Thi hài của vua Lê Dụ TôngKhông chỉ nổi tiếng vì sự thịnh trị của nhà Lê trong giai …

Thi hài của vua Lê Dụ TôngKhông chỉ nổi tiếng vì sự thịnh trị của nhà Lê trong giai …

Thi hài của vua Lê Dụ Tông
Không chỉ nổi tiếng vì sự thịnh trị của nhà Lê trong giai đoạn Lê Trung Hưng khi ông trị vì mà ông còn nổi tiếng với hậu thế bởi việc xác ướp của mình được hậu nhân tìm thấy.
Lê Dụ Tông (chữ Hán: 黎裕宗 1679 – 27 tháng 2 năm 1731) là vị hoàng đế thứ 11 của Nhà Lê Trung hưng và thứ 22 của triều Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên húy là Lê Duy Đường (黎維禟, 黎維禎) – là con trai trưởng của vua Lê Hy Tông. . Ông được vua cha truyền ngôi vào tháng 4 năm Ất Dậu (1705) dưới tác động của chúa Trịnh và lấy niên hiệu là Vĩnh Thịnh. Đến năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu thành Bảo Thái.
Ngày 20 tháng 4 nǎm Kỷ Dậu (1729), ông bị An Đô vương Trịnh Cương ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường (sau bị phế làm Hôn Đức công) rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng. Cương mục cho biết rằng, từ khi bị ra ở điện Kiền Thọ, Thượng hoàng u uất, không vui. Đến tháng Giêng nǎm Tân Hợi (1731) thì ông qua đời, hưởng thọ 52 tuổi, truy tôn là Hòa Hoàng đế, miếu hiệu Dụ Tông.
Năm 1958, tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, người ta phát hiện ra mộ của vua.
Ngày 2 tháng 4 năm 1964, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các giáo sư, bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Giải phẫu tổ chức mở nắp quan tài trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Ủy ban Khoa học Nhà nước, Viện Sử học Việt Nam.
Khi được khai quật, thi hài vua Lê Dụ Tông đã bị đét lại, có màu xám nhạt nhưng sau đó toàn thân chuyển thành màu xám đen. Các khớp xương của nhà vua vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi. Chất dầu thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm.
Quan tài của vua Lê Dụ Tông được làm bằng gỗ quý sơn son. Hiện vật gồm chăn bông, vải liệm, áo mặc, giấy bản… đẫm dầu thơm. Tay chân của thi hài được đi tất lụa, chân có giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, trên đầu thì gối một chiếc gối bông, hai tai được nút bằng 2 viên bông bọc lụa, mặt phủ một tấm khăn bằng vải gấm có thêu rồng cùng một chữ Thọ ở giữa và 4 chữ Vạn của nhà Phật ở 4 góc.
Ngoài ra trong quan tài còn có sách, bút lông, túi đựng móng tay, răng rụng, quạt giấy, túi đựng cau trầu, một hộp hình quả cau bên trong đựng thứ bột màu trắng
Những chiếc áo hoàng bào, long bào có thêu nhiều hình rồng năm móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế đã khẳng định thân thế của nhà vua.
Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam đương thời.
Xác ướp vua Lê Dụ Tông được bảo quản ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong 46 năm Từ năm 1964, di hài vua Lê Dụ Tông được bảo quản trong kho có môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện bảo quản hiện vật hữu cơ, nên vẫn được giữ ở tình trạng tốt.
Từ năm 1996, con cháu họ Lê đã có đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin cho phép đưa di hài nhà vua về hoàn táng tại Thanh Hóa. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện này chưa được thực hiện. Tháng 10 năm 2006, Hội đồng họ Lê tiếp tục có văn bản đề nghị với Bộ Văn hóa – Thông tin. Được sự nhất trí của Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, di hài của vua Lê Dụ Tông được đưa về hoàn táng tại Thanh Hóa.
Đúng 1 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 2010 (tức 11 tháng 12 năm Kỷ Sửu), lễ nhập quan và tổ chức đưa di hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện và được hoàn táng tại tỉnh Thanh hóa vào tháng 1/2010.
Nguồn : https://tuoitre.vn/bi-an-nhung-xac-uop-viet—ky-3-su-tro-lai-cua-duc-vua-366309.htm




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *