Đế vương thì cũng là người, cũng biết yêu, và cũng có quyền sủng ái một ai đó. Xung quanh những vị vua trong sử nước ta cũng không thiếu những mối lương duyên. Nhưng thân ngồi ở ngôi cửu ngũ chí tôn, bị bao vây bởi những âm mưu tính toán, mấy người được yên ổn toại nguyện với mong ước của bản thân? Bởi vậy mới nói, những mối duyên như vậy càng cần hơn sự vun vén và bảo vệ để không bị “chết chìm” giữa những nhập nhằng và toan tính chốn cung đình.
Sau vụ đổi ngôi hậu chấn động do Trần Thủ Độ dàn xếp, trong nội bộ triều Trần đã có những rạn nứt. An Sinh vương Trần Liễu, người đã từng làm loạn ở sông Cái vì bị ép nhường vợ cho em, đến hết đời vẫn mang hận, thậm chí còn dặn dò con trai phải rửa thù cho cha. Nhưng chính ông không bao giờ lường được rằng, các con của mình không những không phạm phải điều bất nghĩa mà còn chủ động gắn kết hai nhánh hoàng gia, trong đó có Thiên Cảm Hoàng hậu – sợi dây nối giữa nhà vua và dòng tộc của “kẻ phản nghịch” xưa.
Hoàng hậu vốn có xuất thân cao quý, là con gái An Sinh vương Trần Liễu và là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú. Năm 1237, Thuận Thiên Công chúa (tức chính thất của cha bà Thiên Cảm) bị đưa vào hậu cung thay cho em là Chiêu Thánh Hoàng hậu. Trần Liễu phẫn uất họp quân nổi dậy, nhưng sau hai tuần đành ra hàng rồi bị biếm ra Yên Sinh. Bà và các anh chị em đều bị giữ lại ở Thăng Long và phải nương nhờ Thụy Bà công chúa, có lẽ là như những “con tin” của triều đình để ngăn cha họ tạo phản lần nữa.
Và trong chính những ngày tháng đó, bà đã gặp Thái tử Trần Hoảng “dáng người hòa nhã, khôi ngô, có nhã lượng”, là người được lựa chọn để trở thành Hoàng đế Đại Việt sau này. Trai tài gái sắc cảm nhau là thường, nhưng bà lại là con gái của kẻ có tư thù với triều đình, hơn nữa lại không phải đích nữ, sẽ không bao giờ được chọn để làm Hoàng hậu tương lai.
Thế nhưng tình yêu của họ đã vượt lên những lời dị nghị và cả mối thù năm xưa. Bà được phong làm Thiên Cảm Phu nhân vào tháng 8 năm 1258, chỉ 6 tháng sau khi Thái tử lên ngôi. Không lâu sau lại được phong Hoàng hậu, trở thành chiếc cầu nối giữa hai gia đình hoàng tộc.
Ngày 11 tháng 11 cùng năm, bà hạ sinh Hoàng trưởng tử Trần Khâm. Dựa vào các mốc thời gian trên, có thể thấy bà đã được sủng hạnh trước cả khi được sách phong, và chính cái thai trong bụng mới là thứ giúp bà lấy được vua. Nhìn theo quan điểm ngày nay thì đây quả là một chuyện tình táo bạo, và hai người đã biết đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân của mình, điều mà các bậc tiền bối của bà là Chiêu Thánh và Thuận Thiên Hoàng hậu đã không làm được.
Cuộc hôn nhân của Thiên Cảm Hoàng hậu và Thánh Tông có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, đã góp phần làm xói mòn những xích mích để rồi sau này chính anh trai bà là Trần Quốc Tuấn đã đánh đổ nó, tạo tiền đề cho sức mạnh của dòng họ Đông A trước vó ngựa Nguyên – Mông.
Yêu là bản năng của con người. Nhưng với mối tình trên, cần có sự vị tha, táo bạo và cả dũng cảm thì mới có thể vượt qua mọi nghi kỵ để đi đến hôn ước trọn đời. Sau bốn bức tường thành cao vút như ràng buộc số phận con người, không phải nữ nhân nào cũng dám làm ra những việc “tày đình”, cho dù việc đó có đem lại tác dụng tốt cho thời cuộc. Vậy mà Thánh Tông và Hoàng hậu của ông đã làm được; Đế hậu hòa thuận, hoàng tộc gắn kết, xã tắc đồng tâm hiệp lực chiến thắng xâm lăng, thật quý lắm thay.