Trong những tháng năm hoang mang nhất của tuổi trẻ, khi mà bản thân đứng trước nhiều ngả đường, nhiều lối rẽ, chưa thể định hình được rõ ràng tương lai sẽ đi về đâu; người trẻ thường có xu hướng bám víu vào cái gọi là đam mê. Họ tự nhủ với bản thân rằng đam mê sẽ biến tất cả giấc mơ thành hiện thực; rằng chỉ cần mình theo đuổi hoài bão, thành công sẽ tự khắc gõ cửa. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, có chăng bản thân mỗi người nên tự hoài nghi “Theo đuổi đam mê, thành công có đuổi theo bạn?”
1. Theo đuổi đam mê hay sự thực tế?
“Có những đam mê chỉ nên dừng lại ở sở thích, một người chỉ thành công khi biết khai thác thế mạnh của mình. Đừng cố chấp theo đuổi đam mê”, đó là lời khuyên của nhà đầu tư ngôi sao của “Shark Tank” (Mỹ) với khối tài sản lên đến khoảng 3,3 tỷ USD – Mark Cuban
Trên thực tế, có rất nhiều thứ mê hoặc bạn mà chưa hẳn đó là đam mê. Thông thường, theo đuổi đam mê được hiểu nhầm thành theo đuổi sở thích. Đến khi bạn cần phải nghiêm túc cho nó trở thành một công việc, liệu bạn có còn yêu thích?
Trước khi thành công và nổi tiếng như ngày hôm nay, Mark Cuban đã không ngại làm rất nhiều công việc chẳng có thu nhập là bao như: bán tem, bán tiền xu, bán thẻ in hình cầu thủ bóng chày, và cũng đã từng trải qua rất nhiều những giấc mơ được trở thành những người như mình mong muốn.
Ông say mê rất nhiều thứ, thậm chí đã từng có khoảng thời gian ông muốn theo đuổi sự nghiệp làm vận động viên bóng chày. Nhưng sau đó, ông nhận ra mình ném bóng nhanh chỉ đạt 70 dặm/giờ, còn các cầu thủ chuyện nghiệp đạt vận tốc trên 90 dặm/ giờ, nên ông đành gác lại giấc mơ ấy để theo đuổi một giấc mơ khác thực tế hơn.
Vậy đấy, bạn có đam mê và rất khao khát thành công trong lĩnh vực ấy, nhưng… khả năng của bạn không cho phép, liệu bạn có nên cố chấp đeo đuổi nó hay không?
2. Tuy nhiên, có thực sự ta phải vứt bỏ tất cả đam mê?
Thực chất, Mark Cuban vẫn giữ được niềm yêu thích với thể thao dù ông không trực tiếp xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực đó, ông chỉ khôn ngoan đặt nó lên bàn cân với khả năng của bản thân và những gì mình thực sự giỏi.
Có rất nhiều người nuôi dưỡng trong mình những ước mơ thật lớn, những hoài bão rất cao xa, đến mức họ không muốn bắt đầu với những công việc nhỏ vì cho rằng nó không… xứng đáng với mình.
Bạn đừng quên: nhà phát minh thiên tài của nhân loại Thomas Edison từng đi bán rau, rao báo để kiếm tiền trước khi nổi tiếng với phát minh bóng đèn điện; đế chế của gã khổng lồ google bắt đầu từ một garage xe của một căn nhà cho thuê, Mark Zucker- berg bắt đầu Facebook tại một góc nhỏ trong ký túc xá…
Điều đó chứng minh có đam mê và luôn giữ lửa đam mê là một điều đáng mừng, và bạn hoàn toàn có thể thành công. Nhưng bạn không nhất thiết phải tiêu tốn thời gian, tiêu tốn tiền bạc vào điều mà bạn không chắc chắn. Thành công hay không, không quan trọng đam mê lớn cỡ nào, quan trọng là bạn nỗ lực bao nhiêu!
Đó là điều mà tỷ phú Mark Cuban luôn luôn đánh giá cao ở mỗi người, đơn giản chỉ là sự cố gắng chứ không phải đam mê lớn cỡ nào: “Đừng theo đuổi đam mê, hãy theo đuổi nỗ lực. Tôi tiết lộ một bí mật khác cho bạn: Một thứ bạn có thể kiểm soát trong cuộc sống là nỗ lực của bản thân”.
3. Cuối cùng, tất cả vẫn là sự lựa chọn của bạn
Người Phương Tây có câu “Rome wasn’t built in a day”, ngụ ý rằng những việc phức tạp đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn mới hoàn thành được. Nếu niềm yêu say của bạn lớn đến mức “bật ra” thành hành động và khiến bạn chấp nhận làm mọi thứ, nỗ lực một cách điên cuồng thì ngại gì mà không theo đuổi. Còn nếu đam mê đó chỉ dừng lại ở mức sở thích như Mark Cuban thì nghe lời khuyên của người đàn ông này có lẽ không phải ý tồi!
Ai đó từng nói rằng: “Tình yêu thì chỉ có một. Những cảm xúc na ná tình yêu thì rất nhiều. Đam mê cũng tương tự.” Bởi vậy, hãy dè chừng với một trong những slogan truyền cảm hứng nhất mọi thời đại: “Hãy theo đuổi đam mê”. Nếu không, bạn sẽ phải trả giá không chỉ bằng một công việc mà còn bằng cả một tuổi trẻ mãi mãi không chạm tới thành công
Nguồn: Ta đi làm với Tây