh chưa như kỳ vọng
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1589/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 định hướng mục tiêu phát triển Bắc Ninh thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Bộ, đồng thời là một trong các trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, gắn kết với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đã Quy hoạch Khu đô thị và Đại học I, Đại học II, tuy nhiên, tỷ lệ thu hút đầu tư các trường Đại học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa đạt kỳ vọng; tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn tỉnh rất thấp, chưa đáp ứng với thị trường phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn, nguồn nhân lực, vật lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh chỉ có 2 trường Cao đẳng đang đào tạo ngành nghề chất lượng cao là Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh và Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh với các nghề như: Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp…
Bên cạnh đó, kết quả tuyển sinh và đào tạo những năm gần đây của tỉnh còn bất cập, tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp (chiếm 16,6% tổng số tuyển sinh); trình độ kỹ thuật viên (cao đẳng) chỉ đáp ứng được gần 15% nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với quy mô tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 2 trường đại học đã được bàn giao đất thực hiện dự án là trường Đại học Luật và trường Đại học Dược, còn lại 5 trường đại học công lập chỉ đang dừng ở bước có văn bản khảo sát địa điểm.
Hai ngày làm việc với 4 trường đại học lớn để đẩy nhanh triển khai các dự án
Trong hai ngày 19 và 21/5, ông Vương Quốc Tuấn – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có 4 buổi làm việc, trao đổi với lãnh đạo 4 trường Đại học lớn: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường về triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở các trường Đại học này tại Bắc Ninh.
Theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 127/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 20/2/2025, khu vực lập quy hoạch chi tiết Trường Đại học Ngoại Thương thuộc phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, diện tích khoảng 33,66ha.
Hiện tại, Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc Bắc Ninh triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết và đang tập trung chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2027. Dự kiến, kinh phí triển khai giai đoạn 1 của dự án khoảng 1.150 tỷ đồng.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, PGS.TS.Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội có chủ trương đầu tư phân hiệu tại Bắc Ninh, với diện tích khoảng từ 12 – 20ha với mục tiêu đào tạo các sinh viên hệ đại học, cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật công nghệ cao như: công nghệ thông tin, chuyển đối số, AI…
Tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu cho Đại học Bách khoa Hà Nội 2 địa điểm: phân khu số 12 khu đô thị Lim mở rộng (Tiên Du) diện tích xấp xỉ 13ha và phân khu số 11, khu vực các xã Liên Bão, Hoàn Sơn, Hiên Vân, Việt Đoàn, Phật Tích, Cảnh Hưng, Minh Đạo (Tiên Du) diện tích xấp xỉ 18ha. Hai phân khu này được quy hoạch là đất đào tạo, nghiên cứu kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông trọng điểm và Thủ đô Hà Nội.
Dự án Xây dựng cơ sở Trường Đại học Y Hà Nội tại tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm có diện tích khoảng 30ha, thuộc khu đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Ninh (huyện Tiên Du). Quy mô của dự án gồm: Xây dựng khu đào tạo, bệnh viện và các viện nghiên cứu ứng dụng y học kỹ thuật cao với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.150 tỉ đồng.
Dự án có mục tiêu phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, là tiền đề đưa Trường Đại học Y Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm Quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Để có thể triển khai Dự án, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bắc Ninh xem xét, hỗ trợ kinh phí và thực hiện các công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ Dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, giai đoạn 2026 – 2030.
Trong khi đó, dự án Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Bắc Ninh – giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến gần 670 tỉ đồng, địa điểm tại phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn.
Đề xuất chính sách hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng
Làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 21/5, ông Vương Quốc Tuấn – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định, tỉnh Bắc Ninh ủng hộ, mong muốn thu hút các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ cao, điện tử…, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án.
Trên cơ sở đề xuất của các trường Đại học, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn giao Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện tờ trình trình Thường vụ Tỉnh uỷ và dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các cơ sở đào tạo, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Ngoại thương tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Ninh dự kiến diễn ra vào ngày 26/5.

Theo dự thảo Nghị quyết hỗ trợ khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trường đại học công lập và bệnh viện công lập tuyến Trung ương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang lấy ý kiến góp ý, tỉnh Bắc Ninh đề xuất sẽ hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện đo vẽ bản đồ địa chính, lập hồ sơ thu hồi đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ một phần chi phí trong khả năng cân đối ngân sách địa phương tỉnh Bắc Ninh để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở thiết kế, quy mô được duyệt, phù hợp với quy hoạch, hạ tầng khu vực.
Để hưởng các chính sách hỗ trợ này, chủ đầu tư phải có báo cáo xây dựng, cam kết lộ trình triển khai thực hiện rõ ràng; dự án đầu tư phải đi vào hoạt động sau 3 năm kể từ khi giao đất và tổng thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm kể từ khi được bàn giao toàn bộ khu đất; đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.