“Ngủ muộn một chút cũng không sao, mình cần hoàn thành xong phần này để kịp công việc ngày mai”. Hơn ai hết, chính bản thân mình thường xuyên làm như vậy.
Hiện tượng, não tự “ăn chính nó” cũng bắt nguồn từ thói quen thức khuya của chúng ta.
KHỚP THẦN KINH BỊ ĂN MÒN
Năm 2017, một nghiên cứu của trường Đại học Marche Polytechnic ở Ý đã phát hiện ra rằng thiếu ngủ sẽ khiến cho các khớp thần kinh bị ăn mòn bởi các tế bào não.
Astrocytes là một tế bào trong não có tác dụng dọn sạch ra các tế bào đã bị hư hỏng và các mảnh vụn. Tuy nhiên, khi bạn mất ngủ thì tế bào này hoạt động tích cực quá mức và phá vỡ nhiều liên kết trong não.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Michele Bellesi, đã ngạc nhiên và phát biểu rằng: “Lần đầu tiên chúng tôi thấy rằng các khớp thần kinh bị các tế bào Astrocytes ăn mất như thế này”.
Một phát hiện đáng lo ngại hơn là nếu thức khuya thường xuyên và thiếu ngủ trầm trọng thì các tế bào não microglial cũng hoạt động tích cực hơn. Một khi tế bào não microglial này càng mạnh thì khả năng gây ra thoái hóa thần kinh lẫn bệnh Alzheimer càng cao hơn.
NÃO TÍCH TỤ ĐỘC TỐ
Trong não có một loại độc tố tên là beta-amyloid. Beta-amyloid tích tụ càng nhiều thì nguy cơ bị bệnh mất trí Alzheimer càng cao.
Tuy nhiên, vào năm 2013, các nhà khoa học nghiên cứu trên chuột và phát hiện ra rằng giấc ngủ cho phép dịch não tủy hòa trộn với các dịch khác để cuốn trôi beta-amyloid khỏi bộ não.
Nhà nghiên cứu Matthew Walker đến từ Đại học California tại Berkeley, Mỹ cũng khẳng định: “Giấc ngủ có khả năng giúp rửa sạch các độc tố trong não vào ban đêm, ngăn chúng tích tụ nên hạn chế phá hủy các tế bào não”.
Do đó, nếu bạn thường xuyên thức khuya thì các độc tố trong não không được rửa sạch, lâu dần dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ, thậm chí mắc bệnh mất trí Alzheimer.
TỔN THƯƠNG NÃO KHÓ PHỤC HỒI
Năm 2014, các nghiên cứu về giấc ngủ của các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania đã chứng minh được rằng những người thức khuya thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương não không hồi phục được.
Tiến sĩ Sigrid Veasey, giáo sư của Trường Y khoa Perelman của Upenn đã giải thích rằng: Các tế bào não cần được nghỉ ngơi. Nhưng do bạn ép buộc não phải hoạt động trong lúc bạn thức khuya nên nguy cơ tổn thương não cao hơn.
SUY GIẢM TRÍ NHỚ
Các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học của Groningen (Hà Lan) và Pennsylvania đã khẳng định tình trạng mất ngủ ảnh hưởng tiêu cực và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với chức năng não đặc biệt là trí nhớ. Thiếu ngủ 5 tiếng dẫn đến mất kết nối giữa các noron trong vùng hippocampus.
Hippocampus là khu vực quan trọng có nhiệm vụ lưu trữ những ký ức mới. Hippocampus cần giấc ngủ để chuyển thông tin được lưu trữ tới các khu vực khác của não.
Trong trường hợp này, nếu thiếu ngủ thường xuyên các thông tin mới không được chuyển đi khiến Hippocampus bị đầy thông tin nên không thể lưu trữ thêm thông tin khác.
CHO NÊN, HÃY ƯU TIÊN CHO GIẤC NGỦ CỦA BẢN THÂN