thong-tu-29-sap-co-hieu-luc:-mot-so-truong-tam-dung-day-them,-hoc-them,-nhieu-hieu-truong-ban-khoan

Thông tư 29 sắp có hiệu lực: Một số trường tạm dừng dạy thêm, học thêm, nhiều hiệu trưởng băn khoăn

Một số trường đã dừng dạy thêm hoặc “ngóng” chỉ đạo từ Sở GDĐT

Trao đổi với PV báo Dân Việt ngày 6/2, ông Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Phòng GDĐT quận Ba Đình đã ban hành văn bản gửi hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn để phổ biến và rà soát thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng tinh thần Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024”.

Theo đó, Phòng GDĐT quận Ba Đình đã yêu cầu các trường tuyên truyền, phổ biến toàn văn nội dung Thông tư số 29 tới toàn thể giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh; tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; phối hợp theo dõi và kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cácvi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm: Nhiều hiệu trưởng băn khoăn, lúng túng - Ảnh 1.

Học sinh một trường THCS ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Cũng theo ông Tùng, hiện tại các trường vẫn học tập bình thường đến ngày 14/2 – khi Thông tư 29 có hiệu lực. Trong đó, học sinh cấp 1 học buổi chiều theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cấp 9 ôn thi lớp 10 và một số trường tổ chức bán trú.

“Chúng tôi vẫn đang chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể của UBND Thành phố và UBND quận mới ban hành văn bản sâu hơn tới các trường”, ông Tùng cho biết.

Cô Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội thông tin, Thông tư 29 có hiệu lực bắt đầu từ 14/2 nên trường vẫn đang tổ chức học bình thường và chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong nhà trường gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Cùng với đó, Thông tư quy định 3 đối tượng được dạy thêm học thêm trong trường nhưng không thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn cuối cấp và với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần.

Nhiều trường học đã thông báo tạm dừng dạy thêm, học thêm. Trong buổi họp phụ huynh trước Tết Nguyên đán, Ban giám hiệu Trường THCS Hải Bối, huyện Đông Anh, thông báo dừng dạy thêm. Trường THCS Văn Quán, quận Hà Đông ra thông báo tương tự.

Nhiều băn khoăn

Một hiệu trưởng ở quận Hà Đông cho biết: “Khi nào thông tư có hiệu lực thì nhà trường sẽ thực hiện. Hiện tại trường vẫn tổ chức học bình thường do nhu cầu của phụ huynh.  Học sinh có con học bán trú đang rất lo lắng vì buổi chiều không ai quản lý nếu như nghỉ học buổi chiều. Lứa học sinh này bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên bị tác động không gian mạng.  

Các thầy cô lớp 9 đã phân đủ 19 tiết dạy nhưng nếu không có bồi dưỡng gây khó khăn. Ngân sách có hạn và đã phân bổ từ đầu. Bây giờ chi trả cho các thầy cô tiền thừa giờ sẽ rất lớn. Đây là băn khoăn của người quản lý. Hiện tại chưa có hướng dẫn của Sở GDĐT và Phòng GDĐT nên chúng tôi vẫn đang chờ đợi chỉ đạo”.

Thầy Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, chia sẻ, ra Tết, trường quyết định cho tạm dừng các lớp bồi dưỡng kiến thức (học thêm) trong nhà trường. Theo thầy Sỹ, đây là thời điểm bắt đầu học kỳ II, nếu dạy tới 14/2 rồi dừng cũng không có hiệu quả. Các trường khác ở huyện cũng có quyết định tương tự.

Ngay đầu năm học, cũng như các trường học trên địa bàn thành phố, Trường THPT Lưu Hoàng đã xây dựng khung kế hoạch thời gian cho cả năm học nhưng vì có Thông tư 29 nên bắt buộc phải xây dựng lại kế hoạch học tập khác cho riêng học kỳ II.

Theo ông Sỹ, việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường gây bất cập cho nhiều phía: nhà trường, phụ huynh, học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.

Mức phí học thêm trong nhà trường đang rất phù hợp với điều kiện của phụ huynh là 7.000 đồng/tiết học thêm; tương ứng 21.000 đồng/buổi. Nếu học thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường, mức phí ít nhất là 30.000 đồng/tiết mà chất lượng khó kiểm định. Trong khi đó, không ít khu vực ngoại thành chưa có trung tâm dạy thêm.

Về quy định nhà trường không được thu tiền học thêm của học sinh, hiệu trưởng các trường phổ thông tại Hà Nội đều băn khoăn đặt ra câu hỏi: Nếu không thu tiền thì trường lấy nguồn nào để trả công giáo viên? Giáo viên đi dạy không có thù lao, liệu có bảo đảm chất lượng?

Liên quan đến vấn đề này, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến của các cá nhân, đơn vị và sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND Thành phố sớm ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn Thành phố.

Được biết, một số trường ở các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Dương… đã thông báo dừng dạy thêm. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *