THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 2)
THỜI KỲ THỨ NĂM (SAU 1945 – NHỮNG NĂM 80)
Sau Thế chiến II, trong khi Liên bang Xô viết mở rộng tầm ảnh hưởng lên các nước Đông Âu và đạt được vị thế siêu cường thì Trung Quốc tiếp tục lâm vào tình trạng nội chiến giữa hai phe Quốc Dân Đảng và Cộng sản. Chiến thắng của phe Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo năm 1949 đã đưa đất nước Trung Quốc trở thành đồng minh của điện Kremlin và như vậy sau 38 năm hỗn loạn liên miên kể từ cuộc Cách mạng Tân Hợi cuối năm 1911 trên lãnh thổ Trung Quốc đã hoàn toàn im tiếng súng.
Năm 1949 Liên Xô đã cung cấp cho “Thiên triều đỏ” một khối lượng hàng hóa trị giá 420 triệu rúp và nhận từ nước này hàng hóa và nguyên liệu tổng giá trị 436 triệu rúp. Cũng trong những năm đó, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Trung Quốc một khối lượng vũ khí rất lớn nhưng toàn là các loại vũ khí chiến lợi phẩm thu được của Quân đội Nhật Bản năm 1945.
Trong nửa đầu thập niên 50 Liên Xô là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Từ năm 1951, công dân Trung Quốc bắt đầu học tập tại các nhà trường và các xí nghiệp Liên Xô còn các cơ quan và tổ chức chính quyền Trung Quốc sao chép cơ cấu tổ chức, hình thức và phương pháp làm việc của các cơ quan hoặc tổ chức Liên Xô cùng chức năng.
Việc đánh bại được nước Đức và kiểm soát được Đông và Trung Âu đã làm tăng vị thế của Liên Xô trên trường thế giới. Chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc cùng với việc Liên Xô chế tạo được vũ khí hạt nhân gần như đồng thời trong năm 1949 đã mở ra một cơ hội thực tế để Liên Xô có thể tự tin và có cơ sở để tuyên bố về tham vọng lãnh đạo thế giới, không chỉ trong lĩnh vực hệ tư tưởng mà còn cả trên thực tế.
Tuy nhiên mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia này đã không tồn tại lâu. Liên Xô coi Trung Quốc chỉ như một đồng minh dưới cơ và lệ thuộc giống như các nước vệ tinh nhỏ của họ ở Đông Âu còn Trung Quốc thì với truyền thống lịch sử cũng như quy mô dân số khổng lồ không chấp nhận vị thế chiếu dưới. Quan hệ đôi bên dần lao dốc ngay từ nửa cuối thập niên 50 và cuối cùng dẫn tới chiền tranh năm 1969. Tới thời điểm này thực lực Trung Quốc vẫn kém hơn Liên Xô, nhất là sau hậu quả của những phong trào ‘Đại nhảy vọt’ và ‘Đại cách mạng văn hóa’ do Mao phát động khiến hàng chục triệu người phải bỏ mạng oan ức.
Một điều đáng lưu ý là ngày 16 tháng 10 năm 1964 các nhà khoa học Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tiền Học Sâm (1911 – 2009), một khoa học gia Trung Quốc trở về từ Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ở Tân Cương, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ và Liên Xô. Vũ khí nguyên tử sau này sẽ trở thành lá bùa hộ mạng cho chính quyền Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Liên Xô.
Thời kỳ này Liên Xô vẫn ở trên cơ Trung Quốc nhưng thập niên 70 đã mở ra bước ngoặc trong lịch sử. Dưới áp lực của Liên Xô, Mao hiểu rằng ông ta không thể cùng lúc chống lại cả Nga lẫn Mỹ nên đã quyết định quay trở lại kết thân với Mỹ để cùng chống người Nga. Năm 1972 tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Năm 1979 Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ, bắt đầu quá trình hiện đại hóa Trung Quốc. Từ đây tương quan lực lượng giữa Liên Xô và Trung Quốc dần có sự thay đổi. Trung Quốc tiếp nhận đầu tư công nghệ lẫn nguồn vốn từ các nước tư bản và dần trở nên thịnh vượng trong khi đó Liên Xô bắt đầu lâm vào khó khăn do giá dầu lao dốc, nền kinh tế kế hoạch hóa xơ cứng, tham nhũng lan tràn và gánh nặng chi tiêu quân sự cho đạo quân hơn 4 triệu người đông nhất thế giới. Năm 1985 Liên Xô cũng tiến hành một cuộc cải tổ lớn nhưng không đi đến đâu và cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ năm 1991.
(còn tiếp)