THẬT RA NGƯỜI KHÁC KHÔNG BẬN TÂM VỀ BẠN NHIỀU NHƯ BẠN NGHĨ

Chúng ta thường có xu hướng đánh giá thấp bản thân, và đồng thời cũng nghĩ rằng người khác cũng nghĩ mình như thế. Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, một trong số đó là Hiệu ứng tâm điểm (Spotlight Effect).

Hiệu ứng tâm điểm (Spotlight Effect) là hiệu ứng khiến chúng ta tưởng rằng mình đang bị chú ý nhiều hơn thực tế, ta đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác về chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng luôn có một ánh đèn sân khấu chiếu vào mình, làm nổi bật tất cả những sai lầm hoặc khuyết điểm của chúng ta để cả thế giới nhìn thấy.

Bởi vì chúng ta luôn là trung tâm trong thế giới của riêng mình, đã quá quen với việc nhìn mọi thứ từ góc độ của bản thân nên chúng ta có xu hướng “vật lộn” để đánh giá chính xác quan điểm của người khác.

Ví dụ:

– Nếu bạn thức dậy muộn và đi làm, đi học với mái tóc rối bù, một bộ râu chưa cạo,… bạn nghĩ rằng mọi người đang chú ý và thầm nghĩ xấu về bạn.

– Tương tự, khi mặc quần áo là hàng nhái của các thương hiệu đắt tiền, bạn có xu hướng đánh giá quá cao mức độ mà người khác có thể nhận thấy hoặc quan tâm đến việc này.

– Hãy thử hỏi người khác nhìn vào khuôn mặt mình và có thấy điều gì lạ không? Rất ít người có thể nhận ra lông mày bên trái của bạn hơi lệch, một bên mặt có nhiều nốt ruồi hơn hoặc chiếc răng cửa bị mẻ,… Cho đến khi bạn chỉ ra, người khác mới biết

– Khi cuộc thảo luận nhóm hoặc thuyết trình, bạn cảm thấy lo lắng và bạn cho rằng người khác có thể nhìn thấy điều đó, họ sẽ nhớ những sai lầm của bạn.

Nhưng thật ra khi nói chuyện, ánh mắt của người khác không quá tập trung vào bạn hay những sai sót của bạn như bạn đang nghĩ. Họ cũng đang nghĩ về chính họ hay những gì họ nói mà thôi. Mà ngay cả khi ai đó nhận ra, họ có thể sẽ không quan tâm nhiều và có thể họ cũng không nhớ lâu đến thế.

Nhận thức được hiệu ứng tâm điểm có thể giúp giảm bớt lo lắng hoặc bối rối trong các tình huống xã hội. Học cách giảm thiểu hiệu ứng tâm điểm có nghĩa là học cách không lo lắng quá nhiều về những việc nhỏ mà bạn làm, điều này có thể giúp bạn trở nên ít bận tâm về bản thân, bớt lo lắng và tự tin hơn.

Nguồn tham khảo: effectiviology

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *