Thời cai trị của Cleopatra có những điểm sáng nào?

Cleopatra là một thần tượng của người Ai Cập cổ đại, nhưng tất cả những gì tôi biết về bà là mối quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo La Mã [cha con Ceasar] và cách tự sát độc đáo của bà.


Chà, đó là một câu hỏi nhiều khía cạnh, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức.
Trước hết có lẽ tôi nên bắt đầu bằng việc cung cấp bối cảnh. Cleopatra sinh năm 69 TCN, là con của Ptolemy XII, ông là hậu duệ của một trong những vị tướng của Alexander Đại đế, người đã chinh phục Ai Cập gần 3 thế kỷ trước và thiết lập nền quân chủ gốc Hy Lạp ở Ai Cập. Thủ đô của Ai Cập và thành phố nơi Cleopatra dành hầu hết cuộc đời là Alexandria, được thành lập và đặt tên theo Alexander.
Triều đại Ptolemy đã sử dụng hệ thống biểu tượng và tính ngữ của các Pharaoh Ai Cập và kết giao với các tư tế Ai Cập đáng gờm, đặc biệt là tư tế của Ptah, vị thần kiến trúc và thủ công. Trong thời kỳ này, văn hóa Hy Lạp nở rộ và Đại Thư viện và Musaeum Alexandria được thành lập, biến Alexandria trở thành thủ đô văn hóa và trí thức của thế giới trong nhiều thế kỷ tới. Thực dân Hy Lạp và Macedonia được mời đến định cư ở Ai Cập và phục vụ trong quân đội và lính gác của nhà Ptolemy, hầu hết những thực dân này sống ở các thành phố Hạ (Nam) Ai Cập, bao gồm Alexandria, Ptolemais và Naukratis. Nổi lên một tôn giáo đồng nguyên kết hợp các vị thần và truyền thống từ những sự tu tập của Hy Lạp và Ai Cập, nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa của Ai Cập thời Ptolemy phản ánh sự dung hợp này.
Mặc dù vậy, nhà Ptolemy không kết hôn với người Ai Cập, thay vào đó, họ muốn duy trì huyết thống của mình bằng cách nội hôn giữa anh chị em và giữa chú cháu, bằng cách này, họ hạn chế các cuộc tranh quyền đoạt vị giữa các thành viên gia đình. Cleopatra Đệ nhất được xuất giá vào nhà Ptolemy và mang trong mình nửa dòng máu Ba Tư, bà đến từ Vương triều Seleucid Hy Lạp, cũng là hậu duệ của một trong những tướng lĩnh của Alexander và là kẻ thù của nhà Ptolemy. Vì vậy, chúng ta có thể bỏ qua một vài thế hệ xung đột, suy tàn và tranh đoạt nội bộ cho đến thời Ptolemy XII cai trị, cha của Cleopatra (Tôi phải kể cho bạn nghe một chút về ông ấy vì ông đã dựng nền tảng tình huống mà con gái thừa kế, cả trong Ai Cập và trong mối tương quan với Roma).
Ptolemy XII là không chính danh, không chỉ là con ngoài giá thú của Ptolemy XI, mà Ai Cập còn được cho là đã bị Ptolemy X để lại cho Cộng hòa La Mã nhưng các chính khách ở Roma không muốn sáp nhập nó do căng thẳng chính trị ở sân nhà. Anh trai ông, cũng không chính danh, đã được trao vương quốc Síp, vốn là một phần của Vương quốc Ptolemy, để cai trị trong liên minh với Ptolemy XII và bằng cách này, có vẻ như đã có một sự thỏa hiệp chính đáng. Tuy nhiên, Ptolemy XII đã tìm cách củng cố liên minh của mình với La Mã và đảm bảo rằng quyền thừa kế của con mình sẽ được La Mã tôn trọng sau khi ông qua đời, nên ông đã kiếm tìm và hối lộ những người có tầm ảnh hưởng nhất ở La Mã, để Ai Cập chính thức được công nhận là một “bằng hữu và đồng minh” của Cộng hòa La Mã, điều này rốt cuộc đã được chuẩn y sau khi ông cống nạp hậu hĩnh 6.000 talent [ở đây mang nghĩa cân đo] cho Pompey Vĩ đại và Julius Caesar, đồng thời cung cấp khoảng 8.000 kỵ binh cho Pompey. Mặc dù cái giá phải trả rất đắt và để trả món nợ này, Ptolemy XII buộc phải tăng thuế cao hơn bao giờ hết, ông đã được sự công nhận mà mình mong muốn vào năm 60 TCN.
Vào năm 58 TCN, Síp (vốn chưa được công nhận) bị Cộng hòa La Mã xâm lược và vua Síp, người mà sau này đã tự sát do bị sáp nhập và sắp bị cầm tù, bị buộc tội cộng tác với cướp biển trong khu vực. Khi tin tức về điều này đến tai người dân Ai Cập sưu cao thuế nặng và bất hạnh, toàn dân đã phẫn nộ, nhưng Ptolemy XII đã không can thiệp vào Síp, có lẽ nhận ra rằng đó là một kèo không thơm, nhưng dù sao đi nữa, đây dường như là giọt nước tràn ly, khi một cuộc nổi loạn đã xảy ra sau đó và ông ta buộc phải tẩu quốc đến La Mã để cầu viện giành lại vương quốc được quản lý kém cỏi của mình. Mặc dù Sách tiên tri Syballine được cho là đã cảnh báo việc khôi phục ngai vàng của một vị vua Ai Cập, nhưng ông vẫn nhận được viện binh từ quân đội La Mã dưới hình thức lính đánh thuê, nhưng lần này ông đã trả cái giá gần như không tưởng là 10.000 talent cho nhiều chính trị gia khác nhau, trong đó có Aulus Gabinius. Gabinius đã lãnh đạo một cuộc can thiệp quân sự và khôi phục thành công ngai vàng của Ptolemy XII vào năm 51 TCN. Ptolemy sau đó đã bổ nhiệm Gaius Rabirius, một trong những người đã cho ông ta vay tiền ngay từ đầu, làm bộ trưởng tiền xu để chuyển trách nhiệm về giá hàng hóa tăng nhanh và mức thuế khổng lồ lên bộ trưởng La Mã và cuối cùng bắt ông ta vào tù để xoa dịu người dân, nhưng sau đó đã tạo điều kiện cho ông ta trốn thoát và Rabirius đã trở về La Mã vào năm 54 TCN. Vào thời điểm này, đồng tiền đã bị mất giá từ 1/3 đến 1/2 giá trị ban đầu và nền kinh tế đang suy thoái, nhưng đương triều của Ptolemy XII và di sản của ông dường như vẫn an toàn, nếu không muốn nói là đặc biệt tươi sáng.
Quân đoàn của Gabinius, thường được gọi là Gabiniani, ở lại Ai Cập và dần dần nương theo lề lối tập tục của quê hương mới, thậm chí còn yên bề gia thất và tách biệt khỏi La Mã.
Vào khoảng năm 51 TCN, Ptolemy XII qua đời và trong di chúc của mình, ông quy định rằng Cleopatra 18 tuổi và em trai cô lúc đó mới 10 tuổi sẽ cùng trị vì với tư cách vợ chồng theo truyền thống. Mặc dù vậy, Cleopatra vẫn giữ phần lớn quyền hành cho riêng mình, coi Ptolemy XIII trẻ tuổi là bù nhìn, và chỉ khuôn mặt của bà xuất hiện trên đồng xu và các tài liệu hành pháp chính thức vào thời kỳ này.
Đây là lúc mà tôi thực sự có thể bắt tay vào trả lời đầy đủ câu hỏi của bạn (hy vọng vậy)
Vào năm 51 TCN để đảm bảo trợ lực của Thượng Ai Cập và đặc biệt là các giới tư tế ở đó, bà đã thực hiện một chuyến hành trình đặc biệt trên sông Nile để hỗ trợ việc cúng tế một con bò Buchis mới (bò Buchis được cho là hóa thân của thần Montu và có thể nhận dạng bằng bộ lông trắng tinh mọc ngược trên cơ thể và khuôn mặt đen tuyền) và để nhận được sự ủng hộ của các chiến lược gia của Thebes, nơi trước đây từng là pháo đài của tình trạng bất ổn ở Ai Cập, nhưng vẫn là phe ủng hộ trung thành cho đến khi bà qua đời. Tuy nhiên, mối quan hệ của bà với cha mình và nỗ lực độc tài đầy tham vọng với Ai Cập dường như không ổn định ở Alexandria và sau đó, vào năm 50 TCN, hạn hán do sông Nile không đầy như thường lệ trong đợt lũ lụt hằng năm đã dẫn đến một nạn đói, càng làm suy yếu vị thế của cô. Kết quả là một sắc lệnh đã được ban hành, yêu cầu tất cả ngũ cốc đến từ Thượng Ai Cập phải được chuyển đến Alexandria để xoa dịu tình hình ở thủ đô, những người bất tuân sẽ bị xử tử và những người chỉ điểm được khen thưởng hậu hĩnh, những người tự do được nhận 1/3 tài sản của người bị đấu tố, nô lệ nhận được 1/6 tài sản và sự tự do. Ngay cả khi có nguồn cung cấp ngũ cốc yên trí cho đất nước, bà không chỉ giảm bớt tình trạng thiếu lương thực ở các thành phố gần như thuần Hy Lạp và để mặc Thượng Ai Cập chịu số phận như những người tiền nhiệm đã từng làm, mà còn thực hiện những nỗ lực hiệp đồng và rõ ràng là rất thành công để cung cấp viện trợ cho Thượng Ai Cập, bà đã rất thành công trong việc thu phục lòng dân.
Sau một cuộc đảo chính ở Alexandria do Ptolemy XIII lãnh đạo dưới sự quản lý của các cố vấn và với sự hậu thuẫn của Gabiniani, bà trốn sang Syria để gặp các đồng minh của mình và thành lập một đội quân hòng quay trở lại. Tại Syria, bà tập hợp một đội quân nhỏ và tiến quân đến Ai Cập nhưng bị lực lượng vượt trội hơn nhiều của em trai bắt ở biên giới và nếu không có sự can thiệp của người La Mã, bà sẽ mất tất cả mọi thứ gần thành phố biên viễn kiên cố Pelusium. Chỉ riêng điều này đã là một chiến tích ấn tượng nhưng trong trường hợp này, bà ấy gần như chắc chắn đã tận số và dù sao đi nữa, cuộc nội chiến thực sự có tác động tích cực gì? Nó có thể và đã khôi phục lại quyền lực cho bà nhưng cũng có hiệu quả tiêu cực đến cuộc sống của những người bị tác động.
Có thể lập luận rằng mối liên lạc của cô với tướng quân La Mã Julius Caesar là tích cực, theo nghĩa rằng việc nhận được sự ủng hộ của ông ta cho phép bà trở lại ngai vàng và giúp bảo vệ Ai Cập khỏi bị sáp nhập. Tuy nhiên, ngụ ý đạo đức của sự tương tác này và mối tình sau đó giữa hai người cũng có thể được tranh luận và rốt cuộc, điều này không ngăn cản được việc sáp nhập Ai Cập, nó chỉ trì hoãn chưa đầy 20 năm trước khi con nuôi của ông là Octavianus chinh phục Ai Cập.
Sau cuộc nội chiến, bà đã đạt được nhiều thành công hơn nữa và có rất nhiều chữ khắc và lời hiến dâng phản ánh việc xây dựng và cải tạo các khu phức hợp đền thờ, tượng đài và các công trình công cộng khác, đó thường là dấu hiệu của sự thịnh vượng và an ninh nội bộ, đặc biệt là ở Ai Cập. Trong số các dự án này có việc xây dựng Caesareum, khôi phục nhiều kênh đào quan trọng, xây dựng một ngôi đền mới dành riêng cho Isis, một trong những vị thần chính của Ai Cập nổi tiếng khắp Địa Trung Hải, cải tạo và mở rộng Taposiris Magna, cải tạo Serapeum và Thư viện Alexandria nổi tiếng.


Trong thời gian trị vì của mình, bà cũng củng cố nền kinh tế thông qua cải cách thuế má và cải thiện quan hệ thương mại, đồng thời cố gắng giải quyết bộ máy quan liêu phức tạp và tiền tệ bất ổn của Ai Cập.
Tiếp theo là tầm ảnh hưởng của bà trong lĩnh vực tôn giáo, như bạn có thể thấy, tất cả những người tiền nhiệm của bà đã sử dụng tôn giáo giống như các Pharaoh với vai trò chính danh hóa ngôi vị và thần thánh hóa, và đây là một phần lý do đằng sau truyền thống Pharaoh về hôn nhân giữa anh chị em, như Osiris và em gái song sinhvợ Isis, hai vị thần chính của lịch sử Ai Cập (Osiris đã được điều chỉnh cho phù hợp với người Hy-La với tên gọi Serapis, một sự tổ hợp Hy Lạp hóa với bò Apis và Zeus, gọi là Oser-apis) và họ kết hợp các khía cạnh của thần mặt trời Amun-Ra, cùng với Hathor của Ai Cập và nữ thần Hy Lạp Hera.
Cleopatra cũng sử dụng hình tượng truyền thống nhưng tiến thêm một bước nữa, khẳng định mình là hiện thân sống của Isis và con trai bà là Caesarion là Horus, con trai của Isis và Osiris và là người cai trị Ai Cập. Tiền xu được đúc từ thời kỳ này mô tả cô ấy là Isis-Aphrodite với Caesarion là Horus-Eros sơ sinh, gợi lên cả biểu tượng của Ai Cập và biểu tượng tương đương của Hy Lạp, vốn dễ nhận biết hơn trên khắp vùng Cận Đông. Dưới sự bảo trợ của Cleopatra, giáo phái Isis vốn đã có uy tín đáng kể, có các thánh địa vươn xa đến Ấn Độ và La Mã, đã coi vai trò trung tâm trong phần lớn sự tuyên giáo của bà là kim chỉ nam mới. Điều này thực sự gắn liền với sự cống hiến của Cleopatra và sự cải tạo các công trình kiến trúc tôn giáo, cũng như sự hiện diện của bà tại lễ hội dành cho con bò đực Buchis mới và việc ướp xác con bò đực đã chết.
Sau vụ ám sát Julius Caesar vào tháng 3 năm 44 TCN, Cleopatra thấy mình bị mắc kẹt giữa việc hỗ trợ hai phe tranh giành quyền kiểm soát, phe Caesar do Octavianus và Marcus Antonius lãnh đạo và phe Giải phóng do những kẻ ám sát Caesar, đặc biệt là Brutus và Cassius. Một mặt, những thiện cảm từ trước đã khiến bà đứng về phe Caesar, lúc đó Cassius đã kiểm soát phần lớn Đông Địa Trung Hải, địa bàn của chính Cleopatra. Tệ hơn nữa, từ năm 43-42, một trận lũ lụt khác của sông Nile lại dẫn đến mất mùa và bệnh dịch hạch bùng phát ở nhiều thành phố của Ai Cập, khiến đất nước bị suy yếu nghiêm trọng. Trong thời gian này, Cleopatra gửi 3 quân đoàn do Julius Caesar để lại ở Ai Cập cho trung úy Dolabella của phe Caesar, nhưng chúng đã bị Cassius bắt giữ, kẻ mà chuẩn bị xâm lược Ai Cập vốn đã căng thẳng. Tuy nhiên, Cassius buộc phải từ bỏ mục tiêu này để hỗ trợ các đồng minh ở nơi khác và cuối cùng phe Caesar đã thắng trận.
Tuy nhiên, Cleopatra đã có thể khôi phục trật tự nội bộ Ai Cập một cách hữu hiệu, bằng cách một lần nữa cung cấp viện trợ cho Thượng Ai Cập, loại bỏ sự phản đối nội địa và thắt chặt an ninh nội bộ nhưng chỉ tránh được một cuộc xâm lược trong gang tấc.
Vào năm 41 TCN, Cleopatra chính thức tham gia liên minh với Đệ nhị Tam đầu chế (bao gồm Octavianus, Marcus Antonius và Marcus Aemilius Lepidus). Bà được công nhận người thừa kế là con trai Caesarion, cũng như các lãnh thổ mà gia đình bà không nắm giữ trong hơn hai thế kỷ, thông qua liên minh trên và sự ủng hộ của bà đối với các chiến dịch thất bại của Marcus Antonius ở Parthia và (thành công một phần nhưng vẫn vô hiệu một cách đáng xấu hổ) Armenia thông qua thuế quân, tiền bạc, tàu thuyền và vật tư.
Sau Lễ phụng hiến Antioch năm 36 TCN và Lễ phụng hiến Alexandria năm 34 TCN, bà đã được trao quyền kiểm soát chính thức đối với Crete, Cyrene, Síp, Cilicia, Syria, Ai Cập, Phoenicia và các vùng lãnh thổ nhỏ ở Levant, đánh dấu đỉnh cao của nhà Ptolemy trong gần 200 năm. Các khoản phụng hiến gây tranh cãi của Alexandria, không giống như tại Antioch, không có sự phê chuẩn của Viện nguyên lão La Mã và trong đó Marc Antony cũng nhượng lại Armenia, vốn là một thuộc quốc của La Mã, và Media và Parthia vẫn chưa bị chinh phục, và việc Cleopatra chấp nhận tước hiệu hoành tráng “Nữ vương của Chư vương” (Queens of Kings) cho mình và “Vua của Chư vương” (Kings of Kings) Caesarion đã cực kỳ khuấy động cảm nghĩ khắc nghiệt của người La Mã [người La Mã ghét vua và chế độ quân chủ chuyên chế, nên đã lập ra Cộng hòa La Mã], mặc dù có thể cho rằng tất cả những lời tuyên giáo của bà về đế quyển đã có tiền lệ trong các triều đại Ptolemaic, Seleucid, Achaemenid và Arsaces và đã có một giá trị biểu tượng vững chắc.
Tất nhiên, tất cả sự bành trướng này đã bị mất trong cuộc chiến nổi tiếng với Cộng hòa La Mã và chính Ai Cập cũng bị sáp nhập, đó là lý do tại sao bạn đặt ra một câu hỏi thú vị. Cleopatra đã đạt được nhiều điểm sáng trong thời của mình và nhìn chung là một minh quân, nhưng bà cũng thua trong cuộc chiến quan trọng nhất mà mình từng tham gia, phải giao vương quốc của mình, đã tự sát và con trai đầu lòng cũng như tự quân của bà có thể đã bị giết chỉ vài tuần sau.
Điều này thậm chí còn không đề cập đến những ưu nhược điểm của các hành động nồi da xáo thịt của bà, việc thuyết phục Marcus Antonius giết em gái Arsinoe của bà và có thể trước đó đã đầu độc Ptolemy IVX để đảm bảo tính chính danh của bà ấy cũng như của Caesarion. Thật khó để thực sự đánh giá hai mối tư thông ô nhục của bà với hai chính khách La Mã, một người giúp bà phục vị và đánh nợ hậu hĩnh, người còn lại là chủ nhân của Đông La Mã và là một trong hai người quyền lực nhất La Mã, có lẽ tốt nhất là diễn giải chúng với tư cách động thái chính trị.
Điều rút ra là Cleopatra là một cá nhân đầy tham vọng và rành rõi chính trị trong một tình thế ngặt nghèo, có năng lực thực thi những hành động tốt về mặt khách quan nhưng không từ thủ đoạn để phục vụ cho mưu đồ chính trị, đã đạt được gần hết những mục tiêu ngắn hạn, nhưng vẫn thất bại trong việc tái thiết một triều đại đã suy tàn quá lâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *