TRAN TAM
Viết truyện ngắn này, tôi muốn tặng các bạn viết và bạn đọc nhân ngày thơ Việt Nam!
THÀY ƠI!
Sau hơn năm năm làm thơ, tôi đã có ngót nghét trăm bài. Săn đón cạy cục mãi, tập thơ đầu hoàn thành và được in. Anh em, bạn bè hỉ hả lắm, khen rối lưỡi. Tôi cũng mừng. Mỗi khi nhìn ngắm đứa con tinh thần mà hãnh diện. Đi ra đường, hồn vui phơi phới, tưởng như tất cả mọi người đã đọc tập thơ. Họ đang thầm khâm phục mình. Lòng lâng lâng, dạt dào cảm xúc. Trên đời, có phải ai cũng làm được thơ, in ấn đàng hoàng trước bàn dân thiên hạ như thế này đâu.
Tôi có anh bạn vong niên cùng quê. Anh là bộ đội hồi kháng chiến chống Pháp, phục viên về với với thẻ thương binh loại 2. Một nửa ngực bên phải bị xẹp. Ngày hè cởi trần tắm rửa, tảng ngực dập dềnh lên xuống trông cũng hãi. Tôi làm thơ, anh cũng biết và thường hay trao đổi với tôi mỗi khi rỗi việc. Anh khe khắt, băm bổ nhận xét. Thơ chú còn non, chủ yếu là thơ ghép vần, đọc cho vui, làm mất thời gian, mất công sức dông dài khoe mẽ, theo kiểu gặp đâu nói đấy. Nhiều khi anh bốp chát, thẳng thắn quá khiến tôi phật lòng. Tận trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ anh nói đúng nhưng sao nghe khó chịu, hệt người đang ốm phải nhận những viên thuốc đắng ngắt. Hình như có chùm gai bồ kết trong lời nhận xét của anh. Mấy năm trước, anh về quê sau ngày vết thương tái phát, không đủ sức làm mỏ nữa. Từ đó, tôi thấy vắng anh.
In xong tập thơ, nhận lời khen như mưa táp, tôi khấp khởi mừng. Tuy không bán được tập nào nhưng tôi vốn xem nhẹ chuyện này. Mang tặng bạn bè, ai cũng hồ hởi. Người khen bìa in đẹp. Kẻ mong được đọc như cầu nắng sau những ngày mưa dầm lê thê. Tôi mang ba chục tập về quê, phân phát cho bà con, anh em láng giềng. Ai cũng tôn trọng. Họ nhao nhao hỏi tôi được những quyền lợi gì sau khi ra tập thơ. Tôi thoải mái vẽ nên những chân trời mơ ước, những sắc cầu vồng rực rỡ. Cho đến một hôm, tôi tìm tới nhà anh.
Anh đang cắm cúi cầm chép (một loại dụng cụ dùng xới đất lật cỏ nhẹ nhàng ở quê tôi) bên những luống rau mơn mởn. Thấy tôi sang, anh ngừng lại, hào hứng dẫn tôi vào nhà. Sau dăm ba câu thăm hỏi tình hình, tôi hãnh diện đưa tập thơ mới in của mình ra, viết viết ký ký tặng anh. Anh cũng mừng, cầm cuốn thơ lên, xem xem, lật giở, trầm ngâm từ mấy trang đầu.
– Em cố gắng mới ra được tập thơ này. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót, em biết vậy. Tặng anh khi nào rỗi rãi đọc và rất mừng được anh cho biết ý kiến!
Anh với với tay, đặt tập sách của tôi vừa tặng lên nóc chiếc tủ đứng:
– Tôi đọc rồi! Nói thật! Thơ chú còn non yếu nhiều mặt. Câu chữ lòng thòng, dôi lời!
– Anh đọc?
– Tôi vừa đọc xong! Cần gì phải đọc hết. Qua dăm ba bài thì biết. Lời giới thiệu của Lê Tử Dũng là đủ. Nhà thơ có danh này, tôi biết. Ông ta vẫn thường chụp ảnh ở chợ Cẩm Phú chứ gì? Tin cậy được! Đọc nhận xét của ông ta, tôi tin đó là những câu hay nhất trong tập. Ngay những câu như thế, tôi đã nhận ra. Thơ chú còn loãng nhạt. Thôi! Cố gắng làm lụng, chắt lọc lấy tinh chất rồi dè xẻn tiết kiệm làm lấy tập sau cho tốt hơn!
Tôi lặng lẽ về sau khi dằng dai một vài câu đưa đẩy cho đỡ nhái. Ý kiến của một người dù có xác đáng, chân thực cũng sao bằng được số đông. Kệ người ta. Chỉ phán là giỏi. Có tài cứ thử làm thơ xem sao?
Năm sau, tôi tập hợp những bài thơ viết trước chưa in cùng những bài mới sáng tác, ra tập thứ hai dày dặn. Bạn bè khen nức nở. Một tờ báo địa phương còn giới thiệu trang trọng ở cuối trang 3 trong tờ báo khổ rộng bốn trang. Tôi khấp khởi mừng, lùng mua và xin hơn hai chục tờ để tặng kèm cho những bạn bè ở xa. Vì thế, tôi mang lên nhà anh trong một lần nghỉ phép.
Anh gạt tờ báo sang một bên, lật giở trang cuối tập sách rồi thủng thẳng:
– Một trăm bốn mươi bài! Năm nay chú bốn tám. Tập đầu chín mươi sáu bài. Như vậy, chú làm một năm còn hơn bốn mươi bảy năm. Thơ thế mà đòi hay thế nào được?
Tôi ngượng chín người. May chung quanh không có ai, tôi thẽ thọt:
– Vâng! Mong anh bớt chút thời gian xem cho em!
Tôi trở lại vùng than, vẫn chăm chú làm thơ trong lúc công việc chuyên môn bề ộn. Chục năm sau, cũng được tập thơ thứ ba. Dày cộp, bìa cứng, in trên giấy hoa tiên bóng đẹp.
Lần này, báo chí tiếp tục ngợi ca. Tờ báo địa phương, tờ báo ngành trong bài nhận xét có in giới thiệu cả bìa sách. Nhân có cuộc thi thơ ở huyện, tôi tham gia luôn. Nghe nói ban giám khảo được chọn ở đâu về có vẻ thích, định trao cho giải khuyến khích. Tôi khoái lắm. Lần này tặng bạn bè không nói gì về chất lượng để gây nên bất ngờ. Ba tâp thơ. Cả một núi công sức chứ có xoàng đâu?
Rồi lại phải gặp anh. Trông anh khắc khổ, già nua hơn những lần gặp trước.
Anh đỡ tập sách, nâng nâng hạ hạ như người đang ước lượng cân cá cân tôm ngoài chợ:
– Chà! Nặng đấy! Dễ cũng hơn cân ấy nhỉ?
– Dạ! Em cũng đã tính thử! Cân hai đấy ạ!
– Ờ! Thế chú hết bao nhiêu?
– Tính tất tật mọi khoản, em chi hết hai mươi lăm triệu!
– Đắt quá! Nếu mang bán cho mấy bà gói xôi chắc cũng được hai trăm ngàn!
– Sao?
– Tập thơ này có tám mươi bài. Trung bình sơ sơ mỗi bài mười lăm gam. Chú in xong lại mang biếu tặng cho từng người chứ có bán được đồng nào đâu? Cả bọn lau chau xúm lại khen nhau chứ biết thế nào là thơ? Làm như thế chỉ kéo tụt thơ xuống thì có chứ vinh danh vinh dự gì? Tốt nhất mang bán cho người gói xôi, cho đồng nát. Vừa đỡ mất công, may ra cũng gỡ gạc được tí vốn. Thôi! Chú cứ về đọc đi đọc lại, cân nhắc kỹ, chọn trong mười, hai mươi lấy một rồi hãy in. Tôi sợ rằng sau này con cháu đọc, nó không hiểu tại sao ông cha nó dở hơi, viết những bài thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, lủng cà lủng củng thế này?
Chả biết tránh mặt vào đâu, tôi ừ ào cho qua chuyện rồi tìm cách lảng. Anh bảo:
– Dạo này anh cũng yếu! Chả biết trời cho bao nhiêu nữa. Tối nay nếu rỗi, chú sang ngủ với anh một đêm. Bận thì thôi, dịp khác…
– Có việc gì không anh?
– Ta tâm tình với nhau tí chút! Lâu nay, anh không biết tầng mỏ thế nào? Bạn bè anh em ra sao?
Đêm ấy, tôi ngủ lại nhà anh. Hai người chuyện trò đến thật khuya. Tôi tế nhị, không nhắc gì đến thơ thẩn nữa. Chính anh lại là người khơi mào, dẫn dắt, chủ động bàn bạc. Làm thơ là xông thẳng vào cuộc sống, thu thập chọn lọc, chưng cất lên để thành hương chứ thơ trong vòng khói thuốc bọt bia tưởng sóng gió bão táp. Hai ba đêm quá giấc ngỡ cuộc đời tràn ngập mất mát lớn lao; nghe phải mấy câu trái tai đã xửng cồ căm giận nghĩ trước mặt mình toàn giặc là hỏng. Không đổ mồ hôi không rơi nước mắt mà đòi có lâu đài nghệ thuật là điều nằm mơ, loạn thần kinh. Thơ phải đọc kỹ, sửa chữa những chỗ vụng về, cắt bỏ những đoạn mình cho là dở mà còn tiếc rẻ. Phải biết xén thơ như cầm dao cắt cứa vào thân thể mình cơ. Thơ sâu như mạch ngầm, rộng như đại ngàn, bí mật như lòng biển, càng khai thác càng thấy chưa với tới thì mới là thơ.
Nhiều khi cao trào, giọng anh vang vang. Vợ anh nằm gian bên trở dậy, nhắc nhở mấy lần. Anh đừng nói chuyện khuya. Ốm đau thế, nói to, thức khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Như được trang bị kiến thức từ những dẫn chứng trong từng bài viết, tôi thấy mình lớn lên sau lời dạy bảo của anh. Thơ là sự lao động nhọc nhằn mà người đọc thấy hồn mình trong sáng, lâng lâng, không thấy sự nhọc nhằn mới thú.
Năm năm sau, tôi về quê. Làng xóm đã thay đổi. Phố lấn làng, làng chen phố. Cửa nhà mọc lên chen chúc, khó nhận ra mồ mả cha ông yên vị nơi nào. Hàng hóa nhiều, ê hề chật cả con ngõ hẹp. Người quen gặp còn giả bộ không nhận ra nhau. Tôi mang theo tập bản thảo mà mình đã chắt lọc từ ba tập thơ trước. Rút gọn, cắt tỉa, chặt chém từng đoạn dài. Tập thơ chỉ còn vẻn vẹn ba mươi bảy bài.
Ghé vào thăm anh. Anh mới mất sắp qua 49 ngày. Trên bàn thờ khói nhang nghi ngút. Tôi thắp hương khấn anh:
– Anh ơi! Em về không kịp nữa rồi. Biết thế này, em đến sớm hơn thì anh em ta còn thêm dịp đàm đạo.
Chị vợ anh chờ tôi khấn khứa xong, mời ra bàn uống nước. Chị bảo:
– Trước mấy hôm anh mất, vẫn nhắc tới chú. Anh dặn phải trao tận tay chú gói giấy này.
Tôi nâng trên tay, lật mở. Mặc dù nhàu nát vẫn dễ dàng nhận ra đó là mấy tập thơ của mình. Lật vài trang, tôi thật sự kinh hoàng khi thấy dấu vết bàn tay anh dập xóa, chữa, gạch xóa hàng loạt trên tập thơ ấy. Điều thật lạ lùng là những chỗ anh sửa chữa, gạch bỏ hầu như trùng với những gì tôi đã chép trên tập bản thảo mới.
Lặng lẽ giở đi giở lại từng trang từ đầu đến cuối. Mắt tôi nhòe nhoẹt nước. Tôi lê người đến bàn thờ anh. Rút ba cây hương, tôi run run đốt rồi quỳ xuống:
– Thày ơi!
Nguồn Doan Hoang Giang