Thế nào là thật sự dịu dàng?

Khi bố mẹ bạn lạnh nhạt thờ ơ với bạn, tôi đặt một viên kẹo vào lòng bàn tay bạn.

Người dịu dàng nhất tôi từng gặp là mẹ của tôi.

Gia đình của bố tôi không hề ấm cúng. Ông nội bà nội tính tình không tốt, thường dùng bạo lực giáo dục con cái, hơn nữa họ còn thiên vị bác cả. Chỉ khi nào cần giúp đỡ, thì mới nhớ đến bố tôi.

Hồi nhỏ bố tôi trộm thuốc lá và rượu của ông nội, bị ông đánh đến nỗi không xuống được giường, ông càng đánh thì bố càng phản nghịch. Sau này ông nội bởi vì vô số nguyên nhân công việc không thuận lợi, liền lôi bố tôi ra trút giận. 

Mẹ tôi là một người đẹp của cửa hàng ngọc bích. Năm đó xem mắt, bố yêu mẹ từ cái nhìn đầu tiên, nhưng mẹ không ưng ý bố tôi, là bà ngoại nhìn trúng bố… Bố tôi bỏ hút thuốc, uống rượu, uốn tóc, tán gái, trở thành một người bạn trai mẫu mực, cuối cùng rước nàng về dinh.

Lúc nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình không tốt lắm. Tôi vẫn nhớ mang máng, trước khi tôi lên tiểu học, sống trong phòng gia đình ở cơ quan của bố, căn phòng cũng chỉ mười mấy mét vuông, không có phòng bếp, không có toilet.

Chẳng qua, bởi vì gia đình chúng tôi tình cảm ấm áp, cho nên tôi không hề cảm thấy cuộc sống khổ cực.

Trong kí ức tôi có một cảnh tượng mơ hồ. Vì phòng nhỏ, giường chiếm 1/2 diện tích. Có hôm, mẹ bế tôi ngủ trưa, bố mở cửa bước vào, rón rén đi tới, hôn tôi, hôn cả mẹ. Thấy chúng tôi tỉnh giấc, bố cười nói: Hai mẹ con ngủ được thật đấy.

Hồi nhỏ, tôi cực kì thích ăn eclairs (một hãng socola). Trong ấn tượng của tôi, những năm 90 và đầu thế kỉ 21, kẹo này đắt lắm. Bởi vì nhà không có tiền, mua rồi phải ăn tiết kiệm. Bố tôi cũng thích ăn, thỉnh thoảng giành ăn mấy miếng với tôi.

Bố tôi từng làm lính, phải huấn luyện rất vất vả, để lại chứng giãn tĩnh mạch. Tôi nhớ là, tĩnh mạch trên chân bố giãn ra, màu chân cũng thay đổi, cực kì đáng sợ.

Năm lớp 1 – 2 gì đó, bố tôi làm phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch. Nghe nói bây giờ có phương pháp phẫu thuật tiến bộ hơn rồi, lúc đó, phải rạch khoảng 7 đường trên chân, là một cuộc phẫu thuật gây tê.

Ông bà nội và gia đình tôi sống trong cùng một thành phố. Nghe nói bố tôi phải làm phẫu thuật, họ ra sức khước từ, nói không giúp được gì.

Nghe nói khi bố tôi vừa nhập viện, bà nội có đến hai lần, nói là muốn chăm sóc, nhưng tâm trạng không tốt, ném nồi ném bát. Bố tôi rất uỷ khuất, nên bảo bà nội về nhà đi.

Sau này, mẹ tôi lén lút nói với tôi, có phải mẹ không chăm sóc nổi bố con đâu, việc gì phải trông cậy vào người khác?

Cho nên, bố tôi nhập viện, phẫu thuật, phục hồi sau phẫu thuật, xuất viện, tất cả chỉ có một mình mẹ bên cạnh chăm sóc.

Tôi đi học sớm, 5 tuổi rưỡi đã lên tiểu học, khoảng thời gian đó sống ở nhà ông bà nội, họ đưa đón tôi đi học.

Mấy ngày liền không được gặp bố mẹ, tôi nhớ họ đến mức không ngủ được. Nhà ông bà ở tầng 3, buổi tối trước khi đi ngủ, tôi sẽ ngồi bên cửa sổ nhìn xuống đường, mong chờ bố mẹ đến đón tôi về nhà, nhưng đợi mấy ngày liền, bố mẹ cũng chẳng đến, chỉ thỉnh thoảng gọi điện về cho tôi.

Bố tôi làm phẫu thuật không thể xuống giường, mẹ tôi lâu lắm rồi không được ngủ ngon giấc, làm gì có thời gian đến đón tôi.

Sau này tôi nhớ bố mẹ quá, gào khóc muốn đến bệnh viện gặp bố, ông bà nội mới dẫn tôi đến.

Tôi không thể hiểu nổi — Ông bà không phải bố mẹ của bố sao? Ông bà không nhớ bố sao? Phẫu thuật nguy hiểm như thế, ông bà không lo lắng sao?

Bước vào phòng bệnh, bố tôi đang nằm trên giường, đang trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, thần sắc không tốt lắm.

Tôi sà vào lòng bố, nhìn thấy chân bố quấn rất nhiều băng, chạm tay một tí là đau đến nhếch mắt nhăn mày.

Bố cực kì đau lòng ôm hôn tôi, còn nói với tôi phẫu thuật rất suôn sẻ, không phải lo lắng, vài ngày nữa bố có thể đưa tôi đi bơi lội, leo núi rồi.

Bố ôm tôi, thủ thỉ rất nhiều, nhưng không hề nói năng gì với ông bà nội. 

Có lẽ là bị bố mẹ làm tổn thương xuyên thấu tâm can rồi nhỉ.

Mẹ tôi vẫn luôn dịu dàng ngồi bên cạnh, cư xử đúng mực, không hề trách móc oán giận, còn cảm ơn hai người đã chăm sóc tôi.

Ngồi một lúc, ông bà nói bệnh viện có vi khuẩn, sợ nhiễm bệnh, muốn dẫn tôi về bằng được.

Tôi ôm cánh tay của bố, không chịu đi, khóc lóc nước mắt rơi lã chã.

Bố tôi lấy ra một túi eclairs bên gối, bóc một viên đút vào miệng tôi, còn lại đưa cho tôi. “Con gái yêu dấu, con mang về nhà ăn nhé, vài ngày nữa bố khoẻ rồi, sẽ đến đón con.

Lúc đó mắt tôi sáng lấp lánh, hỏi bố: “Ở đâu ra vậy ạ?”

Bố tôi cười nói: “Mẹ con mua cho bố đó.

Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa từng nhập viện, không hiểu rằng một mình chăm sóc một bệnh nhân đi lại bất tiện, vất vả nhường nào. Huống chi, bố tôi 1m78, là một kiện tướng vận động, một thân cơ bắp. Mẹ tôi 1m65, khoảng 45 kg, thân thể yếu ớt, một cơn gió cũng có thể thổi bay. Chênh lệch vóc dáng giữa hai người thật sự rất lớn.

Nhưng mà, dù không ngủ không nghỉ, dù chạy đôn chạy đáo, mẹ tôi vẫn nhớ mua kẹo cho bố. 

Sau này, mẹ tôi ở cơ quan bị người ta chèn ép, cơ thể không khoẻ, bố tôi bảo mẹ từ chức, bản thân bắt đầu khởi nghiệp. Trải qua vô số vất vả thăng trầm, mặc dù không có nhà lớn việc to, nhưng ở thành phố nhỏ, cũng xem là trung lưu rồi.

Lúc làm ăn tốt nhất, dưới sự thuyết phục của mẹ, bố tôi đã bán công ty nhỏ, quay lại bắt đầu đi làm, không có áp lực, cả người năng động vui vẻ hơn nhiều.

Sau này, tôi hỏi mẹ: “Lúc kiếm được nhiều tiền nhất, tại sao mẹ lại khuyên bố rút khỏi cạnh tranh?”

Mẹ tôi nghiêm túc nói: “Con không biết đấy thôi, lúc bố con áp lực lớn, cả đêm đều không ngủ được. Tiền thế nào cũng là chuyện nhỏ, ngộ nhỡ người xảy ra chuyện gì, thì phải làm sao?

Lúc mẹ tôi bận trong bận ngoài ủng hộ bố tôi khởi nghiệp, vất vả nuôi nấng tôi, thì ông bà nội đang làm gì…

Họ cãi nhau với bố tôi, nói: “Mày có tiền rồi, thì đưa thêm phí nuôi dưỡng đi.” Mẹ tôi không nói nhiều lời, muốn bao nhiêu đưa bấy nhiêu, chỉ cần họ không giày vò bố tôi là được.

Thực ra ông bà nội là người nhà nước, không thiếu chút tiền nuôi dưỡng này. Họ thật sự không xót xa bố tôi, chưa bao giờ nghĩ rằng họ có làm tổn thương bố hay không.

Bây giờ tôi đã hơn 20 tuổi rồi, cách lúc bố tôi phẫu thuật đã gần 20 năm rồi.

Mấy năm trước, anh họ làm phẫu thuật trĩ sang. Ông bà thương xót bác cả và anh họ, kéo cả nhà cùng nhau giúp đỡ, bận trươc bận sau quan tâm hết mực.

Bố tôi lái xe, chở ông bà đi thăm anh họ. Mẹ tôi nói, trên đường về nhà, khi chỉ còn mẹ và bố, mắt bố đỏ hoe, cực kì tủi thân nói: “Năm đó anh làm phẫu thuật gây tê, cũng không thấy bóng dáng họ.

Bố mẹ thiên vị, thường không nhận ra bản thân đã gây ra cho con cái tổn thương nặng nề thế nào.

Bố tôi là một người đàn ông sắt thép, vết sẹo năm đó, 20 năm vẫn chưa buông bỏ được.

Thật ra ông bà nội rất tốt với tôi. Thật khó để đánh giá khách quan chuyện gia đình, tôi không muốn quở trách ông bà. Nhưng mà, công bằng mà nói, họ… thật sự không phải là bố mẹ tuyệt vời.

Bố tôi hơn 50 tuổi rồi, trên người vẫn có bóng tối của gia đình — tính cách nóng vội, khi tức giận, lời tổn thương gì cũng nói ra. Nhưng mà, bố không hề nóng tính với tôi, chưa từng nói lời gì nặng nề với tôi, càng chưa từng đánh tôi. Tóm lại là một đầy tớ của con gái, muốn sao trời thì không bao giờ tặng mặt trăng. Sự bất hạnh của gia đình, không hề truyền sang tôi.

Bạn của bố thường nói với tôi: “Sau khi có cháu, bố cháu như biến thành một người khác.

Thực ra bố có thể trở thành một người bố mẫu mực, dành cho tôi tình yêu dịu dàng nhất, là bởi vì bản thân bố rất cố gắng, cũng bởi vì mẹ tôi đã âm thầm chữa lành bố.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *